Bảo vệ môi trường bằng cách thừa nhận quyền của “các thế hệ tương lai”

Quyền con người của những người chưa được sinh ra?

Bảo vệ môi trường bằng cách thừa nhận quyền của “các thế hệ tương lai”
Ảnh: The Economist.

Tháng Chín vừa qua, tờ The Economist có đăng một bài viết ngắn đưa ra một quan điểm pháp lý khá lạ tai: quyền được sống trong một môi trường trong lành của “các thế hệ tương lai”.

“Các thế hệ tương lai” được tác giả định nghĩa là những người chưa được sinh ra và hiện nay không được hưởng các quyền con người và quyền công dân như đối với những người đã được sinh ra.

Tác giả bài báo, một sinh viên luật của Đại học McGill (Canada) và là thạc sĩ về quản lý môi trường của Đại học Oxford (Anh), cho rằng vấn đề lớn của các chính phủ hiện nay là họ đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn lên trên sự sống còn của trái đất và thế hệ trẻ như cô, chứ chưa nói đến các thế hệ tương lai. Trong khi đó, các thế hệ tương lai, do chưa được sinh ra, không có căn cứ pháp lý cũng như khả năng khởi kiện các chính phủ hay các tập đoàn xả thải để bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ có những ai đã được sinh ra mới được kiện, và để thắng kiện, họ phải chứng minh được biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến bản thân mình như thế nào.

Tác giả đề xuất một hệ thống pháp lý mới thừa nhận quyền được sống trong một môi trường trong lành của các thế hệ tương lai, cho phép con người hiện tại khởi kiện tập thể với tư cách là đại diện của những người chưa được sinh ra, để từ đó buộc các chính phủ phải quan tâm tới môi trường trong một tầm nhìn dài hạn hơn.

Hiện nay,  rất nhiều quốc gia đã thừa nhận quyền được sống trong một môi trường trong lành, chẳng hạn như Điều 43 Hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên, cách hiểu phổ biến là quyền này chỉ áp dụng cho những người đã được sinh ra.

Lập luận của tác giả là các thế hệ tương lai chính là con, cháu, chắt… của chúng ta, và ở mức độ thấp nhất, chúng ta có nghĩa vụ phải để lại cho chúng một hành tinh ở tình trạng ít nhất là được như thế hệ hiện nay, chứ không phải là tồi tệ hơn.

Cách để các hệ thống pháp luật thừa nhận quyền của các thế hệ tương lai là diễn giải lại khái niệm “người” (person). Cách hiểu phổ biến trên thế giới là người (person) bao gồm cả thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person). Thừa nhận những người chưa được sinh ra cũng là người sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống pháp luật, cho phép các vụ kiện đại diện cho “các thế hệ tương lai” được tiến hành. Tác giả lấy dẫn chứng một án lệ nổi tiếng của Canada, Edwards kiện Canada (AG) vào năm 1928, theo đó, phụ nữ có thể được bổ nhiệm vào Thượng viện. Án lệ này đã thay đổi khái niệm “person” trong pháp luật Canada khi đó, vốn không thừa nhận phụ nữ cũng là “người” và không được hưởng các quyền căn bản như nam giới.

Thừa nhận đây là vấn đề mới và rất khó áp dụng, tác giả đưa ra dẫn chứng về việc Toà án Tối cao Philippines, trong vụ Oposa kiện Factoran, đã đồng ý rằng người dân có thể khởi kiện tập thể nhân danh “các thế hệ tương lai” để chống lại việc cấp phép khai thác rừng. Phán quyết của toà cũng nói rằng tài nguyên thiên nhiên phải được gìn giữ vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, và chính quyền có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng.

Một số vụ kiện tương tự cũng đang diễn ra ở các nước khác. Chẳng hạn như năm 2016, một người cha ở Pakistan đã đại diện cho đứa con gái bảy tuổi của mình khởi kiện chính quyền vì đã thất bại trong việc chống biến đổi khí hậu, vi phạm quyền hợp hiến của giới trẻ ngày nay và các thế hệ tương lai. Vụ kiện đã được Toà án Tối cao Pakistan cho phép tiến hành và vẫn chưa có phán quyết sau cùng.

Quan điểm này của tác giả, dĩ nhiên, thích hợp với các quốc gia dân chủ, thượng tôn pháp luật, hơn là với Việt Nam, nơi những quyền căn bản của con người hiện tại còn chưa được thực thi, chứ chưa nói gì đến quyền của các thế hệ tương lai.

Một điều có thể nhận thấy là quan điểm này thoát ra khỏi lối tư duy chính trị đảng phái, tả – hữu truyền thống. Một mặt, bảo vệ môi trường là vấn đề đụng chạm đến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp và gia tăng mức độ kiểm soát của chính phủ, vốn là những chuyện phe cánh hữu sẽ khó chấp nhận nhưng lại phù hợp với nghị trình của phe cánh tả. Mặt khác, thừa nhận những người chưa được sinh ra cũng là con người sẽ đụng chạm đến quan điểm bảo vệ quyền phá thai của phe cánh tả nhưng lại được lòng phe cánh hữu, vốn kịch liệt chống phá thai.

Vượt ra ngoài khuôn khổ tư duy đảng phái chính trị truyền thống để bảo vệ môi trường cũng là quan điểm được nhắc đến trong một bài báo khác gần đây của The Economist mà Luật Khoa sẽ sớm giới thiệu tới độc giả.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.