Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Ngày 26/3/2020, Tổng Chưởng lý William Barr của Mỹ công bố rằng họ chính thức truy tố, đồng thời phát lệnh truy nã đương kiêm Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro về các tội liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền và khủng bố. Vụ án cũng bao gồm 14 nghi phạm khác là các lãnh đạo chính trị – quân sự của quốc gia Nam Mỹ này.
Họ khẳng định vị lãnh đạo võ biền Maduro và các tướng tá thân cận đã trực tiếp tài trợ và chỉ đạo hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền trên lãnh thổ nước Mỹ. Từ đó, ủng hộ nhiều hoạt động và tổ chức khủng bố trên toàn thế giới.
Không chỉ vậy, chính quyền Venezuela còn chịu một số cáo buộc khác. Trong số đó có việc cho phép lực lượng Quân đội Cách mạng Colombia khét tiếng (thường được biết đến với tên gọi FARC) dùng không phận của mình để di chuyển lậu hàng trắng và thả vào các địa điểm thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.
Để lý giải tuyên bố chấn động này, Tổng Chưởng lý Barr cho rằng các lãnh đạo chính trị Venezuela đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Hoa Kỳ, và điều này kích hoạt thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Ông này cũng nói thêm, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay không xem Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Do đó, họ có quyền khởi tố và bắt giữ Maduro như bất kỳ công dân nước ngoài nào khác.
Như vậy, xét trên pháp luật quốc tế, chúng ta có mấy yếu tố sau cần phải xem xét:
Liệu quyết định pháp lý này có thể được pháp luật quốc tế chấp nhận?
Quyền miễn trừ quốc gia/ngoại giao (state/diplomatic immunity) là một đặc quyền cực kỳ quan trọng dành cho các chức danh lãnh đạo quan trọng của một quốc gia, nhằm đảm bảo họ có thể thực hiện trách nhiệm của mình một cách bình thường, không bị giới hạn, ngăn cản, đe dọa hay trả thù.
Hãy thử tượng tượng bạn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam, song bạn lại không dám bén mảng ra nước ngoài vì sợ những quốc gia này bắt giữ và truy tố vì những tội danh từ… trên trời rơi xuống. Trách nhiệm đối ngoại, công du, đàm phán và ký kết thỏa thuận quốc tế… của bạn sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. Quyền miễn trừ được đặt ra nhằm bảo vệ bạn khỏi tình cảnh đó.
Trong án lệ quốc tế nổi tiếng Democratic Republic of the Congo v. Belgium, Tòa án Công lý Thế giới (International Court of Justice – ICJ) khẳng định quyền miễn trừ dành cho các chức danh lãnh đạo quan trọng của một quốc gia là một tập quán pháp trọng yếu.
Trong đó, ba vị trí được bảo vệ hàng đầu bao gồm nguyên thủ quốc gia (head of state), người đứng đầu chính phủ (head of government) và bộ trưởng ngoại giao (foreign minister). Họ phải được miễn trừ cho toàn bộ cáo buộc hình sự hay dân sự, cho dù tội phạm hay hành vi vi phạm bị cáo buộc có kinh khủng đến đâu. Quyền này là bất khả xâm phạm, ít nhất trong giai đoạn họ còn đương nhiệm.
Mặt khác, cho dù người vi phạm đã thôi nắm giữ vị trí lãnh đạo chính trị, các quốc gia khác vẫn phải suy nghĩ thấu đáo xem có nên áp dụng các biện pháp trừng phạt pháp lý hay không. Nhiều lãnh đạo chính trị, nguyên thủ quốc gia với lịch sử vi phạm pháp luật hình sự của các quốc gia khác, hay thậm chí là pháp luật nhân quyền quốc tế… vẫn có thể tiếp tục an hưởng tuổi già mà không đối mặt với nỗi lo sợ công lý. Một số chọn sống lưu vong tại các quốc gia trung lập. Một số được nước khác chào đón và bảo vệ (ví dụ như việc Saudi Arabia che chở cho nhà độc tài Idi Amin người Uganda). Một số được bảo vệ nhờ vào thỏa hiệp của các thế lực chính trị quốc tế (như trường hợp của Nhật Hoàng Hirohito sau Đệ nhị Thế chiến).
Cũng cần phải nói thêm rằng luận điểm “không công nhận” một ai đó là lãnh đạo một quốc gia, như Hoa Kỳ đang sử dụng, không mang lại bất kỳ tác động tích cực nào cho sự ổn định của pháp luật quốc tế.
Giả sử, một quốc gia ghét Hoa Kỳ có thể điềm nhiên cho rằng ông Donald Trump không phải là tổng thống hợp pháp của Hoa Kỳ do không giành được đa số phiếu phổ thông. Để trả đũa, Hoa Kỳ cũng có thể không công nhận chức danh chủ tịch nước của một quốc gia A nào đó vì người này là “đảng cử” chứ không phải do dân bầu. Từ đó, Hoa Kỳ từ chối làm việc hay thảo luận với bộ máy chính trị của quốc gia này cho đến khi một cuộc bầu cử dân chủ diễn ra.
Cách tiếp cận nói trên rõ ràng chỉ là những cuộc giằng co chính trị không hồi kết.
Nhìn chung, khởi tố và truy nã một vị tổng thống đương nhiệm của một quốc gia có chủ quyền mà chỉ dựa trên căn cứ luật hình sự quốc nội là không phù hợp với quy định và tập quán nói chung của pháp luật quốc tế.
Trước tiên, cần khẳng định rằng các cơ quan tố tụng của một quốc gia hoàn toàn có thể khởi tố, bắt giữ và xét xử một số lãnh đạo cấp cao nước ngoài trong những trường hợp đặc biệt, dù cách tiếp cận này còn nhiều tranh cãi.
Khái niệm này được biết đến với tên gọi “thẩm quyền phổ quát” (universal jurisdiction).
Thẩm quyền này có thể được sử dụng bất kể cá nhân này có quốc tịch quốc gia đó hay không, bất kể cá nhân này có đang sinh sống ở quốc gia đó hay không, bất kể hành vi vi phạm có gây thiệt hại gì cho quốc gia đó (hay công dân của quốc gia đó) hay không.
Ta cứ để ý trong luật quốc tế, từ “phổ quát” (universal) thường có nghĩa là nó không còn tính đến biên giới quốc gia nữa. Chẳng hạn như “Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền” (mà ở ta hay gọi là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”) có ý nói rằng, nhân quyền là phổ quát, bất kể biên giới quốc gia, sắc tộc, giới tính, tôn giáo, v.v.
Hàng loạt các văn bản pháp lý quốc tế cho phép hệ thống tư pháp quốc gia tự mình khởi tố, dùng các biện pháp bắt giữ và xét xử bất kỳ cá nhân nào thực hiện những tội ác đặc biệt.
Ví dụ, Công ước Geneva 1949, một trong những công ước nguồn quan trọng nhất của luật nhân đạo quốc tế, có quy định rằng mọi quốc gia thành viên có trách nhiệm ban hành hệ thống văn bản pháp luật cần thiết nhằm xét xử hình sự những người vi phạm nghiêm trọng Công ước này khi cần thiết, bất kể quốc tịch của nghi phạm.
Hay trong Công ước Chống tra tấn 1984, Điều 5 cũng có ghi nhận khá tương tự. Theo đó, mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia mình để chuẩn bị cho việc xét xử hay dẫn độ bất kỳ ai bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng Công ước Chống tra tấn.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tiếp nhận và áp dụng thẩm quyền phổ quát nêu trên.
Năm 1998, sĩ quan quân sự cấp cao Ould Dah thuộc quân đội Mauritania (ở châu Phi), đến Pháp trong một chuyến tập huấn quân sự chung. Vừa rời sân bay, ông bị cảnh sát Pháp bắt và bị tòa nước này xét xử với cáo buộc tham gia vào hoạt động tra tấn có hệ thống trong quân đội Mauritania giai đoạn năm 1990 – 1991. Ould Dah kháng cáo lên Tòa Nhân quyền Châu Âu (European Court of Human Rights – ECHR) nhưng không thành công.
Hay vào năm 1999, Thượng viện Vương quốc Anh (House of Lords – tại thời điểm này cũng là Tòa án cấp cao nhất) bác bỏ yêu cầu miễn trừ quốc gia (state immunity) của cựu lãnh tụ Chile – Augusto Pinochet. Trong thời gian nắm độc quyền chính trị tại Chile (1974 – 1990), Pinochet bị cáo buộc là tra tấn người dân một cách nghiêm trọng và có hệ thống, diệt chủng, cũng như các xâm phạm quyền con người khác. Trong khi đó, hệ thống tư pháp Tây Ban Nha chính là cơ quan khởi tố và yêu cầu chính phủ Anh dẫn độ ông này.
Không nói đâu xa, cả cựu tổng thống George W. Bush và cựu thủ tướng Anh Tony Blair đều đang đứng trước nguy cơ bị truy tố do thực hiện “tội ác chiến tranh” (war crime) trong cuộc chiến Iraq năm 2003.
Thực tế thì một tòa trọng tài quốc tế có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia (do cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thành lập và hậu thuẫn) đã tuyên rằng cả Bush và Blair đều là tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, cơ chế tư pháp này không phải là một tòa quốc gia. Và với vị thế siêu cường của cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, sẽ khó có tòa án quốc gia nào đột ngột lên tiếng đòi xét xử cả hai ông.
Sau những phân tích và dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy rằng hệ thống pháp luật quốc tế sẽ cho phép các quốc gia can thiệp, điều tra và xét xử lãnh đạo cấp cao ngoại quốc trong một số trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, từ khóa của toàn bộ tranh luận là “vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế”.
Vi phạm nghiêm trọng (grave breaches) thì có thể bao gồm chủ ý giết hại thường dân, giết hại thương bệnh binh, giết hại tù nhân trong chiến tranh… nếu xét theo quy định của Công ước Geneva 1949. Hay cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra các loại tội phạm quốc tế liên quan đến bốn nhóm bao gồm: tội ác chiến tranh (war crimes), diệt chủng (genocide), tội ác chống lại loài người (crime against humanity) và tra tấn (torture). Những ai phạm những tội, nhóm tội này đều có thể bị truy cứu dựa trên “thẩm quyền phổ quát”.
Đáng tiếc, luận điểm mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra lại hoàn toàn dựa trên pháp luật nội địa của quốc gia này. Chúng nhấn mạnh vào các hoạt động buôn ma túy, rửa tiền và tài trợ khủng bố do chính quyền Venezuela cầm đầu, chứ không phải các tội quốc tế nghiêm trọng kể trên. Bản thân Tổng chưởng lý Barr cũng cho rằng Maduro và các đồng phạm vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Điều này khiến cho Hoa Kỳ không còn bảo vệ được “thẩm quyền phổ quát” của mình nữa.
***
Với những lập luận trên, có thể đi đến kết luận cuối cùng là quyết định khởi tố Tổng thống Maduro của chính phủ Hoa Kỳ, về cơ bản, là không phù hợp với quy định và truyền thống của công pháp quốc tế.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng quyền miễn trừ mà pháp luật quốc tế dành cho các nguyên thủ và lãnh đạo chính trị là quyền miễn trừ thủ tục (jurisdictional immunity). Miễn trừ thủ tục nghĩa là nghi ngờ có phạm tội nhưng tạm thời không truy cứu. Như chính ICJ bình luận, quyền này có thể giúp các lãnh đạo quốc gia né tránh khỏi trách nhiệm pháp lý của mình trong một thời gian nhất định, cho một số tội danh nhất định, nhưng nó không thể đương nhiên biến người đó trở thành bất khả xâm phạm, miễn nhiễm khỏi mọi trách nhiệm hình sự bất kể độ nặng nhẹ của chúng.
Nếu Hoa Kỳ thật sự muốn bắt giữ và xét xử Maduro, và nếu Maduro thật sự thực hiện những hành vi như cáo buộc, thì vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.