Điểm tin: Chính khách, doanh nhân và nhà hoạt động châu Âu kêu gọi tái thiết xanh

Kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

ĐIỂM TIN 18:00

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo thống kê của Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:00, thế giới có 1.929.922 người bị nhiễm coronavirus và có 120.499 người chết vì bệnh COVID-19.
  • Cho đến 18:00, Bộ Y tế cho biết Việt Nam có 266 ca nhiễm, chưa có ca tử vong nào.
  • Hôm nay, Đài Loan công bố không có ca nhiễm mới nào lần đầu tiên trong 36 ngày qua. Quốc gia này hiện có 6 ca tử vong trong tổng số 393 ca nhiễm, với 338 ca là ngoại nhập. Đài Loan có số ca nhiễm tính trên một triệu dân thấp nhất trên thế giới trong 50 ngày qua.
  • Indonesia hôm nay có số người chết tăng cao nhất với 60 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 459 trong số 4.839 ca nhiễm.
  • Malaysia hôm nay công bố thêm 170 ca mới nhiễm và 5 ca tử vong.
  • Ấn Độ sẽ gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 3/5 trong hoàn cảnh số ca nhiễm ở nước này đã lên tới hơn 10.000 với 339 ca tử vong.
  • Tây Ban Nha có thêm 567 người chết, tăng so với 517 ca hôm qua. Tổng số người chết: 18.056. Tổng số ca nhiễm: 172.541.

Chính khách, doanh nhân và nhà hoạt động châu Âu kêu gọi tái thiết xanh

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Một kiến nghị thư kêu gọi xây dựng một chương trình tái thiết xanh vừa được 180 chính khách, doanh nhân, viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ ở châu Âu đưa ra hôm nay.

Kiến nghị thư cho rằng các chương trình tái thiết kinh tế hậu COVID-19 nên được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường, giảm ảnh hưởng tới khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, nhờ vậy, các nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trong số những người ký tên có các bộ trưởng từ 11 nước, các dân biểu EU, doanh nhân các tập đoàn lớn. Ba Lan, nơi nền kinh tế dựa dẫm nhiều vào than đá gây ô nhiễm cao, đang dẫn dắt các thảo luận giảm bớt quy định về môi trường kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay.

Việt Nam chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN giữa đại dịch

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 14/4/2020. Ảnh: Reuters.

Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN qua Internet. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á họp thượng đỉnh theo hình thức này.

Năm nay cũng là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) phát biểu: “COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế công tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. Điều quan trọng là ASEAN chúng ta phải tổ chức một nỗ lực phản ứng chung do tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước chúng ta.”

“Không ai trong chúng ta ở ASEAN có thể thực sự an toàn trừ khi toàn bộ khu vực an toàn”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý rằng các quốc gia thành viên cần giữ vững hợp tác khu vực để chống COVID-19 và đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong khu vực.

ASEAN hiện có hơn 20.000 ca nhiễm và 866 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ số liệu thống kê của các nước.

Dự báo: GDP Trung Quốc năm 2020 sẽ tăng trưởng chậm nhất kể từ 1976

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Một khảo sát của Reuters với các chuyên gia cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc sẽ tụt xuống mức 2,5%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1976, khi Cách mạng Văn hóa kết thúc.

Mức 2,5% là mức trung vị (median) trong tất cả các dự báo của 62 chuyên gia mà Reuters khảo sát. Mức này thậm chí còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,9% của năm 1990, khi Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề sau biến cố Thiên An Môn.

ĐIỂM TIN 13:00

TT Trump: Tôi có thẩm quyền tuyệt đối trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các thống đốc: Không.

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Hai (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có thẩm quyền tuyệt đối trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa xã hội hiện đang được áp dụng tại rất nhiều bang ở Mỹ, theo USA Today.

“Khi ai đó là tổng thống Hoa Kỳ, thẩm quyền [của người đó] là tuyệt đối. Nó phải là như vậy. Nó là tuyệt đối. Nó là tuyệt đối. Và các thống đốc biết điều đó.”

“Họ sẽ đồng ý với việc này”, Trump nói. “Nhưng thẩm quyền của tổng thống Hoa Kỳ, liên quan đến việc mà chúng ta đang nói tới, là tuyệt đối.”

Dân biểu Liz Cheney của Đảng Cộng hòa lập tức viện dẫn Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ và nói: “Chính quyền liên bang không có quyền lực tuyệt đối.”

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (Đảng Dân chủ) thì phản ứng: “Tổng thống không có thẩm quyền tuyệt đối. Chúng ta còn có Hiến pháp cơ mà. Chúng ta đâu có Vua đâu.” Trong khi đó, Thống đốc bang Pennsylvania lập luận: “Chà, chúng tôi [thống đốc] có quyền phong tỏa tiểu bang, tôi nghĩ chúng tôi có lẽ là có nghĩa vụ chính trong việc mở cửa trở lại chứ.”

Giáo sư luật hiến pháp Jonathan Turley của Đại học George Washington cho biết: “Hiến pháp được viết ra chính là để phủ nhận đòi hỏi [thẩm quyền tuyệt đối] này.”

Luật liên bang Mỹ cho phép chính quyền liên bang áp đặt lệnh cách ly và phong tỏa việc đi lại giữa các bang [tức là ở cấp liên bang] trong một số tình huống nhất định, nhưng TT Trump chưa sử dụng đến quyền này. Tối cao Pháp viện Mỹ cho đến nay đã luôn phủ quyết các quyết định của chính quyền liên bang trong việc can thiệp vào nội tình của các bang.

Bill Gates: Thế giới lâm vào tình cảnh vô tiền khoáng hậu này vì không chuẩn bị cho một đại dịch như COVID-19

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Tỷ phú Bill Gates trong cuộc phỏng vấn ngày 12/4/2020 trên đài BBC. Ảnh: BBC.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC hôm 12/4 vừa qua, tỷ phú Bill Gates nói rằng thế giới đang ở trong một tình cảnh vô tiền khoáng hậu như hiện nay vì không chuẩn bị cho một đại dịch như COVID-19.

“Có thời kỳ tôi và nhiều chuyên gia y tế khác nói rằng điều này [đại dịch] là sự sụp đổ kinh khủng nhất mà thế giới phải đối mặt”, ông nhắc lại lời cảnh báo ông từng đưa ra trước đây.

“Thế rồi chúng ta chắc chắn sẽ quay lại và ước gì chúng ta đã đầu tư nhiều hơn, để chúng ta có thể chẩn đoán, có thuốc có vaccines một cách nhanh chóng. [Nhưng] Chúng ta đã đầu tư không đúng mức”, ông nói.

Khi đại dịch đi qua, “rất ít nước đáng được cho điểm A” cho việc ứng phó với đại dịch.

Những nước ứng phó tốt với đại dịch có điểm gì chung?

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Có lãnh đạo là phụ nữ.

Các lãnh đạo của các nước được phân tích trong bài. Ảnh: Forbes.

Thật vậy. Tờ Forbes mới đăng một tổng hợp ngắn về những nước được cho là ứng phó tốt nhất với đại dịch COVID-19 cho đến nay, và nhận ra nhiều nước có lãnh đạo là phụ nữ.

Đó là Thủ tướng Angela Markel của Đức, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand, Thủ tướng Katrín Jakobsdóttir của Iceland, Thủ tướng Sanna Marin của Phần Lan, Thủ tướng Mette Frederiksen của Đan Mạch, và Thủ tướng  Erna Solberg của Norway.

Thủ tướng Đức được tác giả đánh giá cao ở việc nói sự thật với người dân rằng dịch bệnh này là nghiêm trọng. Tổng thống Đài Loan và Thủ tướng New Zealand được cho là đã rất quyết đoán trong việc ban hành và triển khai những biện pháp chống dịch quyết liệt. Lãnh đạo Iceland và Phần Lan thì thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác chống dịch. Còn Thủ tướng Norway gây ấn tượng với việc lên truyền hình nói chuyện trực tiếp với trẻ em để động viên tinh thần.

ĐIỂM TIN 8:00

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Vào sáng ngày hôm nay, 14/4/2020, theo thống kê từ Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, thế giới có 1.912.923 người bị nhiễm coronavirus và có 118.966 người chết vì bệnh COVID-19.
  • Anh quốc tuyên bố sẽ tiếp tục các phương pháp cách ly và phong tỏa để chống dịch bệnh COVID-19 trong tuần sắp tới, khi đã có đến 11.329 người chết vì bệnh này theo thống kê vào thứ Hai. Reuters cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dominic Raab – người được Boris Johnson ủy nhiệm lúc này – sẽ tuyên bố vào thứ Năm tuần này là Anh sẽ tiếp tục phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 7/5/2020. Thủ tướng Boris Johnson đã được xuất viện, nhưng chưa có thông tin khi nào ông sẽ trở lại làm việc.
  • Tổng thống Nga, Vladimir Putin, có thể sẽ ra lệnh cho quân đội tham gia vào việc phòng chống bệnh dịch COVID-19, vì các thống kê cho thấy con số người lây nhiễm coronavirus gia tăng mỗi ngày tại Nga. Mặc dù ít hơn Mỹ hay Ý, nhưng con số người bị bệnh COVID-19 tại Nga hiện nay cũng lên tới 18.328 cùng với con số người chết vẫn tăng mỗi ngày. Moscow là nơi có người nhiễm bệnh cao nhất tại Nga và thành phố này đang áp dụng lệnh phong tỏa.
  • Xuất hiện trên truyền hình vào ngày thứ Hai, 13/4/2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ tiếp tục biện pháp phong tỏa cả nước cho đến ngày 11/5/2020. Ông Macron cho biết Pháp đã có tiến độ tốt trong việc phòng chống COVID-19 trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng người Pháp vẫn chưa thắng nổi coronavirus nên việc tiếp tục các phương pháp phòng bệnh sẽ được tiếp tục. Từ ngày 17/3/2020, 67 triệu người dân Pháp đã nhận lệnh phải ở nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
  • Nhưng tại Áo, thứ Ba tuần này sẽ được xem là ngày bắt đầu để một số doanh nghiệp nhỏ được mở cửa trở lại. Áo có thể được xem là nước đầu tiên giảm các biện pháp phong tỏa vì coronavirus tại châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ nước này cảnh báo mọi người rằng đất nước vẫn chưa hoàn toàn an toàn. Áo là một trong những nước áp dụng lệnh phong tỏa vì coronavirus đầu tiên tại châu Âu và có con số người bị bệnh COVID-19 cũng như số tử vong thuộc hạng thấp so với các nước khác.
  • Một nghiên cứu mới từ các đại học và viện nghiên cứu tại Brazil cho thấy con số người nhiễm coronavirus tại đất nước này có thể cao gấp 12 lần so với con số mà chính phủ đã báo cáo. Lý do có thể là Brazil đã không có đủ thiết bị kiểm tra coronavirus. Thứ Năm tuần trước, Brazil có 127.000 người bị cho là nghi nhiễm coronavirus nhưng họ chỉ có 63.000 thiết bị kiểm tra. Theo báo cáo, nước này đã có 23.430 người nhiễm bệnh và con số tử vong là 1.328.
  • Cũng tại Brazil, chính quyền đang nghiêm cấm những người dân thường, không phải là người bản địa (indigenous people), đi vào các khu đất của những bộ lạc dành riêng cho người bản địa. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ cung cấp khẩu trang, găng tay, thiết bị kiểm tra, và thực phẩm cho những cộng đồng này. Đây là những biện pháp mà Brazil đang dùng để giảm mức độ bị nhiễm coronavirus trong các cộng đồng người bản địa.
  • Trung Quốc phản đối việc các đại sứ châu Phi và cả Hoa Kỳ cáo buộc thành phố Quảng Châu kỳ thị người gốc Phi châu. “Chúng tôi không hề kỳ thị những người anh em Phi châu,” phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian, đã phát biểu trong một buổi họp báo hằng ngày. Trung Quốc cho rằng Mỹ đã dùng việc kỳ thị này để chia rẽ tình cảm giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.

Bernie Sanders tuyên bố ủng hộ ứng cử viên tổng thống Joe Biden

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã chính thức tuyên bố ủng hộ ông Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ hôm thứ Hai (giờ Mỹ), trong một cuộc hội đàm livestream qua Internet giữa hai người, đài NPR đưa tin.

“Chúng ta phải làm cho Trump thành tổng thống một nhiệm kỳ và chúng tôi cần ông [Biden] ở Nhà Trắng”, ông Sanders nói. “Vì thế tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến điều đó trở thành hiện thực”.

Đáp lời, ông Biden nói: “Tôi trân trọng tình bạn với ông, và tôi hứa sẽ không làm ông thất vọng”.

Trước đó, hai ông cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành tấm vé ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, tuy vậy ông Sanders quyết định rút lui vào tuần trước khi nhắm không đủ phiếu đi tiếp. Hiện ông Biden có 1.228 phiếu cử tri đoàn và cần 1.991 phiếu để được đề cử. Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tám tới để chính thức đề cử ứng viên cạnh tranh với Đảng Cộng hòa.

Nhà Trắng phủ nhận kế hoạch sa thải cố vấn y tế Fauci sau khi TT Trump chia sẻ tweet kêu gọi sa thải ông này

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Bác sĩ Anthony Fauci (trái) phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 13/4/2020. Ảnh: Reuters.

“Cái thói nhiều chuyện của giới truyền thông thật lố bịch – Tổng thống Trump không sa thải bác sĩ Fauci”, người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết. “Bác sĩ Fauci đã, đang và vẫn là cố vấn tin cậy của Tổng thống Trump.”

Trước đó, TT Donald Trump đã chia sẻ một tweet kêu gọi sa thải cố vấn y tế Anthony Fauci – chuyên gia cốt cán của ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng.

Phát ngôn viên Nhà Trắng nói việc TT Trump chia sẻ tweet đó chỉ có ý nói đến những thông tin sai lệch về lệnh cấm nhập cảnh từ Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm qua (giờ Mỹ), ông Fauci cũng nói TT Trump lắng nghe lời khuyên của ông khi ông khuyến nghị các biện pháp giảm thiểu thiệt hại để ngăn đà lây lan của coronavirus. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN, ông nói nếu Mỹ phong tỏa xã hội sớm hơn thì có thể cứu được nhiều nhân mạng hơn. Ông thừa nhận sau đó rằng ông đã lựa chọn ngôn từ không tốt.

Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật thả gần 100.000 tù nhân để tránh coronavirus lây lan trong tù

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Hôm nay, 14/4, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một đạo luật cho phép thả gần 100.000 tù nhân để giảm tải cho các nhà tù trong một nỗ lực hạn chế coronavirus lây lan.

Khoảng 45.000 tù nhân sẽ được tạm trả tự do có kiểm soát cho đến hết tháng Năm. Bộ Tư pháp có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không qua hai tháng. Một số lượng tương tự cũng được trả tự do hoàn toàn.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện xác nhận 17 ca dương tính với COVID-19 trong số tù nhân, trong đó có ba ca tử vong. Ít nhất 79 nhân viên trại giam cùng với 80 thẩm phán, công tố viên và các nhân viên tư pháp khác cũng đã nhiễm bệnh.

Đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích đạo luật này vì đã loại trừ những tù nhân chính trị, trong đó có các nhà báo và chính trị gia bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Con số này lên tới khoảng 50.000 người.

9 bang ở Mỹ lên kế hoạch nới lỏng tình trạng phong tỏa

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Có đến chín bang ở cả miền Đông lẫn miền Tây Hoa Kỳ đang xúc tiến các kế hoạch nới lỏng tình trạng phong tỏa để mở cửa nền kinh tế trở , Reuters cho biết.

Ở vùng Đông Bắc, các bang New York, New Jersey, Delaware, Pennsylvania và Rhode Island đang phối hợp với nhau để thống nhất một kế hoạch chung. Ở bờ biển phía Tây, các thống đốc bang California, Oregon và Washington cũng đã đồng ý với nhau về việc mở cửa nền kinh tế trở lại, mặc dù chưa đưa ra lộ trình cụ thể nào.

TT Trump dự kiến bổ nhiệm con gái và con rể vào hội đồng xem xét mở cửa nền kinh tế

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Đài Fox News hôm nay đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ bổ nhiệm bảy người vào hội đồng xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong số bảy thành viên của hội đồng này có con gái Ivanka Trump và con rể Jarred Kushner của ông Trump. Cả hai đều là cố vấn của tổng thống.

Danh sách chính thức dự kiến được công bố vào ngày thứ Ba (giờ Mỹ).

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.