Sơn Tinh – Thủy Tinh phiên bản LGBT: Thế nào là “xuyên tạc văn hóa Việt Nam”?

Ảnh: Đoàn Công Hoạt/VNU.
Ảnh: Đoàn Công Hoạt/VNU.

Người phương Tây hầu hết đều quen thuộc với hình tượng “ogre” (chằn tinh), theo truyền thuyết là con quái vật to lớn chuyên ăn thịt người. Nhân vật “ông Kẹ” của người Việt, chuyên được dùng để dọa trẻ con, cũng bắt nguồn từ đó mà ra.

Ngày nay bạn sẽ khó bắt gặp ai còn sợ ông Kẹ trong truyền thuyết, nhưng nhu cầu hù dọa người khác thì vẫn còn.

Một bài đăng gần đây trên trang Facebook Tifosi gọi một số sáng tác của cộng đồng LGBT là “hành vi xuyên tạc văn hóa thấp hèn” là một dạng hù dọa như vậy. Bài viết nhận được hơn 11 nghìn lượt tương tác tích cực. Có hơn một nghìn lượt chia sẻ.

Bài viết nói về các sáng tác truyện của một số tác giả trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) dùng các truyền thuyết và những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam làm chất liệu. Các sáng tác này biến tấu lại toàn bộ cốt truyện theo hướng tình yêu đồng giới. Trong đó, Sơn Tinh và Thủy Tinh có quan hệ yêu đương, Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ có tình ý với nhau… Người viết bài trên Tifosi cho rằng những ý tưởng này đều là “xuyên tạc văn hóa, bịa đặt lịch sử”, “thiếu hiểu biết”, “lố lăng, phản cảm” và “cần phải lên án”.

Một cách rất cẩn thận và khôn ngoan, người viết bài phân biệt cộng đồng LGBT “văn minh, lịch sự”, “yêu Việt Nam và văn hóa Việt Nam” với những hành vi “lợi dụng cộng đồng LGBT, phục vụ cho mục đích thấp hèn của bản thân”. Sau tất cả, họ kêu gọi mọi người cùng chung tay “giữ gìn văn hóa lịch sử dân tộc”. Bài viết có đoạn:

Cộng đồng LGBT là một cộng đồng văn minh, lịch sự. Họ yêu Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Tuyên truyền bảo vệ cộng đồng LGBT là tuyên truyền những kiến thức về giới tính, làm cộng đồng bên ngoài hiểu đúng và tôn trọng, từ đó sống hòa hợp với nhau, tôn trọng nhau. Chứ không phải là lợi dụng cộng đồng LGBT, phục vụ cho mục đích thấp hèn của bản thân. Chính những hành vi đó, càng khiến cho những người bên ngoài hiểu sai lệch về cộng đồng LGBT.”

Nếu cảm thấy khoái trá hỉ hả với những luận điểm trên, bạn có thể ngưng đọc tiếp. Bài viết này không dành cho bạn.

Còn nếu có một chút gì đó lợn cợn, hoặc chỉ đơn giản là có nhu cầu tìm hiểu thêm, hy vọng bạn sẽ tĩnh tâm cùng suy ngẫm một vài vấn đề.

Văn hóa là gì?

Trước khi gật hay lắc với những lời đao to búa lớn của ai đó, ít nhất ta cần biết họ đang nói về điều gì.

“Văn hóa” là một trong những khái niệm rộng nhất của nhân loại thời hiện đại.

Trong tiếng Việt hay tiếng Hoa có cách nói “có văn hóa”. Nguyên nhân là nghĩa gốc của cụm từ này. Trong từ gốc Hoa của “văn hóa” có chữ “văn” (文), chỉ chữ viết/ ngôn ngữ (chữ 文 mô tả các đường nguệch ngoạc khi người ta bắt đầu biết vẽ chữ trên đá). “Văn hóa” theo đó có nghĩa là “quá trình có chữ viết”. Với chữ viết, xã hội bắt đầu phát triển vượt bậc. Vì thế, một người có thể được khen là “có văn hóa”, hàm ý là có hiểu biết, tri thức và tiến bộ.

Nhưng đó chỉ là một cách nói.

Từ tương đương với văn hóa trong tiếng Anh là “culture”, với gốc từ “cultura” trong tiếng Latin mang nghĩa chăm sóc đất đai (để trồng trọt). Từ nghĩa ban đầu chăm sóc cái bụng, dần dần nó được phát triển thành chăm sóc cái đầu, sau chỉ mọi thứ bao quanh và được tạo ra từ quá trình chăm sóc sự sống của con người. Đó là lý do tại sao trong tiếng Anh, ta không nói ai đó “có culture”. Vì văn hóa chỉ đơn giản là “mọi thứ do con người tạo ra từ xưa tới nay”, không có hàm ý tiến bộ.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học cũng định nghĩa như thế. Văn hóa, theo tài liệu này, là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”.

Tức là, bất kỳ thứ gì chúng ta đã, đang và sẽ làm, nó đều là văn hóa.

Nó không thuộc sở hữu riêng của bất kỳ ai, bất kỳ nhóm người nào, và cũng không chết cứng ở một góc thời gian nào.

Nó là thứ mà mỗi người chúng ta, từng ngày, từng giờ, từng phút một, vẫn đang liên tục tạo ra.

Theo suy nghĩ này, “văn hóa dân tộc” là mọi thứ mà mỗi người trong dân tộc cùng tạo ra từ xưa đến nay.

Phải nhấn mạnh hai chữ “đến nay” là vì trong rất nhiều trường hợp, khi nói về “văn hóa” hay “văn hóa dân tộc”, người ta đều mặc định chỉ những gì được tạo ra “hồi xưa” mà bỏ qua yếu tố “thời nay”.

Thứ mà họ nói đến là một bộ phận của văn hóa: văn hóa truyền thống.

Nhưng thế nào là “văn hóa truyền thống”?

Có ít nhất hai cách hiểu rất khác biệt. Một là những gì được tạo ra nguyên gốc thời xưa. Hai là những gì được truyền lại từ ngày trước.

“Được truyền lại” là một ý quan trọng.

Bạn có biết trò chơi Tam sao thất bản chứ? Nếu chưa biết, bạn có thể xem ở đây. Trò này còn được gọi là “Chinese whispers”.

Với những ai đã từng chơi, chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với kết quả là thông điệp khi được truyền đến người cuối cùng sẽ hoàn toàn bị biến dạng theo một cách không ngờ tới.

Chỉ với một thử nghiệm đơn giản, thông điệp không hề phức tạp, số lượng người tham gia nhỏ, trong một thời gian rất ngắn, mà thông tin đã bị biến dạng như vậy. Điều gì khiến bạn tin chắc rằng “văn hóa truyền thống” mà chúng ta đang có là những thứ “nguyên gốc ngay từ ban đầu”?

Sự thật là văn hoá mà chúng ta đang có bây giờ đều là những thứ sót lại từ ngày xưa, sau khi đã trải qua vô số lần biến đổi.

Các truyền thuyết như Sơn Tinh – Thủy Tinh như chúng ta đang biết chắc chắn không phải là bản gốc đã được tạo ra. Có ai dám chắc Sơn Tinh, Thủy Tinh ban đầu là nam mà không phải nữ? Hay thậm chí là những con vật chứ không phải người? Hoặc phiên bản đầu tiên có cả Hải Tinh, Địa Tinh hay Tinh Tinh…?

Thứ chúng ta đang quen thuộc chỉ là phiên bản gần nhất được truyền lại. Chữ “truyền thuyết” (傳說) bản thân nó cũng đã có nghĩa là lời nói được lan truyền.

Ông Kẹ là một truyền thuyết như vậy.

Ngay đầu bài, người viết đã nhắc đến ông Kẹ và cho rằng nó có chung nguồn gốc với từ “ogre” (chằn tinh) trong tiếng Anh/ Pháp. Lý do cho suy luận đó là vì cả hai nhân vật đều được mô tả tương đối giống nhau, và phát âm cũng khá tương đồng.

Nhưng rất nhiều người sẽ phản đối suy luận này.

Họ sẽ cho ông Kẹ chính là ông Ba Bị, hoặc ông Kẹ là một nhân vật bị kết án giết người ăn thịt trẻ con bên Thái, hay thậm chí ông Kẹ là mấy ông thợ nhuộm người Hoa ngày trước ở Sài Gòn chuyên gánh nồi nước nhuộm đen sôi sùng sục.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của còn giải thích ông Kẹ là một nhân vật “ông Trị” nào đó, tánh tình thật thà, hay giải quyết chuyện bất bình nên nhiều người sợ và lấy đó để dọa con nít!

Không ai biết ông Ba Bị là ông nào, nhưng ai cũng lấy ra để doạ con nít. Minh hoạ: Kênh 14.

Ông Ba Bị cũng là một nhân vật tốn nhiều giấy mực khác. Người thì mô tả đó là nhân vật “hình người quái dị bịa ra để dọa trẻ con” (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê), người lại kể ra các câu chuyện dân gian về những nhóm bắt cóc trẻ em sáu người đi thành ba nhóm, dùng ba chiếc bị có chín chiếc quai với 12 con mắt.

Báo Tuổi Trẻ từng đăng một loạt bài nhiều kỳ tìm hiểu về gốc tích của ông Ba Bị, với kết luận đó là một nhà sư vô danh ở Huế. Lại cũng có người khẳng định là một quan chức thời Gia Long có tên Phạm Đăng Hưng.

Riêng một bài viết trên báo Pháp Luật Việt Nam thì suy ra nguồn gốc của tên Ba Bị là từ cái tên tiếng Pháp Barbe-Bleue. Đây cũng đồng thời là một nhân vật nổi tiếng khác trong văn hóa Việt Nam: Yêu Râu Xanh.

Hai nhân vật ông Kẹ/Ba Bị chỉ mới xuất hiện vài trăm năm trong dân gian, thời điểm chữ viết đã được phổ biến, mà nguồn gốc và các dị bản của nó đã khiến người ta phải cắn lưỡi như vậy.

Bạn sẽ phải tự hỏi, các truyền thuyết từ cả ngàn năm về trước, thời điểm chữ viết chưa ra đời, liệu đã trải qua biết bao nhiêu biến tấu rồi?

Một câu hỏi đạo đức: Có nên cấm xuyên tạc?

Câu trả lời là có. Nhưng không phải như những cái đầu ông Kẹ rao tưởng.

Xuyên tạc là trình bày một phiên bản khác với sự thật và cố tình nhập nhằng đó là sự thật. Nói cách khác, nó chính là “fake news” mà chúng ta đang biết.

Những sáng tạo biến tấu về truyền thuyết và lịch sử của các tác giả trong cộng đồng LGBT, trừ phi cố tình được làm ra để lừa người khác rằng đó mới là phiên bản thật, còn lại không ai có quyền hay tư cách gì để cấm họ.

Chính những kẻ chụp cái mũ xuyên tạc cho người khác mới đang lan truyền “fake news” và cần bị vạch mặt lên án.

Đây cũng hoàn toàn không phải là vấn đề của cộng đồng LGBT hay bất kỳ một cộng đồng riêng nào.

Một câu hỏi khác: Làm thế nào để bảo vệ văn hóa?

Quan điểm phổ biến cho rằng, những thứ văn hóa ta đang có, hữu hình hay vô hình, đều là những thứ đã được bảo vệ. Và nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục bảo vệ nó để truyền lại đời sau.

Đó là tầm nhìn xa bị che phủ bởi lớp lớp sương mù, cả trước lẫn sau.

Sự thật là, những thứ ta đang có chỉ là những phiên bản mới nhất của văn hóa, được tổng hợp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình tổng hợp đó, các thế hệ trước đã giữ lại những thứ họ cho là có ích, và thêm vào những thứ họ tự tạo ra.

Vậy thì, mọi thế hệ đều góp phần vào việc tạo ra văn hóa để truyền lại cho đời sau. Kiến tạo văn hóa không phải là một đặc quyền của người đời trước. Trái lại, văn hóa là sản phẩm của những người đã sống kết hợp với những người đang sống cùng tạo ra.

Một khi bạn còn sống, bạn còn có quyền tạo ra thứ văn hóa riêng của mình. Không ai có tư cách gì để cấm cản điều đó, cho dù họ có to mồm và xảo miệng đến đâu.

Còn với những người vẫn quyết tâm giữ lấy “văn hóa dân tộc nguyên gốc của cha ông”, họ nên dừng ngay việc đọc và viết những ký tự này.

Chữ Quốc ngữ – tiếng Việt ngày nay chỉ mới được tạo ra từ 400 năm trước. Nguồn ảnh: BnF Gallica.

Các chữ cái tiếng Việt mà bạn đang đọc chỉ mới được tạo ra từ 400 năm trước bởi những giáo sĩ phương Tây. So với tiêu chuẩn “nghìn năm văn hiến”, nó chắc chắn không phải là thứ văn hóa nguyên gốc mà nhiều người kêu gào đòi bảo vệ.

Chỉ mới hơn 100 năm trước, khi chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ngày nay) được đưa vào giảng dạy trong trường, rất nhiều người còn không chịu đi học “thứ chữ của người ngoại quốc”, sợ “mất gốc”. Khi chính quyền ra lệnh bắt buộc, những nhà có tiền thậm chí còn “mướn người đi học thế” cho con em mình.

Nếu ai đó ám ảnh với “văn hóa dân tộc nguyên gốc”, họ cũng nên bỏ qua luôn chữ Nôm trước đó, vì chữ Nôm chỉ là phái sinh của chữ Hán. Thay vào đó, họ nên đào ngược về vài ngàn năm trước để tìm ra thứ “văn tự gốc” mà người Việt thời đó sử dụng.

Còn một khi bản thân vẫn đang dùng thành quả văn hóa ngoại nhập, vốn là kết quả sáng tạo, thay đổi, chỉnh sửa của nhiều thế hệ gộp lại, họ nên tận dụng điều đó để hiểu thêm về thế giới rộng lớn này.

Cách bảo vệ văn hóa tốt nhất không phải là ôm khư khư một phiên bản của nó, đặt lên bàn thờ và thắp nhang rồi bắt người khác quỳ lạy như mình. Cách tốt nhất để bảo vệ văn hóa là chia sẻ nó. Nhờ vậy, những thứ có ích được giữ lại, những thứ không phù hợp được bỏ đi, những thứ mới được đưa vào, những thứ có sức sống nhất sẽ tiếp tục được lan truyền qua đời sau.

Không ai có thể và có tư cách đảo ngược tiến trình này. Không ai có thể và có tư cách cản trở những người khác trong quá trình sáng tạo cuộc sống.

Nếu trong quá trình này, bạn gặp những kẻ bỉ bôi chê bai những thứ mình tạo ra, hãy mặc kệ họ. Nhưng nếu những ông Kẹ đó cố tình tìm cách bịt miệng bạn, đừng ngại bật lại họ.

Con cháu đời sau sẽ biết ơn bạn.

Hoặc không. Chúng còn bận kiến tạo văn hóa của riêng mình.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.