Chính sách đối ngoại của Trump: Nga và Mỹ Latin

Trump và Putin bắt tay trong một cuộc họp báo tại Helsinki năm 2018. Ảnh: AFP/Getty Images.
Trump và Putin bắt tay trong một cuộc họp báo tại Helsinki năm 2018. Ảnh: AFP/Getty Images.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.

Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế
Kỳ 3: Thương mại và kinh tế
Kỳ 4: COVID-19
Kỳ 5: Nhập cư
Kỳ 6: Biến đổi khí hậu
Kỳ 7: Chống khủng bố và an ninh mạng
Kỳ 8: Trung Đông và Bắc Triều Tiên


Nga

Donald Trump đã vun đắp mối quan hệ thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin và bác bỏ những cáo buộc rằng ông hợp tác với Moscow trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016. Ông ủng hộ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, cùng lúc đó lại nhượng bộ trước áp lực của Quốc hội để gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Moscow, mở rộng viện trợ quân sự cho Ukraine, và rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng giữa Mỹ và Nga.

  • Trump đã thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, bất chấp những phát hiện của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng Moscow đã can thiệp rất nhiều vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đã được cố vấn điều tra Robert Mueller xác nhận.
  • Trump nói rằng ông “thật sự tin tưởng” lời đảm bảo của Tổng thống Putin rằng Nga không can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
  • Viện trợ quân sự cho lực lượng quân đội Ukraine chống lại các phiến quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn ở các tỉnh miền đông. Tuy nhiên, trong các đề xuất ngân sách, Trump đã kêu gọi cắt giảm một số chương trình khác để hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và các nước khác ở Đông Âu và vùng Baltics.
  • Trump đã phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện về nghi vấn đòi rút viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine nhằm gây áp lực để họ giúp ông điều tra về gia đình của ứng viên tổng thống Joe Biden.
  • Chính quyền Trump duy trì các lệnh cấm vận từ thời Obama đối với Nga sau vụ việc nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, đồng thời mở rộng cấm vận đối với các cá nhân và công ty Nga. Trump miễn cưỡng ký một dự luật không thể phủ quyết vào năm 2017 nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, Triều Tiên và Nga; ông gọi dự luật đó là “sai sót nghiêm trọng”.
  • Vào năm 2018, ông đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga khỏi Hoa Kỳ sau khi chính quyền Moscow đầu độc một cựu điệp viên Nga trên đất Anh, sau đó áp đặt các biện pháp cấm vận bắt buộc của Quốc hội đối với vụ việc.
  • Ông rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF), cùng với các đồng minh của Hoa Kỳ tuyên bố rằng Nga đang vi phạm Hiệp ước này. Nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng về các cuộc đàm phán mới về kiểm soát vũ khí với Moscow.
  • Trump nói rằng ông có ý định ủng hộ việc Nga được tái kết nạp lại vào Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7). Nga đã bị trục xuất khỏi nhóm này (trước đây là G8) sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014.
  • Vào tháng 5/2020, Trump tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Tự do Hàng không (Open Skies Treaty), một hiệp ước năm 2002 cho phép hoạt động của các chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của 35 nước ký kết, chủ yếu ở châu Âu và Nga. Chính quyền [Trump] đã viện dẫn việc Nga không tuân thủ hiệp ước để lý giải cho quyết định của mình.

Venezuela và Mỹ Latin

Trump gọi chế độ của Nicolas Maduro ở Venezuela là “chế độ độc tài”, và công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là người đứng đầu đất nước. Ông lên án chỉ trích “các chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa thối nát” trong khu vực, đặc biệt là Cuba, Nicaragua và Venezuela.

  • Chính quyền Trump đã công nhận Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela vào tháng 1 năm 2019, cùng với hầu hết các quốc gia Nam Mỹ và châu Âu. Washington đã ủng hộ một cuộc nổi dậy tuy thất bại vào tháng 4/2019 nhằm chống lại chính phủ, và thúc giục quân đội nước này quay sang chống lại Maduro. Trump đã nói rằng ông sẽ không loại trừ khả năng quân đội Hoa Kỳ can thiệp để lật đổ Maduro.
  • Trump đã tăng cường các biện pháp cấm vận đối với Venezuela, bao gồm các hình phạt đối với hơn 100 cá nhân và công ty dầu khí quốc gia của nước này. Vào tháng 8/2019, một loạt lệnh trừng phạt mới được đưa ra, nhắm vào tài sản của Venezuela tại Hoa Kỳ.
  • Trump đảo ngược lại hầu hết các nỗ lực của chính quyền Obama nhằm tự do hóa quan hệ của Hoa Kỳ với Cuba, điều mà theo ông là có lợi cho chế độ Raul Castro.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.