Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Dịch từ bài “The Chinese Communist Party Is Still Afraid of Sun Yat-Sen’s Shadow” của tác giả Bethany Allen-Ebrahimian đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 8/3/2019.
Vào một chiều Chủ nhật năm 1896, khi đang đi dạo trên một con phố ở London, nhà cách mạng lưu vong Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen) bị một nhóm người Trung Quốc tiếp cận. Ông cho rằng họ chỉ muốn bắt chuyện, nhưng sau đó ông nhận ra mình đang bị các quan chức nhà Thanh bắt về Đại sứ quán Trung Hoa. Họ lên kế hoạch bắt cóc ông, dự tính đưa lên một con tàu của người Trung Quốc để áp giải về nước, rồi xử tử ông vì liên quan đến một cuộc nổi dậy thất bại năm trước.
Ông Tôn chỉ là một trong những nhà lãnh đạo trong một mạng lưới trí thức và cách mạng trên toàn cầu của người Trung Quốc với mong muốn cải cách hoặc lật đổ Thanh triều hủ bại. Lý tưởng của họ, lúc đầu bị phân tán rời rạc trong nước do nhà Thanh đàn áp, thì nay lại phát triển mạnh ở nước ngoài khi những nhà bất đồng chính kiến thành lập các cộng đồng cùng chung lý tưởng ở Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Úc, Hoa Kỳ, Anh và các quốc gia khác. Ngày nay, chính phủ Trung Quốc vẫn còn lo nghĩ đến những di sản này. Thật vậy, những di sản của Tôn Trung Sơn ảnh hưởng đến quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới, và trong việc đàn áp mọi sự chống đối tiềm tàng từ các lực lượng nước ngoài.
Tôn được thả, nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh quốc. Ở hải ngoại, ông tiếp tục chỉ đạo nhiều cuộc nổi dậy, và cuối cùng, đỉnh điểm là cuộc lật đổ nhà Thanh và thành lập nhà nước Trung Hoa Dân Quốc vào đầu năm 1912, và ông được giữ cương vị tổng thống lâm thời.
Thế nhưng, các chính phủ Trung Hoa sau này, từ chính phủ Quốc Dân đảng cho đến đảng Cộng Sản, đều nhận ra rằng sẽ có những mối nguy hại nảy sinh từ các cộng đồng người bất đồng chính kiến ở hải ngoại, cùng với lo ngại rằng những luồng tư tưởng mà cộng đồng này thúc đẩy sẽ thâm nhập vào Trung Quốc và gây được tiếng vang cùng sự hưởng ứng trong lòng dân chúng. Cả hai thế lực (chính phủ Quốc Dân đảng và chính phủ đảng Cộng Sản) đều cảnh giác với di sản của Tôn Trung Sơn (các cộng đồng người bất đồng chính kiến ở hải ngoại); cả hai đều quyết tâm không để bất kỳ ai lặp lại thành công mà Tôn Trung Sơn đã làm (lật đổ chính quyền). Kể từ năm 1989, khi các phong trào thân dân chủ làm rung chuyển đất nước, và (các phong trào lại bùng nổ) với cường độ lớn hơn kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, đảng này đã ồ ạt khởi động một chiến dịch toàn cầu để vô hiệu hóa các tổ chức chống cộng ở nước ngoài và ngăn chặn một Tôn Trung Sơn khác trỗi dậy.
Bằng cách bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài, thiết lập các mạng lưới đảng lãnh đạo đầy quyền lực trên khắp cộng đồng Hoa kiều, mua cổ phần để giành quyền chi phối các phương tiện truyền thông tiếng Hoa trung lập, ban thưởng địa vị và cơ hội kinh doanh cho các nhà lãnh đạo thân cộng sản của cộng đồng hải ngoại, đảng Cộng sản đã làm xói mòn những nỗ lực chống đối ý thức hệ và đảm bảo rằng hầu hết các thông điệp mà cộng đồng Hoa kiều hải ngoại gửi đến Trung Quốc là nhằm bênh vực thay vì làm xói mòn tính “chính danh” của đảng.
Từ Singapore đến Canberra, San Francisco và New York, những nỗ lực này, trên bình diện vĩ mô, đã thành công.
Hải ngoại đấu tranh
Một chuỗi thất bại cay đắng dưới tay các cường quốc khác, một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 14 năm, kinh tế trì trệ, nghèo đói làm kiệt quệ đất nước, và một chính quyền trung ương ngày càng hủ bại đã thuyết phục một thế hệ học giả và trí thức rằng Trung Quốc phải thay đổi hoặc tan rã.
Sau hai cuộc nổi dậy thất bại, Tôn Trung Sơn thành lập Tongmenghui (Đồng Minh Hội hay United League) vào năm 1905, một chiếc ô che chở, tập hợp nhiều hội nhóm bí mật của người Trung Quốc có mưu đồ làm cách mạng. Đồng Minh Hội nhanh chóng mở rộng trên toàn cầu, với hơn 36 văn phòng ở Đông Nam Á, và còn các phân hội đang hình thành ở Honolulu, Vancouver, Montreal, San Francisco, Chicago, Boston, New York, New Orleans, Havana và Wellington, New Zealand. Đồng Minh Hội tổ chức một loạt các cuộc nổi loạn mà cuối cùng lên đến đỉnh điểm là cuộc nổi dậy ở Vũ Xương vào tháng 10/1911, cuộc khởi nghĩa trực tiếp dẫn đến Cách mạng Tân Hợi và thành lập nhà nước dân chủ – Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China).
Thật khó có thể tưởng tượng làm thế nào phong trào dân chủ có thể thành công mà không có căn cứ cách mạng ngoài lãnh thổ Trung Quốc để những người hoạt động cách mạng có thể dễ dàng nuôi dưỡng lý tưởng và xây dựng mạng lưới của họ. Hầu hết các nhà tư tưởng nổi tiếng đều dành một khoảng thời gian ở nước ngoài để hình thành và nuôi dưỡng tư tưởng, nơi họ có thể tự do học tập, viết lách và chỉ đạo tổ chức.
Tang Qunying, hội viên nữ đầu tiên của Đồng Minh Hội, đã gia nhập tổ chức khi cô ở Nhật Bản. Các thành viên sáng lập Quang Phục Hội (Cai Yuanpei’s Restoration Society), một tổ chức chống Thanh khác, đã nuôi dưỡng ý tưởng và thành lập tổ chức khi họ ở Nhật. Còn Tôn Trung Sơn thì gây quỹ thành công khi ở Hoa Kỳ. Ngay cả Trần Độc Tú, người sau này đồng sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc, đã học được kinh nghiệm tổ chức cách mạng khi ông còn du học ở Nhật Bản, là nơi ông tiếp xúc với chủ nghĩa xã hội và khởi xướng hai phong trào cách mạng xã hội.
Nhiều du học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản đã theo trường phái cấp tiến. Trong vài năm đầu của thế kỷ 20, họ ồ ạt đưa chủ nghĩa cấp tiến đó vào Trung Quốc. Họ gây dựng nên các thế lực cách mạng ở các địa phương trên khắp lưu vực sông Dương Tử, và, như nhà sử học Marie-Claire Bergère viết trong cuốn tiểu sử Tôn Trung Sơn của bà, các nhóm này đã “đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu quyền lực của đế quốc, khuyến khích các quan lại địa phương rời bỏ Thanh triều và ủng hộ phe đối lập với triều đình”.
Sách báo cổ súy cải cách và làm cách mạng Trung Quốc cũng tràn ngập ở nước ngoài. Phục Hưng Nhật Báo (Renaissance Daily) là tờ báo của Đồng Minh Hội tại Singapore; Đại Hòa Hợp Nhật Báo (Great Harmony Daily) là tờ báo của Đồng Minh Hội tại San Francisco, cổ súy cho tinh thần cách mạng. Lương Khải Siêu, nhân vật chủ chốt của nền báo chí Trung Hoa thời kỳ đầu, đã cho ra đời ấn phẩm nổi tiếng nhất của ông, New Citizen (Tân Dân tùng báo), ở Nhật Bản. Qiu Jin (một nhà cách mạng và nữ quyền bị xử tử năm 1907 vì liên quan đến một cuộc nổi dậy thất bại ở An Khánh) từng làm biên tập cho một tạp chí cách mạng khi bà du học ở Nhật Bản.
Chống hải ngoại
Tuy đảng Cộng sản Trung Quốc vinh danh nhiều lãnh tụ đã góp công lớn trong công cuộc đánh đổ nhà Thanh, bao gồm cả Tôn Trung Sơn, Qiu Jin và Thái Nguyên Bồi, nhưng họ cũng rút ra bài học từ những lãnh tụ này – đó là, phải dè chừng những hoạt động mà người Trung Quốc hải ngoại đang làm ở bên ngoài biên giới.
Sau ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, cho đến khi cải cách và mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài và chỉ quan hệ với cộng đồng Hoa kiều. Những người Trung Quốc trốn ra nước ngoài trong giai đoạn này, phần lớn, đã thoát khỏi nanh vuốt của đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, phong trào dân chủ lớn lao mà những người Trung Quốc ở hải ngoại và trong nước thực hiện đã chấm dứt, bằng vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tiếp theo là một cuộc di cư ồ ạt của giới sinh viên và những người ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc đại lục vì họ phải chạy ra nước ngoài lánh nạn, hầu hết là sang các nước phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận ra, việc di cư này rõ ràng là một mối đe dọa đối với tương lai của đảng ở đại lục, hình ảnh của đảng trên trường quốc tế, cũng như sự thịnh vượng của Trung Quốc. Từ lâu, các quan chức cộng sản, ví như Khang Hữu Vi 100 năm trước, đã sớm nhận thức được giá trị của những người Hoa ở hải ngoại, cùng khả năng làm kinh tế và các thế lực tài chính mà họ nắm giữ, là một nguồn “tài nguyên” không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
“Vụ thảm sát Thiên An Môn đã gây sốc đối với khắp cộng đồng người Hoa [hải ngoại]”, James Jiann Hua To (một nhà khoa học chính trị đến từ New Zealand) viết trong cuốn sách của ông, Qiaowu: Extra-Territorial Policies for the Overseas Chinese – Qiaowu: Chính sách ngoài lãnh thổ đối với người Hoa ở nước ngoài.
“Các cuộc biểu tình bạo loạn chống đảng Cộng sản Trung Quốc nổ ra khắp nơi trên thế giới. Hầu hết (nếu không phải tất cả) các cuộc biểu tình này được các nhóm Hoa kiều lãnh đạo và thao túng. Bắc Kinh nhận thấy một nhu cầu cấp thiết là phải giành lại lòng tin và sự trung thành của họ, và ngay lập tức tiến hành kiểm soát tình hình.”
Vì vậy, đảng bắt đầu một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để quản lý, định hướng, kiểm soát, sắp đặt, và đôi khi là ép buộc các cộng đồng Hoa kiều hoặc phải đứng về phía đảng, hoặc, ít nhất, không chống phá đảng. Các quan chức chính phủ Trung Quốc và các bộ sậu của họ đã tìm ra cách làm suy yếu một cách có hệ thống mọi phương thức mà các nhà cách mạng cuối thời nhà Thanh, và sau đó là những người Quốc gia, sử dụng ở nước ngoài để tổ chức và “chống phá đảng”. Đảng đã thay thế các tổ chức và hội đoàn trung lập bằng các tổ chức thân đảng, mua lại hoặc cách ly (với người dân) các phương tiện truyền thông tiếng Hoa trung lập, kết nạp các lãnh tụ của cộng đồng Hoa kiều vào đảng và trừng phạt những người “chống phá” đảng.
Âm mưu này được tiến hành dễ dàng hơn ngày xưa vì ngày nay Trung Quốc dĩ nhiên mạnh mẽ và quyền lực hơn xa so với một triều đại đổ nát, yếu kém một thế kỷ trước. Trong 40 năm qua, đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm nên một Trung Quốc ngày càng thịnh vượng và hùng mạnh. Sau một thời kỳ hỗn loạn và bị ý thức hệ chi phối dưới thời Mao Trạch Đông, cuối cùng, đảng Cộng sản đã mang lại một nền kinh tế tăng trưởng và tương đối bền vững mà ngay cả những người quốc gia dưới thời cộng hòa hay Thanh triều cũng không thể làm được. Điều này đã mang lại cho Đảng tính chính danh trong lòng dân chúng. Trung Quốc, từ chỗ là một đất nước “cây cột điện cũng muốn bỏ đi” thì nay lại trở thành nơi mà những người Trung Quốc vượt biên năm nào muốn kiếm lợi từ sự thịnh vượng của nó.
Thêm vào đó, Trung Quốc hùng mạnh ngày nay luôn chú trọng hứa hẹn cho những Hoa kiều, những người mà ngày trước bị phân biệt đối xử ngay tại chính quê nhà của mình, một thứ mà hàng trăm năm trước không hề có, đó là: sự bảo trợ lúc hiểm nguy, hoạn nạn.
Thay vì các hội đoàn “chống cộng”, thì nay có hàng ngàn phân hội của các tổ chức thân Bắc Kinh rải khắp các thành phố trên thế giới, từ các tổ chức chính trị như các phong trào hòa bình thống nhất xã hội (peaceful reunification societies) ngày nay có ở hơn 70 quốc gia, đến các tổ chức thương mại của người Trung Quốc và còn nhiều cộng đồng khác được thành lập dưới sự chống lưng của đảng. Du học sinh Trung Quốc là đối tượng đặc biệt bị nhắm tới.
Có hơn 100 chi nhánh của Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSAs), chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ và nhiều còn hơn nữa ở các quốc gia khác. Các tổ chức này nhận tài trợ từ các lãnh sự quán Trung Quốc gần nhất và duy trì mối quan hệ thân cận với các quan chức lãnh sự, đôi khi họ gửi các chỉ thị chính trị cho các du học sinh hoặc âm thầm tổ chức, dàn xếp du học sinh vào các cuộc biểu tình ủng hộ Bắc Kinh. Vai trò thống trị của CSSA trong học đường cho phép đảng kiểm soát được dư luận trong các trường đại học và cao đẳng trong giới lưu học sinh Trung Quốc đồng thời báo hiệu cho những nhà bất đồng chính kiến thấy rằng họ đang bị các đồng minh của Đảng bao vây. Chiến lược này có thể làm “câm lặng” và dập tắt tiếng nói của các tổ chức chống đảng, thậm chí, những du học sinh không ưa đảng Cộng sản thì chỉ có thể lén lút bày tỏ tiếng nói của mình, hoặc im lặng.
Khi một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ tổ chức một buổi nói chuyện về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt người sắc tộc thiểu số tại Đại học McMaster ở Ontario (Canada) vào tháng 2, một nhóm sinh viên Trung Quốc đã tổ chức các cuộc quấy phá và xuyên tạc buổi nói chuyện; nhóm sinh viên này cũng thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc, và được Đại sứ quán chỉ thị họ tìm hiểu xem có công dân Trung Quốc nào liên quan đến việc tổ chức buổi nói chuyện này hay không.
McMaster CSSA cũng đưa ra một tuyên bố lên án buổi nói chuyện là thúc đẩy các “hoạt động ly khai”. Khi Đại học California chi nhánh San Diego mời Dalai Lama, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng lưu vong, phát biểu trong lễ trao bằng của trường năm 2017, CSSA của trường đã dẫn dắt một nhóm sinh viên Trung Quốc phản đối diễn giả (Dalai Lama) và lên án lời mời của trường. Sau sự việc, họ cũng thông báo cho Lãnh sự quán Trung Quốc. Lãnh sự quán này sau đó đã trao thưởng cho họ vào một buổi lễ thường niên vào tháng 5.
Bắc Kinh cũng tiến hành kiểm soát và thao túng các ấn phẩm tiếng Hoa độc lập. Những ấn phẩm như vậy, phổ biến trong mọi cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, hiện đang tràn ngập các tin tức và bình luận ủng hộ đảng Cộng sản, như học giả người Úc John Fitzgerald, học giả người New Zealand Anne-Marie Brady, và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ John Pomfret đã chỉ ra.
Ngoại trừ những người có quan hệ với Đài Loan hoặc với nhóm tôn giáo Trung Quốc lưu vong Pháp Luân Công, rất ít người có thể duy trì được sự độc lập thực sự khỏi đảng. Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mua lại và thao túng một cách có hệ thống các tờ báo tiếng Hoa độc lập trên khắp thế giới, giành quyền kiểm soát nội dung biên tập các báo này. […] Các doanh nghiệp Trung Quốc có quan hệ với đại lục đã chịu áp lực phải loại bỏ quảng cáo của họ khỏi các tờ báo từ chối tuân thủ các nguyên tắc của đảng, dẫn đến tổn thất doanh thu. Với định hướng về những gì có thể đọc và xuất bản giữa các cộng đồng Trung Quốc ở nước ngoài, mục tiêu chính của Bắc Kinh là khuyến khích đoàn tụ, cổ vũ niềm tự hào dân tộc và chống lại các phong trào chống đảng Cộng sản Trung Quốc, giáo sư Tô, tác giả cuốn Qiaowu bình luận.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tích cực học được cách vun đắp mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Các quan chức lãnh sự của Bắc Kinh trên toàn thế giới được giao nhiệm vụ giả mạo kết nối và tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các cộng đồng dân tộc Trung Quốc trong khu vực của họ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng mới nổi được đài thọ các chuyến đi, cơ hội kinh doanh và địa vị nếu họ sẵn sàng làm bạn với đảng. Những kết nối thương mại rộng lớn ở nước ngoài đã giúp chính phủ Trung Quốc có kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng.
Nhưng làm bạn với các doanh nhân Trung Quốc ở nước ngoài và các nhà lãnh đạo cộng đồng cũng còn có một mục đích khác. Đảng muốn ngăn chặn những cá nhân hoặc tổ chức đó trở nên tích cực “nổi loạn” hoặc dẫn dắt những gì họ cho là “gây ô nhiễm lý tưởng chính trị của phương Tây”, ông Gerry Groot, học giả Australia chuyên nghiên cứu hoạt động các đảng phái ở nước ngoài, nói.
Đối với các nhóm phản kháng, chẳng hạn như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và các nhà hoạt động nhân quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho thấy mình có khả năng cưỡng chế và bạo lực ở cấp độ KGB (cơ quan tình báo của Nga). Các nhóm này bị giám sát và nhiều khi là cả quấy rối, thậm chí ngay cả những người sống ở các nền dân chủ phương Tây cũng không thoát. Những người có gia đình ở Trung Quốc đại lục có thể thấy người thân của họ bị đe dọa hoặc bị giam giữ. Và đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí đã bắt cóc những cá nhân đặc biệt “rắc rối”, đưa họ lên máy bay hoặc tàu chở hàng, đưa về Trung Quốc để “xử lý”.
Những nỗ lực kết hợp này đã đạt được thành công, đặc biệt là trong các cộng đồng di dân Trung Quốc gần đây. (Những người di cư từ nhiều thế hệ trước ít bị tổn thương hơn và cũng không có nhiều lý do để tham gia tổ chức chống đảng Cộng sản ngay từ đầu.) Phong trào dân chủ đã nở rộ và ầm ĩ trên khắp Trung Quốc vào những năm 1980, sau đó lan sang nước ngoài một cách rất hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người Hoa trên khắp thế giới đều yêu thích việc chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa kiều, giống như bất kỳ nhóm cộng đồng di dân xa xôi nào khác, có nhiều luồng quan điểm khác nhau về thái độ đối với đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Trung Quốc đại lục.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng vô hiệu hóa những tiếng nói đối lập. Họ tiếp tục trả thù và gây khó dễ đối với những nơi đã từng nuôi dưỡng những người như Qiu Jin, Liang Qichao, và Tôn Trung Sơn và các nhà cải cách Trung Quốc gần đây hơn trong những năm 1980 và 1990.
Trung Quốc ngày nay đang nằm dưới quyền một chế độ có xu hướng sẵn sàng đàn áp dã man, nơi mà tham nhũng và bất bình đẳng kinh tế, xã hội đang lan rộng, nơi mà hơn một triệu người sắc tộc thiểu số đã biến mất trong các trại giam trong hai năm qua, và nơi mà những người bị thiệt thòi về kinh tế không có khả năng giải quyết bất bình đẳng. Người dân Trung Quốc xứng đáng có nhiều điều tốt đẹp hơn là những điều mà đảng Cộng sản mang lại, xứng đáng có một không gian tự do để ước mơ và lên kế hoạch cho những gì họ mong đợi.
Tuy nhiên, tự do chưa bao giờ là miễn phí. Và trên con đường đến tự do, người Trung Quốc phải sẵn sàng đương đầu với việc đảng Cộng sản kiểm soát cả không gian bày tỏ quan điểm chính trị ở nước ngoài.
—
Từ khóa:
Trung Hoa Dân Quốc: Republic of China (n)
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa: People’s Republic of China (n)
đảng Cộng sản Trung Quốc: Chinese Communist Party (n)
Tôn Trung Sơn: Sun Yat-Sen (n)
cái bóng, hình bóng: shadow (n)
e sợ, e ngại: afraid (adj)
cuộc cách mạng: revolution (n)
nhà bất đồng chính kiến: dissident (n)
sự tham gia, sự dính líu đến: involvement (n)
người trí thức: intellectual (n)
triều đại: dynasty (n)
lật đổ: to overthrow (v)
chính phủ: government (n)
di sản: legacy (n)
sự cương quyết, sự quyết tâm: determination (n)
sự kháng cự, sự phản kháng: resistance (n)
sự can thiệp: intervention (n)
cuộc nổi dậy: uprising (n)