‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Một khi thứ duy nhất bạn có trong tay và biết sử dụng là cây búa, mọi thứ xung quanh đều biến thành cây đinh.
Ngày 28/2/2020, Luật Khoa có đăng bài bình luận “Không thể ‘chống dịch’ bằng tư duy ‘chống giặc'” của tác giả Y Chan. Bài viết đã nhận được nhiều bình luận trái chiều từ độc giả. Tác giả Y Chan gửi Luật Khoa bài viết dưới đây để giải thích rõ hơn và mở rộng đề tài.
Vào hôm đầu tuần, tại một thành phố ở Hồ Bắc, Trung Quốc, nhân viên chăm sóc y tế đi kiểm tra các hộ gia đình trong khu vực, phát hiện một cậu bé sáu tuổi ở một mình trong nhà. Người lớn duy nhất sống cùng cậu là ông nội đã bảy mươi tuổi. Lúc đi vào người ta mới phát hiện ra ông đã chết từ vài ngày trước đó. Cậu bé lấy tấm chăn đắp lên người ông, ở yên trong nhà ăn bánh bích quy sót lại để đỡ đói. Khi được hỏi vì sao không ra ngoài, cậu trả lời “ông bảo không được ra ngoài, bên ngoài có con virus”.
Vài tuần trước đó, một cậu bé khác tại Hồ Bắc cũng ở một mình trong nhà. Cậu lớn hơn, 16 tuổi, nhưng mắc chứng bại não, không thể tự chăm sóc. Bố và anh cậu, những người duy nhất ở cùng, đã bị buộc cách ly vì nhiễm bệnh. Một tuần sau, khi người ta đến nhà kiểm tra, phát hiện cậu đã chết. Trong một tuần bị bỏ rơi một mình đó, dù người bố đã đăng lời thỉnh cầu giúp đỡ trên mạng, cậu bé chỉ được cho ăn đúng hai lần.
Người thân của đứa trẻ sáu tuổi ở trên bị kẹt tại tỉnh khác, mà với chính sách “phong thành” khắp nơi, không thể về để chăm sóc cậu. Còn người quen được nhờ vả đến chăm sóc cậu bé bại não thì vì những lý do nào đó, cũng chỉ đến được hai lần.
Dưới các biện pháp bưng bít kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt suốt nhiều thập kỷ qua, cùng chế độ gần như thiết quân luật được áp dụng trong đại dịch lần này, những trường hợp như trên chỉ là số ít ỏi ngoi lên được bề mặt.
Với nhiều người biết tin, nó khiến họ vừa xót xa vừa phẫn nộ. Với nhiều người khác, những tin như trên không có ý nghĩa gì đặc biệt.
Vì những việc không may đó chưa xảy ra với họ. Và vì với họ, đó là cái giá “phải trả” để chống dịch. Chỉ là, để ai đó trả.
Trong đại dịch, hoặc khi có tai ương nào xảy ra ảnh hưởng đến an nguy của chính mình, có những người lựa chọn sẵn sàng “hy sinh” bất kỳ ai khác, miễn mình được an toàn.
Theo quan điểm của người viết, thứ sản phẩm này có một phần lớn nguyên liệu đến từ kiểu tư duy xem mọi thứ xâm phạm lợi ích của mình, hay chỉ cần trái với ý của mình, đều là “giặc”.
“Chống dịch như chống giặc” là một kiểu tư duy như vậy.
Không ngạc nhiên gì khi có người kịch liệt phản đối quan điểm trên, như các phản hồi trong bài viết được đăng tải. Tiếc là trái với các phản hồi chụp mũ kiểu “chống đối chính quyền”, khi đề cập đến vấn đề này, người viết không có mối quan tâm đặc biệt nào đến “đảng vĩ đại” cùng các “thần dân khiêm tốn ngạo nghễ” của nó.
Đơn giản vì tư duy “giặc hóa” mọi thứ không phải độc quyền của những người cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Nam. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Nó là cái cớ để nhiều người nhục mạ thậm chí tấn công bất kỳ ai “giống Trung Quốc” kể từ khi dịch bệnh nổ ra. Người Nhật Bản trở thành nạn nhân. Người Hàn Quốc cùng chung số phận. Người Việt Nam cũng không khác gì. Đến như nước Ý, một trong những nơi ghi nhận nhiều trường hợp tấn công người Trung Quốc và gốc Á, giờ đây khi trở thành tâm dịch của châu Âu, chính người dân Ý lại trải nghiệm cảm giác bị kẻ khác phân biệt đối xử.
Người ta có thể lý giải việc kỳ thị tấn công ở trên là do nỗi sợ. Khi sợ hãi, lý trí bị nuốt chửng, phần con lấn át phần người. Nhưng ngay cả những người không sợ và lý trí (có vẻ) tỉnh táo cũng miệt thị các nạn nhân như thường.
Hài hước nhất là nhiều người Việt Nam, câu trước vừa thừa nhận “virus không phân biệt sang hèn lẫn màu da”, câu sau đã lại bĩu môi trước việc người Trung Quốc bị phân biệt đối xử, “xem lại ăn ở thế nào ấy chứ” – họ lên lớp dạy bảo người khác một cách đầy trí tuệ.
Có lẽ họ quên mất ý nghĩa thật sự của hai chữ “nạn nhân”: những người không may gặp nạn.
Một ngày đẹp trời, nếu đột nhiên dính căn bệnh nào đó, hay nhà đang ở bị cháy, hoặc đi máy bay gặp tai nạn, bạn sẽ nghĩ gì khi những người thông thái đầy hiểu biết nhắn nhủ mình “hãy xem lại ăn ở”?!
Người ta có thể đổ thừa con virus cúm chủng mới này bít các lỗ nghĩ của họ. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Chính các thiên tai dịch bệnh, những tai họa không may xảy ra, dù lớn hay nhỏ, mới là thứ soi sáng nhất các khoảng tối nhập nhằng trong tư duy của mỗi người về thế giới này.
Thứ tư duy xem mình là cái rốn của vũ trụ, và mọi thứ khác đều phải xoay vần phục vụ cái rốn vĩ đại đó.
“Giặc”, cùng với “tặc”, đều là những từ Hán – Việt có cùng một gốc. Chữ “giặc/ tặc” (賊), được cấu tạo từ chữ “qua” (戈 – thứ binh khí cầm tay) và “tắc” (則 – nguyên tắc, khuôn phép), có ý nghĩa ban đầu là hành động phá vỡ luật lệ quy tắc. Sau này, như chúng ta đã biết, nó được dùng phổ biến chỉ phường ăn trộm ăn cướp.
Dễ hiểu vì sao chữ “giặc” được dùng để chỉ kẻ thù trong chiến tranh. Xâm phạm ranh giới một ngôi nhà cũng không khác gì xâm lấn biên giới một đất nước, đều là những kẻ phạm luật.
Ngay cả những bên chủ động xâm lấn gây hấn cũng tự cho mình quyền gọi đối phương là “giặc”. Trong logic của họ, bất kỳ ai chống lại luật lệ của ta đặt ra, đều là giặc.
Hiếm có ai tự gọi mình là giặc. Kẻ phạm luật luôn luôn là đối phương. Ta luôn có chính nghĩa. Kẻ khác thì không.
Mớ bòng bong chính nghĩa/ phi nghĩa đã đủ rối nùi trong cái bong bóng mà nhân loại thổi ra để bao lấy mình. Nó càng trở nên kỳ cục khi cái mũ trên được chụp lên cả những đối tượng, thậm chí là sự vật, nằm ngoài cái bong bóng đó.
Chuột cắn phá đồng lúa, trở thành “giặc chuột”. Châu chấu ăn sạch hoa màu, biến thành “giặc châu chấu”. Lửa đốt trụi mọi thứ con người dựng nên, thành “giặc lửa”. Đến một thứ cấp thiết cho sự sống như nước, nhưng nếu không tuân theo ý muốn của con người cũng bị xem là “giặc nước”.
Tóm lại, bất cứ thứ gì chống lại “luật lệ” của con người đều là “giặc”.
Nếu so với tổ tiên của chúng ta chỉ mới vài trăm năm trước, đây quả là một sự biến chuyển ngoạn mục trong tư duy. Trong một thời gian rất dài, con người vẫn luôn xem những thứ như lửa, nước, trời, đất… là “thần”.
Động đất, núi lửa, mưa bão, sấm chớp, lũ lụt, hỏa hoạn… là do các vị “thần đất”, “thần lửa”, “thần núi”, “thần nước”, “thần sấm”, “thần sông” đủ loại gây ra. Mọi thứ thiên tai nằm ngoài hiểu biết của con người đều có bàn tay của các vị thần. Bản thân từ “thiên tai” cũng đã có ý này – tai họa từ trên trời rớt xuống.
Cho đến khi nhân loại vô tình phát hiện ra mỏ vàng đen – các loại carbon được chôn dưới lòng đất sau hàng trăm triệu năm. Thứ nhiên liệu đốt “miễn phí” (và nhiều người cho tới thời điểm này vẫn tin là “xài hoài không hết”) thúc đẩy các cuộc cách mạng công nghiệp, cơ khí hóa. Nhưng thay vì dùng nó một cách điều độ hài hòa với tự nhiên, con người, giống như con chuột sa vào động nếp, dựa vào đó tạo ra những công cụ mạnh mẽ để “chinh phục” và “cải tạo” thiên nhiên.
Thiên nhiên từ vai “thần” bị giáng cấp xuống làm “giặc”.
Các loại dịch bệnh bí hiểm mà từ xa xưa vẫn còn bị xem là hậu quả của thần linh nổi giận (như “thần ôn dịch”), giờ đây cũng trở thành “giặc” nốt.
Mọi thứ trái với ý muốn của nhân loại đều là “giặc”.
Có vấn đề gì với chuyện đó nào?
Có rất nhiều. Nhưng trong khuôn khổ câu chuyện này, hãy chỉ tập trung vào tình hình dịch bệnh đang khiến nhiều người lo lắng.
Và hãy bắt đầu từ bản chất lệch lạc của cách đặt vấn đề này.
Cách “giặc hóa” mọi thứ trái ý mình thể hiện thứ ảo tưởng rằng con người thật sự là chủ nhân của tự nhiên, rằng mọi thứ trong tự nhiên đều phải tuân theo ý muốn, nghe theo luật lệ của con người đặt ra.
Nếu chưa thấy điều này có gì sai, bạn có thể thử thay “tự nhiên” thành “đất nước”, và “con người” thành “Đảng ta”. Giờ thì hãy đọc lại đoạn trên.
Đó đích thị là thứ tư duy tham lam, ngu dốt và hoàn toàn tách rời hiện thực của những kẻ độc tài mà chúng ta luôn căm ghét.
Chỉ cần đổi vai một chút, ta sẽ nhận ra chính mình, bất kể là cộng sản, tư sản hay phụ sản, trong hình hài những nhân vật dốt nát đòi “làm chủ thiên nhiên”.
Một đứa trẻ con đang bắt đầu tìm hiểu thế giới thường lầm lẫn rằng mọi thứ xung quanh phải hoạt động theo ý nó. Một người lớn có chút hiểu biết lại hay lẫn lộn giữa những thứ luật lệ của mình đặt ra với những quy luật vận động của tự nhiên.
Những đứa trẻ rất nhanh hiểu ra vấn đề, rằng tự nhiên hóa ra không phục vụ cho riêng mình, mà ngược lại, muốn tồn tại, mình phải hòa hợp với tự nhiên, tuân theo những quy luật của nó.
Trong khi đó rất nhiều người lớn, với hiểu biết nửa vời về thế giới, lại cực kỳ tự tin cho rằng ta đã biết hết biết đủ, sẵn sàng dùng đủ mọi cách để cưỡng ép tự nhiên phải “cúi đầu”.
Tự nhiên có cúi đầu trước con người không? Chỉ cần hỏi những vi sinh vật tí hon là đủ.
Những con virus đã tồn tại từ khi sự sống bắt đầu, thậm chí có những giả thuyết, như bài viết được đăng trên tạp chí khoa học Nature đề cập, cho rằng virus xuất hiện trước cả khi tế bào sống được hình thành. Nhưng mãi đến tận thế kỷ 19 người ta mới có ý thức về sự tồn tại của nó, bắt đầu từ “Lý thuyết vi trùng lây bệnh” (Germ Theory of Disease) của Robert Koch và Louis Pasteur. Đến thế kỷ 20, khi kính hiển vi điện tử được tạo ra, người ta mới lần đầu nhìn thấy được hình dạng của các con virus.
Không chỉ có virus. Không gian của chúng ta ngập tràn hàng tỷ vi sinh vật đủ loại, lơ lửng khắp mọi nơi, bám kín vào mọi chỗ.
Xung quanh con người, chỗ nào có nhiều vi sinh vật nhất? Có lẽ chính là cơ thể của chúng ta. Ước tính số lượng tế bào của các vi sinh vật trong cơ thể người nhiều hơn ít nhất là 10 lần so với lượng tế bào của người.
Đa số các vi sinh vật có sẵn ký sinh hòa bình trong cơ thể (hoặc có lẽ chính xác hơn, chúng ta cộng sinh với chúng). Con người thường chỉ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các vi sinh vật mới.
Trong hàng triệu năm qua, con người vẫn luôn tiếp xúc với những vi sinh vật mới trong môi trường tự nhiên. Nhưng hàng triệu năm là thời gian đủ dài để những vi sinh vật và cơ thể người “làm thân” với nhau, từ giết nhau đến tìm cách chung sống hòa hợp, đôi bên cùng có lợi.
Quá trình làm thân này bị đốt cháy giai đoạn khi chỉ trong hai trăm năm qua, dân số tăng đột biến từ một tỷ vào năm 1800 đến gần tám tỷ vào thời điểm hiện tại. Từ một tỷ lên gần tám tỷ, trong chỉ hơn hai trăm năm.
Dân số tăng, cơn sốt nhiên liệu hóa thạch, các cuộc cách mạng công nghiệp… đẩy nhanh tốc độ xâm lấn của con người đối với môi trường sống của các loài khác, mà chủ yếu là phá rừng. Các vi sinh vật vốn dĩ xưa nay chỉ sống yên ổn trên cơ thể những loài vật khác trong tự nhiên, nay được, hoặc buộc phải tiếp xúc với vật chủ mới – chính là con người. Và nó dẫn tới đủ loại bệnh.
Trong nhiều trường hợp, đó không phải là các bệnh mới. Nhưng mức độ phát triển kinh tế, giao thương, vận tải của xã hội hiện đại khiến khả năng lan truyền của nó gấp nhiều lần so với trước kia.
Khi mức độ lây lan được nhân rộng, khả năng biến hóa của các loài vi sinh vật gây bệnh cũng nhanh gấp nhiều lần so với trước. Các vi sinh vật chỉ mất chừng vài chục phút, thậm chí ít hơn, để tạo ra một thế hệ mới. Càng có nhiều vật chủ – những môi trường màu mỡ để sinh sôi – chúng càng biến hóa phát triển.
Các loại virus cúm thuộc họ corona là một trường hợp biến đổi chóng mặt giống vậy. Chỉ trong vài chục năm kể từ những chủng corona đầu tiên được phát hiện và gây cúm trên người, chúng đã liên tục tạo ra những giống mới từ SARS đến MERS và giờ là COVID-19.
Việc COVID-19 có bàn tay của con người tham gia như các thuyết âm mưu vẫn hừng hực hay không (bất kể việc các chuyên gia hàng đầu đều bác bỏ nó) thật ra không có ý nghĩa gì đối với các con virus.
Chúng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục biến đổi từng giờ từng phút để thích nghi với cơ thể con người.
Câu trên thật ra không chính xác. Nó dễ khiến người ta lầm tưởng rằng những con virus này “si tình” con người, và rằng cơ thể nhân loại là thứ gì đó đặc biệt mà chúng muốn chiếm hữu.
Trên thực tế, cơ thể con người chỉ là một trong vô số những môi trường sống mà virus corona hay bất kỳ loại vi sinh vật nào khác gặp phải. Nhiệm vụ của chúng là tồn tại. Để tồn tại chúng phải tìm cách thích nghi với môi trường sống mới. Trong quá trình mò mẫm đó nếu “lỡ” để vật chủ chết, đó chỉ là “tai nạn”, vì việc đó không có lợi gì cho chúng.
Đó là cách mà hàng tỷ vi sinh vật, qua một thời gian rất dài tiến hóa thích nghi, có thể cộng sinh hòa bình với các tế bào sống bên trong chúng ta.
Mọi sinh vật, từ bé tí tẹo đến to tổ bố, đều tuân theo các quy luật đơn giản của sự sống, của tự nhiên.
Con người không có gì đặc biệt để tự xem mình là ngoại lệ, lại càng không có tư cách lẫn năng lực đặt ra luật lệ để những sinh vật khác tuân theo.
Tất nhiên, hiểu được mục đích cuối cùng – tiến hóa, thích nghi và cộng sinh – của các vi sinh vật, hay mọi loài sinh vật nói chung, là một chuyện. Bảo vệ sự sống của bản thân là chuyện khác.
Không sinh vật nào muốn trở thành vật thí nghiệm và hy sinh cho quá trình mày mò của các loại (vi) sinh vật mới. Con người cũng không phải ngoại lệ.
Cơ thể con người có một hệ thống chống dịch tinh vi, phức tạp và cực kỳ hiệu quả. Đây là điều ai cũng biết.
Có lẽ vì nó quá hiển nhiên, nên rất nhiều người thường quên mất một sự thật giản dị: đó là hệ thống duy nhất bảo vệ được con người.
Nói cách khác, nếu hệ miễn dịch bên trong cơ thể thất bại, sự sống của con người chắc chắn chấm dứt.
Điều giản dị này thường bị bỏ quên vì ảo tưởng của nhân loại trước “trí tuệ ngạo nghễ” của mình: các loại máy móc thiết bị tối tân, những thứ thuốc thần kỳ đặc hiệu, cùng những bàn tay phẫu thuật tài hoa vi diệu.
Sự thật là tất cả những điều đó đều chỉ đóng vai phụ. Nhân vật chính bảo vệ sự sống của mỗi người là hệ miễn dịch của bản thân họ.
Các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, tế bào ung thư…) chỉ có thể phá hoại nếu chúng trốn được khỏi sự truy sát của hệ miễn dịch. Những loại thuốc có tác dụng nhất trong việc bảo vệ cơ thể là các loại có thể trợ giúp hệ miễn dịch hồi phục hoạt động, hoặc huấn luyện cho hệ miễn dịch nhận ra các tác nhân đó và đánh chặn ngay từ đầu (như nguyên lý hoạt động của vaccines).
Như trong đại dịch cúm corona Vũ Hán lần này, những trường hợp “chữa khỏi” được ghi nhận thực chất là việc trợ giúphệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt để đánh bật virus. Thậm chí trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không cần chữa vẫn có thể tự khỏi, cho dù có nhỏ tuổi đến đâu.
Tất nhiên, khi đối diện với dịch bệnh, hệ miễn dịch và các hoạt động điều trị y tế chỉ là một phần của câu chuyện.
Một loại bệnh được gọi là dịch khi nó có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Một khi lây lan nó sẽ gây họa tức thời cho những người có hệ miễn dịch kém, có sẵn bệnh lý khác trong người. Sự lây lan không kiểm soát đồng thời cũng tạo môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật sinh sôi tiến hóa với tốc độ chóng mặt, khiến cả những người có hệ miễn dịch tốt cũng trở thành mồi ngon bị tấn công.
Vì vậy đối với dịch bệnh, người ta cần phải kiểm soát sự lây lan. Hay nói đơn giản, phải cách ly những người nhiễm bệnh.
Yếu tố quan trọng nhất khi cách ly là thời gian: càng sớm càng tốt. Cách ly ngay khi vừa phát hiện bệnh để tránh lây nhiễm.
Ai có thể phát hiện bệnh sớm nhất? Không phải nhân viên y tế, không phải lực lượng an ninh, không phải máy quét nhiệt độ và tất nhiên cũng không phải bà hàng xóm.
Là bản thân người bị nhiễm.
Ngay cả trong trường hợp người nhiễm không có triệu chứng nên không biết mình có bệnh, họ vẫn là những người biết rõ nhất khả năng mình có thể bị nhiễm hay không.
Khi các thông tin về dịch bệnh được phổ biến chính xác, nhanh chóng, và minh bạch không giấu giếm, bản thân mỗi người sẽ nắm rõ nhất nguy cơ của mình và từ đó hợp tác với cộng đồng để phòng tránh lây lan.
Chìa khóa quan trọng nhất ở đây là “hợp tác”.
Người ta chỉ có thể hợp tác khi thấy có lợi ích của mình trong đó. Không ai chịu hợp tác khi thấy mình hoặc người thân có thể trở thành đối tượng bị kỳ thị xa lánh.
Liệu có thể chống dịch bằng tư duy chống giặc không? Câu trả lời ngắn gọn là có.
Vấn đề là cái giá phải trả, và ai phải trả cái giá đó.
Có một câu chuyện cười về phương thuốc vạn năng trị bất kỳ loại virus vi khuẩn nào. Bí quyết khi bị nhiễm là cứ việc nhịn ăn nhịn uống hoàn toàn. Sau vài tuần chắc chắn con virus cứng đầu cỡ nào cũng chết. Tất nhiên, bạn cũng nhận ra, là người cũng chết luôn rồi còn đâu!
Tương tự với chuyện chống dịch. Người ta hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp thiết quân luật, phong thành nghiêm ngặt như Trung Quốc đã làm. Cô lập tất cả những ai ở vùng dịch bệnh. Xua đuổi, thậm chí săn đuổi những người thoát ra từ các vùng đó, cho dù không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nhốt tất cả lại (đặc biệt là sẵn tiện cách ly luôn những nhân vật được cho là “phản động”). Ai có hệ miễn dịch kém thì chết, ai hệ miễn dịch tốt thì tự khỏi. Sau đó tuyên bố đã khống chế thành công dịch bệnh.
Bạn có thể phản bác, rằng thật ra chính quyền không hề khuyến khích kỳ thị xa lánh người bệnh, đó là do tâm lý hoảng sợ tự phát của dân chúng.
Vấn đề ở chỗ, nếu tất cả vẫn dùng tư duy “chiến tranh”, “tinh thần đánh giặc” để chống lại những vi sinh vật vô hình, làm thế nào có thể yêu cầu người dân không xa lánh kỳ thị nạn nhân, xem những người không may bị chúng chui vào người đó là “giặc”?
Bạn cũng có thể cho rằng, phát huy “tinh thần chống giặc” là cách thức duy nhất huy động được sức mạnh toàn dân để chống dịch.
Điều này đúng với những thể chế độc tài toàn trị như Trung Quốc và Việt Nam. Lý do giản dị vì đó là chiêu thức lãnh đạo duy nhất mà những nhà cầm quyền đó biết được. Trong suốt lịch sử của các thể chế này, những cuộc vận động Cải cách Ruộng đất, Đại nhảy vọt, Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Văn hóa… tất cả đều dựa trên mệnh lệnh chỉ đạo ban phát từ trên xuống, buộc tập thể bên dưới phải làm theo, bất chấp hậu quả (còn hậu quả của những cuộc đại vận động đó thế nào, bạn có thể tự tìm hiểu).
Giống như câu ngạn ngữ, một khi thứ duy nhất bạn có trong tay và biết sử dụng là cây búa, mọi thứ xung quanh đều biến thành cây đinh. Nếu chỉ có chiêu thức lãnh đạo duy nhất là “chiến tranh nhân dân”, mọi thứ xung quanh đều sẽ biến thành “giặc”.
Người ta sẽ dễ dàng bỏ qua thực tế rằng bản chất của chống dịch là chuyện cứu chữa giúp người.
Nếu ai đã từng quan sát phòng cấp cứu của bất kỳ bệnh viện nào cũng sẽ nhận ra mức độ khẩn trương, các thao tác chính xác và hoạt động phối hợp liên tục kịp thời trong đó.
Khi trọng tâm được đặt vào việc cứu chữa sinh mạng của người khác, tất cả những người tham gia đều tự động hợp tác với nhau, làm mọi thứ có thể để giúp người.
Đó lẽ nào không phải là yêu cầu của chống dịch? Và liệu người ta có cần phải có ý thức “đánh giặc” để làm được điều đó?
Tất nhiên có sự khác biệt trong vai trò giữa những người lãnh đạo quốc gia, đội ngũ y tế và người dân bình thường, đặc biệt khi đối diện với thiên tai địch họa.
Lãnh đạo, trong trường hợp này là người chỉ huy dàn nhạc, sẽ quyết định toàn bộ bản nhạc được chơi theo kiểu gì.
Hãy xem thử cách Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore “điều phối dàn nhạc” đảo quốc trong cơn dịch.
Kể từ ca phát hiện nhiễm bệnh đầu tiên ở Singapore vào ngày 23/1/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long đã liên tục thông qua trang Facebook của ông truyền tải thông tin đến người dân.
Trong một tháng qua, ông Lý có hơn 30 lần đăng bài cập nhật các thông tin diễn biến dịch bệnh, cách thức chính phủ đang đối phó, những việc mà mọi người dân nên và không nên làm.
Trong tất cả những lần phát ngôn đó, cả bằng bài viết lẫn các video, ông luôn tránh dùng các từ “mạnh mẽ” gây sốc. Ông gọi hoàn cảnh hiện tại là “thử thách” (challenge), “thời điểm khó khăn” (trying time) hay cả “những ngày mưa gió” (rainy day).
Thủ tướng Lý liên tục nhấn mạnh thông điệp đừng để nỗi sợ hãi lấn át lý trí của mình, kêu gọi người dân bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt bình thường.
Trong video phát biểu đăng tải ngày 8/2/2020, ông còn chia sẻ dự báo từ các chuyên gia rằng nếu tình hình dịch bệnh vượt ngoài kiểm soát, sẽ phải đến lúc chúng ta thay đổi chiến thuật đối phó. Thay vì cách ly tất cả các ca nhiễm bệnh, nguồn lực sẽ chỉ được tập trung cho những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất (trẻ em, người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh). Mọi người sẽ phải học cách sống chung với con virus mới, như những con virus chủng corona khác trước giờ.
Nghĩa là cho dù có “máu” đến đâu, sẽ phải tới lúc nào đó người ta không còn có thể xem đại dịch này là “cuộc chiến”, các con virus là “giặc” để rồi “huy động toàn dân” để đánh.
Đại dịch lần này có thể sẽ còn diễn biến nghiêm trọng, lây nhiễm cho thêm nhiều người, nhưng nó vẫn chỉ là một màn tập dượt cho những đợt thiên tai dịch bệnh kế tiếp.
Khi các hậu quả của khủng hoảng khí hậu ngày một bùng nổ, con người sẽ phải học cách thay đổi hoàn toàn tư duy của mình với các đồng loại, và đặc biệt là với thế giới tự nhiên.
Họ sẽ phải xé bỏ cái ảo tưởng vĩ đại rằng mình có thể “chinh phục”, hay thậm chí “làm chủ” tự nhiên.
Thay đổi đó phải diễn ra sớm, nếu không, trong mắt tự nhiên, chính con người sẽ biến thành “giặc”.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.