Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Đó là một bữa cỗ tất niên của một đại gia đình ba thế hệ.
Mọi người sum vầy trong gian nhà chính, dành cho nhau những giờ phút hiếm hoi trong một năm để thắt chặt mối quan hệ gia đình.
Ở mâm trên, thường là bộ bàn ghế hay phản gỗ giữa phòng khách, ngay cạnh bàn thờ gia tiên, từ cửa chính trông vào, là ông bà, những người con trai và con rể của họ, và cháu đích tôn (dĩ nhiên, cũng là nam).
Ở mâm giữa, thường ngày là giường ngủ, là các cháu trai lớn bé, có thể thêm vài cháu gái.
Và sau cùng, mâm dưới, thường là chiếu trải dưới đất (nên còn được gọi là chiếu dưới), ngay cạnh cửa hông, gần bếp nhất, là cánh đàn bà, gồm cả con gái và con dâu của ông bà, và các cháu gái. Họ vừa ăn, vừa dỗ con, vừa tất bật chạy ra chạy vào giữa gian nhà chính và bếp.
Hình ảnh này có quen thuộc với bạn không? Theo tôi biết, đó là những gì thường thấy ở các vùng nông thôn miền Bắc trong những ngày Tết. Ở các địa phương khác, mọi thứ có thể khác đi đôi chút, thậm chí có thể khác nhiều, nhưng duy có một điều tôi chắc là không khác biệt gì đáng kể giữa các vùng miền: lằn ranh rõ nét giữa đàn ông và đàn bà trên mâm cỗ.
Lý do duy nhất khiến cho một người đàn bà được ngồi mâm trên là tuổi tác của họ. Thường do họ là bà nội, bà ngoại, là bậc cao niên trong gia đình. Và với truyền thống trọng lão của Việt Nam, họ có một vị trí ở mâm trên.
Ngày Tết có thể là ngày nghỉ với ai, chứ không phải với đàn bà. Nếu không muốn nói, ngày Tết phản ánh rõ nét những thiệt thòi và địa vị yếu thế của họ trong các mối quan hệ gia đình.
Ở trên chỉ là hình ảnh mâm cỗ. Nhưng trước khi có mâm cỗ đó, đàn bà là người đi chợ và vào bếp. Và sau khi cánh đàn ông đã đánh chén linh đình, ngà ngà say, đàn bà là những người dọn mâm và đánh vật với một sân bát đĩa.
Liệu lấy một hình ảnh đơn lẻ như vậy để khái quát hóa thành vấn đề “trọng nam, khinh nữ” có phải là hấp tấp và hồ đồ không? Tôi cũng muốn nghĩ là mình hấp tấp, hồ đồ. Và thực sự là không phải đàn ông hoàn toàn không tham gia những việc bếp núc, cũng không phải gia đình nào cũng phân chia thứ bậc như vậy, và có lẽ xã hội đang dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Sẽ cần nhiều nghiên cứu cẩn thận để có thể kết luận được về mặt văn hóa, nhưng tôi sợ rằng, mối liên hệ giữa mâm cỗ và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” là có thật.
Điều đáng quan tâm là hầu hết mọi người đều tuân thủ cách sắp xếp thứ bậc mâm cỗ này một cách vô thức. Ai cũng tự khắc biết mình thuộc về mâm nào. Ít ai để ý đến cái lằn ranh vừa hữu hình, vừa vô hình đó trên mâm cỗ gia đình mình. Đàn ông hưởng thụ cái trật tự đó. Đàn bà tự nguyện tuân thủ cái trật tự đó, đến mức nếu bạn có nói cho họ biết cái lằn ranh mà bạn trông thấy, họ cũng gạt đi mà rằng: Đàn bà phải thế.
Một trật tự trên dưới hình thành không chỉ do một bên áp đặt, mà còn do bên còn lại chấp nhận bị áp đặt. Và nếu phóng chiếu mâm cỗ gia đình đó ra toàn xã hội, ta thấy những mâm cỗ to hơn nhưng trật tự thì hoàn toàn không thay đổi. Đó là khi ta biết rằng, thay đổi xã hội một cách bền vững bắt đầu từ mâm cơm gia đình, chứ không phải từ một kỳ đại hội đảng.
Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Mọi bài thảo luận, phản biện xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org hoặc qua chức năng bình luận trên website và Facebook. Luật Khoa sẽ lựa chọn các bài và bình luận hay để đăng tải.