Dân chủ và dân chửi

Dân chủ và dân chửi
Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Có lẽ trong lịch sử, chưa có nghề nào bị xem là “khổ” bằng nghề “làm dâu”.

Làm dâu bình thường đã khổ, tưởng tượng “làm dâu trăm họ” còn khổ tới chừng nào.

Vì vậy nên gần như mọi nghề trên đời, từ bác sĩ, y tá đến cảnh sát, bảo vệ, từ nhà giáo đến nhà báo, từ đầu bếp đến nghệ sĩ, từ thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch đến bình luận viên, huấn luyện viên bóng đá, từ nhân viên giao hàng đến nhân viên ngân hàng…  tất cả đều đua nhau đóng dấu mộc “dâu trăm họ” lên mình, như một thứ vaccine tự miễn dịch trước mọi cơn chửi.

Nghề nào càng tiếp xúc với số đông người, càng được giao nhiều quyền lực, và càng được hưởng nhiều quyền lợi, lại càng có nguy cơ bị dính chửi – tất nhiên kịch bản ngược lại cũng đúng: càng làm tốt càng được nhiều lời khen.

Xét theo tiêu chí đó, làm chính trị phải đứng hàng top trong số những nghề nghe chửi (và được khen).

Những người làm chính trị ăn lương của toàn bộ xã hội, được giao những đặc quyền đặc lợi (theo quy định trong luật pháp), và mỗi việc làm, mỗi quyết định của họ đều ảnh hưởng đến tất cảnhững người khác.

Trong những hoàn cảnh bình thường, các quan chức, công chức là đối tượng được nghe dân chửi nhiều nhất nhì trong xã hội. Trong những hoàn cảnh bất thường, như thiên tai, dịch bệnh, cơn chửi dành cho họ càng kịch liệt.

Lý do giản dị là vì khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nguồn lực của xã hội lập tức bị bó hẹp. Nhân lực, tài lực, vật lực và thời gian, trong điều kiện bình thường nếu đủ hoặc thừa, giờ cũng sẽ trở nên thiếu thốn. Thiên tai, dịch bệnh diễn ra càng lâu, nguồn lực sẽ càng cạn kiệt. Trong lịch sử, không thiếu những quốc gia, thậm chí cả một nền văn minh, bị hủy diệt theo cách đó.

Bản chất của hoạt động chính trị là việc điều phối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội. Khi nguồn lực đủ hoặc dư dả, công việc này khá làng nhàng, miễn đừng ăn tàn phá hoại là cũng đủ được khen. Khi nguồn lực thiếu thốn, cho dù các công chức điều phối tài giỏi đến đâu, cũng sẽ luôn có những người phàn nàn vì bị dính phần thiệt (nguồn lực đã thiếu thì có làm thế nào vẫn luôn luôn có những người không có đủ).

Nói cách khác, bắt buộc phải ăn chửi.

Câu chuyện “khủng hoảng khẩu trang” trong dịch cúm corona Vũ Hán là một ví dụ điển hình.

Một sản phẩm bình thường cho không ai lấy, thấy không ai mê, chê chẳng ai thèm trữ, bỗng chốc trở thành “hàng hot” được săn lùng đầu đường cuối phố ở các nước châu Á những ngày qua.

Cơn sốt khẩu trang đến từ nhu cầu tăng đột biến của người dân. Nhu cầu đó đến từ tâm lý hoang mang sợ hãi trước dịch bệnh. Tâm lý đó lại được tạo ra từ hai vấn đề về thông tin: thiếu hụt và mâu thuẫn.

Thông tin thiếu hụt là điều dễ hiểu, khi đại dịch lần này xuất phát từ một chủng virus mới, chưa ai biết đầy đủ chính xác về nguồn gốc, cơ chế hoạt động, lây lan, và độc tính của nó. Dù Trung Quốc, nước xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đã tiến hành những biện pháp kiểm soát vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hiện đại, phong tỏa hàng trăm triệu người để kiềm chế lây lan, tương lai của đại dịch vẫn là một dấu hỏi lớn.

Đó là chưa kể, với thành tích bất hảo xưa nay của chế độ độc tài cộng sản, luôn ám ảnh phải độc chiếm thông tin, xào nấu sự thật, người ta càng có lý do để lo lắng bất an trước diễn biến thật sự của dịch bệnh.

Trong những trường hợp dịch bệnh, đặc biệt là dịch mới như lần này, thông tin thiếu hụt là thứ có thể phần nào chấp nhận được. Hay nói chính xác hơn, người ta sẽ phải học cách kiên nhẫn để chờ thêm dữ liệu xuất hiện, thay vì bổ nháo bổ nhào tin theo đủ lời thượng vàng hạ cám.

Trong tương lai, khi những đại dịch mới ngày càng xuất hiện nhiều (nhất là với tác hại của khủng hoảng khí hậu dần lộ rõ), kiên nhẫn sẽ càng trở thành một đức tính mà nhân loại phải học cách tích trữ ngay từ bây giờ.

Tất nhiên, người ta chỉ có thể, và chỉ nên kiên nhẫn với việc thiếu hụt thông tin do chưa biết, chứ không thể và không được phép chấp nhận thông tin thiếu hụt do che giấu.

Thiếu thông tin do chưa biết và thiếu thông tin do che giấu đều dẫn đến sự xuất hiện của các loại thông tin mâu thuẫn nhau, nhưng về bản chất lại rất khác biệt.

Việc thiếu thành thật, che giấu thông tin, độc chiếm tri thức, xào nấu sự thật tạo ra môi trường độc hại cho tin đồn tin giả sinh sôi nảy nở, khiến người dân ngày càng nhiễm độc, càng lúc càng mù mờ không biết đâu mà lần. Nói như cách các chính quyền độc tài ưa dùng, “dân trí” trong trường hợp này càng lúc càng thấp (nhưng họ “quên” rằng “quan trí” còn thấp hơn – mà cũng có thể vì cái tâm lẫn cái tầm đều quá thấp nên họ không nhận ra sự thật đó).

Trong khi ấy, cái chưa biết tuy cũng dẫn đến các thông tin khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau, nhưng nó tạo ra môi trườngđể tranh luận, là động lực để tìm hiểu sự thật. Theo thời gian, khi dữ liệu mới xuất hiện, các tranh cãi sẽ được dàn xếp, kiến thức mới được xác nhận, người dân từ đó càng có thêm hiểu biết.

Ở đây ta thấy được vai trò tối quan trọng của minh bạch và tự do thông tin.

Thông tin phải được tự do, tri thức phải được giải phóng, con người mới có thể làm chủ vận mệnh của chính mình. Càng hiểu biết về bản thân, về thế giới xung quanh, họ sẽ càng làm chủ một cách có trách nhiệm.

Tự do thông tin không chỉ là nền tảng tối thiểu của “dân chủ” – giúp người dân có quyền làm chủ, nó còn giúp chính quyền bớt “chết oan”.

Những ngày đầu dịch cúm Vũ Hán lan tới Việt Nam, chính quyền đã đưa ra khuyến cáo người dân phải tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang. Thậm chí Thủ tướng cũng cảnh báo“có thể toàn dân phải đeo khẩu trang”. Nhưng khi cơn sốt khẩu trang xảy ra, lãnh đạo Bộ Y tế lại đăng đàn khẳng định“không cần đeo khẩu trang”. Thời gian đầu Bộ Y tế nhắn tin đến từng số điện thoại khuyên bảo người dân “đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng”, sau đó vài ngày nhắn lại “đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí”.

Người Đài Loan cũng gặp phải các thông tin trái chiều tương tự.

Thời gian đầu chính quyền tuyên bố trữ đủ khẩu trang, dân chúng không cần lo lắng. Khi số ca bệnh ở Trung Quốc đua nhau nhảy vọt, người dân lên cơn sốt đi hốt khẩu trang. Lúc này số khẩu trang trữ sẵn, 45 triệu chiếc, trở thành giọt nước trên sa mạc khi hàng chục triệu người dân cùng lúc săn lùng tích trữ nó. Chính quyền một mặt ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang để dành cho người dân trong nước, một mặt tuyên truyền rằng “người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang” để hạ nhiệt nhu cầu. Nhưng trong khi Tổng thống Thái Anh Văn cùng các quan chức xuất hiện trên đường phố mà không có khẩu trang, thì cựu Tổng thống Mã Anh Cửu cùng nhiều thành viên các đảng đối lập lại bịt kín khẩu trang khi lên truyền hình. Người dân hoang mang không biết đâu mà lần.

Khi hoang mang, họ giận dữ. Khi giận dữ, họ mắng chửi.

Sự hoang mang này là dễ hiểu, vì trên thực tế, chúng ta vẫn chưa đủ dữ liệu để có thể kết luận về tác dụng của khẩu trang trong việc phòng chống dịch.

Đây là dịch bệnh tạo ra bởi chủng virus mới, với cơ chế hoạt động và lây lan chưa hoàn toàn xác định. Các nghiên cứu về tác dụng khẩu trang xưa nay chỉ mới được thực hiện trong môi trường y tế, chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về hiệu quả của việc sử dụng khẩu trang trong đại chúng. Trên thị trường lại đang có hàng trăm loại khẩu trang được lưu hành.

Biết được những điều trên có thể không giúp được nhiều người bớt hoang mang, ít nhất là ngay trong thời điểm hiện tại.

Nhưng hiểu biết đầy đủ về những gì đang xảy ra sẽ giúp tất cả bớt nổi giận với người khác, trong đó có chính quyền. Rốt cục thì đến trẻ con cũng hiểu đạo lý đơn giản: không biết không có tội.

Hiểu biết đó cũng giúp họ, khi sống sót qua những cuộc khủng hoảng, học được những bài học kinh nghiệm cho tương lai.

Khi đối diện với thiên tai dịch bệnh, nguồn lực bị thiếu hụt, chính quyền cho dù có dân chủ đến đâu, chắc chắn cũng sẽ bị dân chửi.

Nhưng khi thông tin càng tự do, người dân càng được tiếp cận với tri thức, với sự thật, họ sẽ càng thấu hiểu, và càng bớt chửi.

Chửi bới là một cách đổ sự bất mãn của mình cho người hoặc thứ gì đó khác. Khi càng có hiểu biết về thế giới, người ta sẽ càng có trách nhiệm với bản thân. Khi càng có trách nhiệm và năng lực làm chủ cuộc đời của mình, người ta lại càng bớt đi nhu cầu phải chửi (ở đây đang nói chửi để đổ thừa, còn chửi để giải trí, cho vui mồm sướng miệng thì có lẽ sẽ mãi tồn tại, và đó là một đề tài khác).

Người Đài Loan vẫn ra rả chửi chính quyền vì để thiếu hụt khẩu trang, vì thông tin bất nhất, nhưng không ai rỗi hơi nghĩ tới chuyện lật đổ chính quyền, kể cả các đảng đối lập. Họ biết chính quyền đã cố gắng làm những gì, và giới hạn của những cố gắng đó.

Ở nơi tất cả đều bình đẳng, khi đối diện với khủng hoảng, người ta lên tiếng chỉ trích không phải để hủy hoại nhau, mà để cùng tranh luận, cùng tìm ra giải pháp. Đó là cách chế độ dân chủ vận hành.

Còn ở nơi chính quyền độc tài toàn trị, tự cho mình quyền đứng trên người khác, thậm chí hoang tưởng đến mức tự cho “Đảng là chân lý”, luôn tìm mọi cách để trị dân, mị dân, và ngu dân, thứ người ta có được chỉ là một “chế độ dân chửi”.

Những ai tạo ra thứ “xã hội dân chửi” này không bao giờ có quyền kêu oan.

Họ tự tạo ra quả đắng cho bản thân, và con cháu của chính mình.

Những người này vĩnh viễn không bao giờ thoát tội.

Kể cả khi đã chết.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.