Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Trong vài ngày qua, Thời báo Hoàn Cầu bỗng nhiên trở thành một cái tên quen thuộc với nhiều người Việt, khi vị Tổng biên tập của tờ báo này đăng đàn gửi “vài lời thật lòng với người Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.
Bài viết được trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng tải lại, và buộc phải xóa chỉ sau chưa đầy 24h khi hứng chịu hàng ngàn lượt bình luận chỉ trích từ dân mạng Việt.
Với những người thường xuyên theo dõi tình hình Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu và cái tên Tổng biên tập Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) đều không xa lạ.
Vào tháng 6/2020 vừa qua, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) chính thức gia nhập danh sách những cơ quan báo đài của Trung Quốc bị chính quyền Mỹ kết luận là “tổ chức nước ngoài” (foreign missions) thay vì là một tổ chức truyền thông thông thường.
Với việc phân loại này, các tổ chức trên sẽ chịu sự quản chế về mặt hành chính (không chịu giới hạn về việc sản xuất nội dung tin tức) như mọi tổ chức nước ngoài khác, vốn theo định nghĩa của Đạo luật Tổ chức Nước ngoài (Foreign Missions Act) là những tổ chức do chính phủ nước ngoài “sở hữu phần lớn hoặc kiểm soát trên thực tế”.
Nó đặt Thời báo Hoàn Cầu cùng với Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc… về lại đúng vị trí vốn có: loa tuyên truyền một chiều của chính quyền Bắc Kinh.
Trong số đó, có thể nói Thời báo Hoàn Cầu là chiếc loa ồn ào và nhiễu nhạo nhất.
Thành lập vào năm 1993, là một tuần báo trực thuộc Nhân Dân Nhật báo (People’s Daily), Thời báo Hoàn Cầu nhanh chóng có chỗ đứng riêng khi là đơn vị tường thuật trực tiếp và hăng hái nhất về sự kiện Mỹ ném bom nhầm Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, thuộc Nam Tư cũ, vào năm 1999. Đến năm 2009, tờ báo phát hành bản tiếng Anh trong nỗ lực đối trọng với truyền thông phương Tây.
Điều khiến Thời báo Hoàn Cầu nổi bật hơn cả trong làng báo quốc doanh Trung Quốc là mảng bình luận (opinions/ editorials). Các bài viết bình luận, cả bản tiếng Hoa lẫn tiếng Anh, đều đậm đặc tinh thần dân tộc và sẵn sàng không ngại ngần dùng các ngôn từ kích động, thậm chí là thóa mạ đối phương.
Châm biếm Úc là “mèo giấy” (paper cat) khi nước này lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Luật Biển vào năm 2016 đối với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc; cảnh cáo Ấn Độ đừng “khiêu khích” nếu không sẽ “chịu thất bại nhục nhã”; răn dạy các nước ASEAN phải “biết khôn” (wise enough), đừng trở thành “lính cảm tử” (cannon fodder) cho nước Mỹ trong “âm mưu” chống lại Bắc Kinh, hay mới đây khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra Tuyên cáo lập trường về biển Đông, ngay lập tức tờ này đã có bài viết thách thức Mỹ có muốn “đánh nhau” (showdown) ở biển Đông/ Nam Trung Hoa không…
Trong khi các tờ báo lớn khác của Trung Quốc vẫn giữ thái độ chừng mực, ngoại giao, Thời báo Hoàn Cầu được xem là ngoại lệ thả rông.
Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập từ năm 2005 đến nay của Thời báo Hoàn Cầu, rất tự hào về điều này.
Trong bài phỏng vấn với Quartz, Hồ nói mình thường xuyên qua lại với các quan chức ngoại giao và an ninh của chính quyền, và họ đồng tình với cảm xúc cũng như ý kiến mà tờ báo đăng tải. “Họ không được tự do nói ra, nhưng tôi thì có thể”, Hồ cho biết.
Với sự “tự do” này, nhiều người đánh giá Thời báo Hoàn Cầu là một chiếc van xả cho những cái đầu diều hâu hiếu chiến trong chính quyền, cũng như là nơi thỏa mãn tâm lý kích động dân tộc của một bộ phận người trong nước.
Không chỉ lớn tiếng trên mặt báo, Hồ Tích Tiến và các đồng sự ở Thời báo Hoàn Cầu còn rất thiện dụng mạng xã hội, đặc biệt là Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc nhưng lại được một số quan chức và cán bộ truyền thông nơi đây đặc quyền sử dụng), phát tán bài vở và khiêu khích kích động người đọc.
Khi nước Úc lên tiếng ủng hộ việc điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, Hồ viết trên Weibo so sánh Úc với “miếng singum dính trên đế giày của Trung Quốc mà người ta phải lấy cục đá để gạt ra”.
Hay như khi xung đột biên giới Trung – Ấn nổ ra vào tháng 5/2020, người Ấn kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, Hồ dùng Twitter móc mỉa: “Ngay cả khi người Trung Quốc muốn tẩy chay hàng hóa Ấn Độ thì cũng chả tìm thấy bao nhiêu thứ sản phẩm làm từ nước này”.
Là một người được đào tạo trong quân đội, nhưng từng tham gia biểu tình trong phong trào dân chủ tại Thiên An Môn vào năm 1989, sau khi chứng kiến phong trào bị đàn áp đẫm máu, cùng với trải nghiệm trực tiếp khi tường thuật những cuộc chiến do phương Tây phát động ở Nam Tư cũ và Iraq, Hồ Tích Tiến nhanh chóng “trưởng thành về nhận thức”, xem thể chế cộng sản độc tài là lựa chọn ưu việt nhất cho đất nước mình.
Những bài viết và bình luận của Hồ cùng các cộng sự, bất kể là trên mặt báo hay mạng xã hội, vì vậy đều không nhằm trao đổi tri thức hay tranh luận để tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Mục đích duy nhất của các bài viết là tuyên truyền cho tư tưởng đường lối độc tôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong quá trình đó, nếu cần, họ sẵn sàng khiêu khích để đối phương nổi nóng và mắc bẫy, hoặc ít nhất cũng tiêu phí thời gian để phản hồi lại.
Theo lời của các phóng viên từng làm việc tại Thời báo Hoàn Cầu, một trong những chỉ tiêu (incentives/ KPIs) của tờ báo là số lần được các truyền thông nước ngoài trích dẫn, nhắc đến.
Càng được nhiều người nhắc tới, họ càng được đánh giá là “thành công”.
Những ai từng có kinh nghiệm làm trong các tờ báo “lá cải”, hoặc lập các trang Facebook bán hàng online, đều không lạ gì với tiêu chí “thành công” này.
Về bản chất, Thời báo Hoàn Cầu cũng chỉ là một tờ báo lá cải với các chiêu trò câu khách không hơn không kém.
Hoặc tệ hơn, họ là những con troll chuyên nghiệp, được trả tiền để kích động quấy nhiễu người khác.
Dù biết rõ những chiêu trò troll của Thời báo Hoàn Cầu, truyền thông và người đọc nước ngoài vẫn thường xuyên nhắc đến tờ báo này.
Một phần lý do nằm ở bản chất thể chế độc tài khép kín của Trung Quốc. Các lãnh đạo cấp cao nơi đây không công khai trả lời chất vấn của truyền thông (ngoại trừ những trường hợp sắp đặt sẵn). Các quyết sách được ban hành trong các phiên họp kín, chỉ một số ít người nắm được thông tin. Điều này khiến những ai muốn nắm bắt được tình hình Trung Quốc buộc phải quay sang các phương tiện truyền thông nước này, vốn dĩ đều là những chiếc loa đài của chính quyền.
Là một trong những chiếc loa ồn ào nhất, không khó hiểu vì sao người ta vẫn phải chú ý đến tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Nhưng nhiều ý kiến không quên cảnh báo việc lãng phí thời gian công sức cho những chiêu trò khiêu khích của Thời báo Hoàn Cầu nói chung và những người như Hồ Tích Tiến nói riêng.
Ngay cả trong nước, nhiều người làm truyền thông ở Trung Quốc cũng không xem trọng tờ báo này.
Tống Chí Tiêu (Song Zhibiao), một nhà báo có thâm niên trong nước, nhiều năm trước đã từng bình luận như sau về Thời báo Hoàn Cầu.
“Nó không dùng đến những lập luận phức tạp, không quan tâm đến logic, và thậm chí nhiều câu chữ còn chẳng đúng ngữ pháp”.
“Lý do nó khó bị đánh bại không phải vì nó nói sự thật, mà vì nó quá xem thường sự thật. Người ta không thể chỉ trích nó vì nó không biết xấu hổ.”
Đó không hề giống như lời để hình dung về một tờ báo. Đó là mô tả về những con troll, chuyên đi quấy rối thiên hạ.
Nhiều người Trung Quốc còn gọi đích danh Hồ Tích Tiến là “(con chó) chuyên đi lụm banh” (Frisbee grabber), ám chỉ việc Hồ chỉ là một công cụ tuyên truyền không hơn không kém của các ông chủ ở Trung Nam Hải.
Bằng cách được thả rông chạy rộng, Thời báo Hoàn Cầu và Hồ Tích Tiến vừa được xem như van xả, vừa là công cụ thử nước của Bắc Kinh.
Những bình luận khiêu khích nhất được tung ra nhằm kiểm tra phản ứng của dư luận trong và ngoài nước. Nếu bị phản ứng mạnh, chính quyền nơi đây sẽ phủi tay không liên quan, dùng những chiếc loa khác để truyền bá “chủ trương đường lối đúng đắn”.
Phản ứng thích hợp nhất đối với Thời báo Hoàn Cầu cùng những “troll gia” như Hồ Tích Tiến vì vậy có lẽ là xem nó như những trò rao bẩn rẻ tiền ngoài đường: vạch mặt và gạt phăng, không tiếp tục tiêu tốn thời gian.
Với người Việt Nam, còn có một bài học khác quan trọng không kém: tương lai đừng bao giờ để cho đất nước mình tồn tại những thứ rác rưởi như vậy.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.