3 lập luận bảo thủ ủng hộ hôn nhân đồng giới
Mặc dù Bộ Y tế ở nước ta đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh, nhưng trên thực
Để trở thành người tốt hơn sau đại dịch, ta phải để nỗi đau của tha nhân chạm đến mình.
Đức Giáo hoàng Francis là người đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu. Bài viết này được dịch từ bài đăng trên New York Times ngày 26/11/2020, trích từ cuốn sách mang tên “Let Us Dream: The Path to a Better Future” (tạm dịch: Hãy mơ ước: Đường đến một tương lai tốt đẹp hơn), do ông viết cùng với Austen Ivereigh.
***
Năm qua có thật nhiều đổi thay, tâm trí tôi phủ đầy hình ảnh mọi người. Tôi nghĩ về mọi người, cầu nguyện cho mọi người, thỉnh thoảng khóc cùng mọi người. Những người có tên và dung mạo, những người đã chết mà không kịp nói lời từ giã với người thân, những gia đình trong cơn hoạn nạn, thậm chí đói ăn, vì không còn việc làm nữa.
Thỉnh thoảng, nếu bạn nhìn các vấn đề một cách vĩ mô, bạn có thể thấy bất lực: có quá nhiều nơi trên thế giới chìm trong những xung đột bất tận, có quá nhiều khổ đau, có quá nhiều nhu cầu. Có một cách nhìn khác khiến tôi thấy ổn thỏa hơn, đó là tập trung vào những hoàn cảnh cụ thể. Khi đó, bạn nhìn thấy niềm khát khao sống và tình yêu hiện lên trên gương mặt của từng người. Bạn nhìn thấy hy vọng lấp lánh trong câu chuyện của mỗi dân tộc, câu chuyện của những sự tranh đấu hàng ngày, của những người hy sinh bản thân để cứu người khác. Nhờ vậy, thay vì xâm chiếm tâm can bạn, nó gọi mời bạn suy tư và đáp lại với niềm hy vọng.
Đây là những khoảnh khắc đủ chín cho những sự thay đổi và biến chuyển trong cuộc đời. Mỗi chúng ta đều có những điểm dừng của mình, hoặc nếu ta chưa từng trải qua thì chắc chắn nó sẽ xuất hiện một ngày nào đó: ốm đau, thất bại trong hôn nhân hay công việc, hay những lần tuyệt vọng hoặc bị phản bội. Cũng như thời gian phải cách ly do COVID-19, những thời điểm đó khiến ta thấy căng thẳng, tạo ra một cuộc khủng hoảng phơi bày những gì có trong tâm trí chúng ta.
Trong cách mà mỗi người đối mặt với đại dịch, trong từng điểm dừng cá nhân đó, điều bộc lộ ra là điều cần phải thay đổi: sự thiếu thốn tự do nội tại, những thần tượng mà chúng ta phụng thờ, những chủ nghĩa mà chúng ta theo đuổi, những mối quan hệ mà chúng ta xao nhãng.
Năm 21 tuổi, tôi lâm bệnh nặng. Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm giới hạn, nỗi đau, và sự cô đơn trong đời. Biến cố ấy thay đổi cách tôi nhìn cuộc đời. Trong hàng tháng trời, tôi không biết mình là ai, không biết tôi sẽ sống hay chết. Các bác sĩ không biết liệu tôi có vượt qua nổi hay không. Tôi nhớ mình ôm lấy mẹ và nói, “nếu con sắp chết rồi thì cứ nói cho con biết đi”. Lúc đó, tôi đang là chủng sinh năm thứ hai ở chủng viện Buenos Aires.
Tôi vẫn nhớ ngày đó: 13 tháng Tám năm 1957. Người huynh trưởng đưa tôi đến bệnh viện khi nhận ra rằng bệnh của tôi không phải là loại cảm cúm có thể chữa bằng aspirin. Họ ngay lập tức lấy từ phổi tôi ra một lít rưỡi nước, và tôi nằm đó chống chọi với cuộc đời mình. Tháng Mười một năm đó họ phẫu thuật để cắt bỏ thùy trên bên phải của một trong hai lá phổi. Tôi nghĩ mình hiểu được phần nào cảm giác vật lộn trong từng hơi thở của những người nhiễm COVID-19 phải thở bằng máy.
Tôi đặc biệt nhớ hai y tá trong thời gian đó. Một người là y tá cao cấp, một nữ tu dòng Đaminh (Dominican Order) từng là giáo viên ở Athens trước khi được gửi sang Buenos Aires. Sau này, tôi được biết rằng, sau khi vị bác sĩ khám cho tôi rời đi, bà ấy đã bảo các y tá tăng gấp đôi liều lượng thuốc – căn bản là penicillin và streptomycin – vì kinh nghiệm của bà mách bảo rằng tôi sắp chết. Sơ Cornelia Caraglio đã cứu mạng tôi. Nhờ vào sự tương tác thường xuyên của bà với người bệnh, bà thấu hiểu điều họ cần hơn các bác sĩ, và đã có lòng quả cảm để hành động theo hiểu biết của mình.
Một y tá khác, Micaela, cũng hành xử tương tự khi tôi phải trải qua một cơn đau khủng khiếp. Bà ấy bí mật kê thêm thuốc giảm đau cho tôi ngoài giờ uống thuốc định kỳ. Cornelia và Micaela giờ đã về trời, nhưng tôi sẽ luôn mắc nợ họ. Họ đã tranh đấu đến cùng vì tôi, cho đến khi tôi hoàn toàn hồi phục. Họ dạy tôi cách vận dụng khoa học, nhưng cũng cần biết khi nào phải thoát ra để đáp ứng những nhu cầu đặc thù. Cơn đau bệnh trầm trọng mà tôi trải qua dạy tôi biết dựa vào lòng tốt và sự khôn ngoan của người khác.
Tôi đã luôn nghĩ về chủ đề giúp đỡ tha nhân trong những tháng vừa qua. Trong thời kỳ cách ly, tôi thường cầu nguyện cho những người đã tìm mọi phương cách để cứu sống người khác. Quá nhiều y tá, bác sĩ và điều dưỡng viên đã làm điều đó bằng tình yêu của mình, cùng với các giáo sĩ, cũng như mọi người với tinh thần phụng sự khác, bất kể là có tôn giáo hay không. Chúng ta đáp lại tình yêu thương đó bằng lòng cảm thông và trân trọng đối với những người như họ.
Bất kể họ có biết hay không, lựa chọn của họ chứng thực một niềm tin: rằng sống một cuộc đời để phục vụ tha nhân, dù ngắn ngủi, thì tốt hơn là khước từ lời kêu gọi phụng sự đó cho dù có sống lâu. Đó là lý do vì sao, ở nhiều quốc gia, người ta đứng ở cửa sổ hoặc trên bậc thềm nhà để tán dương họ với lòng biết ơn và niềm kính phục. Họ là những vị thánh nhà bên, những người đã thức tỉnh điều gì đó trong tim chúng ta, đã một lần nữa xác tín điều chúng ta hằng cầu nguyện.
Họ là những kháng thể chống lại virus của sự vô cảm. Họ nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc đời ta là một tặng phẩm, và chúng ta lớn lên bằng cách cho đi, không phải là khư khư giữ cho bản thân mình, mà là dâng hiến bản thân để phụng sự.
Chính quyền tại các quốc gia, chỉ trừ một số trường hợp, cũng đã có những nỗ lực tốt khi đặt phúc lợi của người dân lên hàng đầu và hành động quyết đoán để bảo vệ sức khoẻ và mạng sống của mọi người. Cũng có những trường hợp ngoại lệ mà chính quyền ngó lơ các bằng chứng nhức nhối về số người chết ngày càng tăng, với những hậu quả nghiêm trọng không thể chối bỏ. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đã hành xử có trách nhiệm, thi hành những biện pháp nghiêm cẩn để kiểm soát đại dịch.
Vậy mà nhiều nhóm đã phản kháng, từ chối giữ khoảng cách an toàn, biểu tình chống lại những lệnh cấm đi lại – như thể là các biện pháp bắt buộc thi hành để đảm bảo an toàn cho mọi người này là xâm phạm quyền tự chủ hay tự do cá nhân. Nếu ta cùng nhìn vào lợi ích chung, nó sẽ lớn hơn lợi ích của từng cá thể. Điều đó có nghĩa là coi trọng tất cả mọi người và cố gắng đáp ứng nhu cầu của những người kém may mắn nhất.
Quá dễ dàng để vài người đưa một ý tưởng, biến ý tưởng đó thành một ý thức hệ và dùng nó làm lăng kính để đánh giá mọi thứ. Lăng kính đó trong trường hợp này là tự do cá nhân.
Cuộc khủng hoảng mà virus corona tạo ra có vẻ đặc biệt, vì nó ảnh hưởng đến hầu như toàn nhân loại. Nhưng nó đặc biệt chỉ vì chúng ta nhìn thấy được nó. Còn có một nghìn cuộc khủng hoảng khác tồi tệ không kém, nhưng ở đủ xa để nhiều người trong chúng ta cư xử như thể chúng không hề tồn tại. Chẳng hạn, thử nghĩ về các cuộc chiến tranh đang lan tràn khắp nơi trên thế giới; việc sản xuất và buôn bán vũ khí; hoặc việc hàng trăm nghìn người tị nạn phải bỏ chạy khỏi sự đói nghèo và thiếu thốn cơ hội; hoặc biến đổi khí hậu. Những thảm kịch này nghe có vẻ xa xôi, tương tự như một phần của tin tức hàng ngày không đến được với chúng ta, không khiến chúng ta thay đổi các kế hoạch và ưu tiên của mình. Nhưng giống như cuộc khủng hoảng COVID-19, chúng cũng tác động đến toàn nhân loại.
Thử nhìn chúng ta mà xem: Chúng ta đeo khẩu trang để bảo vệ mình và người khác khỏi một con virus ta không thể nhìn thấy. Nhưng còn những con virus vô hình nguy hiểm khác thì sao? Làm sao ta đối phó được với những cơn đại dịch ngầm ẩn trong thế giới này, những cơn đại dịch của đói nghèo, bạo lực, và biến đổi khí hậu?
Nếu có cách nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này và trở nên bớt ích kỷ hơn, ta phải để cho nỗi đau của tha nhân chạm được đến mình. Tôi đồng cảm với một câu trong tác phẩm Hyperrion [*] của Friedrich Hölderlin, “Nơi nào có hiểm nguy, nơi đó cũng sẽ phát ra năng lượng cứu rỗi” (Where the danger is, also grows the saving power.) Những mối đe dọa trong một cơn khủng hoảng không bao giờ là tất cả; luôn có một cách để thoát ra. Đó là sự kỳ diệu của lịch sử nhân loại: luôn có cách thoát khỏi diệt vong. Nơi cần hành động nằm ngay trong chính mối hiểm nguy; đó là nơi cánh cửa mở ra.
Đây là một khoảnh khắc để mơ xa, để nghĩ lại về những ưu tiên của chúng ta – điều ta coi trọng, điều ta muốn, điều ta kiếm tìm – và để cam kết hành động vì mơ ước đó trong chính đời sống hàng ngày.
Thiên Chúa yêu cầu chúng ta tạo ra những điều mới mẻ. Ta không thể quay lại sự an toàn giả tạo của hệ thống chính trị và kinh tế trước đại dịch được nữa. Chúng ta cần những nền kinh tế có thể giúp tất cả mọi người tiếp cận được những tặng phẩm của tạo hóa, đến những nhu cầu căn bản của cuộc sống: đất đai, nhà ở, và công việc. Chúng ta cần những hệ thống chính trị dung hợp người nghèo và đối thoại được với những người nghèo, những người bị loại trừ, những người yếu đuối; để họ có thể góp tiếng nói trong những quyết sách ảnh hưởng đến cuộc đời họ. Chúng ta có thể chậm lại, lưu giữ, và thiết kế những phương cách tốt hơn để chung sống trên trái đất này.
Đại dịch đã phơi bày một nghịch lý rằng càng kết nối với nhau, chúng ta càng lìa xa nhau. Cơn sốt của chủ nghĩa tiêu dùng phá huỷ những mối dây thân hữu. Nó khiến chúng ta tập trung vào việc bảo tồn chính mình, khiến chúng ta lo lắng. Chính trị dân túy lợi dụng những nỗi sợ hãi này để tìm kiếm quyền lực thống trị toàn xã hội và khiến cho những nỗi sợ hãi ấy tệ hơn. Thật khó để xây dựng một văn hoá của sự gặp gỡ, nơi ta gặp nhau như những con người với đầy đủ nhân phẩm, khi chúng ta đang có một nền văn hoá tạm bợ cho rằng sự tồn vong của kẻ khác: những người già, người thất nghiệp, người khuyết tật và những sinh mệnh chưa chào đời – chẳng có nghĩa lý gì đối với cuộc đời của chúng ta.
Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần phục hồi nhận thức rằng: là con người, chúng ta có chung định mệnh. Cơn đại dịch đã nhắc ta nhớ rằng không ai tự cứu thoát được mình. Điều nối kết chúng ta lại với nhau là điều ta thường gọi là sự kết hiệp (solidarity). Sự kết hiệp cũng quan trọng như những hành động hào hiệp, nhưng rộng hơn thế. Đó là lời kêu gọi trân trọng một thực tại rằng chúng ta được kết nối bằng mối dây của sự trao đổi. Từ nền tảng vững chắc này, ta có thể xây dựng một tương lai tốt hơn, khác hơn, cho loài người.
***
[*] Hyperion là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nhà thơ người Đức Friedrich Hölderlin (1770-1843). Thông qua những bức thư của Hyperion gửi cho người yêu và cho bạn mình, tác phẩm kể về giai đoạn tuyệt vọng nhất của người được xem là thần ánh sáng trong thần thoại Hy Lạp. Đó là lúc Hyperion thất bại trong công cuộc giải phóng Hy Lạp và tan vỡ vì người mình yêu qua đời. Tác phẩm được ca ngợi vì giá trị triết học, tính nhạc trong ngôn ngữ, và khả năng biểu đạt đầy hình tượng.