Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Biển Đông lại dậy sóng. Và cộng đồng người Việt Nam trên các trang mạng xã hội những ngày qua cũng dậy sóng vì các tranh luận có liên quan.
Có một số ý kiến cho rằng các diễn biến “nóng” tại khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông trong tháng 7/2019 chỉ đại loại là… “sóng sánh trong tách trà”, không đáng để truyền thông Việt Nam đưa tin cụ thể.
Cũng có một số ý kiến cho rằng người dân có “quyền được biết” về các diễn biến “nóng” đó, bất kể vài lo ngại khá khó hiểu của những người ủng hộ chính quyền Việt Nam về rủi ro “mắc mưu khiêu khích”.
Chính phủ Việt Nam – bên có vị trí và năng lực nắm bắt thông tin rõ nhất về tình hình biển đảo – thì không chịu xác nhận thẳng các sự kiện đã hoặc đang diễn ra.
Trong bối cảnh đó, cả hai phe “muốn được biết” và “không cần biết” ở đây đều có chung các vấn đề: thiếu các nguồn thông tin dữ kiện cụ thể, đáng tin cậy; và thiếu kiến thức chuyên môn bài bản để đánh giá đúng các diễn biến trên Biển Đông.
Phe “muốn được biết” đã bị cáo buộc giúp làm lan truyền các “tin giả” (fake news) từ các nguồn nước ngoài vốn sử dụng thông tin từ một nguồn đến từ trang mạng xã hội Twitter.
Phe “không cần biết” thì đã bị cáo buộc là không hiểu rõ luật biển và không nắm rõ thực tế kỹ thuật thăm dò địa chất trên biển.
Các diễn biến mới từ Bãi Tư Chính hiện đã là tin tức trên một trang tin uy tín của thế giới là Reuters.
Cho dù là các diễn biến đó có bớt “nóng” thì thực tế là vẫn đang có, và sẽ có thêm nhiều diễn biến khác trên Biển Đông – nơi được xem là “vạc dầu châu Á”.
Một người theo dõi tin tức không rành về luật biển, không quan tâm lắm đến các tranh luận về “fake news” hay “quyền được biết” nói trên có thể làm gì, khi người đó đơn thuần chỉ muốn biết những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông?
Người đó bắt buộc phải tin vào năng lực tự thẩm định và chắt lọc thông tin của chính mình. Bài viết này có mục đích giúp đỡ một người theo dõi tin tức như thế.
Vậy, làm sao để chúng ta biết tình hình Biển Đông khi không quen ai ở nhà giàn DK1?
Chúng ta phải tham khảo càng nhiều nguồn thông tin càng tốt, và cố gắng tham khảo cả các nguồn tiếng Việt lẫn các nguồn tiếng Anh.
Đây là một trang chính thống chuyên phổ biến tin tức và kiến thức về tình hình biển đảo.
Trang này trực thuộc Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông – một quỹ xã hội không vì lợi nhuận thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam – được sáng lập năm 2014. Quỹ này nhận được tài trợ từ nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và có các hoạt động cụ thể để phổ biến kiến thức về tình hình Biển Đông.
Quỹ này cũng thường xuyên tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông hàng năm cho các bài nghiên cứu với chủ đề khá chi tiết và sát thực.
Điểm yếu
Mức độ cập nhật tin bài của trang này vẫn khá chậm và chịu định hướng chặt không kém các báo đài trong nước.
Ví dụ với các diễn biến mới đây ở Bãi Tư Chính, trang này không cập nhật hay phân tích cụ thể mà chỉ dẫn lại phát ngôn từ Bộ Ngoại giao.
Các bài nghiên cứu được giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông cũng không được đăng công khai trên trang này cho người đọc.
Các bài dài phân tích sâu của trang này thường đến từ các nguồn khác, thay vì từ một nhóm chuyên gia thường trực của chính Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông hoặc được quỹ này tài trợ hoạt động.
Điểm mạnh
Vẫn nên theo dõi trang này và xem đây là một trang “tập kết” các tin tức chính thống về Biển Đông từ báo đài Việt Nam (đặc biệt nếu bạn lo ngại nhiều về “fake news”).
Việc theo dõi các đề tài nghiên cứu được giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông cũng giúp chúng ta biết giới nghiên cứu chính thống tại Việt Nam đã và đang thảo luận các chủ đề nóng hổi nào, hay đang bỏ lỡ các chủ đề nào đáng quan tâm.
Có cả bản tiếng Anh, bản tiếng Hoa, và bản tiếng Việt, đây có thể xem là trang mạng chính thống trong nước đưa tin bài chuyên sâu nhất về tình hình Biển Đông tại Việt Nam.
Tuy không đưa thông tin chi tiết về đội ngũ quản lý, bản tiếng Anh của trang này để địa chỉ liên lạc là trường Học viện Ngoại giao tại 69 Chùa Láng, Hà Nội.
Điểm yếu
Cũng là trang chính thống chịu kiểm soát nội dung từ chính quyền.
Tuy nhiên trang này không được cập nhật tin tức thường xuyên và có vẻ còn tệ hơn cả trang FESS vì vẫn chưa có một dòng nào về tình hình Bãi Tư Chính, cho dù là để ủng hộ hay thách thức các tin bài nước ngoài gần đây về điểm nóng này.
Trang này từng đưa tin về Biển Đông hàng tuần và hiện vẫn có mục “Biển Đông Tuần Qua” với các tóm lược khá hữu ích về các diễn biến mới. Tuy nhiên vì lý do gì đó mục này hiện đã ngừng cập nhật từ tháng 4/2019.
Điểm mạnh
Tuy không có cập nhật thường xuyên, trang này vẫn có các mục hữu dụng giúp chúng ta có tầm nhìn rộng để hiểu sâu và rõ hơn tình hình Biển Đông, đặc biệt khi chúng ta không có chuyên môn: Mục Tổng quan về Biển Đông, mục Tài liệu Nghiên cứu, và mục Nghiên cứu Nước ngoài.
Được thành lập năm 2015, đây là “một dự án phi lợi nhuận, phi chính trị với sứ mệnh xây dựng các biên niên sự kiện, tổng hợp và hệ thống hoá tư liệu, thông tin về các chủ đề quan trọng của tranh chấp Biển Đông theo tiêu chuẩn khoa học, đa chiều”.
Theo báo cáo hoạt động gần đây nhất (có thể chưa được cập nhật), những người đồng sáng lập dự án này bao gồm PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao (từng là Phó Giáo sư Luật Quốc tế tại Học viện Ngoại giao, hiện là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc); TS. Phạm Thanh Vân; cùng một người ẩn danh.
Điểm yếu
Phần bản tin sự kiện của trang này hiện chỉ được cập nhật đến tháng 6/2019.
Dự án khá công khai về nguồn vốn, về hoạt động và đội ngũ quản lý tính đến năm 2017. Tuy nhiên không có các công khai minh bạch được cập nhật mới nhất. Chi tiết có một người sáng lập và nhiều cộng tác viên ẩn danh có thể làm một số bạn đọc lo ngại.
Điểm mạnh
Với thực tế là không có tự do học thuật trong môi trường nghiên cứu tại Việt Nam, chúng ta có thể thông cảm với việc một số thành viên dự án muốn ẩn danh
Nhìn vào những người có công khai danh tính thì có thể thấy là đội ngũ quản lý dự án này có nhiều chuyên gia uy tín và có thẩm quyền về luật quốc tế cũng như quan hệ quốc tế.
Đội ngũ biên tập dự án còn có TS. Lê Hồng Hiệp – thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), và TS Trương Minh Huy Vũ – cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế – ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trang Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông chính là trang đầu tiên trong nước đăng một bài nghiên cứu đầy đủ dữ kiện và phân tích chuyên môn luật biển về các diễn biến mới đây trên khu vực Bãi Tư Chính.
Tác giả bài nghiên cứu này là giảng viên Phạm Ngọc Minh Trang, một chuyên gia về luật biển tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh và hiện đang công tác tại ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trang Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông có tiềm năng trở thành một nguồn tin độc lập uy tín có các cập nhật và phân tích chuyên môn thường xuyên về Biển Đông, tuy nhiên chúng ta vẫn phải chờ xem các hoạt động của nhóm làm dự án sẽ tiếp diễn ra sao.
Bạn đọc có thể theo dõi dự án này trên Facebook tại Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Một facebooker khá được chú ý vì người này hay có các tổng hợp, cập nhật tin tức quốc tế mới lạ mà rất súc tích. Theo trang LinkedIn cá nhân, Duan Dang là một nhà báo tự do, từng có kinh nghiệm 10 năm làm việc cho báo Thanh Niên.
Điểm yếu
Chỉ là một cá nhân tự tìm hiểu và đưa tin không thông qua xác minh độc lập và biên tập bài bản. Các thông tin từ một nguồn như thế này luôn cần phải được tham khảo đối chiếu với các nguồn khác.
Tài khoản Facebook của cá nhân có thể bị “đánh sập” bằng nhiều cách bất cứ lúc nào. Thực tế là tài khoản Facebook của Duan Dang đã bị “disabled” sau khi anh này đăng một loạt post cập nhật tình hình từ khu vực Bãi Tư Chính mới đây.
Điểm mạnh
Duan Dang đọc hiểu và viết tiếng Anh rất tốt trong khi viết tiếng Việt ngắn gọn và dễ hiểu. Anh ta theo dõi rất sát sao các diễn biến trên Biển Đông và đã có nhiều cập nhật độc lập về diễn biến tại khu vực Bãi Tư Chính theo tìm hiểu của chính anh thay vì chỉ dựa vào báo nước ngoài.
Bên cạnh theo dõi các cập nhật mới từ Duan Dang trên cả Facebook và Twitter (chủ yếu viết tiếng Anh), bạn đọc cũng có thể học thêm từ anh ta cách theo dõi các vị trí tàu bè trên Biển Đông. Biết đâu, bạn đọc còn có thể là một nhà quan sát độc lập tốt hơn Duan Dan.
Ngoài ra, chúng ta cũng có nhiều nguồn thông tin khác về Biển Đông bằng tiếng Anh.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) là một viện nghiên cứu độc lập có uy tín đóng tại Washington (Mỹ).
Trang Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI là một dự án của CSIS với mục đích cung cấp các cập nhật kịp thời và phân tích chính xác về các vấn đề rủi ro an ninh trong các khu vực biển châu Á.
Điểm yếu
Nếu bạn đọc là một người theo thuyết âm mưu, nghi ngờ mọi tổ chức, cá nhân, và thông tin đến từ Hoa Kỳ (một bên khá có quyền lợi liên quan trong việc bảo đảm an ninh hàng hải Đông Nam Á), thì các thông tin đến từ AMTI có lẽ nên luôn được tham khảo một cách dè chừng.
Điểm mạnh
Qua bài nghiên cứu mới đây về các diễn biến trên khu vực Bãi Tư Chính, AMTI cho thấy họ có các thế mạnh rõ rệt trong việc cập nhật tin tức và phân tích diễn biến Biển Đông: họ có nguồn dữ liệu định vị vệ tinh chính xác, có quy trình xác minh thông tin bài bản, và có các công cụ minh họa sinh động.
Bên cạnh theo dõi trang chính của AMTI, bạn đọc cũng có thể theo dõi AMTI trên Twitter, hay theo dõi luôn các cập nhật từ vị giám đốc dự án hiện nay: Gregory Poling.
Các cập nhật rất sát sao trên Twitter về tình hình khu vực Bãi Tư Chính những ngày qua của ông Martinson chính là đầu nguồn thông tin cho nhiều báo đài quốc tế khi họ đưa tin chủ đề này.
Trái với một số cáo buộc “fake news” cho rằng Martinson chỉ là một “ông Tây trên mạng”, lý lịch cá nhân của Martinson cho thấy ông có chuyên môn bài bản về luật và quan hệ quốc tế, biết tiếng Hoa, và hiện là thành viên Viện Nghiên cứu hàng hải Trung quốc – trực thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.
Điểm yếu
Tùy là bạn đọc tiếp nhận thông tin từ Martinson qua phương tiện nào. Nếu chỉ qua trang mạng xã hội Twitter thì dĩ nhiên đó chỉ là những cập nhật từ một cá nhân tự tìm hiểu và đưa tin không thông qua xác minh độc lập và biên tập bài bản (Martinson cũng tự nói trên trang Twitter của ông ta rằng mọi quan điểm được đưa ra trên trang này là của riêng cá nhân ông).
Các thông tin từ một nguồn như thế này luôn cần phải được tham khảo đối chiếu với các nguồn khác.
Martinson làm việc cho một trường trực thuộc quân đội Hoa Kỳ cho nên dĩ nhiên bạn đọc luôn có quyền nghi ngờ động cơ trong việc đưa ra các phát hiện và phân tích của ông ta.
Điểm mạnh
Martinson là một nhà nghiên cứu có chuyên môn bài bản, được tiếp cận các nguồn dữ liệu vệ tinh, dữ liệu theo dõi hoạt động trên Biển Đông thông qua cơ quan là một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu mạnh.
Bạn có thể theo dõi Martinson trên Twitter hoặc qua trang của Viện Nghiên cứu hàng hải Trung quốc.
***
Từ khóa:
Biển Đông (cách gọi của Việt Nam)/biển Nam Trung Hoa: South China Sea (n)
trật tự hàng hải toàn cầu: global maritime order (np)
an ninh năng lượng: energy security (np)
quần đảo Hoàng sa: Paracels islands (n)
tàu, thuyền: ship (n), vessel (n)