Thư tháng Năm: Luật Khoa sao không viết về luật mà lại viết về chính trị?

Thư tháng Năm: Luật Khoa sao không viết về luật mà lại viết về chính trị?

Đó là câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được từ độc giả.

Cái tên “Luật Khoa” kỳ thực gắn liền với ấn tượng của nhóm sáng lập về Đại học Luật Khoa Sài Gòn của miền Nam xưa, nơi tập trung của những cái tên sáng giá nhất của nền luật học Việt Nam hiện đại.

“Luật Khoa” cũng gắn với chuyên môn của nhóm sáng lập: 3/4 thành viên học luật ra, người còn lại thì từng làm báo… pháp luật.

Và trên hết, nhóm sáng lập có ý định rất rõ ràng về việc phổ biến kiến thức pháp luật cho độc giả Việt Nam.

Vậy thì tại sao Luật Khoa lại viết nhiều về chính trị, cả chính trị trong nước lẫn chính trị nước ngoài như vậy?

Trước hết, chúng tôi nghĩ nhiều độc giả hiểu về khái niệm “luật” khác với cách hiểu của chúng tôi.

Nhiều độc giả kỳ vọng Luật Khoa sẽ giải đáp những thắc mắc cụ thể về những quy định pháp luật cụ thể của Việt Nam. Đây là việc chúng tôi có làm, nhưng không đầu tư nhiều nguồn lực, bởi “luật” không chỉ là những điều khoản, văn bản khô khan. Đằng sau những quy định, những vấn đề pháp lý là những nguyên tắc pháp luật, lý thuyết pháp luật, hay gọi bằng cái tên xa lạ hơn một chút là triết học pháp luật.

Triết học pháp luật giải quyết những vấn đề bản chất của pháp luật, đụng chạm đến những khái niệm công lý, tự do, bình đẳng, giới hạn của quyền lực nhà nước, v.v. Ở đó, người ta không đối chiếu quy định nọ với quy định kia nữa, người ta đối chiếu chúng với cái gọi là lẽ thường (common sense), xem chúng có hợp lý hay không và lý do tại sao chúng ta nên đặt ra luật như thế này mà không phải là thế kia. Tất cả những thứ đó đều đụng chạm đến chính trị. Không có thứ pháp luật nào nằm ngoài chính trị. Pháp luật là sản phẩm của một tiến trình chính trị, việc áp dụng pháp luật cũng lại là một tiến trình đậm màu chính trị nữa.

Nói đơn giản, ngày nay, bạn thậm chí còn không thể bàn về độ an toàn của đĩa rau muống bạn ăn nếu không bàn về chính trị.

Nếu độc giả muốn tìm lời giải đáp về các quy định cụ thể, Luật Khoa có lẽ không thể đóng được vai trò đó tốt như các trang tư vấn pháp luật vốn rất dễ tìm trên Internet hiện nay.

Cái chúng tôi thấy cần bàn hơn, nhưng lại ít ai bàn, là thứ ẩn đằng sau các điều luật và các hiện tượng pháp luật. Thông thường, nó sẽ đụng chạm đến rất nhiều thứ bị cho là nhạy cảm về mặt chính trị và khiến cho nhiều độc giả không thích. Xã hội chúng ta là nơi mà chính quyền không khuyến khích những cuộc thảo luận về bản chất của pháp luật, bởi nó sẽ trực tiếp thách thức quyền lực chính trị của lực lượng cầm quyền. Và đó là lý do mà Luật Khoa ra đời: góp phần lấp vào khoảng trống mênh mông của tri thức pháp luật ở nước ta. Chúng tôi chỉ viết những gì chưa ai viết, và nếu có ai đó đã viết rồi, chúng tôi cố gắng làm tốt hơn.

Cái chúng tôi muốn nhìn thấy ở Việt Nam là tinh thần công dân, thứ phân biệt công dân với thần dân; thứ giúp công dân đặt mình ở địa vị làm chủ xã hội và biết nghi ngờ, phê phán nhà nước khi cần; và là thứ giúp công dân hợp tác với nhau để xây dựng những quy tắc sống chung trong một cộng đồng xã hội. Để làm được điều đó, ta cần biết nhiều thứ hơn rất nhiều so với việc đọc hiểu các điều luật. Những thứ này vốn là tri thức phổ thông ở các nước phát triển, nhưng ở ta, rất tiếc, lại bị cho là nhạy cảm.

Thứ hai, một tờ báo có cái tên gắn với pháp luật không đồng nghĩa với việc nội dung của nó chỉ là về pháp luật. Chúng tôi không tự trói chân trói tay mình. Nếu tờ The Economist của Anh không chỉ viết về kinh tế, tờ Foreign Policy của Mỹ không chỉ viết về quan hệ bang giao, thì Luật Khoa cũng không chỉ viết về luật. Và nếu để ý, ta sẽ thấy báo Nhân Dân thường chỉ viết về đảng, còn báo Tuổi Trẻ thì rất hay viết về những vấn đề của tuổi già.

Luật Khoa đầu tư rất nhiều vào các chủ đề chính trị, quan hệ quốc tế và môi trường, là những vấn đề đặc biệt quan trọng với sự tồn vong và phát triển của một quốc gia. Chúng tôi chọn làm một cánh cửa thông tin và tri thức hữu ích cho độc giả, đặc biệt khi những tri thức đó bị kiểm duyệt, chứ không cứng nhắc giữ khư khư tấm áo luật gia của mình.

Vài lời chia sẻ như vậy, mong rằng vấn đề từ nay đã tỏ tường.


Mỗi thứ Bảy đầu tiên của tháng, Luật Khoa sẽ gửi một thư tòa soạn tới quý độc giả để chia sẻ công việc hậu trường, công bố sản phẩm mới, cũng như giải thích các thắc mắc của độc giả về tạp chí. Mọi góp ý xin gửi vào địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.