Công lý nằm trong tiến trình

Công lý có phải chỉ là kết quả sau cùng của một tiến trình hay còn nằm ở bản thân tiến trình đó?

Công lý nằm trong tiến trình
Ảnh: Christopher Lee/The New York Times.

Vào đầu năm nay, tôi có viết một bài về thành phố Melbourne và vụ giết người ở đây. Cô Aiia Maasarwe là một sinh viên Do Thái gốc Ả Rập, đang học nửa chừng của một năm chương trình trao đổi với Đại học La Trobe thì bị hãm hiếp và giết chết vào tối đêm 16 tháng Giêng. Hai ngày sau, cảnh sát Úc đã bắt được nghi phạm Codey Herrmann. Mặc dầu phủ nhận lúc ban đầu, Herrmann sau đó đã chính thức nhận tội giết người và hiếp dâm cô Aiia.

Các phiên tòa xét xử tội phạm hình sự với bồi thẩm đoàn, với bên công tố (prosecutor) và can phạm (perpetrator) v.v… tức tiến trình tố tụng/biện hộ và kết án/tội, không cần phải tiến hành theo thủ tục nhiêu khê thông thường tại tòa án vì nghi phạm đã nhận tội. Điều này đã giúp giảm đi phần nào những đau khổ và chấn thương mà gia đình cô Maasarwe đã trải qua, và những phí tổn trong tiến trình này.

Tuy đã nhận tội sớm vào tháng Sáu, đến cuối tháng 10 vừa qua, tức gần 10 tháng sau khi xảy ra vụ án, bản án cho Herrmann mới được công bố. Tại sao đã nhận tội mà tiến trình kết tội vẫn lâu thế? Vì nhiều nguyên do, nhất là vì thẩm phán nào cũng quá bận trong việc xét xử quá nhiều trường hợp. Nhưng nguyên do quan trọng nhất ở đây là vì phải chờ những nhận định chuyên môn của các bác sĩ tâm lý cũng như bao vấn đề khác liên quan đến thủ phạm và gia đình nạn nhân để đảm bảo nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. Công lý cho người đã khuất, và gia đình cô Aiia, tất nhiên là quan trọng nhất. Nhưng những vấn đề phức tạp liên quan đến vụ án, và thủ phạm, cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước phán xét sau cùng để giá trị công lý được bảo toàn.

Điều kinh hoàng nhất về vụ án này, là sau khi đã hiếp dâm cô Aiia, Codey đã dùng thanh sắt đánh vào đầu cô chín lần, và sau đó đã đốt cháy một phần thân thể để thủ tiêu bằng chứng.

Thẩm phán Tòa án Tối cao tiểu bang Victoria Elizabeth Hollingworth đã kết án bị cáo 36 năm tù, với 30 năm thụ án và sáu năm còn lại có thể được trả tự do có điều kiện (parole). Bản phán quyết gần 20 trang này cho biết thật chi tiết tất cả những vấn đề trọng yếu của vụ án, từ thủ phạm đến nạn nhân, đến tiến trình điều tra, kiểm chứng, xét xử và kết tội. Nó giúp cho mọi người liên quan cũng như các cơ quan truyền thông và công chúng thấy rõ tính minh bạch, công bằng, không thiên vị và đúng theo luật pháp của sự vụ.

Người cha của Aiia, ông Saeed Masssarwe, sau khi kết thúc phiên tòa, một lần nữa nhấn mạnh rằng ông không quan tâm đến việc trả thù. Nó không phải là tâm nguyện của ông, hay trọng tâm của ông, mà ông chỉ mong cho xã hội, cho con người, cho những phụ nữ được đi ra ngoài và được trở về nhà an toàn. Dù đau khổ mất con, ông Maasarwe vẫn hiểu và tin tưởng vào nền công lý của  tiểu bang Victoria, Úc châu.

Vấn đề luận tội Donald Trump

Trong nền dân chủ pháp trị, mọi người, bất kể ai, dù là tổng thống, thủ tướng, người đứng đầu hành pháp, lập pháp, tư pháp v.v… nếu có bằng chứng vi phạm hiến pháp và pháp luật, thì các cơ quan hữu trách phải có bổn phận thi hành nhiệm vụ của mình. Chính quyền dựa trên luật pháp, không phải dựa trên con người (John Adams: “a government of law, not of men”). Nếu dựa trên con người, như thời phong kiến, dù vẫn có các bộ luật tối thiểu, vua chúa quan lại định đoạt một cách tùy tiện và thiên vị, thì sai lầm, tội lỗi và bất công vẫn nằm ngay ở đó.

Về vấn đề luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc có cáo buộc từ nhiều người khả tín trong chính quyền Hoa Kỳ rằng ông yêu cầu quốc gia khác, Ukraine và cả Trung Quốc, điều tra một công dân của mình, nhất là nó liên hệ đến đối thủ đang tranh cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, và dùng 391 triệu đô-la viện trợ để đe dọa nếu không làm theo đề nghị v.v… là đáng quan ngại. Không chỉ nên hay không nên luận tội, mà thật ra là phải làm, nếu cơ quan trách nhiệm và thẩm quyền, ở đây là Quốc hội, nhận thấy đủ bằng chứng để tiến hành điều tra. Nếu quá bán Hạ viện lẫn hai phần ba Thượng viện sau khi điều tra luận tội và đi đến kết luận rằng tổng thống đã vi phạm tội “phản quốc, tham nhũng, hay các tội phạm lớn hay nhỏ khác”, chiếu theo Hiến pháp, thì tổng thống buộc phải rời khỏi chức vụ.

Tổng thống Donald Trump sẽ bị luận tội? Ảnh: Gallup.

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết luận tội với số phiếu 232 thuận, 196 chống. Điều đó không có nghĩa ông Trump có tội hay không có tội. Nghị quyết này là một trong các chuỗi tiến trình điều tra luận tội để qua đó người dân nắm rõ thông tin và tiến trình. Nó vẫn còn phải trải qua một quá trình dài, có khi đầy mưu lược và thủ đoạn chính trị của cả hai bên, nhưng vẫn chủ yếu dựa trên tính minh bạch và được sự kiểm soát và cân bằng của các bên, để đi đến kết quả sau cùng.

Tiến trình luận tội tổng thống sẽ khác với tiến trình xét xử các tội phạm bình thường. Nếu Hạ viện, sau khi điều tra và bỏ phiếu quá bán kết luận là tổng thống phải bị luận tội, thì khi được đưa lên Thượng viện, Chánh án của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ chủ tọa tiến trình luận tội tại đây, và 100 thượng nghị sĩ sẽ đóng vai bồi thẩm đoàn để đưa đến quyết định sau cùng.

Không ai đứng trên pháp luật

Tôi còn nhớ cố thủ tướng Bob Hawke của Úc bị cảnh sát phạt 80 đô Úc năm 1991 vì quên đeo dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau của chiếc xe chở ông trong lúc thi hành công vụ. Cựu thủ tướng Malcolm Turnbull thì bị phạt 250 đô Úc năm 2017 vì khi lái thuyền nhỏ nhưng lại quên mang phao an toàn. Còn cựu thủ tướng Úc Paul Keating thì bị cảnh sát rượt theo và trao giấy phạt vì ông bị cho là đã vượt đèn đỏ. Ông đã mướn luật sư để kiện ra tòa vụ này, và tòa kết luận không đủ bằng chứng để xử phạt ông năm 2010.

Tôi cũng từng trải qua trường hợp tương tự. Có lần tôi bị một cảnh sát chặn lại và cho hai tờ giấy phạt: một là vượt đèn đỏ; hai là cản trở giao thông. Tổng cộng tiền phạt lên đến gần 400 đô Úc và còn bị mất ba điểm bằng lái nếu không kháng án. Sự kiện này xảy ra không lâu trước khi ông Paul Keating, người được xem là miệng lưỡi bén như dao, bị phạt vượt đèn đỏ nói trên.

Tranh vẽ một phiên toà ở Mỹ. Ảnh: paintingvalley.com.

Tôi không phải là luật sư, cũng không giỏi miệng lưỡi để biện hộ cho ai khác hay kể cả cho mình. Nhưng vì tôi không nghĩ tôi đã vượt đèn đỏ hay cản trở giao thông, nên tôi cần kháng án. Vấn đề được đưa ra tòa.

Bên phía cảnh sát thì có luật sư biện hộ hẳn hoi. Còn tôi thì tự biện hộ cho mình, không có luật sư nào cả. Tôi cũng không nắm rõ quy trình kiện tụng tại tòa ra sao lúc đó. Nghĩa là rất ngây thơ và có khi ngu ngơ nữa! Quan tòa không quan tâm đến điều này, vì tôi có quyền tự bào chữa cho mình.

Sau khi các bên trình bày dữ kiện và biện luận, và đối chiếu nhau, quan tòa quyết định không đủ bằng chứng để phạt tôi về hành vi vượt đèn đỏ. Còn cản trở giao thông thì không đủ bằng chứng để đi đến kết luận, do đó đề nghị hoặc hoãn lại một phiên xử vào dịp khác, hoặc tôi trả 80 đô-la tượng trưng để cống hiến hoàn toàn cho quỹ từ thiện công cộng; và sau đó mọi vấn đề coi như được giải quyết. Tôi quyết định cho vào quỹ từ thiện để khỏi tốn thêm một ngày làm việc nữa cho vụ này. Tôi cũng học được rất nhiều sau sự kiện này.

Tiến trình mang tính quyết định

Trong công việc chuyên môn của mình, sự công bằng về tiến trình/thủ tục (procedural fairness), hay rộng hơn, công lý tự nhiên (natural justice), là một trong những phần quan trọng nhất trong mọi quyết định của tôi. Các quyết định này, dù nhỏ hay lớn, đều ảnh hưởng đến tương lai, đến sức khỏe, tâm lý/tinh thần, và gia đình v.v… của người khác. Do đó nếu đặt mình vào địa vị của người khác đang quyết định vấn đề nào đó liên quan đến mình, thì tôi cũng muốn được đối xử công bằng và hợp pháp dựa trên đầy đủ bằng chứng.

Tôi cũng muốn thấy người quyết định các vấn đề của mình có tư duy khách quan và chuyên môn chứ không bị thành kiến, thiên vị, hay phân biệt chủng tộc… Tôi cũng mong mọi vấn đề phải có trách nhiệm giải trình và được đối xử với sự tương kính và giá trị đạo đức. Muốn thế, thì tôi cũng phải đối xử với người khác như cách mình muốn được người khác đối xử. Thêm vào đó, tôi cũng muốn có các cơ chế khác bảo vệ mình, bởi vì những người quyết định nếu không hành xử đúng chuẩn mực thì chúng ta có thể khiếu nại, tố cáo, và sẽ làm cho họ gặp rắc rối với cấp trên. Ngoài ra, mọi quyết định, nếu không đủ tiêu chuẩn, không hợp lệ, thì có thể bị tòa án bác hay bị trả về để xét lại v.v… Các thủ tục pháp lý này là nền tảng căn bản của xã hội dân chủ cấp tiến được áp dụng cho mọi công dân.

Sống và thực hiện dân chủ là khó, đặc biệt với người có quyền hành trong nền dân chủ, nhưng nó làm cho mọi người phải có trách nhiệm, phải nghiêm chỉnh đúng đắn trong hành xử, và trở nên tốt hơn, cho chính mình, cho xã hội, cho quốc gia, và cho nhân loại.

Một chính quyền mà không dựa trên pháp luật thì trước sau gì cũng hành xử tùy tiện, sẽ không có trách nhiệm giải trình, và không thể gọi là dân chủ đích thực. Các luật sư kinh nghiệm không chỉ giỏi về luật nội dung (substantive law) mà còn về thủ tục và tiến trình (procedure, process). Họ tìm từng chi tiết nhỏ nhất để xem thân chủ của họ có được tôn trọng trong mọi tiến trình của pháp luật hay không. Một quyết định đúng mà tiến trình không đúng thì quyết định đó vẫn có thể bị đảo ngược. Các thể chế độc tài, tuy có rừng luật, nhưng vẫn dùng luật rừng, vì chính họ không hiểu hoặc không hề tôn trọng các tiến trình này. Nếu quan sát kỹ thì có thể nói hầu như mọi trường hợp xét xử các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đều vi phạm quy định về thủ tục tố tụng.

Muốn biết một chính quyền có thật sự tôn trọng pháp luật hay không, và chính quyền đó có được xem là dân chủ hay phần nào dân chủ, thì phải xem xét kỹ lưỡng tiến trình và thủ tục thi hành pháp luật của quốc gia đó. Từ điều căn bản nhất như tuyển chọn hay sa thải người, đến cung cách vận hành và lấy quyết định của các ban ngành tư pháp, hành pháp, lập pháp, cho đến tư cách vận hành độc lập và tự do của truyền thông, cũng như quyền biểu đạt và bảo vệ của mỗi công dân trước pháp luật, kể cả người đứng đầu của quốc gia mình.

Có tiến trình hẳn hoi thì sự lạm dụng, lợi dụng quyền lực, sự tùy tiện trong quyết định, và sự đối xử bất công hay thiên vị, tuy không loại trừ hết được, cũng sẽ được giảm thiểu tối đa. Công lý, tương đối chứ không hề tuyệt đối, phần lớn nằm ở đây.


Phạm Phú Khải là một kỹ sư và cây viết tự do ở Australia.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.