Vì sao các chính quyền độc tài vẫn cần tòa án?

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Bộ trưởng Công an Tô Lâm (phải). Ảnh: BBC.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Bộ trưởng Công an Tô Lâm (phải). Ảnh: BBC.

Điều gì thúc đẩy các nhà lãnh đạo độc tài, các nhóm cầm quyền chuyên chế chia sẻ quyền lực cho các định chế tư pháp, với cơ cấu tổ chức và mức độ độc lập nhất định?

Từ trước đến nay, hệ thống tòa án tại các quốc gia chuyên quyền đều chỉ được xem là một định chế giả tạo để tô vẽ cho nhà cầm quyền. Ngộ nhận này tồn tại và kéo dài xuyên suốt thập 1990, cho đến khi các quốc gia như Trung Quốc, Singapore hay Việt Nam được tham gia vào thị trường kinh tế thế giới và dần hoàn thành hệ thống tư pháp của họ.

Sau gần ba thập niên, tòa án nói riêng, hay các định chế tư pháp nói chung, ở các quốc gia chuyên chế hay độc tài không còn đơn giản chỉ là “tủ trưng bày” cho có. Chúng bắt đầu được kiện toàn, hoàn thiện, và thể chế hóa một cách chặt chẽ vì nhiều lý do khác nhau. Phê phán hệ thống tư pháp của các nhà cầm quyền độc tài một cách phiến diện có thể khiến cho các nhà quan sát và vận động bị chệch hướng và phạm sai lầm trong con đường đấu tranh vì một thể chế mới.

Show diễn “truyền hình thực tế” cho các nhà đầu tư

Trong thời đại của cạnh tranh toàn cầu để giành lấy các nguồn đầu tư tư bản giữa hàng loạt các vùng địa lý mới nổi như Đông Âu, Mỹ Latin, châu Á và châu Phi… các quốc gia độc tài ở châu Á thành công nhất trong việc kêu gọi đầu tư và tập trung tư bản. Điều này đặc biệt nhờ vào nỗ lực “cải cách” hệ thống tư pháp ở các quốc gia ở châu Á, vốn luôn được xem là một trong những yếu tố thể chế quan trọng nhất để xây dựng hình ảnh nền kinh tế thị trường tự do.

Một hệ thống tư pháp vận hành được, như các tác giả Trung Quốc Yang Su và Xin He khẳng định, là con đường an toàn nhất để ổn định quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nơi mà hàng triệu người Trung Quốc và hàng trăm ngàn những doanh nghiệp mới thành lập bắt đầu thực hiện các giao dịch dân sự – thương mại tự do với nhau.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư thì lại cần thị trường. Họ không cần tìm kiếm một chính phủ dân chủ đại diện hoàn hảo với các quyền dân sự được bảo vệ 24/7. Thứ các nhà đầu tư cần là một chính quyền có vẻ bề ngoài bị giới hạn bởi các nguyên tắc pháp lý (vì lý do hình ảnh, quan hệ công chúng) và tôn trọng tài sản đầu tư của họ mà thôi.

Một khi đạt được điều này, các nhà đầu tư có được lợi nhuận của họ, trong khi nhà cầm quyền nhận lại lợi ích là sự phát triển kinh tế nói chung cho quốc dân. Điều này, ngược lại, giúp cho các chính phủ nói trên lý giải tính chính danh của mình dựa trên sự phát triển kinh tế, mức sống được nâng cao và các thành tựu đô thị hóa – hạ tầng dựa trên đầu tư.

Chi phí xây dựng hình ảnh của một hệ thống tư pháp, một hệ thống tòa được cải cách, cởi mở và hoạt động hiệu quả nhờ đó, tự mình thu hồi vốn.

“Chuyên nghiệp hóa” hệ thống đàn áp

Việc triển khai các lực lượng bạo lực ngoài tư pháp (extrajudicial force) không phải lúc nào cũng khả thi, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an cũng như hình ảnh quốc tế của một quốc gia có tổ chức, có kỷ cương.

Ngược lại, đàn áp các lực lượng đối lập, phe chống đối thông qua pháp luật và hệ thống tư pháp chặt chẽ giúp cho các nhà lãnh đạo chuyên chế đồng bộ hóa bộ công cụ, từ đó đi đến bình thường hóa sự lãnh đạo của mình và quá trình kiểm soát, loại trừ các phần tử chống đối.

Tiến sĩ Jothie Rajah, trong tác phẩm chào đón nồng nhiệt có tên “Authoritarian Rule of Law”, đã làm rõ làm thế nào mà pháp luật và hệ thống tư pháp trở thành một công cụ thể chế đắc lực cho quá trình toàn trị của chính quyền Singapore.

Bằng một mạng lưới các quy định pháp luật dày đặc và chặt chẽ từ Đạo luật Báo chí (Press Act) cho đến Đạo luật Trật tự Công cộng (Public order Act) cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác, hệ thống tư pháp Singapore hoàn thành sứ mệnh của mình mà không hề gây ồn ào chú ý: từ phá hoại đảng đối lập, triệt tiêu truyền thông độc lập hay bóp nghẹt môi trường xã hội dân sự tự chủ.

Jothie Rajah nhấn mạnh rằng sự tồn tại của các định chế dân chủ cấp tiến quen thuộc như hiến pháp, bầu cử, pháp luật và đặc biệt là tòa án… hoàn toàn có thể được sử dụng để gây hại ngược lại cho nền dân chủ đại diện và các quyền tự do cá thể. Một hệ thống tòa hoàn thiện, vận hành hiệu quả không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một hệ thống tòa bình đẳng và tôn vinh công lý.

Công cụ kiểm soát nội bộ

Không chỉ vậy, các chính quyền toàn trị còn buộc phải sử dụng pháp luật về hệ thống tòa để bảo đảm kỷ luật và trật tự quản lý giữa trung ương và địa phương. Hiểu đơn giản là, dù bản chất của chính thể có độc tài đến đâu, các nhà lãnh đạo cũng không thể để nhóm cấp dưới của mình muốn làm gì làm.

Trong nghiên cứu kinh điển của giáo sư Martin Shapiro, Đại học California – Berkeley, có tên “Courts: A Comparative and Political Analysis” (1981), ông quan sát và nhận thấy các quốc gia độc tài cần hệ thống tòa án để khuyến khích các vụ khiếu kiện liên quan đến các hành vi sai trái quan liêu ở địa phương.

Theo Shapiro, khi trao cho công dân các nhóm quyền liên quan đến tư pháp như quyền khiếu nại – tố cáo, quyền kháng cáo, quyền bình đẳng trước tòa… các chính quyền độc tài thật sự không quan tâm lắm đến các học thuyết tự do hay quyền dân sự. Cái họ muốn là tạo ra ảo ảnh về một hệ thống tư pháp an toàn, giúp công dân có đủ tự tin phản đối những sai phạm của một hoặc một nhóm các nhân viên công quyền.

Nguồn thông tin này có thể giúp những người lãnh đạo lập lại trật tự kỷ luật trong bộ máy, hay thậm chí sử dụng cho các mục tiêu đấu tranh chính trị nội bộ.

Tất nhiên, nếu các nhóm độc lập trong xã hội có dấu hiệu “lạm dụng” những quyền được ban phát, biến những hình ảnh tích cực như “công cuộc chống tham nhũng” ban đầu trở thành lời thách thức đối với sự chính danh và hiệu quả của chính quyền (như đào quá sâu vào các vụ án tham nhũng, cố gắng phát hiện những dây mơ rễ má phức tạp của giới chóp bu), chính bản thân hệ thống sẽ quay trở lại trừng trị những công dân nghĩ rằng họ đang được bảo hộ bởi một hệ thống tư pháp công bình.

Ví dụ ngay trước mắt cho người Việt Nam là cuộc khủng hoảng báo chí nhắm đến cánh nhà báo tham gia vào quá trình bóc tách vụ tham nhũng PMU-18. Được xem là một trong những đại án tham nhũng đầu tiên trong quá trình bắt đầu hội nhập, PMU-18 và lối sống xa hoa – trụy lạc của nhóm quan chức liên quan bị phơi bày quá kỹ lưỡng trên mặt báo đặt dấu hỏi cho toàn bộ quá trình phân phối lợi ích hội nhập và hình tượng “đạo đức cách mạng” của người cộng sản mà Đảng Cộng sản Việt Nam dày công tuyên truyền.

Đây là những điều nằm ngoài phạm vi “chống tham nhũng” mà đảng cầm quyền muốn có, và ai đó phải trả giá cho việc này. Có đến 25 nhà báo, bao gồm cả tổng biên tập của nhiều tờ báo có ảnh hưởng nhất Việt Nam bị triệu tập thẩm vấn. Người mất chức, người bị kỷ luật và cao nhất là bị bỏ tù.

Việc cố gắng thiết lập lại kỷ cương trong các chính quyền toàn trị cũng có thể được tìm thấy tại Trung Quốc.

Trong tác phẩm “China’s Long March toward Rule of Law” (xuất bản năm 2002) của giáo sư Randall Peerenboom, Đại học La Trobe (Úc), ông ghi nhận, để đối mặt với tình trạng vô kỷ luật của các quan chức địa phương, trong điều kiện nguồn tư bản nước ngoài khổng lồ đổ dồn dập vào thị trường nội địa trước đó còn rất nghèo nàn và sự phát triển ngày càng phức tạp của bộ máy nhà nước, chính quyền Trung Quốc đã quyết định thành lập hơn 1.400 tòa hành chính chuyên trách khắp cả nước vào năm 1988.

Về mặt lý thuyết, đây là lần đầu tiên có một hệ thống tòa tạo điều kiện cho người dân Trung Quốc tranh chấp với các quyết định của quan chức địa phương dựa trên các lỗi liên quan đến các vấn đề như tính nhất quán trong áp dụng pháp luật, bất thường về thủ tục, sự tùy tiện trong việc ban hành hay thực hiện quyết định hành chính và chậm trễ không phù hợp trong xử lý…

Tuy nhiên, cả Peerenboom và giáo sư Stanley B. Lubman, Đại học Dickinson đều đồng tình, rằng hệ thống mới cũng chả khác gì “chim lồng, cá chậu” (bird in a cage). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ truyền tải thông tin cho giới lãnh đạo chóp bu, hệ thống tòa này thiếu sự độc lập và năng lực thể chế thực tế để tạo nên bất kỳ sự khác biệt nào. Chỉ 40% các phán quyết có lợi cho người dân khởi kiện, và ngay cả chúng cũng ít khi được thi hành một cách nghiêm túc.

***

Việc hình thành tòa án nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung là một lựa chọn lý tính của các chế độ độc tài có kỳ vọng kéo dài sự tồn tại của mình, vì tất cả những lý do đã nói trên. Tuy nhiên, cũng vì vậy, các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc xác định tính chính danh và tính công bình thật sự của chúng. Giáo sư Tamir Moustafa, thuộc Đại học Simon Fraser, gọi đây là tính song dụng của các tòa án (dual use of court). Một mặt, chúng luôn trong vòng kiểm soát của chính quyền và phục vụ chính quyền. Một mặt, chúng có thể được các nhóm đối lập, những nhà vận động và kể cả những người dân thường sử dụng với kỳ vọng tiếng nói và quyền lợi của mình được bảo vệ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.