Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Bài viết dưới đây được trình bày dưới dạng một bức thư gửi cho Thẩm phán Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg (1933 – 2020), do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) viết bằng tiếng Anh rồi sau đó dịch sang tiếng Việt. Bản tiếng Anh đã được đăng trên tờ The Vietnamese ngày 26/9/2020.
Kính gửi Thẩm phán Ginsburg,
Tôi hy vọng lá thư này sẽ bằng cách nào đó đến được tới bà nơi thiên đường, hay lai thế. Tôi chưa được thấy bằng chứng nào cho sự tồn tại của cả hai nơi này, và tôi sẽ không mạo muội cho là bà thích nơi nào hơn. Nhưng tôi hy vọng rằng có một nơi nào đó trong vũ trụ này chính là nơi bà đã tới sau một cuộc đời sống trọn vẹn, và rằng bà đang hạnh phúc ở nơi đó. Tôi cũng hy vọng rằng chồng bà, ông Martin Ginsburg, cũng đang ở đó cùng bà và vì bà, như ông ấy vẫn luôn từng. Cả hai ông bà xứng đáng có nhau trong vĩnh hằng.
***
Tôi không có ý định giả bộ rằng lá thư này chỉ dành cho bà. Lá thư đề tên bà, một người đã khuất, nhưng tôi muốn nói với những người đang sống. Cụ thể hơn, tôi muốn những đồng hương người Việt của tôi đọc lá thư này. Đó là lý do tại sao tôi viết lá thư này bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi muốn nói với đồng bào tôi về di sản của bà.
Tôi tin rằng chúng tôi không thể chân thành quý trọng một di sản nếu chúng tôi không cố gắng hiểu di sản đó nhiều nhất có thể.
Chúng tôi có thể học rất nhiều từ bà và cách bà đã sống. Tôi hy vọng lá thư này có thể thăm dò và nói chi tiết thêm về khả năng đó. Tôi xin thứ lỗi trước nếu có bất cứ sự hiểu nhầm hay nhận thức sai nào trong lá thư này. Đây chỉ là điểm khởi đầu trong quá trình học hỏi của tôi về bà và cuộc đời bà.
Chúng tôi đã nghe trên truyền thông Mỹ nhiều lời ca thán trong nhiều ngày qua, rằng di sản của bà đang bị chính phủ của Tổng thống Trump đe dọa, và rằng Tòa Tối cao của Mỹ sẽ có sáu thẩm phán có tư tưởng bảo thủ, và chỉ còn ba thẩm phán có tư tưởng tự do – vốn là những người nhiều khả năng sẽ bảo vệ di sản của bà.
Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi nên hiểu di sản của bà theo một nghĩa rộng hơn. Đúng, những phát triển pháp lý mang tính tiến bộ của bà đã, đang và sẽ tiếp tục bị thách thức, thậm chí có thể còn kịch liệt hơn.
Nhưng giả sử nhiều người trên thế giới hiểu những bài học từ bà và từ cách bà sống, thì tôi tin rằng lực lượng có thể bảo vệ và phát huy di sản của bà sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều so với chỉ một nhóm ba thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Thế thì người Việt chúng tôi có thể học gì từ bà và cuộc đời bà? Thứ đầu tiên, tôi nghĩ, chính là tư tưởng nữ quyền.
Tôi thấy vui khi được biết rằng bà không phải là một người theo tư tưởng nữ quyền từ khi mới ra đời (thành thực mà nói, việc sinh ra đã có sẵn một tư tưởng lắp sẵn trong đầu có vẻ là một việc nguy hiểm).
Bà hiện là một biểu tượng của tư tưởng nữ quyền, nhưng bà đến với tư tưởng nữ quyền thông qua một quá trình học hỏi và giảng dạy những gì bà học được.
Điều này là quan trọng, vì nó cho thấy ai cũng có thể chọn và học cách trở thành một người theo tư tưởng nữ quyền, bất kể giới (gender) và nền tảng văn hóa của người đó. Tôi thấy điều này quan trọng vì tôi là một người thuộc nam giới, sinh ra và lớn lên trong văn hóa nặng tính gia trưởng của Việt Nam.
Điểm khởi đầu của tư tưởng nữ quyền của bà có vẻ là năm 1970, khi bà là một giáo sư luật 37 tuổi tại trường Luật thuộc Đại học Rutgers.
Vào ngày 1 tháng 5 năm đó, bà làm chủ tọa trong một buổi hội thảo về “giải phóng phụ nữ”. Sau đó trong cùng năm, tại một buổi hội thảo trong cuộc họp mặt thường niên của Liên hiệp Các Trường Luật Hoa Kỳ tại Chicago, bà đưa ra hai luận điểm. Đầu tiên, bà chống lại các khắc họa rập khuôn (stereotype) về nữ giới. Luận điểm thứ hai là về “việc đưa vào chương trình giảng dạy tiêu chuẩn các nguồn tài liệu về kỳ thị dựa trên giới tính (sex-based discrimination)”.
Theo cuốn sách bà viết “My Own Words” (2016), bà không chỉ bỗng nhiên thức dậy vào một buổi sáng vào năm 1970 và quyết định trở thành một nhà nữ quyền. Chính các sinh viên mà bà dạy đã truyền cảm hứng ngược lại cho bà.
Tôi cảm thấy khá hứng thú khi biết được rằng vào cuối thập niên 1960, tại trường luật Rutgers có “các nữ sinh viên luật vừa trở thành các nhà hoạt động”. Và những sinh viên đó đã tạo cảm hứng để chính giáo sư của họ chuyển trọng tâm nghiên cứu học thuật từ trình tự tố tụng sang quyền nữ giới.
Vậy nên, bà đọc và nghiên cứu tất cả những gì có thể về chủ đề này. Trong một tháng, bà đã đọc hết các quyết định liên quan đến địa vị pháp lý của nữ giới từ các tòa liên bang, và đọc hết các bài nghiên cứu phê bình luật có liên quan.
Năm 1971, bà tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tiên về kỳ thị giới tính và luật pháp. Cùng năm đó, bà bắt đầu làm việc cùng Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) trong hai vụ tranh tụng có liên quan đến kỳ thị giới tính. Một vụ là kỳ thị chống lại nam giới, một vụ là kỳ thị chống lại nữ giới.
Hai vụ tranh tụng về kỳ thị giới tính này đã cho bà những cơ hội đầu tiên để mang các nghiên cứu của mình từ các tháp ngà học thuật ra các đấu trường bụi bặm của tòa án. Bà tự rèn luyện lại bản thân để từ một giáo sư luật trở thành một luật sư có thể chuẩn bị hồ sơ, sau đó trình bày và tranh tụng vụ việc trước tòa.
Để làm bật gốc tình trạng kỳ thị giới tính thông qua hệ thống tòa án Hoa Kỳ, bà cùng Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ chọn phương án thuyết phục các tòa rằng bất kỳ luật nào kỳ thị người dân dựa hoàn toàn vào yếu tố giới tính cũng là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Hiến pháp đó có Điều khoản Bảo hộ Bình đẳng (Equal Protection Clause). Điều khoản này quy định rằng chính phủ, trong phạm vi tài phán của mình, không được phép chối từ trách nhiệm cung cấp cho người dân sự bảo hộ bình đẳng của luật pháp.
Vụ kiện liên quan đến kỳ thị giới tính chống lại nữ giới là vụ Reed kiện Reed. Dù bà không trực tiếp tranh tụng trong vụ đó, bà đã cùng với vị giám đốc Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ chuẩn bị hồ sơ tranh tụng để gửi cho Tòa Tối cao Hoa Kỳ.
Người phụ nữ trong vụ kiện đó, Sally Reed, không được phép quản lý số tài sản nhỏ bé mà người con trai thiếu niên đã mất của bà để lại. Luật tại bang của bà Sally Reed quy định rằng chỉ có nam giới mới được quyền quản lý tài sản của người thân nào qua đời mà không để lại di chúc.
Sau khi nghe tranh luận, Tòa Tối cao Hoa Kỳ quyết định rằng luật bang của bà Sally Reed đã vi hiến. Bởi vì luật này đã phân biệt hoàn toàn dựa trên giới tính. Luật này bảo hộ người chồng của bà Sally Reed nhưng không bảo hộ bà. Theo đó, luật này từ chối bảo hộ bà Sally Reed theo một cách ít ra là ngang bằng với cách luật này bảo hộ chồng bà ta.
Trong vụ việc về kỳ thị giới tính chống nam giới, bà đã đại diện cho ông Charles Moritz. Ông Moritz không được nhận một khoản khấu trừ thuế đối với chi phí chăm sóc người mẹ già yếu và tàn tật của ông. Luật quy định rằng khoản trừ thuế này chỉ dành cho nữ giới và nam giới đã có gia đình. Ông Moritz là một người độc thân.
Trong vụ này, bà phụ trách vụ việc cùng chồng bà, ông Martin Ginsburg, một luật sư thuế xuất sắc. Cả hai ông bà cũng tham gia tranh tụng trước Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực Mười.
Tòa lắng nghe các luận điểm của bà và xử cho ông Moritz thắng. Trong phán quyết của họ, các thẩm phán dựa vào quyết định của Tòa Tối cao Mỹ trong chính vụ Reed kiện Reed mà bà đã tham gia chuẩn bị trước đó.
Nhờ hai vụ tranh tụng nói trên, một loạt các điều luật kỳ thị hoàn toàn dựa trên giới tính đã được thay đổi hoặc loại bỏ. Rất nhiều điều trong số các luật đó kỳ thị chống lại cả nam giới và nữ giới.
Năm 1971 chỉ là năm khởi đầu hành trình của bà. Các năm sau đó, bà cho ra đời “một loạt các bài viết về giới và luật pháp, ngập tràn các tạp chí luật”. Bà cũng tranh tụng và giành chiến thắng trong sáu vụ kiện mang tính bước ngoặt về kỳ thị giới tính tại Tòa Tối cao Hoa Kỳ.
Tôi bắt đầu phần này của lá thư bằng câu hỏi tư tưởng nữ quyền là gì. Rồi cùng với bà, tôi nhảy từ tư tưởng nữ quyền, sang giải phóng nữ giới, sang quyền phụ nữ, sang kỳ thị giới tính.
Thế thì, tư tưởng nữ quyền là gì? Tư tưởng nữ quyền có phải là chống kỳ thị giới tính?
Đúng. Theo bà, thúc đẩy tư tưởng nữ quyền chính là phát huy bình đẳng giới (gender equality).
Tư tưởng nữ quyền của bà có vẻ không chú trọng thúc đẩy chỉ các quyền phụ nữ trong thế tranh giành quyền lợi với nam giới. Quyền của nam giới và nữ giới đều xứng đáng được bảo vệ.
Quan điểm này của bà về tư tưởng nữ quyền có lẽ sẽ là một phát hiện lạ với nhiều người cùng thuộc nam giới như tôi. Nhiều người đàn ông nhìn nhận tư tưởng nữ quyền với nỗi sợ hãi và thái độ khinh thị. Bởi vì họ nghĩ rằng những nhà nữ quyền đang đòi tước đi các quyền của họ, và rằng cách duy nhất để làm hài lòng các nhà nữ quyền là một người đàn ông phải hy sinh hết các quyền, đặc quyền, và lợi ích của họ.
Tôi đoán rằng việc có một quan điểm về nữ quyền như thế là hợp lý trong mắt bà: Trong vai trò một luật sư, bà đã phải dựa vào các quyền năng của Hiến pháp Hoa Kỳ để loại bỏ những điều luật mang tính kỳ thị.
Và bản Hiến pháp đó, được một nhóm nam giới da trắng vào thế kỷ 18 viết ra, vẫn chưa bao giờ nói gì về phụ nữ, về giới tính (sex), hay giới (gender).
Đã từng có một nỗ lực tu chính Hiến pháp Hoa Kỳ: Tu chính án về Bình đẳng quyền (Equal Rights Amendment). Tu chính án này nói rằng “sự bình đẳng các quyền dựa trên luật pháp sẽ không bị từ chối hay rút ngắn dựa trên giới tính, bởi chính phủ Hoa Kỳ hay chính phủ bất kỳ bang nào”. Tu chính án này được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1972, tuy nhiên nó đã không được các bang thông qua và theo đó đã chết yểu.
Vì vậy, các từ duy nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ có thể được dùng để chống kỳ thị giới tính chính là các từ trong Điều khoản Bảo hộ Bình đẳng (Equal Protection Clause).
Vậy đó chính là tư tưởng nữ quyền của bà: sự thúc đẩy pháp lý của bình đẳng giới, dựa trên đôi vai của người khổng lồ – Hiến pháp Hoa Kỳ.
Thứ tư tưởng nữ quyền đó không phải chỉ để rao giảng. Nó được hun đúc qua những đêm bà không ngủ trên bàn làm việc, qua vô số những bài giảng, hội nghị chuyên đề, tranh luận, và qua sự suy xét kỹ lưỡng của các tòa án Hoa Kỳ, bao gồm cả tòa cấp thấp nhất.
Quan điểm về tư tưởng nữ quyền mang màu sắc thực dụng pháp lý của bà được giới học giả ngành luật gọi là “thuyết bình đẳng về hình thức” (formal equality). Không nghi ngờ gì nữa là thuyết này đã giúp nhiều người đàn ông và nhiều người đàn bà bảo vệ quyền của họ, như đã thấy qua các ảnh hưởng từ các thắng lợi pháp lý đầu tiên của bà, cũng như các thắng lợi theo sau đó.
Nhưng khi đọc về bà, tôi cũng được biết rằng quan điểm về nữ quyền của bà không phải là miễn nhiễm trước các quan điểm phê bình.
Các nhà phê bình to tiếng nhất của bà đã chỉ ra rằng, trong sáu vụ kiện mang tính bước ngoặt mà bà giành được chiến thắng tại Tòa Tối cao Hoa Kỳ, có tới bốn vụ là bà tranh tụng để ủng hộ cho bình đẳng dành cho nam giới.
Giáo sư Judith Baer, trong tiểu luận có nhan đề “Nhà biện hộ trước tòa: Ruth Bader Ginsburg và các Giới hạn của Thuyết bình đẳng về hình thức” (Advocate on the Court: Ruth Bader Ginsburg and the Limits of Formal Equality), đã phê phán bà. Bà Baer cho rằng quan điểm về tư tưởng nữ quyền mang màu sắc thực dụng pháp lý của bà bị ám ảnh quá nhiều về chuyện phải bảo vệ cho cả nam giới và nữ giới. Ám ảnh đến mức gây hại cho nữ giới.
Bởi vì người đàn ông và người đàn bà khác nhau về mặt tự nhiên, và người đàn ông đã được hưởng sẵn một số thuận lợi trong xã hội hơn người đàn bà, việc khăng khăng đòi hỏi rằng đàn ông và đàn bà được đối xử như nhau trong con mắt của luật pháp có thể gây hại cho đàn bà hơn là đàn ông.
Quan điểm này có lẽ được Catharine MacKinnnon, một học giả pháp luật mang tư tưởng nữ quyền cấp tiến, giải thích rõ ràng và sống động hơn:
“Gần như vụ kiện chống kỳ thị giới tính nào đã từng giành chiến thắng tại Tòa Tối cao Hoa Kỳ đều do một người đàn ông đâm đơn. Theo nguyên tắc xét xử trung lập về giới (gender neutrality), các luật về quyền nuôi con và về ly dị đều đã được cải cách, tạo cho đàn ông một cơ hội bình đẳng về quyền nuôi con và về vấn đề tiền cấp dưỡng hậu hôn nhân (alimony). Những người đàn ông thường trông có vẻ là các “bậc sinh thành” (parent) tốt hơn theo các nguyên tắc mang tính trung lập giới tính như mức độ thu nhập cá nhân hay sự hiện diện gia đình hạt nhân (nuclear family), bởi vì đàn ông làm ra được nhiều tiền hơn đàn bà và (như người ta nói) là bên khởi đầu việc xây dựng các đơn vị gia đình. Hậu quả là người đàn ông có lợi thế nhờ vào việc xã hội đã sẵn cho họ các ưu thế từ trước khi họ bước vào tòa, và luật pháp thì lại bị cấm không được đưa lợi thế đó vào quá trình suy xét bởi như thế là suy xét dựa trên giới (gender).”
Việc luật pháp không nhìn nhận thực tế rằng có thể có một nhóm theo truyền thống được hưởng một số ưu thế và đặc quyền hơn các nhóm khác trong xã hội là một chi tiết rất quan trọng trong mắt nhiều nhà phê bình về bà Ginsburg.
Các nhà phê bình này tranh luận rằng tư tưởng nữ quyền của bà là nữ quyền da trắng (white feminism) – một dạng nữ quyền có vẻ là chỉ tạo ra lợi ích cho phụ nữ da trắng, những người đã sẵn tận hưởng một số lợi ích kinh tế và đặc quyền xã hội nhiều hơn các nhóm phụ nữ da màu.
Khi đã đọc các phê bình chống lại tư tưởng nữ quyền của bà, tôi cảm thấy lo lắng cho những ai chọn việc ca tụng bà như một biểu tượng nữ quyền trong khi họ chưa hề bao giờ có một đánh giá mang tính phản biện về tư tưởng nữ quyền của bà.
Tôi đã cảm thấy bứt rứt nhất định khi nhìn thấy một số phụ nữ cùng màu da với tôi tung hô bà như một biểu tượng nữ quyền, thông qua lăng kính của thuyết phổ thế (universalism), vốn nhìn nhận rằng phụ nữ ở bất kỳ đâu cũng như nhau, và mọi khác biệt về màu da, về giai cấp xã hội, hay về tôn giáo đều không hề quan trọng chút nào.
Nhưng tôi không đồng ý với những ai cáo buộc rằng sự nghiệp pháp lý của bà đã góp phần hủy diệt các chương trình trợ giúp người yếu thế (affirmative action) vốn giúp đỡ nữ giới.
Quan điểm đó là một quan điểm quá khích một cách có chủ ý và quan điểm đó không hề nhìn nhận một số thực tế. Rằng, bà đã vận động cho các chương trình trợ giúp người yếu thế dành cho nữ giới vào năm 1975. Và rằng, trong vai trò một Thẩm phán Tòa Tối cao Hoa Kỳ, bà đã tranh luận ủng hộ việc dùng các chương trình này để giải quyết các vấn đề kỳ thị mang tính xã hội.
Tôi khá tò mò muốn biết thêm rằng bà làm cách nào mà cân bằng được hai thứ: nhu cầu phải bảo đảm tính bảo hộ công bằng của luật pháp, và nhu cầu phải có các chương trình trợ giúp người yếu thế, hay chính là việc phân biệt đối xử một cách tích cực (positive discrimination), để khắc phục “cả các bất công dân sự và bất công xã hội, và giúp đỡ các nhóm chịu thiệt thòi để họ có thể đạt được một mức độ tự do trong các xã hội đang đàn áp họ”. Nhưng chủ đề này xin dành cho một ngày khác.
Tới đây thì một phê bình khác có thể được đưa ra: Tư tưởng nữ quyền của bà giúp thúc đẩy bình đẳng về hình thức cho cả nam và nữ. Thế thì đã sao?
Không như tại Hoa Kỳ, chúng tôi không hề có vấn đề gì với bình đẳng về hình thức tại Việt Nam.
Hiến pháp của chúng tôi long trọng công nhận quyền nữ giới và đã làm điều này từ năm 1946. Luật Bình đẳng giới của chúng tôi được áp dụng từ năm 2007.
Tuy thế, sẽ là phóng đại nếu nói rằng phụ nữ ở Việt Nam đang được tận hưởng một tình trạng bình đẳng giới cho phép họ thành công.
Ở mức so sánh toàn cầu trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 31 trên 153 nước trong việc bảo đảm cơ hội và việc tham gia kinh tế của phụ nữ, thứ 93 trên 153 bước trong việc bảo đảm cơ hội về giáo dục của nữ giới, thứ 151 trên 153 nước về bảo đảm sức khỏe và cơ hội sống còn của phụ nữ, và thứ 110 trên 153 nước về bảo đảm trao các quyền chính trị cho nữ giới.
Phụ nữ Việt Nam có thu nhập trung bình thấp hơn nam giới Việt Nam 130 đô la Mỹ mỗi năm.
“Sẽ là phóng đại nếu nói rằng phụ nữ ở Việt Nam đang được tận hưởng một tình trạng bình đẳng giới cho phép họ thành công”.
Ở một tầm nhìn vi mô hơn, tôi vẫn thấy nhiều phụ nữ nước tôi phải khổ sở vì các hành vi bạo hành tình dục, vì bạo lực gia đình, và vì tính ghét nữ giới trầm trọng (extreme misogyny).
Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy tính ghét nữ giới mang màu sắc Việt Nam này được thể hiện trong một số thứ được viết ra về bà trên mạng xã hội Việt những ngày qua.
Một số người Việt có vẻ là không thể chấp nhận việc bà đã ủng hộ quyền phá thai của nữ giới. Họ cáo buộc rằng bà bị ám ảnh với việc phải giết trẻ sơ sinh.
Thực tế thì bà chỉ đơn giản là ủng hộ quyền tự chọn lựa của nữ giới, theo chính tư tưởng nữ quyền của bà. Như bà đã nói trước Thượng viện Mỹ trong phiên họp bổ nhiệm bà vào Tòa Tối cao Hoa Kỳ, “cốt lõi của bình đẳng giữa người nam và người nữ là ở chỗ cô ta có vai trò quyết định, và lựa chọn của cô ta mang tính kiểm soát. Nếu có các ràng buộc được áp đặt lên lựa chọn của cô ta, thì các ràng buộc đó đang làm cô ta bất lợi vì chính giới tính của mình”.
Hơn tất cả, cái thái độ thù địch với quyền phá thai – vốn thường được thấy ở những người đàn ông Việt thuộc các thế hệ lớn tuổi hơn – để lộ một niềm tin mang tính cơ sở rằng những người phụ nữ Việt không được quyền sở hữu và kiểm soát tử cung của chính họ.
Giả sử rằng quyết định phá thai của một người phụ nữ Việt xúc phạm niềm tin tôn giáo của một người đàn ông Việt vào sự thiêng liêng của tính mạng bào thai trong bụng cô ta. Trong trường hợp đó, chính người phụ nữ Việt là bên sai trái, chứ không phải người đàn ông Việt. Đó có vẻ là niềm tin của một số người Việt, cả nam và nữ, 74 năm sau khi Hiến pháp Việt Nam long trọng công bố rằng đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện.
Thế nên, có vẻ là chúng tôi cần nhiều hơn “bình đẳng về hình thức”, để có thể giúp Việt Nam trở thành một đất nước tốt hơn cho phụ nữ.
Như thế có phải là nói rằng tư tưởng nữ quyền của bà là vô ích đối với người Việt chúng tôi? Nói thế lại là nói quá, dựa trên hiểu biết chỉ một phần về tư tưởng nữ quyền của bà.
Giáo sư Joan Williams đã tranh luận rằng, trong vai trò luật sư, bà đã tranh đấu cho nữ quyền không chỉ bằng một sự khăng khăng sắt đá bảo vệ bình đẳng giới.
Trong các hồ sơ kiện tụng và các phán quyết pháp lý sau này, bà luôn đặt mục tiêu phải giải cấu trúc (deconstruct) việc phân chia nam – nữ mà trong đó người đàn ông luôn phải là người trụ cột của gia đình (breadwinner), và người đàn bà luôn phải là người phụ thuộc và là người săn sóc (caregivers).
Ví dụ, trong vụ kiện của ông Charles Moritz chúng ta đã bàn ở trên, ông Moritz đã bị luật pháp phân biệt đối xử bởi vì luật pháp khi đó từ chối công nhận khả năng rằng một người đàn ông độc thân có thể là một người săn sóc cho người mẹ già yếu của ông ta. Người săn sóc chỉ có thể là phụ nữ hoặc người đã kết hôn (có thành viên gia đình mà họ có thể săn sóc).
Các luận điểm pháp lý của bà không đơn giản là chỉ dựa vào Điều khoản Bảo hộ Bình đẳng. Bà đã tìm cách giải cấu trúc cái tiền giả định truyền thống rằng những người săn sóc không thể nào là những người nam giới độc thân. Qua đó, bà tái tạo lại một tiền đề mới cho luật pháp: những người săn sóc có thể là phụ nữ, là người nam giới đã kết hôn, là người nam giới độc thân, là bất kỳ ai có ai đó mà họ phải săn sóc.
Vai trò xã hội là những cấu trúc xã hội (social constructs). Nếu một vai trò xã hội tạo ra bất công, chúng ta phải tìm cách giải cấu trúc và tái tạo lại cấu trúc của vai trò xã hội đó.
Ở đây thì tôi lại có một ngạc nhiên khác khi được biết rằng tư tưởng nữ quyền của bà không chỉ là nhờ các sinh viên luật của bà tạo cảm hứng. Tư tưởng đó cũng đã lấy cảm hứng từ những nghiên cứu của bà về luật Thụy Điển và cải cách tư pháp tại Thụy Điển trong những năm 1960.
Hồi đó, các nhà vận động người Thụy Điển tranh luận rằng “việc bị cầm tù trong các vai trò nam tính (masculine role) là một vấn đề lớn đối với đàn ông, cũng như vấn đề phải phục tùng các lý tưởng nữ tính của người đàn bà”, và rằng “một cuộc tranh luận về giải phóng và bình đẳng phải là về cái cách mà cả những người đàn ông cùng với những người đàn bà đang bị ép phải hành xử theo đúng các khuôn mẫu do xã hội định đoạt (socially determined stereotypes).”
Chấp nhận các luận điểm này, bà trở thành một nhà nữ quyền cấu trúc học (constructive feminist), một người “định nghĩa bình đẳng là đối xử như nhau giữa người nam và người nữ nhưng chỉ sau khi đã giải cấu trúc các tiêu chuẩn đang tồn tại – vốn được định nghĩa bởi, và xung quanh, người nam và nam tính – và tái cấu trúc các định chế đang tồn tại theo những cách mà thân thể và cung cách sống truyền thống của người nữ cũng được tích hợp.”
Có lẽ, bà miêu tả tư tưởng nữ quyền cấu trúc học của mình tốt nhất khi bà viết về nó:
“Nếu tôi mà là Nữ hoàng, kế hoạch hành động để nâng đỡ các thành phần thiệt thòi của tôi sẽ bao gồm ba phần.
Đầu tiên, kế hoạch này phải cổ xúy bình đẳng về cơ hội giáo dục cũng như đào tạo nghề nghiệp hiệu quả cho nữ giới, để cho họ không bị buộc phải phụ thuộc vào người đàn ông hay vào nhà nước.
Thứ hai, kế hoạch của tôi sẽ động viên những người đàn ông và khuyến khích họ chia sẻ một cách công bằng hơn với phụ nữ những niềm vui, trách nhiệm, lo âu, buồn khổ, và thỉnh thoảng cả sự nhàm chán của việc nuôi dạy con cái từ lúc sinh ra cho đến khi thành người lớn. (Khâu này tôi thú nhận là phần khó nhất trong kế hoạch để có thể cụ thể hóa và thực thi.)
Thứ ba, kế hoạch này sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao trong giờ bố mẹ làm việc, từ giai đoạn sơ sinh trở đi. Trẻ em trong thế giới lý tưởng của tôi không phải là ưu tiên của nữ giới, trẻ em là ưu tiên của con người.“
Ở đây, có lẽ có các gợi ý về một tương lai bình đẳng giới mà người Việt có thể suy xét.
Chúng tôi đã hợp thức hóa bình đẳng giới, nhưng chúng tôi đã đi đến đâu trong việc tái cấu trúc lại các tiêu chuẩn và định chế đang tồn tại, để có thể giải phóng cho cả người nam và người nữ?
Tại sao nhiều người đàn ông Việt lại có thể dễ dàng đặt giả định và đùa cợt rằng nếu một người phụ nữ trẻ lắm tiền thì cô ta phải có một “sugar daddy”?
Tại sao nhiều người Việt cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy một cô gái 17 tuổi tỏ ra vui mừng hơi sớm khi cô ta đang gần chiến thắng ba đối thủ nam giới trong một cuộc thi trên truyền hình?
Có lẽ là tôi đang hơi nâng quan điểm quá khi đánh giá các hành vi nói trên. Tuy nhiên, tôi ngờ ngợ rằng các hành vi đó đến từ các mong đợi đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa của chúng tôi về việc là người phụ nữ phải sống và hành xử ra sao. Các mong đợi này có vẻ xác định rằng, trong vai trò của cô ta, một người phụ nữ trẻ không thể trở nên giàu có một cách tự thân; và rằng, trong vai trò của cô ta, một cô gái trẻ không nên ăn mừng thái quá và không nên sống thật với cảm xúc của mình.
Ở mặt bên kia đồng xu, tôi ngờ ngợ rằng có các mong đợi đã ăn sâu bén rễ khác đang cầm tù những người đàn ông Việt Nam cũng nhiều như đang cầm tù những người phụ nữ Việt Nam.
Tôi vẫn chưa được thấy các mong đợi, các vai trò, các tiêu chuẩn xã hội đó được đem ra tranh luận và giải cấu trúc bởi chính người Việt. Nhưng tôi khấp khởi hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có việc đó.
***
Lá thư nay đã khá dài. Tôi không muốn làm cho cả bà và cho độc giả người Việt của tôi chán thêm, thế nên tôi sẽ dừng ở đây.
Tôi hy vọng sẽ được viết thêm thư gửi bà vào một dịp khác, để tôi có thể bàn luận thêm về những gì tôi đã học được từ bà, những thứ mà người Việt chúng tôi có thể biết để mưu cầu thêm tự do và hạnh phúc.
Tôi cảm ơn bà vì tư tưởng nữ quyền của bà, và tôi chúc bà an nghỉ nơi vĩnh hằng.
Trân trọng,
Nam Quỳnh
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.