Dịch từ bài “What the early church thought about God’s gender” của David Wheeler-Reed, giáo sư ngành thần học, Đại học Albertus Magnus (Mỹ), đăng trên The Conversation ngày 1/8/2018.
Nhà thờ Tân giáo vừa quyết định sửa lại bộ kinh cầu nguyện xuất bản năm 1979, để Chúa không còn được gọi bằng ngôi nhân xưng giống đực nữa.
Cuốn kinh cầu nguyện này được xuất bản lần đầu vào năm 1549; bản in hiện nay là ấn bản lần thứ tư. Nó được xem là biểu tượng của tình đoàn kết trong Cộng đồng Anh giáo, là cộng đồng Thiên Chúa giáo lớn thứ ba trên thế giới, được thành lập năm 1867.
Hiện thời điểm sửa chính xác chưa được ấn định, tuy nhiên, các lãnh đạo tôn giáo tham dự hội thảo gần đây của cộng đồng ở Austin (thường tổ chức ba năm một lần) đã nhất trí với yêu cầu phải thay các từ giống đực để gọi Chúa, như “Ngài”, “Vua”, “Cha” bằng các từ khác.
Sự thật là, trong các bản văn và tài liệu của Thiên Chúa giáo thời khởi thủy, Chúa luôn được gọi bằng các từ giống cái.
Chúa trong Kinh Thánh Do Thái
Là chuyên gia về nguồn gốc Thiên Chúa giáo và lý thuyết về giới, tôi đã nghiên cứu những cách gọi Chúa thời kỳ đầu.
Trong sách Sáng Thế chẳng hạn, phụ nữ và đàn ông được tạo ra theo “Hình ảnh của Chúa”, nghĩa rằng Chúa vượt ra ngoài các ý niệm của xã hội về giới tính. Hơn thế nữa, sách Đệ Nhị Luật – cuốn thứ năm trong Kinh Thánh Do Thái cổ, được viết vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên – nói rằng Chúa đã sinh ra Israel.
Theo lời nhà tiên tri Isaiah hồi thế kỷ thứ 8, Chúa được miêu tả như một người phụ nữ trong lao động, một người mẹ vỗ về con cái mình.
Theo sách Châm Ngôn, sự khôn ngoan thánh (hay sự khôn ngoan của Chúa) được miêu tả bằng hình tượng nữ – Sophia (nghĩa là “sự khôn ngoan” trong tiếng Hy Lạp) – đã trợ giúp Chúa trong quá trình tạo dựng nên thế giới.
Những người đứng đầu hội thánh hiểu Sophia là “Lời của Chúa”. Hơn thế nữa, các thầy đạo Do Thái còn đặt Torah – luật của Chúa – ngang bằng với Sophia, hàm nghĩa rằng sự khôn ngoan của nữ giới đã ở nơi Chúa từ khởi thủy của thời gian.
Có lẽ một trong những điều đáng chú ý nhất từng được viết về Chúa trong Kinh Thái Do Thái là điều xuất hiện ở Xuất hành (Xuất Ê-díp-tô ký) 3, khi Moses lần đầu gặp Chúa và hỏi tên. Trong câu 14, Chúa đáp: “Ta là ta” (dịch sát nghĩa: Ta là người mà ta là). Đó đơn thuần là một sự kết hợp hai động từ “là” trong tiếng Do Thái, mà không đề cập cụ thể đến giới tính. Sách Xuất hành đã viết rõ ràng, nếu có, rằng Chúa đơn giản là “Đấng hiện hữu” – ý này về sau được nhắc lại trong giáo lý Thiên Chúa, rằng Chúa là thần linh.
Trên thực tế, tên riêng của Chúa, Jehovah (Yahweh trong tiếng Do Thái), mà Moses được nghe trong Xuất hành 3, là một kết hợp đáng chú ý giữa tiền tố giống cái và hậu tố giống đực. Các chữ cái đầu của tên Chúa trong tiếng Do Thái, “Yah”, nghĩa là “tính nữ”, và các chữ cái sau, “weh”, là “tính nam”. Căn cứ vào nội dung sách Xuất hành 3, nhà thần học cổ xúy nữ quyền Mary Daly đặt vấn đề: “Tại sao ‘Chúa’ phải là danh từ? Tại sao không phải động từ – là loại từ mạnh mẽ, năng động nhất?”.
Chúa trong kinh Tân Ước
Trong Tân Ước, Chúa Jesus cũng thể hiện mình với một thứ ngôn ngữ nữ tính. Trong Phúc âm Matthew, Chúa Jesus đứng nhìn thành Jerusalem và khóc: “Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!”.
Hơn thế nữa, tác giả của sách Phúc âm Ma-thi-ơ (Matthew) đặt Chúa Jesus ngang với hình tượng nữ Sophia (sự khôn ngoan) khi ông viết: ““Nhưng sự khôn ngoan (danh từ giống cái) được minh chứng nhờ những việc làm của mình” (có phiên bản tiếng Việt dịch là “Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”). Trong suy nghĩ của Matthew, dường như Chúa Jesus là hiện thân của sự khôn ngoan (được mô tả bằng giới tính nữ) trong Sách Châm Ngôn, vốn đã ở cùng Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế. Còn tôi, tôi nghĩ rằng khả năng rất cao là Matthew cho rằng bản tính của Chúa Jesus bao gồm cả yếu tố “nữ tính” này.
Bên cạnh đó, trong thư gửi tín hữu Galát (vào khoảng năm 54 hoặc 55 Công nguyên), sứ đồ Phao-lô (thánh Paul) viết rằng ông sẽ tiếp tục “chịu đau đớn của sự sinh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con”.
Rõ ràng, hình tượng nữ đã được những tín đồ đầu tiên của Chúa Jesus chấp nhận.
Những người đứng đầu hội thánh
Khuynh hướng đó tiếp tục với các bản văn của những người đứng đầu hội thánh. Trong cuốn “Salvation to the Rich Man” (“Cứu rỗi người giàu”), Clement – Giám mục thành Alexandria, sống vào khoảng năm 150-215 – viết: “Với tính cách khó mà miêu tả thành lời, Ngài là cha; trong sự nhân hậu với chúng ta, Ngài trở thành mẹ. Người cha, với tình yêu, mang tính nữ”. Cần nhớ rằng Alexandria là một trong những đô thị Thiên Chúa giáo quan trọng nhất vào thế kỷ thứ hai và ba, cùng với Rome và Jerusalem. Đó cũng là nơi tập trung các hoạt động trí tuệ, tri thức của cộng đồng Thiên Chúa giáo. Còn trong cuốn “Đấng Christ, nhà giáo dục”, Giám mục viết: “Chúa là tất cả với các con của Ngài, cả là cha, cả là mẹ”.
Augustine, Giám mục thành Hippo ở Bắc Phi, dùng hình ảnh Chúa như một người mẹ, để nói rằng Chúa nuôi dưỡng và chăm sóc những người trung thành. Ông viết: “Ngài, người đã hứa cho chúng ta đồ ăn của thiên đường, đã nuôi chúng ta bằng sữa, đã dùng đến sự âu yếm và dịu dàng của người mẹ”.
Gregory, Giám mục thành Nyssa và là một trong những bậc lãnh đạo đầu tiên của hội thánh ở Hy Lạp, sống vào giai đoạn 335-295 Công nguyên, thì miêu tả bản chất bất khả tri – sự siêu việt của Chúa – bằng những ngôn từ chỉ tính nữ. Ông nói:
“Quyền lực thần thánh ấy, mặc dù vượt xa ra bên ngoài bản chất của chúng ta và không thể thấu hiểu (không ai có thể tiếp cận), lại giống như một bà mẹ dịu dàng hòa mình vào cái bi bô, bập bẹ của đứa con, đem đến cho nhân loại chúng ta cái mà chúng ta có thể tiếp nhận được”.
Chúa mang giới tính gì?
Các tín đồ của Thiên Chúa giáo thời nay sống trong một thế giới nơi mà các hình tượng, hình ảnh đều có nguy cơ trở nên không phù hợp về xã hội, chính trị hay đạo đức. Trong trường hợp đó, như nhà thần học theo nữ quyền Judith Plaskow viết: “Thay vì nghĩ đến và hình dung trong ý thức mình về Chúa, những hình ảnh trong đầu chúng ta lại ngăn cản khả năng chúng ta có được những trải nghiệm tôn giáo”. Nói cách khác, giới hạn Chúa trong các đại từ nhân xưng để chỉ giống đực, trong các hình ảnh giống đực, là giới hạn vô vàn những trải nghiệm tôn giáo của hàng tỷ người Cơ Đốc trên toàn thế giới.
Do đó, với Cơ Đốc nhân ngày nay, có lẽ tốt nhất là nên nhớ đến lời Đức Giám mục Augustine, người từng nói như thế này: “Si comprehendis non est Deus”. Có nghĩa là: Nếu bạn hiểu được, thì điều bạn hiểu đâu phải là Chúa.
Bài viết này nằm trong loạt bài về vấn đề giới và Thiên Chúa giáo.