‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Đầu năm 2020, chúng tôi trò chuyện với một số độc giả để xem họ có thắc mắc gì về Luật Khoa. Câu hỏi thì có nhiều, chúng tôi lựa một số câu sau đây để trả lời và sẽ tiếp nối với những cuộc trò chuyện tương tự trong tương lai.
Mục tiêu hoặc định hướng hoạt động của Luật Khoa tạp chí trong năm 2020 là gì?
Năm 2020, Luật Khoa sẽ có một số thay đổi đáng kể.
Đầu tiên, bên cạnh các bài viết truyền thống, tạp chí sẽ đầu tư vào một số chuyên đề được lên kế hoạch trước và được chuẩn bị công phu. Khác với hầu hết các bài viết lâu nay vốn lẻ tẻ và phản ứng theo thời sự, các chuyên đề này sẽ tập trung vào những đề tài quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, với nội dung sâu và toàn diện hơn hẳn.
Thứ hai, Luật Khoa sẽ tìm kiếm các giải pháp công nghệ để độc giả có thể đọc được các bài viết mà không phải vượt tường lửa. Luật Khoa đã có sẵn ít nhất một giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này.
Thứ ba, Luật Khoa sẽ bắt đầu chương trình đào tạo nhà báo. Trước mắt, do năng lực tổ chức và kinh phí có hạn, chương trình đào tạo chỉ có quy mô rất nhỏ và chỉ dành cho nhân sự của Luật Khoa và một số cộng tác viên. Chúng tôi cho đây là vấn đề sống còn của tờ báo nói riêng và báo chí độc lập Việt Nam nói chung.
Thứ tư, là một vấn đề nội bộ, chúng tôi sẽ bắt đầu chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý để Luật Khoa thích ứng với một quy mô hoạt động mới. Sau 5 năm hoạt động, Luật Khoa cần thoát hẳn ra khỏi cơ chế quản lý của một dự án nhỏ để trở thành một tổ chức hiệu quả. Nguyên tắc của cơ chế này là không phụ thuộc vào một cá nhân nào để đảm bảo tổ chức sống sót và hoạt động được khi có những biến động lớn về nhân sự.
Thứ năm, Luật Khoa cần mở rộng hoạt động gây quỹ từ độc giả để đảm bảo tờ báo có đủ kinh phí hoạt động. Hiện nay tờ báo vẫn hoạt động cầm chừng và chưa đủ kinh phí để xây dựng một bộ máy nhân sự có đầy đủ các bộ phận cơ bản: sản xuất, hành chính, tài chính, nhân sự – đào tạo, và kỹ thuật.
Tất cả các kế hoạch này đều nhằm đến mục tiêu xây dựng Luật Khoa thành một tổ chức báo chí độc lập, hiệu quả, bền vững và có khả năng sản xuất nội dung chất lượng cao.
Luật Khoa là báo trong nước hay báo hải ngoại?
Chúng tôi tự coi mình là báo tiếng Việt, phục vụ độc giả Việt Nam.
Luật Khoa phải bất đắc dĩ đặt trụ sở ở Đài Loan và đăng ký pháp nhân ở Mỹ. Cả hai điều này đều không thể thực hiện được trong môi trường chính trị trong nước. Tuy vậy, hầu hết các cây viết và biên tập viên của Luật Khoa đều ở trong nước.
Tại sao Luật Khoa lại hay viết bài chống chính quyền?
Trong lịch sử hơn 5 năm hoạt động, Luật Khoa bị gán cho là “chống” đủ thứ, từ chống chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, từ chống chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến gần đây là chống Thiên Chúa giáo.
Đi kèm với đó, Luật Khoa cũng bị các nhóm khác nhau gán cho những nhãn hiệu trái ngược nhau như “phản động”, “cờ vàng hải ngoại”, “đu càng”, “cộng sản”, “Tàu cộng”, “thổ tả”, “vô thần”, v.v.
Cá biệt có một số ít độc giả còn cho rằng Luật Khoa là do Cục Tình báo Trung ương Mỹ lập ra để lật đổ chính quyền CHXHCN Việt Nam, một số ít khác lại cáo buộc chúng tôi là cánh tay nối dài của đảng Dân chủ Mỹ để tuyên truyền chủ nghĩa xã hội.
Chúng tôi nghĩ những phản ứng đa dạng đó là dấu hiệu rất tốt, chứng tỏ Luật Khoa đang đi đúng hướng để trở thành một tờ báo độc lập, không sợ ai và không nịnh ai. Việc của chúng tôi hoàn toàn không phải là vuốt ve bất kỳ phe phái nào, kể cả những người đóng góp tiền bạc cho Luật Khoa hoạt động. Nếu bạn kỳ vọng điều đó ở Luật Khoa thì bạn đang ở nhầm chỗ.
Luật Khoa trung thành với sứ mệnh nói lên sự thật cũng như trở thành diễn đàn của các quan điểm đa chiều. Đó là giá trị lớn nhất mà chúng tôi có thể mang lại cho quý vị độc giả.
Nhiều tổ chức, hội nhóm tuyên bố sẽ dừng hoạt động khi Việt Nam đạt được dân chủ, các bạn thì sao?
Mục tiêu của Luật Khoa không chỉ là góp phần vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, mà còn là xây dựng một nền báo chí độc lập, chuyên nghiệp và chất lượng cao. Đó là mục tiêu lâu dài và không có điểm dừng.
Chúng tôi dự báo rằng ngay cả khi Việt Nam đã có một nền dân chủ thì khả năng cao báo chí vẫn sẽ bị các doanh nghiệp lớn và đảng phái chính trị chi phối ở những mức độ khác nhau. (Huống chi, cho đến nay, nền chính trị Việt Nam chưa từng được dân chủ hoá). Khi bị chi phối, báo chí sẽ không thể đóng được vai trò truyền tải sự thật và khai mở dân trí mà sẽ trở thành công cụ truyền thông của các nhóm lợi ích. Đây là thực tế ở nhiều nền dân chủ. Trong bối cảnh đó, báo chí độc lập sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Luật Khoa muốn dự phần trong vai trò đó.
Nước ta dường như chưa có tờ báo đúng nghĩa nào tồn tại được tới 50 năm, chứ chưa nói gì tới những tờ báo có lịch sử hàng trăm năm như ở phương Tây. Chúng tôi không biết Luật Khoa sẽ tồn tại được bao lâu, nhưng chúng tôi không ít tham vọng hơn các tờ báo tốt nhất của phương Tây.
Cộng tác với Luật Khoa có gặp rủi ro gì không?
Câu trả lời, rất đáng tiếc, nhưng cũng rất thú vị, là có. Luật Khoa không phải tờ báo thân thiện với bất kỳ ai, kể cả chính quyền Việt Nam. Làm người viết, nhất là nhà báo, ở nước nào cũng vậy, luôn gặp phải những rủi ro khác nhau. Nói lên sự thật chưa bao giờ là việc an toàn, ở bất kỳ nơi đâu.
Bạn có thể bị công an theo dõi, bị đánh, bị truy lùng, bị bắt bớ, bị bỏ tù, v.v. Đó là những rủi ro có thật.
Nhưng Luật Khoa có cách để hạn chế tối đa những rủi ro này. Một là bạn có thể sử dụng một danh tính giả để làm việc với Luật Khoa. Không ai, kể cả Luật Khoa, biết bạn là ai. Chúng tôi sẽ quyết định đăng bài hay không dựa trên nội dung bài viết chứ không phải tên tác giả. Trường hợp chúng tôi biết danh tính tác giả thì cũng chỉ có người có liên quan của Luật Khoa mới biết, và chúng tôi không tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai khác.
Với nhân viên Luật Khoa, chúng tôi trang bị các phần mềm bảo mật tốt nhất để tránh rủi ro an ninh mạng.
Tóm lại, bạn có thể yên tâm cộng tác, chia sẻ thông tin cho Luật Khoa mà không cần phải quá lo lắng về an toàn của bản thân.
Luật Khoa có trả nhuận bút cho các tác giả không?
Có. Luật Khoa luôn coi trọng công sức lao động của các tác giả và cố gắng trả nhuận bút ở mức cao nhất có thể, dao động từ 30-200 USD/bài, với mức thông thường từ 70-120 USD/bài.
Chính sách nhuận bút của Luật Khoa dựa trên một giả định có tính nguyên tắc: nếu một tác giả dành toàn bộ thời gian làm việc để viết bài cho Luật Khoa thì tác giả đó sẽ có mức thu nhập ít nhất là đủ sống ở mức trung lưu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Luật Khoa điều chỉnh mức chi trả cụ thể dựa trên khảo sát hàng năm về mức sống ở hai thành phố đắt đỏ nhất cả nước này.
Với các bài/loạt bài cần đầu tư kinh phí đi lại, ăn ở, mua tài liệu, Luật Khoa cũng sẵn sàng chi trả.
Xin tham khảo chính sách cộng tác của Luật Khoa tại đây.
Luật Khoa lấy kinh phí đâu để hoạt động?
Ngân sách của Luật Khoa đến từ hai nguồn: nguồn độc giả đóng góp và nguồn các tổ chức tài trợ.
Bên cạnh đó, Luật Khoa còn dựa trên lao động thiện nguyện của nhiều cá nhân trong suốt những năm qua. Nhiều người viết bài hoặc làm các công việc hành chính cho Luật Khoa nhưng không lấy thù lao.
Luật Khoa có ý định thu phí đọc báo như các báo lớn trên thế giới hiện nay đang làm không?
Chủ trương của Luật Khoa là khai mở thông tin và tri thức nên chúng tôi không thu phí đọc báo, ai cũng có thể đọc báo miễn phí.
Luật Khoa đang cân nhắc áp dụng mô hình thành viên đóng góp định kỳ (membership). Độc giả vẫn đọc báo miễn phí, ai có lòng và có khả năng đóng góp hàng tháng, hàng năm thì có thể đăng ký làm thành viên, cứ đến ngày thanh toán thì hệ thống sẽ tự động trừ tiền từ thẻ ngân hàng của thành viên. Luật Khoa sẽ có nhiều mức đóng góp khác nhau phù hợp với các nhóm độc giả có khả năng tài chính khác nhau: đó có thể chỉ tương đương một ly cà-phê hay một bát phở bình dân, cũng có thể tương đương tiền thuê nhà trọ của một sinh viên mỗi tháng. Hiện nay đã có một số độc giả chủ động đóng góp hàng tháng qua công cụ Paypal (recurring payment). Chúng tôi sẽ sớm đưa ra quyết định về vấn đề này.
Một số nhà tài trợ có tư vấn cho Luật Khoa chuyển sang mô hình thu phí đọc báo (dù vẫn duy trì mô hình phi lợi nhuận, toàn bộ doanh thu được tái đầu tư cho tổ chức). Lập luận của họ là một món hàng mà người ta không sẵn lòng bỏ tiền ra mua thì coi như món hàng đó không có giá trị. Chúng tôi không phủ nhận mô hình này có nhiều ưu điểm, nhưng Luật Khoa chưa xem xét mô hình này, ít nhất là trong tương lai gần.
Luật Khoa có công khai tài chính không? Làm sao biết Luật Khoa sử dụng ngân quỹ đúng mục đích?
Hiện Luật Khoa đã đăng ký pháp nhân ở Mỹ, hàng năm đều phải báo cáo thuế và làm báo cáo kiểm toán toàn diện do các hãng kiểm toán độc lập nước ngoài thực hiện. Các khoản chi tiêu của Luật Khoa hầu như đều được thanh toán trực tiếp qua tài khoản ngân hàng và tài khoản Paypal của tổ chức, có sao kê rõ ràng để cung cấp cho các hãng kiểm toán, cực kỳ hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt.
Luật Khoa cố gắng công khai tài chính ở mức độ cao nhất có thể. Tuy nhiên, ở vị trí của Luật Khoa, việc công khai rất nhiều khi đặt cá nhân, tổ chức tài trợ vào thế nguy hiểm do bị chính quyền Việt Nam theo dõi. Nhiều cá nhân, tổ chức yêu cầu Luật Khoa không công bố khoản tài trợ của họ, cho dù đó là vài đô-la hay vài ngàn đô-la.
Trước đây, Luật Khoa có công bố danh sách các cá nhân, tổ chức tài trợ. Tuy nhiên, hai năm qua, bảng danh sách trở nên phức tạp hơn nhiều do có nhiều khoản đóng góp hơn, các yêu cầu của nhà tài trợ cũng nhiều hơn. Trong điều kiện nhân lực rất hạn chế và biến động liên tục, Luật Khoa chưa xử lý kịp để công bố danh sách này.
Trong tương lai, Luật Khoa có thể cân nhắc lựa chọn phương án chỉ công bố tổng thu – chi và cơ cấu thu – chi, tương tự các tờ báo phi lợi nhuận khác như Hong Kong Free Press, New Narratif. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cần tham khảo ý kiến của các nhà tài trợ trước khi đưa ra quyết định này.
Tôi không vào đọc được bài của Luật Khoa. Tôi phải làm sao?
Nếu có một thông điệp tới quý vị độc giả, chúng tôi muốn nói với độc giả rằng: kiến thức trên Internet là vô bờ, hãy chủ động tìm cách vượt tường lửa để đọc các website bị chặn. Cách làm rất đơn giản: lên Google tìm kiếm cách thức phù hợp nhất với khả năng kỹ thuật và túi tiền của mình. Có những cách dễ dàng, miễn phí, lại có cách phức tạp hơn và phải trả tiền.
Luật Khoa đã có một bài hướng dẫn tại đây.
Chúc quý vị độc giả một năm mới học được nhiều điều hay.