‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
Được xuất bản vào năm 2022, Dọc đường là tuyển tập gồm 34 bài ghi chép của Nguyên Ngọc -
Việc Hoa Kỳ chính thức đưa ra lập trường của mình về các tuyên bố pháp lý của Trung Quốc tại biển Đông đã mở ra rất nhiều cánh cửa cho Việt Nam theo luật quốc tế.
Theo một số ý kiến hiện nay, chẳng hạn như ý kiến của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể dựa vào nguyên tắc actio popularis để đưa vụ việc ra một cơ quan tài phán quốc tế, từ đó tạo ra một phán quyết có giá trị phổ quát hoàn cầu (tạm dịch từ việc các học giả sử dụng thuật ngữ “erga omnes” – “toward all”).
Đây là một góc nhìn lý thú, đáng xem xét và phản biện để chuẩn bị cho các thảo luận trong tương lai.
Actio popularis là một nguyên tắc thủ tục có gốc gác từ luật La Mã. Theo đó, nó trao quyền cho bất kỳ công dân La Mã nào khởi kiện hoặc bắt đầu một tiến trình pháp lý nhân danh lợi ích công cộng.
Nguyên cớ khiến cho actio popularis tồn tại là do ở thời điểm này, pháp luật tư (dân sự, thương mại, hôn nhân…) và pháp luật công (hình sự, hành chính…) La Mã vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng. Pháp luật tư La Mã lại hoàn thiện, mạnh mẽ, ổn định hơn pháp luật công. Do đó, actio popularis trở thành một công cụ rất hiệu quả để các công dân hay nhóm công dân La Mã tham gia vào hoạt động quản lý công cộng.
Như vậy, khi pháp luật công còn chưa phát triển, nếu không có nguyên tắc này thì rất nhiều sai phạm gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng có thể bị bỏ qua theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Nguyên đơn khởi kiện, vì vậy, là người quan tâm và mong muốn trật tự công cộng được bảo vệ. Họ không nhất thiết tham gia hay chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những thiệt hại công đó.
Xét về thực trạng nội dung và áp dụng của công pháp quốc tế hiện nay, vốn rất phân mảnh và không có một cơ quan quyền lực tập trung bảo vệ lợi ích chung, actio popularis không phải là một ý tưởng tồi.
Đã có nhiều học giả quốc tế lên tiếng ủng hộ và kêu gọi áp dụng actio popularis trong các tranh chấp quốc tế.
Một trong những nghiên cứu hoàn chỉnh và dễ tiếp cận nhất hiện nay là quyển “Quyền Actio Popularis trước các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế” (The Right of Actio Popularis before International Courts and Tribunals), vốn là luận án tiến sĩ của học giả Farid Turab Ahmadov tại Đại học Oxford (Anh), công bố năm 2017.
Theo ông, actio popularis thường được cộng đồng quốc tế thừa nhận và áp dụng khi xuất hiện hành vi vi phạm các nghĩa vụ phổ quát (obligation erga omnes). Như vậy, nghĩa vụ erga omnes là tiền tố của quyền áp dụng actio popularis (ngược lại với điều một số học giả Việt Nam đề xuất).
Có thể hiểu đơn giản cách tiếp cận này như sau: khi một nghĩa vụ pháp lý đã được xác định là nghĩa vụ erga omnes – tức nghĩa vụ mà bất kỳ ai trong cộng đồng quốc tế cũng phải tôn trọng (ngược lại với các loại nghĩa vụ mang tính song phương hay khu vực) – thành viên nào trong cộng đồng quốc tế cũng có thể lựa chọn một hay nhiều biện pháp pháp lý để phản đối hành vi vi phạm loại nghĩa vụ này. Từ đó, họ cùng nhau yêu cầu tái thiết lập tình trạng hợp pháp ban đầu.
Tuy nhiên, dù có cái nhìn tích cực đối với actio popularis, học giả Ahmadov cũng đắn đo về khả năng áp dụng của nó.
Điểm quan trọng nhất, ông nhấn mạnh, là cho dù có sự tồn tại của actio popularis trong một tranh chấp cụ thể, điều này không được hiểu là quốc gia nào cũng có quyền khởi kiện tranh chấp ra một tòa án, tòa trọng tài quốc tế.
Việc khởi kiện một quốc gia ra cơ quan tài phán còn cần nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau, như quốc gia bị khởi kiện có chấp nhận minh thị thẩm quyền của tòa đó hay không, cơ quan tài phán tiếp nhận có thẩm quyền xét xử nội dung đối với vụ việc hay không, nội dung tranh chấp có thỏa mãn các yêu cầu tiếp nhận hay không, đối tượng của tranh chấp là gì, v.v.
Trong trường hợp biển Đông, dù có thể lý giải về mặt pháp lý vì sao các tuyên bố của Trung Quốc gây nguy hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế cùng sự cần thiết của việc áp dụng actio popularis, lựa chọn cơ quan tài phán chấp nhận vụ việc dựa trên actio popularis là không hề đơn giản.
Còn theo học giả, luật sư quốc tế người Pháp, ông François Voeffray, có ba yếu tố cần được xem xét khi khởi kiện theo con đường actio popularis:
Đầu tiên, quốc gia khởi kiện phải có quyền hợp pháp để tiếp cận với một cơ quan tài phán quốc tế nhất định.
Để hiểu tình huống này, bạn đọc có thể liên tưởng tới tình thế của Hoa Kỳ đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Dù có vai trò rất lớn trong lịch sử xây dựng UNCLOS, và dù họ thừa nhận một số nguyên tắc hàng hải mà UNCLOS đặt ra có giá trị như tập quán pháp quốc tế, Hoa Kỳ vẫn không phải là thành viên của UNCLOS. Vì vậy, họ sẽ không có tư cách pháp lý để sử dụng Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITCLOS), Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) hay Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (International Seabed Authority – ISA).
Thứ hai, chúng ta cần một nền tảng pháp lý phù hợp tạo ra thẩm quyền xét xử của tòa đối với tranh chấp đang được xem xét.
Lập luận này hiểu rất đơn giản, chúng ta phải khởi kiện vụ việc ra đúng tòa có thẩm quyền thì tòa này mới có thể tiếp nhận.
Bạn sẽ không thể khởi kiện một tranh chấp biển ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Bạn sẽ không thể khởi kiện tội ác diệt chủng xảy ra ở Serbia cho Tòa án Hình sự Quốc tế chuyên trách về Rwanda (International Criminal Tribunal for Rwanda – ICTR).
Hiện nay, chỉ có hai tòa án quốc tế thường trực duy nhất có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hàng hải, chủ quyền biển và phân định ranh giới biển bao gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITCLOS) và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Song thẩm quyền của hai tòa này đối với từng vụ việc cụ thể lại phải phụ thuộc vào việc quốc gia bị kiện có tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của tòa trước đó hay chưa.
Cuối cùng, François Voeffray cho rằng quốc gia khởi kiện sẽ phải có năng lực và tính chính danh hợp lý để đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Tổng hợp quan điểm của cả hai tác giả nói trên cùng một số nghiên cứu riêng lẻ khác liên quan đến vấn đề, không thể khẳng định rằng sử dụng actio popularis sẽ tạo nên bất kỳ lợi thế nào rõ ràng cho các nguyên đơn khởi kiện vì lợi ích công cộng theo pháp luật quốc tế.
Với các đặc trưng pháp lý được phân tích của actio popularis, dù rất ủng hộ sự phát triển của nguyên tắc này, chúng ta khó mà kỳ vọng gì nhiều vào actio popularis như là một công cụ phổ biến trong giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Điều này được chứng minh rõ ràng nhất trong vụ án nổi tiếng South West Africa (Liberia v. South Africa) vào năm 1966.
Hai quốc gia là Ethiopia và Liberia sử dụng luận điểm actio popularis để khởi kiện Nam Phi liên quan đến việc quốc gia này không thi hành các nghĩa vụ được Hội Quốc Liên ủy thác trước đó (mà đặc biệt là chế độ Apartheid). Họ khẳng định, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và sự tuân thủ nói chung dành cho pháp luật quốc tế, Ethiopia và Liberia có quyền đại diện khởi kiện Nam Phi trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Tòa Công lý Quốc tế phủ nhận hoàn toàn lập luận nói trên.
Các thẩm phán cho rằng họ không thể xem actio popularis như là một “nguyên tắc pháp luật phổ quát” được ghi nhận trong Quy chế thành lập của tòa này theo Điều 38, Điểm 1, Khoản c. Tòa lý giải rằng, dù nguyên tắc này có thể phổ biến trong pháp luật nội địa của một số quốc gia trên thế giới, actio popularis quá lạ lẫm với hệ thống pháp luật hiện hành. Cái gọi là “quyền đương nhiên của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong cộng đồng quốc tế để bảo vệ lợi ích chung” cũng không hề có cơ sở pháp lý vững chắc trong suốt quá trình phát triển của công pháp quốc tế.
Tòa ghi nhận cả Liberia và Ethiopia đều không phải là bên liên quan trong chế định ủy thác tại Nam Phi, cũng như không gánh chịu bất kỳ thiệt hại bất lợi nào từ việc vi phạm của quốc gia này. Trên cơ sở đó, Tòa bác yêu cầu của cả hai quốc gia.
Đây cũng là lần duy nhất một cơ quan tư pháp quốc tế có thẩm quyền bàn trực diện về actio popularis.
***
Với những cân nhắc nói trên, người viết cho rằng áp dụng actio popularis sẽ là một bài toán khó trong tình hình pháp luật quốc tế hiện nay. Quan trọng nhất không phải là chúng ta có chứng minh được sự tồn tại của actio popularis hay không, mà là kỹ thuật áp dụng nó như thế nào để bảo vệ tối đa quyền lợi của Việt Nam.
Liệu Việt Nam có nên khuyến khích và ủng hộ các quốc gia thứ ba khởi kiện Trung Quốc dựa trên tinh thần của actio popularis để hưởng lợi pháp lý từ đó? Ngôn ngữ tranh chấp cần được xây dựng như thế nào? Như vậy có giải quyết được bài toán và những món nợ rất riêng của Việt Nam với Trung Quốc như các đảo bị chiếm ở Hoàng Sa vào năm 1974 và ở Trường Sa năm 1988?
Actio popularis chắc chắn sẽ mở ra nhiều thảo luận mới và hướng đi mới, song chúng ta cần thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biện pháp này thật sự mang lợi cho các nỗ lực pháp lý đòi lại công bằng cho Việt Nam.