‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Đông Nam Á đang trở thành một chiến địa quan trọng mới trong xung đột Mỹ – Trung. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ thống trị hoàn toàn khu vực này nếu Washington còn tiếp tục bàng quan.
Đây là nhận định của cuốn sách mới xuất bản: “Dưới bóng Bắc Kinh: Đông Nam Á trước thách thức Trung Quốc” của Murray Hiebert, một tác giả từng sống và viết nhiều năm về khu vực này.
Cuốn sách được Elizabeth Becker đánh giá cao. Bà là một cây ký cựu của tờ New York Times, và tác giả của một cuốn sách nói về Khmer Đỏ tại Campuchia. “Bất kỳ ai muốn hiểu về một Đông Nam Á đang thay đổi chóng mặt đều phải đọc cuốn sách này”, Becker viết.
Trong bài viết giới thiệu sách của Hiebert, đăng ngày 29/8/2020 trên tạp chí Foreign Policy, Becker tóm lược hai vấn đề: Trung Quốc tìm cách thống trị Đông Nam Á, và Mỹ đang không làm gì để cản trở họ.
Becker cho hay cuốn sách mới của Hiebert mô tả Trung Quốc đã vạch chiến lược chi tiết, vận dụng điểm mạnh, yếu của từng quốc gia, để kéo các nước này vào quỹ đạo của nó.
Ngày nay, Trung Quốc không còn mong chờ làm một đế quốc phong kiến và bắt các chư hầu cống nạp. Bắc Kinh bành trướng bằng ngoại giao bẫy nợ, những đặc khu kinh tế, sức mạnh du lịch, các khoản vay và trợ cấp dễ dãi mà không đếm xỉa tới nhân quyền.
Đặc biệt, nhìn rõ lợi thế của mình so với Mỹ, Bắc Kinh lựa chọn ủng hộ các lãnh đạo độc tài để tạo ra các liên minh tạm thời cùng có lợi.
Hai nước mà Hiebert lấy làm ví dụ cho chiến lược cộng sinh để thống trị Đông Nam Á là Philippines và Campuchia.
Trung Quốc đã mời Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines tới thăm ngay sau khi ông này nhậm chức vào năm 2016. Ông này trở về với khoản vay 24 tỷ USD, các cam kết đầu tư, và một đảm bảo chống lưng của Bắc Kinh và không như Mỹ, người bạn mới này sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Duterte.
Hiebert cho rằng sau khi được Bắc Kinh bật đèn xanh, Duterte đã không thèm quan tâm tới nhân quyền mà thẳng tay trấn áp phe đối lập. Để trả ơn Trung Quốc, Duterte đã quay lưng lại với chiến thắng nhọc nhằn của người tiền nhiệm tại Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague. Tòa phán Philippines thắng trong vụ kiện Trung Quốc, và các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có căn cứ pháp lý. Nhờ thế, Trung Quốc tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế. Và hậu quả là một giải pháp hòa bình ở Biển Đông ngày càng khó đạt được.
Một lãnh đạo khác mà Bắc Kinh chiêu dụ là Thủ tướng độc tài Hun Sen của Campuchia. Năm 2017, Hun Sen đối mặt với rủi ro thất cử thực sự. Nhưng với sự ủng hộ của Trung Quốc, ông này đã triển khai cảnh sát, quân đội và giải tán phe biểu tình, đóng cửa truyền thông độc lập và dập tắt các cuộc biểu tình. Như một món quà đáp lại Bắc Kinh, Hun Sen đã chặn tất cả các tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông ở mọi diễn đàn ASEAN.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ủng hộ Myanmar khi cả thế giới lên án cuộc đàn áp đẫm máu người Hồi giáo Rohingya. Myanmar sau đó đã cho hồi phục dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc đầu tư. Việc này mở đường cho Trung Quốc tiếp cận một cảng biển ở Ấn Độ Dương mà Bắc Kinh luôn thèm muốn, bất chấp dự án này đang nhấn chìm Myanmar vào nợ nần.
Hiebert chỉ ra hai điều. Chiếm tài nguyên: Biển Đông, sông Mekong, phá rừng trồng chuối, cao su và dầu cọ ở Lào và Myanmar, và có chỗ xây dựng để đổ vào rửa tiền. Quan trọng hơn, Bắc Kinh muốn biến các nước Đông Nam Á thành con cờ trên bàn cờ chiến lược mà Trung Quốc luôn có thể giật dây.
Theo Becker, các quan chức Trung Quốc đã không ngại nói về một “Trung Quốc lớn hơn”, không bị bó hẹp trong đường biên giới, hội nhập bên ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người lo ngại Trung Quốc đang muốn áp đặt một chế độ thuộc địa phiên bản mới ở Đông Nam Á.
Rất dễ thấy tác động của Trung Quốc lên khu vực này. Từ việc khách du lịch Trung Quốc ngập tràn, các doanh nhân tới lui các khách sạn và văn phòng chính phủ đến việc Trung Quốc bắt nạt tàu bè của các nước yếu thế hơn trên Biển Đông.
Nhưng Hiebert cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy các nước nhỏ bật lại Bắc Kinh.
“Thậm chí những nước nghèo nhất và yếu nhất cũng đàm phán hàng năm để thu hẹp tham vọng quá khổ của Trung Quốc, giảm bớt chi phí và kiểm soát chặt số lượng người lao động Trung Quốc tới nước họ”, Hiebert nói trong sách.
Tuy nhiên, sự cố gắng của họ ngày càng khó khăn trước một Bắc Kinh hung hăng và một Washington thiếu tầm nhìn và cam kết. Một ví dụ là Lào, nước đang hy sinh chủ quyền để đổi lấy sự giàu có, bằng việc cho phép người Trung Quốc ồ ạt kéo tới.
Năm ngoái, khi đi qua các nước Đông Nam Á, Becker nói về cảm giác không thể lầm lẫn về sự “hống hách” của người Trung Quốc, và nỗi sợ hãi của dân bản địa.
Becker đã nhiều lần tới Campuchia khi viết cuốn sách về cuộc chiến với Khmer Đỏ. Những người Campuchia quen thân với bà nói rằng nước họ chỉ còn cái tên chứ bản chất đã là thuộc địa của Trung Quốc. Họ bị các ông chủ Trung Quốc miệt thị là “lười biếng”. Doanh nghiệp Trung Quốc thì đè bẹp các công ty bản xứ trong khi từ chối thuê lao động Campuchia.
“Ở Việt Nam thì tôi bị cảnh báo không nên nhắc đến Trung Quốc trong mọi cuộc nói chuyện công khai”, Becker viết.
Hiebert nhắc lại rằng các nước Đông Nam Á có giá trị thế nào với Mỹ. Khu vực này có số dân 700 triệu, hợp thành nền kinh tế đáng giá 2,8 nghìn tỷ USD. Các công ty của Mỹ đầu tư vào Đông Nam Á nhiều hơn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại. Việc quân Mỹ trấn diện ở Đông Nam Á được xem là quan trọng đối với các đồng minh như Nhật, Hàn để bảo vệ thương mại, hòa bình và đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc. Hiebert coi Đông Nam Á và Biển Đông là Ground Zero (vùng bình địa) trong cuộc đối đầu toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một mặt, Mỹ phản đối mạnh mẽ các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, không có bằng chứng cho thấy Mỹ hiểu rõ hay thậm chí quan tâm đến tham vọng bành trướng sâu sắc của Trung Quốc đang áp đặt lên Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nay khi đối đầu Mỹ-Trung ngày càng dâng cao, thì Đông Nam Á ngày càng nâng tầm quan trọng chiến lược đối với cả Washington và Bắc Kinh.
Theo Becker, tác giả Hiebert đã rất thông thái khi không dự đoán xem Mỹ có thể sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc phủ bóng đen khắp Đông Nam Á. Mỹ bắt đầu thoái lui ở khu vực từ thời Obama, và tốc độ rút lui còn bị Trump khuếch đại nhiều lần. Hiện nay, ông Trump đã bộc lộ rõ ràng ông sẽ không chấp nhận mọi chính sách can thiệp sâu, hoặc có bất kỳ tầm nhìn nào cho khu vực này.
Tác giả cảnh báo khi Mỹ duy trì một cam kết lỏng lẻo kém xa Trung Quốc, những nước Đông Nam Á đang mất, hay thậm chí đã mất đi khả năng cân bằng giữa hai cường quốc. Khi không còn đối trọng của Mỹ, Trung Quốc dễ dàng thâu tóm khu vực này như gió vào nhà trống.