Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Thảo luận về công – tội của một trong những người định hình nên chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết mô tả tượng âm lại tiếng Việt, mà bạn đọc của Luật Khoa đang sử dụng để tiếp nhận và xử lý thông tin của chính bài viết này, đang được đẩy lên cao một cách khá bất ngờ. Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ truyền giáo gốc Pháp, người được thừa nhận là đặt những nền móng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ, bị một số học giả cho rằng nó chỉ nhằm mục tiêu xấu xa.
Ví dụ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì phân tích rằng quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà là“một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta”.
Hay Tiến sĩ Lê Cung, người đứng đầu nhóm phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, khẳng định “Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được.”
Vậy thật sự các đế quốc, các thế lực thực dân có cần thiết phải tạo ra một loại ngôn ngữ riêng biệt để đồng hóa và xâm lược hay không?
Nếu nói đến tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ trong quá trình thực dân hóa (colonisation), sẽ là hơi ngờ nghệch nếu cho rằng những đế quốc hùng mạnh lại cần phải tạo ra một loại chữ viết đặc trưng, dựa trên đúng thứ tiếng bản địa để có thể thành công trong việc kiểm soát và đồng hóa văn hóa, tư tưởng của quốc gia bị bảo hộ.
Bài viết này, dựa trên các thông tin lịch sử về chủ nghĩa thực dân trên thế giới, hy vọng giúp bạn đọc hiểu thêm về tầm ảnh hưởng quan trọng của chữ Quốc ngữ trong việc duy trì văn hóa và tư duy độc lập của người Việt Nam.
Ngôn ngữ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong các nghiên cứu hậu thực dân. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ vũ lực không thôi là không đủ để kiểm soát những dân tộc lớn và đông đảo gấp nhiều lần những quốc gia xâm lược và thực dân hóa. Trong quá trình này, hệ thống giáo dục thực dân trở thành một trong những công cụ quan trọng hàng đầu để kiểm soát tư duy và thế giới quan của các dân tộc bị đồng hóa. Song sự kiểm soát quan trọng không nằm ở đường lối hay tư tưởng, không nằm ở giáo trình lịch sử, mà chủ yếu nằm ở chữ viết và ngôn ngữ.
Như Ngũgĩ Wa Thiong’o, một tác gia lừng danh người Gikuyu đến từ Kenya, vốn nổi tiếng với độc giả thế giới bằng các tác phẩm tiếng Anh của mình, khẳng định: ngôn ngữ và văn hóa là không thể tách rời. Nếu một dân tộc không thể duy trì được ngôn ngữ của mình, văn hóa của họ cũng sẽ tiêu tan.
Với tư cách là một tác gia, một người có ảnh hưởng, Ngũgĩ tìm đến một biện pháp có phần cực đoan – từ bỏ hoàn toàn tiếng Anh và độc giả quốc tế (một phần nào đó). Trong quyển Decolonising the Mind phát hành năm 1986, lời “chia tay” chính thức của ông với chữ viết và Anh ngữ, ông ngậm ngùi nói rằng ngôn ngữ Anh (cũng như Pháp), được sử dụng và phát triển lấn lướt cả ngôn ngữ bản địa của người châu Phi ngay trên lục địa này trong thời kỳ hiện đại, là một “quả bom văn hóa” nổ chậm, tiếp tục quá trình xóa bỏ những ký ức và văn hóa tiền thuộc địa, từ đó dựng nên một phiên bản mới của chủ nghĩa thuộc địa tồi tệ không kém với chủ nghĩa thực dân trong lịch sử.
Góc nhìn của Ngũgĩ có vẻ khá một chiều, nhưng không phải là không có cơ sở trong lịch sử. Trong quá trình đào tạo của các trường học thực dân, nhiều tác giả đương đại còn nhớ cách họ bị sỉ nhục, bị cho ở lại lớp, thậm chí bị trừng phạt và bị đánh khi còn dám sử dụng ngôn ngữ bản địa. Chủ nghĩa thượng đẳng ngôn ngữ (linguistic supremacist) chắc chắn đã từng tồn tại, và có lẽ vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới. Thomas B. Macaulay, một chính trị gia nổi tiếng của Vương quốc Anh sống trong nửa đầu thế kỷ 19, từng thẳng thừng tuyên bố rằng: Không một người đọc sách nào trên thế giới này có thể phủ nhận sự thật rằng chỉ một “giá sách” văn chương và tư liệu theo ngôn ngữ, chữ viết của châu Âu lục địa đã có giá trị tương đương với cả nền văn chương và tư liệu theo ngôn ngữ, chữ viết Ấn Độ hay Ả Rập.
Tại thời điểm những năm 1830, người viết khó có thể phản biện rằng tuyên bố của Macaulay hoàn toàn sai lầm. Nếu nói đến khoa học tự nhiên, khoa học kinh tế, luật học, xã hội học và các học thuyết chính trị cấp tiến… sự vượt trội của sách vở, chữ viết phương Tây là rất rõ ràng. Song cũng chính vì vậy người ta dễ quên mất rằng ngôn ngữ và chữ viết bản địa đóng vai trò sống còn trong việc duy trì lịch sử và văn hóa của chính dân tộc đó. Đáng tiếc, tại châu Phi, các nhà thực dân người Anh và Pháp đã thành công trong việc cấy ghép niềm tin phương Tây nói trên vào văn hóa bản địa.
Vốn có dân số phân mảng, thiếu thốn chữ viết, và thường xuyên phải vay mượn từ các nền văn hóa thống trị trong khu vực như chữ Arab, chữ Hy Lạp và chữ người Ai Cập cổ (tình thế rất giống với người Việt Nam vốn phải vay mượn chữ Hán làm công cụ lưu trữ thông tin và trao đổi), chữ viết nói riêng và ngôn ngữ nói chung của người Anh, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha nhanh chóng trở thành một lựa chọn thay thế hoàn hảo cho người châu Phi. Điều này càng đúng hơn đối với những vùng tại châu Phi mà chữ viết hầu như không tồn tại.
Không chỉ vậy, để phát triển và kiếm sống trong mô hình xã hội do giới thực dân xây dựng, những người dân bản địa buộc phải học ngôn ngữ của giới thực dân, có sẵn và dễ tiếp cận, và từ đó lại tiếp dạy cho con của họ thứ ngôn ngữ tiện lợi mới. Trong khi đó, không gian phát triển và tiến hóa của chữ viết và ngôn ngữ bản địa bị chèn ép đến khi hoàn toàn biến mất.
Đây là quá trình có nhiều tên gọi, đôi khi là “sự thay thế ngôn ngữ” (language displacement), “cái chết ngôn ngữ” (language death), và cũng thường xuyên được gọi là “diệt chủng ngôn ngữ” (linguistic genocide hay linguicide). Và tác động của nó thì còn đến tận ngày nay.
Có đến 29 quốc gia châu Phi sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ – chữ viết chính thức, với một lượng nhỏ người dân còn sử dụng tiếng địa phương (song chữ viết rất ít tồn tại).
Tại châu Mỹ Latin, gần như toàn bộ các quốc gia tại đây đều sử dụng tiếng và chữ viết Tây Ban Nha (hoặc Bồ Đào Nha – hai quốc gia thực dân lớn mạnh nhất vùng này) làm ngôn ngữ chính thức. Cùng lúc đó, tất cả các ngôn ngữ bản địa khác đang đối mặt với bờ vực tuyệt chủng.
Tiếng Anh hiện nay đã là một ngôn ngữ quốc tế được học và phổ biến khắp năm châu nên khó có thể đánh giá tác động của quá trình thực dân hóa. Song nếu nhìn vào các cựu thuộc địa của vương quốc Anh tại châu Phi, có thể thấy hơn 10 quốc gia công nhận Anh ngữ là ngôn ngữ và chữ viết chính thức của mình, trong khi các ngôn ngữ bản địa khác thường không có hình thái chữ viết bổ trợ và chỉ sử dụng trong giao tiếp miệng của các cộng đồng nhỏ.
Người viết không dám bàn đến lợi thế hay lợi ích của hình thái chữ Latin của chữ Quốc ngữ so với loại chữ biểu hình đặc trưng của nhiều quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Song xét về mặt lịch sử, cần nhớ rằng cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không bị đô hộ hoàn toàn, hay bị kiểm soát bởi một bộ máy cầm quyền thực dân phức tạp và hoàn thiện phần nào như tại Việt Nam, mà đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Họ có thời gian hoàn thiện ngôn ngữ và chữ viết riêng của mình một cách tương đối độc lập. Vậy nên khó mà có thể so sánh chúng ta với những con rồng, con phụng châu Á này.
Và chúng ta cũng khác với ngôn ngữ của hai quốc gia Đông Dương còn lại là Cambodia và Lào, vốn đã bị “đồng hóa” và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ngôn ngữ Ấn Cổ (Pallava script) từ nhiều thế kỷ trước khi bị thực dân Pháp đô hộ.
Việt Nam, vì vậy, nằm ở một vị thế không khác mấy với các quốc gia tại châu Phi: không có hệ thống chữ viết hoàn chỉnh để biểu âm (hoặc kể cả biểu hình) tiếng nói của mình, trong khi hệ thống chữ viết vay mượn (chữ Hán) lại được học hỏi, áp dụng một cách ngờ vực và nửa mùa. Cần nhớ rằng người Pháp thành công trong việc đồng hóa ngôn ngữ của gần cả một châu lục, vậy nên rào cản duy nhất ngăn Việt Nam rơi vào hoàn cảnh của các quốc gia châu Phi nói trên, theo người viết, chỉ có thể là chữ Quốc ngữ.
Đúng là người Pháp ban đầu rất sốt sắng trong việc yêu cầu phổ biến và hoàn thiện, áp dụng chữ Quốc ngữ. Nghị định 82 ký ngày 6/4/1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ: “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng…”.
Song, điều này chỉ nhằm trước tiên phục vụ cho mục tiêu quản lý và truyền bá văn hóa Pháp mà thôi; và chữ Quốc ngữ hoàn toàn không được thực dân Pháp ủng hộ một cách mạnh mẽ như nhiều sử gia Việt Nam tưởng tượng ra. Trong tài liệu nghiên cứu mang tên Colonialism and Language Policy in Viet Nam của John De Francis, một trong những tác giả người nước ngoài có tiếng nói và kinh nghiệm trong nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam, ông khẳng định rằng người Pháp rất hạn chế trong chính sách phổ biến Quốc ngữ, với mục tiêu không hơn 10% người Việt Nam được đào tạo thông thạo Quốc ngữ.
Nhiều tài liệu Việt Nam đang tưởng tượng nên hình ảnh một thực dân Pháp hùng mạnh dùng Quốc ngữ để đồng hóa người Việt Nam, bắt người Việt Nam quên đi cội nguồn. Trong khi đó, chính bản thân người Pháp cũng rất ngần ngại phổ biến Quốc ngữ ra đại chúng, thứ chữ viết dễ học, dễ viết, phù hợp với người bản địa – thứ hoàn toàn có thể được sử dụng để tập hợp, tuyên truyền và hình thành nên tư tưởng chống lại chính quyền thực dân.
Tuy nhiên, cho đến khi thực dân Pháp nhận ra điều này, chữ Quốc ngữ đã trở thành một công cụ chính trị hiệu quả của người Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, các trí thức Nam Kỳ như cụ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản… trở thành những người đi đầu trong chủ trương truyền bá chữ Quốc ngữ và phát triển tiếng Việt.
Hóa ra, thứ ngôn ngữ “hai mang” mà ban đầu người Pháp nghĩ rằng có bản chất Latin có thể phục vụ cho việc kiểm soát và đồng hóa người Việt này lại mang đến một cơ hội hoàn toàn mới cho người bản địa. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một thứ chữ viết phổ thông, dễ tiếp cận, biểu âm, và quan trọng hơn là tách biệt hoàn toàn với cả ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Hán, chỉ dành cho tiếng Việt và người Việt Nam.
Nhận thấy điều này, trí thức cả nước nhanh chóng ủng hộ Quốc ngữ, kêu gọi mọi người hưởng ứng rộng rãi. Hội Truyền bá Quốc ngữ được hình thành. Các trí thức dẫn đầu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục thì từng ca ngợi chữ quốc ngữ:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách các nước, sách Chi Na
Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường.
Chữ Quốc ngữ, theo đúng lịch sử, đã trở thành phương tiện để người Việt phổ biến, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đòi độc lập. Nó cũng giúp phổ biến và bình dân hóa năng lực yêu nước tại Việt Nam, thứ trước đó chỉ thuộc về giới trí thức biết đủ chữ Nho để dùng.
***
Mục tiêu của người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ trong quá trình thực dân hóa nước ta có lẽ không phải là tốt lành gì. Lịch sử và các nhà sử học vẫn còn nhiều điều tranh cãi về vai trò và tư tưởng thực chất của Alexandre de Rhodes. Song điều rõ ràng nhất, là chữ Quốc ngữ – tự thân nó – đã mang đến cho ngôn ngữ Việt Nam thứ chữ viết độc lập, đặc sắc, và hoàn toàn riêng biệt sau hàng thế kỷ vai mượn và phụ thuộc. Nó cũng là rào cản giữa việc thực dân Pháp quyết định có áp dụng tiếng Pháp như là một thứ tiếng phổ thông hay không, như cách họ đã làm với nhiều quốc gia thuộc địa khác của mình. Vì vậy, người viết không quá ngần ngại để ủng hộ quan điểm cho rằng chính Quốc ngữ đã giúp chúng ta thoát khỏi nạn diệt chủng ngôn ngữ hoàn toàn có thể nhìn thấy trước. Xét công và tội, công của chữ Quốc ngữ và người đặt nền móng của nó, có lẽ nhiều hơn.
___
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung? Mọi bài phản biện xin gửi về bbt@luatkhoa.org.