Trung Quốc muốn lãnh đạo, nhưng thế giới có đón nhận?

Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT.
Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT.

“Dịch bệnh corona lần này có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu đầu tiên trong nhiều thập kỷ chứng kiến vai trò lãnh đạo mờ nhạt của Mỹ, nhưng lại đánh dấu sự nổi lên của Trung Quốc”.

Đó là những gì ông Rush Doshi – Giám đốc Học viện Chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings, thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ) nhận định.

Trên một con phố ở thủ đô của Serbia (Nam Âu), người ta dễ dàng nhận ra một tấm áp phích lớn với hình ảnh của Tập Cận Bình và dòng chữ “Cảm ơn người anh cả, Tập” (Thank you, big brother Xi). Tấm áp phích này được treo lên ngay sau khi Trung Quốc cử một đội chuyên gia y tế và 16 tấn hàng hoá – thiết bị y tế đến trợ giúp Serbia chống lại dịch coronavirus. Tổng thống Serbia đã không thể giấu nổi sự xúc động và lòng biết ơn của mình đối với Trung Quốc bằng việc tự mình ra đón đoàn tại sân bay và hôn lên cờ Trung Quốc sau khi hôn cờ của Serbia với những “lời vàng ý ngọc” để chào đón.

Trung Quốc không chỉ viện trợ và giúp đỡ cho Serbia – một trong những đồng minh thân cận bậc nhất của họ trong Liên minh Châu Âu, mà còn nhanh chóng trợ giúp cho Ý – quốc gia duy nhất của nhóm G7 tham gia vào chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc. Với một tư cách đặc biệt như vậy, Ý nhận được sự hỗ trợ vô cùng hào phóng từ Trung Quốc. Từ 17 đến 25 tháng Ba, Trung Quốc đã cử 36 chuyên gia y tế tới nước này. Hàng hoá y tế được vận chuyển làm ba đợt số lượng lớn, ước tính khoảng 28 tấn.

Cùng thời điểm này Tập Cân Bình cũng đã có những bước đi ngoại giao được coi là chưa có tiền lệ đối với một số thành viên trụ cột của Liên minh Châu Âu. Bằng việc chủ động điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Vua Felipe của Tây Ban Nha và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tập Cận Bình đã như muốn khoe mẽ tầm nhìn của mình về tính nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như nhận định việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế để đối phó, và tất nhiên Tập không quên nêu lên tinh thần sẵn sàng giúp đỡ của Trung Quốc nếu được yêu cầu. Tất cả những sáng kiến đối phó với dịch bệnh này Tập cũng không quên lặp lại ở một hội nghị trực tuyến nhóm G20 hồi tháng Ba.

M. Walt – giáo sư ngành quan hệ quốc tế Đại học Harvard cho rằng “dịch bệnh có thể thay đổi cấu trúc quyền lực chính trị thế giới, nhưng sẽ không thay đổi bản chất tự nhiên của nó là sự tranh giành quyền lực và lợi ích dựa trên những mâu thuẫn của các đế quốc sừng sỏ”.

Nhận xét này của Walt dường như đã đúng khi chúng ta đang chứng kiến sự “vồ vập” của Trung Quốc trong nỗ lực trợ giúp thế giới chống dịch, cũng như nỗ lực chính trị hoá hoạt động nhân đạo để tranh thủ mở rộng sự ảnh hưởng trên toàn cầu, mà trọng tâm là châu Âu – nơi mà sự cảnh giác với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Tấm áp phích “Cảm ơn người anh cả, Tập” (Thank you, big brother Xi) ở Serbia. Ảnh: Reuters.
Tấm áp phích “Cảm ơn người anh cả, Tập” (Thank you, big brother Xi) ở Serbia ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters.

Đối với Mỹ, Tập lại hành động như một người anh cả với hiểu biết, bao dung, biết vì nghĩa lớn mà gạt đi những “cãi vã cỏn con” về việc con virus corona đến từ đâu. Ông chủ động điện đàm với Tổng thống Donald Trump và kêu gọi Hoa Kỳ có những hành động cải thiện mối quan hệ hai nước nhằm tăng cường hợp tác ngăn chặn dịch bệnh. Lời lẽ của Tập như muốn thể hiện một tầm nhìn xa, vừa như trách móc Hoa Kỳ đã làm tình hình căng thẳng thêm; vừa động viên, vừa như cảnh báo Trump rằng, hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn duy nhất của Hoa Kỳ, cũng là lựa chọn tốt nhất cho việc chống dịch trên toàn cầu.

Trung Quốc cũng khá bận rộn ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á – nơi được coi là sân nhà của họ, với nhiều hoạt động hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và trợ giúp. Trong đó, Trung Quốc chủ động mở một hội thảo trực tuyến cấp bộ trưởng ngoại giao với Hàn Quốc và Nhật Bản, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa ba quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực. Cuộc hội đàm về cơ bản đạt được sự đồng thuận hợp tác về nhiều mặt. Bên cạnh đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động trợ giúp khắp châu Á với số lượng lớn thiết bị và hàng hoá y tế đến Iraq, Iran, Pakistan, Laos, Philippines, và Cambodia.

Kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu đến khi lan rộng ra hầu khắp các nước trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia đi đầu và nhiệt thành nhất với tiếng gọi “cả thế giới đoàn kết lại” để chống COVID-19. Để tiếng gọi của mình không trở nên vô vọng, Trung Quốc đã tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 20 triệu USD nhằm “hỗ trợ WHO thực hiện chức năng đoàn kết thế giới chống dịch”, và đây không phải khoản phí thành viên bắt buộc mà mọi quốc gia đều có trách nhiệm. Một hành động hào phóng và nghĩa tình như vậy, và dù chưa chắc chắn về tính hiệu quả của nó, nhưng nó đã làm nên một câu chuyện trong cuộc chiến chống dịch: Câu chuyện Trung Quốc – WHO.

Rõ ràng Trung Quốc có vẻ đang dốc lòng thực hiện trách nhiệm trợ giúp nhân đạo – một giá trị loài người, hoặc ít nhất, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện điều đó. Nhưng liệu có phải họ đang lợi dụng dịch bệnh để mở rộng sức ảnh hưởng và đánh bóng vai trò của mình? Câu trả lời là có, “nỗ lực hoạt động nhân đạo của Trung Quốc là thật, nhưng nó có ý đồ chính trị, và thế giới cần phải cảnh giác điều đó”.

Đằng sau bộ mặt hào nhoáng

Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, Trung Quốc dưới sự điều hành của Tập Cận Bình dường như đã biến thành một trung tâm điều phối quốc tế với các cuộc gọi đi liên tục từ Bắc Kinh để đề nghị được giúp đỡ, và các chuyến bay liên tục cất cánh đến phân phối hàng hoá y tế đến khắp nơi trên thế giới. Vậy nhưng, Trung Quốc hiện nay không những đang phải đối mặt với cáo buộc che giấu dịch bệnh ở giai đoạn đầu, báo cáo số liệu không đầy đủ và không chính xác về dịch bệnh, mà bao trùm hơn cả, Trung Quốc đang thực sự làm cả thế giới bất an, lo lắng và ngờ vực.

Ngoại giao khẩu trang hay nỗ lực nhân đạo có lẽ là một trong những nội dung quan trọng chiến lược nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện, nghĩa hiệp của Trung Quốc nhân cơ hội dịch bệnh. Tuy vậy, đây có vẻ lại là đòn “gậy ông đập lưng ông” khi Trung Quốc đang nhận nhiều cáo buộc về việc cung cấp hàng hoá thiết bị y tế kém chất lượng hoặc không có tác dụng hỗ trợ. “Made in China” vốn đã là chuyện nhiều “dị nghị” trên thế giới, nhiều người tự ý thức đó là một nhãn dán cho những loại hàng hóa dởm về chất lượng, thì nay có vẻ lại càng được củng cố hơn. Đây là chuyện chỉ xảy ra đối với hàng hoá của Trung Quốc. Nên nhớ rằng khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 10 tổ chức quốc tế đã gửi viện trợ cho nước này và không có một phàn nàn nào về những hàng hoá đó.

Ngoại giao khẩu trang được sử dụng như một thanh kiếm sắc của Trung Quốc để chiếm đoạt tầm ảnh hưởng trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch coronavirus, với hơn 50% sản lượng khẩu trang hiện được sản xuất tại Trung Quốc và Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngầm, thậm chí thu gom hầu hết khẩu trang trong nước trước khi đại dịch bắt đầu.

Không những vậy, để chiến lược ngoại giao khẩu trang thêm phần hiệu quả, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch gom hàng trên khắp thế giới gây nên tình trạng khan hiếm. Ngay khi dịch bệnh lan rộng ở Vũ Hán, bên cạnh nhận hàng viện trợ từ các nước, Trung Quốc nhập khẩu phần lớn khẩu trang và mặt nạ chống độc trên khắp thế giới, khoảng 56 triệu chiếc. Chỉ trong vòng một ngày, 30/1, nước này nhập khẩu 20 triệu khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc.

Sydney Morning Herald – một tờ báo tại Úc đã điều tra và chỉ ra rằng các hoạt động gom hàng được thực hiện bởi các công ty lớn có chi nhánh hoạt động trên toàn cầu, do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Các nhân viên, hầu hết là người Trung Quốc, được lệnh “thu gom nhiều nhất có thể tất cả các mặt hàng y tế” từ khẩu trang cho đến nước rửa tay khô… Tất nhiên, Úc cũng như các quốc gia khác đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn các hành vi này của Trung Quốc.

Ông Tedros gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng Một năm nay. Ảnh: Ju Peng Xinhua / eyevine / Redux.
Ông Tedros gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng Một năm nay. Ảnh: Ju Peng Xinhua / eyevine / Redux.

Câu chuyện Trung Quốc – WHO

Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay đang bị buộc tội “đi đêm” với Trung Quốc nhằm che giấu dịch bệnh ở thời điểm ban đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích WHO là đã thấy tính nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng không báo cáo, và cho rằng WHO “luôn luôn đứng về phía Trung Quốc”. Và để làm rõ hơn vấn đề này, Nhà Trắng đã ra quyết định tạm dừng việc tài trợ thường niên cho WHO, ước tính khoảng 400 triệu đô-la mỗi năm. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đã dùng WHO như một lá bài để lừa bịp thế giới, khó mà tránh được việc dư luận thế giới đặt câu hỏi.

Trung Quốc đã kể chuyện chống dịch COVID-19 như thế nào? Trung Quốc đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong việc cố tình che giấu dịch bệnh ở giai đoạn đầu dẫn đến dịch bùng phát ở Vũ Hán, nhưng có lẽ sai lầm đó không phải là hồ đồ nhất thời của giới lãnh đạo vì nó còn được che giấu bài bản sau này.

Tờ New York Times đã tiến hành một nghiên cứu với hàng nghìn bài đăng trên mạng xã hội Weibo của các nhân viên ngoại giao và nhân viên nhà nước của Trung Quốc, và phát hiện ra có ba nội dung chủ đạo mà Trung Quốc muốn định hình truyền tải ra nước ngoài. Đó là (i) tinh thần lạc quan và tin tưởng tuyệt đối của người dân với chính quyền; (ii) lời khen ngợi của giới chuyên gia nước ngoài hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Trung Quốc; (iii) virus corona xuất phát từ Mỹ.

Như vậy, Trung Quốc với bộ máy tuyên truyền lớn nhất thế giới đã được vận hành tối đa công suất để không những viết lại lịch sử chống dịch trong nước bằng kiểm duyệt và đàn áp, mà nó còn làm cho thế giới nhận thức rằng “Trung Quốc đã giúp thế giới có thêm thời gian để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh; virus corona không hề có nguồn gốc ở Trung Quốc; và Trung Quốc sẽ sẵn lòng giúp đỡ người dân khắp thế giới”.

Mặc dù chưa kết thúc, nhưng Trung Quốc cũng đã kể câu chuyện về dịch COVID-19 theo cách của mình, và thế giới có lẽ cũng đã phần nào nhận ra “tính cách nhân vật” của Trung Quốc. Liệu rằng bao bọc Cambodia có thâu tóm được Asean; ôm ấp vỗ về Ý, Serbia có xô ngã được Liên minh châu Âu; viện trợ khắp thế giới có lôi kéo được loài người đi theo chế độ độc tài toàn trị?

Lời kêu gọi “cả thế giới đoàn kết lại” để chống dịch của Trung Quốc đang bị các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới phớt lờ, dường như chưa có chỉ dấu nào cho thấy sự hưởng ứng. Điều này cho thấy sau bao nỗ lực xây dựng hình ảnh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, Trung Quốc vẫn là một sự ngờ vực, một nỗi lo lắng lớn đối với thế giới.

Đó cũng là lý do mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đánh giá (có tính chất hạ thấp) những nỗ lực trợ giúp của Trung Quốc chỉ là hành động bình thường, “có đi có lại“, và không quên nhắc nhở các thành viên khác của EU rằng, “trong thời gian khủng hoảng chung chúng ta không thể mong đợi trợ giúp như đã thoả thuận”.

Lời nhắc nhở cũng như một lời cảnh báo đến các quốc gia thành viên về âm mưu của Trung Quốc ở châu Âu và thế giới nói chung.


Tác giả Doan Nguyen hiện là sinh viên thạc sĩ ngành chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Macquarie, Sydney, Australia.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.