Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo0:00/907.
Ngày 23/9/2019, Greta Thunberg xuất hiện tại Liên Hiệp Quốc với bài diễn thuyết “How dare you” (Sao các người dám) với phát biểu nổi bật: “Các người đã cướp đi giấc mơ và tuổi thơ của tôi với những lời nói sáo rỗng của các người (“You have stolen my dreams and my childhood with your empty words”).
Sau bài phát biểu đó, liền xuất hiện những lời cáo buộc, quan ngại về bài diễn thuyết của Greta và quan trọng hơn là về chính cô gái 16 tuổi này.
Đài CNBC với bài của Jack Novak, cho rằng “sự lên ngôi về vị thế quyền lực của Greta trong phong trào bảo vệ môi trường có thể sẽ dẫn đến một bộ mặt tiêu cực cho chính bản thân phong trào ấy”. Theo Jack Novak, Greta Thunberg đang là một con rối bảo vệ môi trường bị các nhóm lợi ích thao túng – những người đang đổ trách nhiệm sang chính phủ và những tập đoàn lớn.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng cảnh báo rằng trẻ em đừng nên mang trong mình những lo lắng thái quá và không cần thiết về khí hậu.
Những ý kiến đối lập là một tín hiệu đáng mừng vì chúng chứng minh cho câu chuyện “khán giả không ngu” để bị dắt mũi.
Tôi đã xem “How dare you”, và thật lòng, tôi cũng nhận thấy biểu cảm của cô bé 16 tuổi – Greta Thunberg – có phần hơi tiêu cực, hơi nặng tính chỉ trích, hơi phật lòng mong muốn ôn hòa của người xem, nhưng đó không phải là những gì duy nhất tôi thấy, và hiển nhiên, không phải là vấn đề lớn với mối quan tâm của tôi. Tôi chỉ nhắc lại một điều, cô Thunberg từng bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ thể Asperger, và với người bị mắc chứng này, ngôn ngữ cơ thể, vốn là phần quan trọng trong giao tiếp, rất kém.
Cần lưu ý hơn, mục đích cuối cùng của một bài diễn thuyết, tuy có thể là quy trách nhiệm cho một cá nhân, tổ chức nhưng sẽ không thể không nhắc đến hay gạt bỏ mục tiêu cảnh tỉnh. Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc và nhiều nhà chí sĩ cách mạng nước Việt Nam trước 1930 ra đường diễn thuyết, giữa lúc dân An Nam căm hờn thực dân Pháp, với mục đích cuối cùng là quy trách nhiệm cho những hành động đàn áp và bóc lột của chính quyền, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất. Quan trọng hơn, họ mong muốn thanh niên và người dân An Nam hãy cảnh tỉnh, đứng lên. Điều này đúng với quan niệm, khi người ta biết về quyền của mình, người ta sẽ đấu tranh để bảo vệ cái quyền ấy.
Tôi là người theo dõi Greta ngay từ đầu, từ lúc cô ấy một mình cầm bảng “Skolstrejk för klimatet” trước tòa nhà Quốc hội của Thụy Điển hồi tháng 3/2019, đến Greta được đề cử giải Nobel Hòa Bình và khi Greta xuất hiện trên Ted Talks. Greta đã cảm hóa thành công những con người sỏi đá. Hạt cát nhỏ Greta đã làm thành một sa mạc rộng lớn. Một phong trào đấu tranh vì môi trường đã bùng lên mạnh mẽ sau đó. Điều này chứng minh rằng, hành trình dài mà Greta đã đi là có ý thức và nhận thức sâu sắc, từ một mối quan tâm rất trong sáng của cô đối với môi trường xung quanh mình, một cách bền bỉ.
Những phê phán dành cho Greta cũng đã khởi phát từ đây. Tôi cảm thông cho những phê phán ấy, và tin rằng, xã hội cần những phê phán để cân bằng thông tin. Nhưng nhiều lời phê phán của một bộ phận giới cầm quyền mang tư duy chính trị thuần túy vào lời phát biểu có phần biểu cảm của Greta khiến tôi tin họ ngày càng bị chột dạ về sự bất lực của mình trước vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề về môi trường khác. Hơn thế, những lời lăng mạ, phê bình Greta của một bộ phận dân chúng khiến tôi cho rằng, chính họ đang thiếu một tinh thần tôn trọng trẻ em.
Tôi đang muốn nói tới một triết lý giáo dục của một người phụ nữ nước Ý đã mất. Bà đã dành cả cuộc đời để rao giảng về giáo dục cho hòa bình và tiến bộ cho con người – Maria Montessori [1]. Montessori luôn lấy hai chữ “Tôn Trọng” làm nền tảng cho triết lý giáo dục, tư duy của mình. Bà tin rằng, thế giới đang phải đối mặt cuộc chiến của người lớn và trẻ thơ, giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, giữa kẻ mù và người sáng suốt.
Công trình nghiên cứu của Montessori và hệ thống giáo dục của Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI) ở trên 100 quốc gia đã giữ vững niềm tin về việc người lớn phải tôn trọng và học hỏi ở những đứa trẻ của mình, với tinh thần bình quyền ở góc độ cá thể trong xã hội.
Montessori cho rằng người lớn đã phạm phải sai lầm khi họ tự xem mình là kẻ sáng tạo ra đứa trẻ và sẽ làm mọi sự cho nó.
Theo triết lý đó, người lớn – những kẻ mạnh – phải cảm thông và tôn trọng những đứa trẻ, vì đứa trẻ “là người xây dựng nhân loại” và “là các cội rễ tinh thần quyết định người lớn trưởng thành sẽ tìm kiếm những mục tiêu tích cực hay tiêu cực” [2]. Bà kêu gọi cần “mang lại sự cải cách lớn lao, để trao cho giới trẻ những phương tiện cần thiết cho sự phát triển và sự trau dồi nhân cách của họ”.
Quả đúng như thế, hình ảnh Greta ôm tấm biển đấu tranh vì biến đổi khí hậu như thể đứa trẻ ấy đang là một công dân bị bỏ quên trong xã hội. Người lớn chúng ta, thay vì ủng hộ và “cỗ vũ sự giải phóng tinh thần” cho Greta, lại quay sang chỉ trích cô bé.
Câu chuyện này không phải chỉ dành cho những đứa trẻ, ngược lại còn với thanh niên, như làn sóng chỉ trích ở nước ta dành cho các nhà hoạt động Joshua Wong, Agnes Chow, Andy Chan ở Hong Kong vừa qua. Đi đầu phát ngôn lăng mạ và chỉ trích là một bộ phận thanh niên thuộc khối Đoàn Hội trong nhiều trường học.
Sẽ không loại trừ khả năng có thế lực chính trị hay ai dắt mũi Greta, càng không loại trừ một câu chuyện đượcnhững doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới dựng lên để bảo vệ chân lý “làm giàu bất chấp môi trường” của mình.
Một ví dụ khác là loạt bài của báo Phụ nữ về thảm họa môi trường do Sungroup gây ra ở Tam Đảo ở Việt Nam những ngày qua. Những bình luận và chỉ trích nữ phóng viên và tòa soạn được một bộ phận những người thiếu tôn trọng sự dấn thân của nhà báo, một bộ phận những người “ăn lương” của Sungroup dựng lên.
Sau tất cả và nhìn lại, tôi không thể nào không thú nhận rằng mình chưa bao giờ quan tâm đủ để tìm hiểu môi trường, khí hậu (vốn đang chết) và can đảm để đứng lên đấu tranh như thế.
Nhìn một bộ phận người Việt hằng đêm ngồi la liệt ở các cửa hàng tiện lợi, những điểm tập kết rác ngày càng dày đặc tại thành phố Hồ Chí Minh, những hàng cây đang dần quỵ ngã, ta liệu có nên kết luận rằng ngay cả việc cắt giảm ống hút nhựa, đem túi vải khi đi chợ, đi phương tiện công cộng… đã là những việc quá khó khăn đối với nhiều người Việt chứ nói chi đến câu chuyện tuần hành vì môi trường.
Ngẫm người, nghĩ mình.
Sẽ không khó để nhận ra, tôi không còn diễn ngôn nào tốt đẹp hơn diễn ngôn mà Greta đã nói, để có thể huênh hoang rằng đám trẻ con và thanh niên nên ở trường lớp để học những bài học về “tam tòng tứ đức”, phải lấy được bằng cấp đó, làm nghề này nghề nọ, thay vì suốt ngày giăng băng-rôn, biểu ngữ ngoài đường đòi tự do dân chủ.
Không còn diễn ngôn nào đủ lí lẽ để dập lại làn sóng biểu tình “#SchoolStrike4Climate” mà Greta khởi xướng hay sự tham gia của người trẻ trong các vấn đề thời sự.
Greta và nhiều người khác đang đấu tranh cho một quốc gia dân chủ và một môi trường tốt đẹp hơn. Họ vẫn cứ đi từng ngày, dù họ có nghe tiếng la hét sau lưng. Họ đã luôn tự nhủ: “Đừng, đừng bao giờ dừng lại. Tiếp tục đi. Nếu muốn có một hương vị tự do, hãy tiếp tục” [3].
Và việc chúng ta cần làm là hãy quay về, xem “biến đổi khí hậu” là gì, nới rộng trái tim mình ra, để chừa một không gian cùng đối thoại, cùng hành động “vì khí hậu đang khóc”, và trân trọng môi trường mà chúng ta đang sở hữu.
Chú thích:
[1] Maria Montessori (1870-1952), sinh tại Ý, là bác sĩ, nhà giáo. Bà là người khởi xướng Phương pháp Giáo dục Montessori, được áp dụng phổ biến trên thế giới.
[2] Maria Montessori, Nghiêm Phương Mai dịch (2018), Giáo dục và Hòa bình, NXB Đà Nẵng.
[3] Mượn câu nói của Harriet Tubman – một phụ nữ đã từng được ví như Moses vì đã làm việc và đấu tranh để chấm dứt chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ, giành lại tự do cho bản thân và người xung quanh cô.