Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Đồng bào sơn cước ở Tây Nguyên dưới thời Ngô Đình Diệm không chỉ phải oằn mình đón nhận những người di cư xa lạ mà còn chịu nhiều chính sách mang nặng tính chủ nghĩa dân tộc quốc gia, nhưng hoàn toàn xa lạ đối với họ.
Chủ nghĩa dân tộc của người Kinh
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, trong khi miền Bắc, khéo léo một cách thời vụ, thừa nhận những liên minh tự trị của các sắc tộc thiểu số thì ở miền Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đề xuất với Quốc trưởng Bảo Đại xoá bỏ Hoàng Triều Cương Thổ, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc sáp nhập không qua bất kỳ tham vấn hay đối thoại dân chủ nào đã dẫn đến vô vàn hệ luỵ cho người Thượng nói riêng và kể cả sự ổn định chính trị của Việt Nam Cộng hòa.
Trong buổi lễ tuyên thệ của đồng bào sơn cước với chế độ mới ngày 12/6/1955 ở Buôn Mê Thuột, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố chính sách thượng vụ của mình:
“Trên phương diện chính trị, Kinh Thượng đều là công dân của [nhà nước Việt Nam mới] (trong bản gốc là “Việt Nam Cộng hoà”, tuy nhiên tại thời điểm tháng 6/1955 Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa chính thức thành lập nên người viết tạm thời chỉnh sửa cho phù hợp), đều bình đẳng về quyền lợi cũng như về nhiệm vụ, tại khắp lãnh thổ Việt Nam, đồng bào sơn cước cũng như đồng bào đồng bằng có quyền sinh sống như nhau, việc gì, chức vụ gì mà người Kinh làm được thì người Thượng có đủ năng lực cũng có quyền làm. Hiệu năng như nhau thì Kinh hay Thượng đều được tiền lương tiền công như nhau.”[1]
Đoạn diễn văn này đã chính thức mở màn cho những chính sách của Ngô Đình Diệm ở Tây Nguyên. Ông không còn xem người Thượng là chủ sở hữu của Tây Nguyên như trước kia. Người Thượng là công dân của chế độ mới. Họ phải chấp nhận người Kinh sinh sống trên đất Thượng, phải chấp nhận một pháp luật chung. Người Thượng phải cạnh tranh sòng phẳng mà không được nâng đỡ gì.
Ngô Đình Diệm còn ra lệnh cho lập danh sách những trí thức Thượng “cứng đầu” không tham gia buổi lễ.[2]
Việc cưỡng bức người bản địa chấp nhận chủ nghĩa quốc gia dân tộc này không giúp ích gì cho uy tín của Ngô Đình Diệm và chính phủ mới . Báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho thấy phần lớn người Thượng không xem họ là người Việt; vì vậy họ không chấp nhận thứ chủ nghĩa dân tộc xa lạ mà ông Diệm áp đặt lên Tây Nguyên.[3]
Xem sự khác biệt về văn hoá là trở lực cho phát triển, chính quyền địa phương còn can thiệp những thứ nhỏ nhặt gây ra những bất đồng không đáng có.
Chẳng hạn như một sự vụ ở Đắk Lắk, tỉnh trưởng đã bắt người Ê-đê muốn vào thành phố phải mặc quần dài và áo sơ-mi như người Kinh. Ở Pleiku, người Gia-rai bị cấm xây nhà sàn truyền thống, thay vào đó là nhà theo kiểu người Kinh. Đến năm 1958, Giám đốc Nha công tác xã hội miền Thượng còn đề nghị cấm mặc trang phục của đồng bào trong các dịp đón tiếp quan chức, khuyến khích người Thượng ăn mặc như người Kinh, các già làng khi đi họp với chính phủ phải ăn mặc như người Kinh để làm gương.[4]
Ngô Đình Diệm thậm chí còn yêu cầu Trường Mỹ thuật thiết kế trang phục riêng cho đồng bào thiểu số để họ ăn mặc kín đáo hơn.[5]
Phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, chữa bệnh, vệ sinh cũng được du nhập từ miền xuôi. Chính phủ miền Nam Việt Nam còn đi xa đến mức khuyến khích người Thượng đổi tên cá nhân hay những địa danh lâu đời trong khu vực sang tiếng Việt.[6]
Sau cuộc trưng cầu dân ý đầy tranh cãi nhằm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, Ngô Đình Diệm càng thể hiện rõ ý định “hiện đại hóa” miền Thượng, một trong những tầm nhìn quan trọng nhất của Diệm trong chiến lược phát triển Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ không những từ chối thẩm quyền của các tòa phong tục miền Thượng,[7] mà còn bãi bỏ luôn quyền sở hữu đất đai theo tập quán của người Thượng, cấm dạy thổ ngữ, đóng cửa Nha giáo dục miền Thượng và chuyển hàng vạn người Kinh lên cao nguyên cho công cuộc khai thác tài nguyên và đất đai trù phú tại vùng này.[8]
Những người di cư xa lạ
Vì lệnh cấm dân nhập cư trong thời kỳ Pháp thuộc nên mật độ dân cư trên Cao Nguyên Trung Phần còn rất thưa thớt. Diện tích đất của đồng bào Thượng tính trên đầu người nhiều gấp khoảng 5 lần so với người Kinh ở đồng bằng.
Vì lý do này, Tây Nguyên sớm trở thành khu tái định cư chính yếu cho khoảng 850.000 người di cư vào miền Nam sau Hiệp định Geneva, đa số là người Công giáo.[9]
Tây Nguyên không chỉ là một nơi tái định cư mà còn có vị trí quan trọng mà cả Bắc Việt và Nam Việt đều muốn kiểm soát. Theo ông Diệm, những người di cư có tinh thần chống cộng cao nhất sinh sống rộng khắp ở Tây Nguyên sẽ có lợi cho ông.[10]
Mặc dù chính quyền vẫn tuyên truyền về một tình anh em ruột thịt giữa Kinh và Thượng hay tình huynh đệ gắn bó tưởng không bao giờ chia rẽ được, nhưng họ vẫn chỉ là những người xa lạ không hơn không kém.
Điều này càng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi người Thượng chưa bao giờ được chuẩn bị trước, hay mường tượng ra nổi quy mô quá lớn của “cuộc di cư vĩ đại” này. Dòng người di cư khổng lồ thật ra đã bắt đầu đổ lên Tây Nguyên trước khi Diệm chính thức sửa đổi chính sách về đất đai[11] bằng hai sắc lệnh năm 1958 và 1959. Đất đai của người Thượng bỗng mọc lên các xóm, chợ của người Kinh.
Nhưng bản thân những người di cư cũng không được chuẩn bị trước để chung sống với người Thượng. Họ khó chịu với khí hậu ở vùng sơn cước. Họ cũng không thể hiểu “người anh em” của mình vì bất đồng ngôn ngữ.
Dần dà, hiện tượng khinh miệt phong tục tập quán của người bản địa cũng xuất hiện. Trong khi đó, ngay cả chính quyền cũng không coi trọng người Thượng và các trí thức người Thượng, khi mà các chức vụ quan trọng cũng như quyền lợi làm việc đều dành phần hơn cho người Kinh.[12]
Trụ sở của chính quyền đặt trong các thị trấn khiến công chức họ trở nên xa lạ đối với đồng bào Thượng.
Mặt khác, những nhân viên công quyền người Kinh được điều động lên quản lý và trấn giữ Tây Nguyên thường có mặc cảm lưu đày, thất sủng nên mới phải làm việc ở vùng sơn cước hẻo lánh. Họ không hiểu, và cũng không muốn tìm hiểu gì về phong tục, tập quán của người dân địa phương. Một số còn không biết những sắc dân nào đang sinh sống ở vùng đất này và gọi chung các sắc dân với thái độ miệt thị là Mọi.[13]
Vậy nên không có gì làm lạ khi những nhân viên công quyền được cử lên Tây Nguyên vừa không hoàn thành nhiệm vụ vừa gây thêm sự khó chịu, xa cách với những người bản địa..[14]
Bất lực và tức giận trước cộng đồng người Kinh đông đảo, người Thượng buộc phải tự rút vào các khu rừng sâu hơn.[15]
Người Thượng nổi dậy
Nhiều nhân sĩ người Thượng đã sớm phản đối cuộc di cư ồ ạt của người Kinh lên Tây Nguyên. Những người dám công khai chỉ trích chính sách của chế độ mới bị bắt giữ nên phong trào phải chuyển từ công khai sang bí mật.
Năm 1955, Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng (Front de Libération des Montagnards – FLM) được thành lập. Nhiệm vụ đình đám nhất của nhóm này là thực hiện ám sát Ngô Đình Diệm vào tháng 2/1957,[16] sự việc thất bại, nhóm nhanh chóng bị truy lùng và đàn áp.
Đến ngày 1/5/1958, sau khi bầu ban điều hành mới, FLM quyết định đổi tên mặt trận thành Bajaraka, tức là chữ viết tắt của bốn sắc tộc lớn ở Tây Nguyên (Bana, Jarai, Radê hay còn gọi là Ê-đê, Kaho hay còn gọi là Cơ-ho). Mặt trận lựa chọn con đường ôn hòa hơn, muốn Ngô Đình Diệm cho Tây Nguyên được hưởng chính sách như thời kỳ Hoàng Triều Cương Thổ, tức là đòi lại quyền tự trị của mình.[17]
Bajakara đã tìm cách vận động Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam và đại sứ các nước khác tác động đến chính quyền Sài Gòn.
Ngày 8/9/1958, Y Bham Enuôl, chủ tịch của Bajaraka, gửi một bức thư chính thức cho Ngô Đình Diệm yêu cầu chính quyền phải thay đổi chính sách đối với Tây Nguyên. Đáng tiếc ngay cùng ngày, ông Diệm lại ra lệnh truy bắt các lãnh đạo của Bajaraka.
Để phản đối, Bajaraka kêu gọi một cuộc tổng đình công tại Ban Mê Thuột. Không đầy một tuần lễ sau, bảy thành viên lãnh đạo của phong trào (bao gồm Y Bham Enuôl) bị bắt và giam tại Đà Lạt. Những cán bộ, quân nhân có dính líu đến phong trào bị chuyển xuống vùng đồng bằng. Chính phủ còn ra lệnh tịch thu ná săn của đồng bào sơn cước để tránh trả thù.[18]
Đến tháng 7/1959, hai tháng sau khi Quốc hội mới được bầu ra, Ngô Đình Diệm quyết định trả tự do cho hai nhà hoạt động quan trọng của Bajaraka là Y Bham Enuôl và Paul Nưr (đại diện cho tỉnh Kontum trong phong trào Bajaraka). Hai thành viên này lại tiếp tục tổ chức phong trào nên bị bắt trở lại nhà giam.[19]
Tây Nguyên ngày càng mất ổn định sau hàng loạt các cuộc biểu tình và sự bất mãn của người Thượng đối với chính sách của Sài Gòn.
Chính sách đất đai và chủ nghĩa dân tộc của Ngô Đình Diệm không chỉ ảnh hưởng đến người Thượng mà còn đến hai sắc dân khác là người Khơ-me ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và người Chăm.
Do đó, đến cuối năm 1960, thêm hai phong trào chống chính quyền Sài Gòn nữa được thành lập ở Campuchia là Mặt Trận Giải Phóng Kampuchea Krom và Mặt Trận Giải Phóng Champa.
Đổ lỗi và thất bại
Để giải quyết sự bất mãn của người Thượng, Ngô Đình Diệm cho thành lập Nha Công tác xã hội miền Thượng trực thuộc Phủ Tổng thống vào tháng 7/1957, đặt trụ sở ở Huế.
Nha này có nhiệm vụ nghiên cứu, từ đó đề xuất và xây dựng phương pháp thực hiện chính sách cho vùng sơn cước của Bộ Thông tin với phương châm là “vì Thượng và bởi Thượng”. “Vì Thượng” có nghĩa là tìm mọi biện pháp để nâng cao đời sống của người Thượng. “Bởi Thượng” là tạo điều kiện để người Thượng giữ các chức vụ trong chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, phương châm này cũng không mang lại nhiều kết quả. Ngô Đình Diệm vẫn tin rằng mọi mâu thuẫn giữa hai tộc Kinh và Thượng là do người Pháp, chính quyền phong kiến và Việt Cộng gây ra nhằm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc.
Ngay từ đầu, bản Hiến pháp đã không có quy định nâng đỡ đồng bào sơn cước, thậm chí không có một từ đề cập đến các sắc tộc khác nhau đang hiện diện ở miền Nam.
Quốc hội đầu tiên chỉ dành 4 ghế trong số 123 ghế cho đại điện các sắc tộc thiểu số nhưng đến nhiệm kỳ kế tiếp thì giảm chỉ còn hai ghế. Một số đại biểu là người sắc tộc thiểu số nhưng không thân chính quyền hay đối lập thì không được ứng cử.[20]
Trong khi đó, dù có thể chỉ là trên danh nghĩa, Bắc Việt đã cho thành lập hai khu tự trị của các sắc tộc thiểu số là khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc. Trong Hiến pháp của Bắc Việt ghi rõ quy chế tự trị dành cho người thiểu số. Quốc hội của Bắc Việt còn có cả những người Thượng đã tập kết ra miền Bắc. Uỷ ban dân tộc Trung ương của Bắc Việt do một người Tày đứng đầu.[21]
Không gì có thể thay đổi được chính sách cứng rắn của Ngô Đình Diệm đối với Tây Nguyên cho đến khi chính quyền của ông bị đảo chính vào năm 1963. Ngô Đình Diệm vẫn là một nỗi ám ảnh đối với người Thượng.
***
Bài đã đăng về Người Thượng ở Tây Nguyên:
Kỳ 1: “Cổ tích” luật tục
Kỳ 2: Những người giữ rừng số 1
Kỳ 3: Đất Thượng của người Thượng
[1] Luận án tiến sĩ của Lê Đình Chi, Vấn đề đồng bào sơn cước tại Việt Nam Cộng Hoà, trang 167.
[2] Được xác nhận bởi Nguyễn Trắc Dĩ, 1969a: 13; Gerald C. Hickey, 1982b: 10.
[3] Vietnam’s High Ground: Armed Struggle for the Central Highland, 1954 – 1965, J. P. Harris, trang 946.
[4] Giám đốc Nha công tác xã hội miền Thượng, Kính gửi Bộ trưởng Phủ Tổng thống v/v khuyến khích đồng bào Thượng ăn mặc quốc phục, Đà Lạt ngày 23/01/1958.
[5] Tổng thống phủ, Số 515/BTTT/VP, Trích yếu: V/v phục sức của đồng bào Thượng, Sài Gòn ngày 28 tháng 2 năm 1958.
[6] đã dẫn, Vấn đề đồng bào sơn cước tại Việt Nam Cộng Hoà, trang 181.
[7] Cao nguyên miền Thượng (quyển thượng), Toan Ánh & Cửu Long Giang, xuất bản năm 1974, trang 140.
[8] đã dẫn, Từ FLM đến FULRO, trang 30.
[9] đã dẫn, Từ FLM đến FULRO, trang 12.
[10] Báo cáo của Nguyễn Sơn Duyền, đại diện của chính quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên, ngày 08-08-1956.
[11] đã dẫn, Vietnam’s High Ground: Armed Struggle for the Central Highland, 1954 – 1965, trang 946.
[12] đã dẫn, Cao nguyên miền Thượng (quyển thượng), trang 140.
[13] đã dẫn, Vietnam’s High Ground: Armed Struggle for the Central Highland, trang 983.
[14] đã dẫn, Vấn đề đồng bào sơn cước tại Việt Nam Cộng Hoà, trang 174.
[15] G. C. Hickey: Tự do trong núi rừng. Lịch sử dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam, P.Ts. Nicholas Weber.
[16] đã dẫn, từ FLM đến FULRO, trang 32.
[17] đã dẫn, Từ FLM đến FULRO, trang 34.
[18] đã dẫn, Vấn đề đồng bào sơn cước tại Việt Nam Cộng Hoà, trang 170.
[19] đã dẫn, Từ FLM đến FULRO, trang 40.
[20] đã dẫn, Vấn đề đồng bào sơn cước tại Việt Nam Cộng Hoà, trang 181 và 182.
[21] Chính sách phát triển sắc tộc của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, Bộ Phát triển Sắc tộc, trang 8