Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Lần đầu tiên sau 15 năm trì hoãn không lý do, chính phủ Việt Nam sẽ phải ra điều trần trước Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về việc thực thi các quyền dân sự và chính trị, trong đó có vấn đề Luật An ninh mạng, “Hội cờ đỏ”, tù nhân chính trị, đàn áp biểu tình, bắt giữ tùy tiện, công an tra tấn người dân, v.v.
Hai phiên điều trần lần này diễn ra trong hai ngày, được truyền hình trực tiếp trên website của LHQ vào lúc 21:00 ngày 11/3 và 17:00 ngày 12/3, theo giờ Việt Nam. Mỗi phiên dự kiến kéo dài ba tiếng.
Đây là phiên điều trần nằm trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) của LHQ. Việt Nam lẽ ra phải báo cáo và ra điều trần vào năm 2004 theo yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền, sau khi kết thúc kỳ báo cáo lần thứ hai vào năm 2002. Tuy nhiên, Việt Nam đã không tuân thủ, chậm trễ thời hạn báo cáo một cách không rõ lý do.
Kể từ khi khi gia nhập Công ước vào năm 1982, Việt Nam đã trải qua hai kỳ báo cáo vào năm 1990 và năm 2002.
Tham dự phiên điều trần lần thứ ba này, chính phủ Việt Nam cử một phái đoàn đại diện gồm 24 người đến từ các bộ ngành khác nhau, do ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu.
Theo quy định của Công ước, quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ báo cáo định kỳ trước Ủy ban Nhân quyền về việc triển khai thực hiện Công ước tại quốc gia mình, theo chu kỳ khoảng bốn năm/lần, và báo cáo khi có yêu cầu từ Ủy ban.
Thông qua các phiên điều trần xem xét báo cáo, Ủy ban Nhân quyền sẽ đánh giá mức độ thực thi các quyền dân sự và chính trị tại quốc gia, chỉ ra các hạn chế trong việc thụ hưởng quyền tại quốc gia không đáp ứng được tiêu chuẩn của Công ước, và từ đó đưa ra khuyến nghị giúp quốc gia cải thiện tình hình nhân quyền.
Quang cảnh một phiên điều trần tại Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: gov.mo.
ICCPR là gì?Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) là một công ước cơ bản của LHQ, ra đời vào năm 1966. Cùng với Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 và Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế – Văn hóa – Xã hội 1966, ICCPR góp phần tạo thành Bộ luật Nhân quyền Quốc tế.
Công ước này bao gồm 53 điều, với nội dung chính là quy định các quyền cụ thể thuộc về cá nhân, bên cạnh các trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước trong việc đảm bảo mức độ thụ hưởng quyền của dân chúng tại quốc gia, và quy định về chức năng giám sát công ước của Ủy ban Nhân quyền.
Các quyền này có thể kể đến như: quyền sống (Điều 6), quyền không bị tra tấn (Điều 7), quyền không bị giam giữ tùy tiện (Điều 9), quyền được xét xử công bằng (Điều 14), quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo (Điều 18), quyền tự do biểu đạt (Điều 19), quyền tự do hội họp, lập hội (Điều 21 và 22), quyền tham gia chính trị (Điều 25), v.v.
Bên cạnh đó, Công ước còn có hai Nghị định thư bổ sung. Nghị định thư thứ nhất quy định về thẩm quyền của Ủy ban Nhân quyền trong việc tiếp nhận khiếu nại của cá nhân khi bị vi phạm nhân quyền, và Nghị định thư thứ hai quy định bắt buộc xóa bỏ hình phạt tử hình tại quốc gia thành viên. Hai Nghị định thư chỉ phát sinh hiệu lực khi quốc gia ký kết tham gia. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn hai Nghị định thư này.
Ngoài ra còn có nhiều văn kiện khác liên quan đến Công ước mang tính chất giải thích, làm rõ nội hàm của các điều khoản có thể gây tranh cãi.
Chẳng hạn, Bình luận chung số 34 của ICCPR ban hành vào năm 2011 giải thích về giới hạn của quyền tự do quan điểm và biểu đạt theo Điều 19 của Công ước, theo đó Ủy ban Nhân quyền đề nghị các quốc gia loại bỏ các luật trừng phạt đối với các biểu đạt phê phán nhắm vào những người đang nắm giữ quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, Nguyên tắc Siracusa được ban hành năm 1984 giải thích về phạm vi hạn chế các quyền theo ICCPR, chẳng hạn như nguyên tắc này nêu rõ “an ninh quốc gia” không được viện dẫn mơ hồ và sử dụng một cách tùy tiện nhằm trấn áp các hành vi phản đối ôn hòa, phi bạo lực.
Quá trình giám sát việc việc thực thi Công ước được Ủy ban Nhân quyền LHQ tiến hành. Đây là một uỷ ban của 18 chuyên gia nhân quyền độc lập.
Hiện nay, Công ước này đã có 172 quốc gia thành viên.
Vấn đề Luật An ninh mạng và đàn áp biểu tình sẽ được đặt ra tại phiên điều trần của Việt Nam. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Phiên điều trần của Việt Nam diễn ra như thế nào?Khác với phiên điều trần theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review – UPR) về nhân quyền do Hội đồng Nhân quyền LHQ tiến hành, phiên điều trần theo ICCPR được 18 chuyên gia trong Ủy ban Nhân quyền LHQ tiến hành.
Hai cơ quan này có sự khác nhau về chức năng và nhiệm vụ. Hội đồng Nhân quyền được thành lập và bảo vệ nhân quyền dựa theo Hiến chương LHQ, còn Ủy ban Nhân quyền được thành lập và bảo vệ nhân quyền dựa theo quy định của Công ước.
Điều này có nghĩa rằng, tất cả mọi quốc gia thành viên LHQ đều phải điều trần UPR trước Hội đồng Nhân quyền, còn việc điều trần trước Ủy ban Nhân quyền chỉ được thực hiện sau khi quốc gia ấy phê chuẩn ICCPR.
Về mặt chuyên môn, cơ chế điều trần theo ICCPR do các chuyên gia tiến hành, mang tính khoa học pháp lý cao hơn so với cơ chế điều trần UPR vốn do các chính phủ tiến hành với nhau và chịu tác động mạnh bởi yếu tố chính trị.
Phiên điều trần là buổi đối thoại, chất vấn của các thành viên trong Ủy ban Nhân quyền LHQ đối với phái đoàn đại diện của nhà nước Việt Nam, mà trọng tâm là làm rõ những quan điểm bất đồng với phía nhà nước trong việc áp dụng và thi hành Công ước, cũng như phát hiện các hạn chế trong việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhân quyền LHQ thực hiện công việc này dựa trên thông tin từ báo cáo quốc gia do nhà nước Việt nam đệ trình vào năm ngoái, và các báo cáo song song từ các tổ chức xã hội dân sự, cũng như tham khảo thông tin từ các cơ quan nhân quyền khác của LHQ.
Từ các thông tin này, Ủy ban Nhân quyền sẽ lập một Danh sách các vấn đề đáng quan tâm – tức là những hạn chế nổi cộm về tình hình nhân quyền tại Việt nam, sau đó Ủy ban sẽ chất vấn làm rõ với đại diện phái đoàn Việt Nam trong phiên điều trần.
Qua cách tương tác trực tiếp, Ủy Ban Nhân quyền không chỉ đánh giá về thực trạng nhân quyền Việt Nam, mà còn biết được quan điểm, chính sách của nhà nước trong từng vấn đề. Sau khi kết thúc phiên điều trần, Ủy ban sẽ ban hành một văn bản Nhận xét Kết luận – có giá trị pháp lý và bắt buộc thi hành đối với quốc gia thành viên.
Bản Nhận xét Kết luận sẽ ghi nhận lại mặt tích cực mà quốc gia đạt được, nhưng mặt khác – và chủ yếu – Ủy ban bày tỏ quan ngại về các hạn chế từ trong chính sách và pháp luật của quốc gia làm ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các quyền được quy định trong Công ước, và đưa ra khuyến nghị theo từng vấn đề cho nhà nước thực hiện, và ấn định thời hạn nhà nước phải báo cáo định kỳ về việc triển khai thực hiện các khuyến nghị này.
Vấn đề công an tra tấn thường dân được Uỷ ban Nhân quyền LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình tại phiên điều trần lần này. Ảnh: Chưa tõ nguồn.
Phiên điều trần của Việt Nam có gì đáng chú ý?Theo như Danh sách các vấn đề đáng quan tâm mà Ủy ban Nhân quyền đã công bố trước ngày diễn ra phiên điều trần, Ủy ban chú ý đến 27 vấn đề tiêu cực. Chúng tôi xin phân chia rút gọn thành bốn nhóm vấn đề cơ bản như sau:
Nhóm thứ nhất, khía cạnh luật pháp Việt Nam không tương thích với tiêu chuẩn theo quy định của Công ước. Trong vấn đề này, Ủy ban quan tâm đến hạn chế của Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo và Luật An ninh mạng của Việt Nam vừa được thông qua, cũng như các điều luật liên quan tới hội họp, lập hội, tử hình, các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia và chống chính quyền nhân dân. Ủy ban cũng yêu cầu cung cấp thông tin về vị thế của Công ước so với pháp luật quốc gia, bao gồm sự tham chiếu đến điều khoản Công ước trong quá trình xét xử tại tòa án.
Nhóm thứ hai, bao gồm các biện pháp và chính sách không phù hợp so với Công ước. Các vấn đề này bao gồm tính độc lập của thẩm phán trước đảng cầm quyền và nhánh hành pháp; các biện pháp được tiến hành để thúc đẩy đa nguyên chính trị, đảm bảo quyền ứng cử của công dân không bị phụ thuộc vào sự phê duyệt của đảng Cộng sản Việt Nam hay tổ chức chính trị có liên kết với đảng (Mặt trận Tổ quốc).
Nhóm thứ ba, về thiết lập cơ chế ngăn chặn vi phạm và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, thông qua việc làm rõ cơ chế độc lập giám sát và thanh tra nơi giam giữ; hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Quốc gia (mang chức năng bảo vệ nhân quyền hay kiểm soát việc thực thi nhân quyền); và các tổ chức hội đoàn chính trị – xã hội đặc thù.
Nhóm thứ tư, giải trình các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Các vụ việc Ủy ban nêu ra tiêu biểu như: “Hội Cờ Đỏ” là tổ chức phát ngôn gây hận thù, kích động bạo lực nhắm vào tôn giáo; các cáo buộc tra tấn và đối xử hà khắc, cũng như áp dụng biện pháp cưỡng bức lao động tại các nơi giam giữ; vấn đề đe dọa, sách nhiễm, bắt bớ, bỏ tù, cấm xuất cảnh đối với những người hoạt động nhân quyền; và các vụ việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức để giải tán các cuộc biểu tình liên quan đến thảm họa sinh thái từ Formosa.
Các văn kiện liên quan đến phiên điều trần lần thứ ba của Việt Nam có tại đây.
—
Từ khóa:
gia nhập công ước: accession convention (np)
Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc: United Nations Human Rights Committee
chu kỳ báo cáo: reporting cycle (np)
phiên điều trần: hearing (n)
báo cáo quốc gia: state party’s report (np)
Nghị định thư: Optional Protocol
Bình luận chung: General Comments
Nhận xét Kết luận: Concluding observations