Tối cao Pháp viện và vai trò người thúc đẩy quyền tự do

Thời kỳ cấp tiến nhất của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ghi dấu ấn của Chánh án Earl Warren.

Tối cao Pháp viện và vai trò người thúc đẩy quyền tự do
Ảnh: Bettman/Getty Images.

Giới thiệu chuyên đề: Hiến pháp và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Kỳ 1: Quyền tài phán tư pháp và quyết định của Chánh án Marshall
Kỳ 2: Phán quyết Dred Scott – trang sử buồn của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
Kỳ 3: Thời đại Lochner, “chính phủ ông tòa” và khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (lại) là “kẻ xấu”


Khi sử dụng cụm từ “người xấu” để ám chỉ Tối cao Pháp viện trong thời đại Lochner và thời kỳ tiền Nội chiến, tôi hy vọng độc giả hiểu đây chỉ là lối sử dụng từ ngữ mang tính tương đối chứ không nhất thiết là một quan điểm lịch sử tuyệt đối. Bởi lẽ, tuy có những bản án thật sự bị chỉ trích trên cả phương diện pháp lý và phát triển xã hội, vai trò của Tối cao Pháp viện như một bên thứ ba kiểm soát sự phát triển của xã hội Mỹ là không thể phủ nhận. Đặc biệt, nếu thay đổi góc nhìn từ một người cổ vũ cho phát triển xã hội (tạm gọi là “cấp tiến”), sang góc nhìn của một người muốn lưu giữ trật tự vốn có (tạm gọi là “bảo thủ”), thì vai trò của Tối cao Pháp viện trong hai khoảng thời gian kể trên không hẳn là “kẻ xấu”.

Chính vì thế, trong suốt một thời gian dài, Tối cao Pháp viện được xem là đối thủ của phe cấp tiến ở Mỹ, nhưng lại là đồng minh của phe bảo thủ. Sự chán ghét Tối cao Pháp viện lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đề xuất “nhồi nhét thẩm phán” như một cách để vô hiệu hoá chế định này, hòng triển khai những chính sách cấp tiến về kinh tế của ông. Những gì diễn ra sau đó là lịch sử và đã được nhắc đến trong kỳ trước.

Tuy nhiên, làn gió mới của Tối cao Pháp viện đã đến khi thẩm phán Earl Warren được Tổng thống Eisenhower, anh hùng của Thế Chiến thứ Hai, bổ nhiệm làm chánh án vào năm 1953. Tòa án của Warren được xem là thời kì cấp tiến nhất của Tối cao Pháp viện trong lịch sử Hoa Kỳ, nhất là khi các thẩm phán cấp tiến khác tham gia như John Marshall Harlan II và William Brennan.

Vậy Earl Warren là ai?

Một chính khách tiểu bang

Earl Warren vốn dĩ không phải là một thẩm phán chuyên nghiệp. Sinh năm 1891 tại Los Angeles, California vào thời kì bang này còn là một thành trì của Đảng Cộng hòa, Warren phát triển sự nghiệp chính trị của mình với tư cách một chính khách Cộng hoà hoạt động trong chính trị tiểu bang là chủ yếu. Tốt nghiệp trường luật Đại học California – Berkeley, Warren trở thành phó tổng chưởng lý bang California, rồi tổng chưởng lý bang vào năm 1943. Dưới thời kỳ này, Warren chịu trách nhiệm cho việc giam cầm rất nhiều người Mỹ gốc Nhật trong thời kỳ Thế Chiến thứ Hai vì nỗi lo gián điệp. Về sau, Warren bày tỏ sự hối tiếc vì vai trò của ông trong chương sử buồn này của nước Mỹ.

Đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của Warren tại bang California cũng diễn ra vào giai đoạn cuối Thế Chiến thứ Hai, khi ông thắng cử chức thống đốc bang. Với vai trò này, Warren đã là người thúc đẩy cho rất nhiều hoạt động dẫn đến sự thành lập Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả việc đăng cai cho hội nghị dẫn đến tuyên bố San Francisco (mà người Việt quen thuộc hơn với tên gọi tuyên bố Cựu Kim Sơn) vào năm 1945, về sau được gọi là Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Cũng trong thời gian này, Warren đã thiết lập rất nhiều chương trình xã hội mang tính cấp tiến thời bấy giờ, bao gồm nỗ lực (thất bại) áp dụng chế độ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại bang California, hay việc cùng Tối cao Pháp viện đánh bại những đạo luật có tính chất phân biệt chủng tộc… Mức độ tín nhiệm của Warren càng lúc càng lên cao, đến mức ông trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống, đại diện Đảng Cộng hòa để ganh đua với tổng thống đương nhiệm lúc đó là Roosevelt. Tiếc rằng Warren đã thất bại trong lần ứng cử này.

Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Earl Warren năm 1966. Ảnh: PRIDAN MOSHE/Wikimedia Commons.

Sự nghiệp chính trị tiểu bang gặt hái nhiều thành công của Warren không được lặp lại khi ông gia nhập chính trị liên bang. Sau khi Roosevelt qua đời và Harry Truman nối ngôi, Đảng Cộng hòa đã chuẩn bị cho một cuộc lật đổ bằng việc tung vào một liên danh Dewey – Warren cho kỳ bầu cử 1948. Đây là một liên danh hai thống đốc của hai bang lớn và quan trọng nhất nước Mỹ là New York và California, nhằm đối đầu với một tổng thống đang mất tín nhiệm là Truman. Nhưng kỳ bầu cử năm 1948 là một kỳ bầu cử đáng quên với Warren khi liên danh của ông thua trong cuộc tuyển cử bất ngờ nhất lịch sử Hoa Kỳ.

Warren sau đó còn ứng cử trong nội bộ đảng một lần nữa vào năm 1952 nhưng thất bại trước Đại tướng Dwight D. Eisenhower, người sau này đắc cử tổng thống và trở thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên ngồi vào Nhà Trắng sau gần 20 năm. Chính thất bại này cũng mở đường cho Warren bước vào Tối cao Pháp viện, đảm nhận một vai trò mà lịch sử sẽ nhớ đến ông. Đại tướng Eisenhower ban đầu dự tính bổ nhiệm Warren vào chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, nhưng tin tức về cái chết của Chánh án Tối cao Pháp viện đương nhiệm là Fred M. Vinson đã khiến kế hoạch thay đổi. Có lẽ những năm tháng chống Đức Quốc Xã đã cho Eisenhower hiểu rằng để ngăn chặn sự trỗi dậy một lần nữa của chủ nghĩa cánh hữu cực đoan, mà đại diện là phong trào phát-xít mới, thì việc thúc đẩy những chương trình xã hội, cải tổ quyền con người… ở nước Mỹ là vũ khí hữu hiệu nhất. Không phải Tối cao Pháp viện chưa bao giờ thực hiện bổn phận bảo vệ các quyền con người của mình. Những thẩm phán huyền thoại như Louis Brandeis và Oliver W. Holmes đã để lại cho lịch sử tư pháp Mỹ rất rõ nét với nhiều lý luận sắc bén về vấn đề nhân quyền ở Mỹ, ngay cả trong thời kỳ Lochner.

Thế nhưng, vai trò thúc đẩy quyền con người thì lại là một chủ đề mà Tối cao Pháp viện chưa chạm tới. Điều này xuất phát chủ yếu từ thái độ tự kiềm chế (self-restraint) của Tối cao Pháp viện, vốn dĩ cho rằng việc này thuộc địa hạt của nhánh lập pháp. Thế nhưng, Eisenhower có một tầm nhìn khác khi ông dường như đã cho rằng quá trình thúc đẩy quyền con người bằng con đường lập pháp ở Mỹ là quá chông gai, vì thế ông cần một chính khách như Warren ngồi vào ghế Chánh án Tối cao Pháp viện để tham gia vào quy trình đó. Eisenhower không ngần ngại thổ lộ với bạn mình rằng Warren đại diện cho một tầng lớp chính khách “cấp tiến – bảo thủ” (liberal – conservative) và ủng hộ những tư tưởng chính trị, kinh tế và xã hội mà Eisenhower tin rằng Tối cao Pháp viện đang tìm kiếm.

Trên cơ sở đó, Eisenhower bổ nhiệm Warren vào cuối năm 1953 và vào tháng Ba năm 1954, ông được Thượng viện Hoa Kỳ đồng thanh công nhận là chánh án của Tối cao Pháp viện. Warren sẽ ngồi ở vị trí này chỉ trong 16 năm. Nhưng những phán quyết của Tòa án Warren sẽ thay đổi căn bản bộ mặt của chính trị, xã hội Hoa Kỳ và khiến cho hình ảnh của Tối cao Pháp viện hoàn toàn thay đổi.

Một tòa án “cấp tiến” và “tích cực”

Nếu phải dùng hai từ để mô tả tòa án dưới thời Warren thì đó là hai từ “cấp tiến” (liberal) và “tích cực” (activism).

Thực tế thì Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dưới thời kỳ Lochner cũng là một tòa án “tích cực”, nhưng lại “bảo thủ”. Chính vì thế, khi Warren trở thành chánh án, hình ảnh của Tối cao Pháp viện đã hoàn toàn thay đổi. Giờ đây, với vai trò tích cực của mình, Tối cao Pháp viện đã thúc đẩy những động lực cải tổ xã hội vốn dĩ đang gặp bế tắc ở Quốc hội do sự chống đối của phe bảo thủ.

Bắt đầu cho quá trình này là vụ án kinh điển Brown v. Board of Education (1954). Đây là một vụ án bước đầu xóa bỏ những quy định có tính phân biệt chủng tộc được thiết lập từ sau Nội Chiến. Cuộc Nội Chiến kết thúc với sự bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng phe thắng cuộc vẫn cần đến sự đồng lòng của giới chủ nô miền Nam cho quá trình phục hồi. Chính vì thế, một thỏa hiệp đã được đưa ra, theo đó, tuy chế độ nô lệ bị bãi bỏ, chính quyền liên bang sẽ để cho tiểu bang được tự do quyết định cách họ đối xử với những “công dân mới”. Một thời kỳ “bình đẳng nhưng phân chia” (equal but separation) ra đời, chủ yếu vẫn là để duy trì chế độ phân biệt chủng tộc. Theo đó, các bang có quyền phân chia công dân của mình ra thành những chủng tộc khác nhau và hạn chế những tiếp xúc giữa họ. Hôn nhân liên tộc (interracial marriage) có thể bị cấm, phân chia địa lý nơi ở của hai chủng tộc cũng được chính quyền thúc đẩy thông qua chương trình redlining (người da đen ở khu người da đen, người da trắng ở khu người da trắng), các khu vực dành riêng cho người da đen mọc lên cốt để họ không thể hòa nhập với xã hội da trắng… Một yêu cầu duy nhất mà các đạo luật này đòi hỏi đó là tiểu bang phải đảm bảo các cơ sở vật chất dành cho người da đen phải tương đương cho người da trắng.

Một người mẹ nói với con mình về tầm quan trọng của phán quyết Brown v. Board of Education 1954, ngay trên những bậc thang của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ảnh: Library of Congress.

Tất nhiên, thời kỳ đầu thì việc này là không thể xảy ra khi trường học của người da đen không thể bằng của người da trắng, nhà ở của người da đen sẽ kém phát triển hơn… Nhưng đến thập niên 1950, dần dần nhiều tiểu bang đã có thể đạt được yêu cầu này. Về kinh tế, giải pháp bình đẳng nhưng phân chia có lẽ sẽ đạt được, nhưng về mặt xã hội, ai cũng hiểu để một đạo luật như vậy tồn tại là rất sai trái dựa trên con mắt nhân quyền sau Thế Chiến thứ Hai. Người Mỹ không thể đổi xử với người da đen như cách người Đức đối xử với người Do Thái và người Roma được.

Nhưng tuy hết sức phản đối đạo luật đó, giới luật học đương thời gần như không có cách nào để chống lại nó bằng con đường pháp lý cả. Ví dụ như vụ án Brown (1954), là một vụ án mà cha mẹ của các học sinh da đen kiện đòi xóa bỏ chế độ “bình đẳng nhưng phân chia” trong lĩnh vực giáo dục công vì lý do chế độ này không thực sự bình đẳng. Trong vụ án này, khó có thể nói một cách quả quyết rằng trường của người da đen lúc này không tốt bằng trường của người da trắng được. Vả lại như luật sư của bên bị cũng chỉ ra, ở một số nơi, trường của người da đen thậm chí còn tốt hơn trường của người da trắng.

Như vậy, không thể nào nói có sự bất bình đẳng giữa hai chủng tộc ở đây để đòi hỏi sự bảo vệ theo Hiến pháp. Chính giáo sư hàng đầu về luật hiến pháp thời bấy giờ là Herbert Wechsler cũng lên tiếng cho rằng không thể xử cho Brown thắng trên cơ sở “trung lập” được. Wechsler lập luận rằng Tối cao Pháp viện khi phân xử một vụ án hiến pháp cần phải áp dụng những nguyên tắc trung lập (neutral principles), tức là khi áp dụng không giúp cho một nhóm dân nào có lợi hơn nhóm dân khác. Vụ án Brown vốn dĩ là một vụ án về quyền tự do hội họp, theo đó, người da đen muốn có quyền đi học cùng người da trắng, nhưng người da trắng cũng có quyền không đi học với người da đen. Vì thế, xử rằng chế độ “bình đẳng nhưng phân chia” là vi hiến sẽ khiến cho quyền tự do (không) hội họp của người da trắng bị ảnh hưởng. Vì vậy, tuy Wechsler rất đồng tình với kết quả về mặt chính trị của Brown, ông lại cho rằng về mặt pháp lý, Brown rất có vấn đề.

Nếu nhìn vào phán quyết Brown, có thể dễ hiểu vì sao giới luật gia có sự e dè. Trong vụ án này, Warren cũng thừa nhận rằng tuy không có sự bất bình đẳng về mặt trang thiết bị giữa các trường da trắng và da đen, nhưng ông lại trích dẫn hàng loạt các nghiên cứu tâm lý học để nói rằng sự phân chia khiến cho trẻ em da đen bị ảnh hưởng tâm lý và do đó không thể xem là được đối xử “bình đẳng” được. Trên cơ sở đó, Warren tuyên bố rằng chế độ “bình đẳng nhưng phân chia” không thể tồn tại trong lĩnh vực giáo dục công được.

Tất nhiên, có thể có một cách lập luận khác sẽ giúp cho Warren đạt được kết quả pháp lý tương tự mà không bị Wechsler chỉ trích là thiếu trung lập. Warren có thể sử dụng chính sự thật rằng có những trường da đen đang tốt hơn những trường da trắng để biện luận rằng chế độ “bình đẳng nhưng phân chia” không chỉ gây hại cho người da đen mà còn gây hại cho cả người da trắng. Chính vì thế, cần thiết phải xóa bỏ chế độ này để đảm bảo bảo vệ bình đẳng cho mọi giống dân. Biện luận này tuy không được Warren sử dụng, nhưng về sau đã được một thẩm phán cấp tiến khác là Ruth Bader Ginsburg viện đến trong các vụ án về bình đẳng giới.

Phán quyết Brown trở thành một chiến thắng vang dội của phe cấp tiến nhưng lại là một đòn đau cho phe bảo thủ. Phe bảo thủ chỉ trích Tòa án Warren đã trở thành nhánh lập pháp thứ ba (bên cạnh Hạ viện và Thượng viện) khi họ đã “làm luật” thay vì từ chối xét xử và đưa về cho Quốc hội xem xét vấn đề này. Còn phe cấp tiến đương nhiên lại thấy Warren chính là đồng minh của họ. Vậy là 15 năm sau khi thời đại Lochner kết thúc, lịch sử lại xoay vần khi lúc này, phe cấp tiến lại là người tung hô Tối cao Pháp viện, còn phe bảo thủ lại kêu gọi tòa án tự kiềm chế mình.

Một thời kỳ mới cho quyền dân sự và chính trị

Vụ án Brown chỉ là bước khởi đầu. Dưới thời kỳ ông làm Chánh án, bằng phong cách của một chính khách – thẩm phán với những phán quyết có phần gây tranh cãi về mặt pháp lý thuần tuý, Warren đã giúp định hình chế độ phổ thông đầu phiếu ở Mỹ (vụ Reynolds v. Sims (1964)), thiết lập quyền im lặng cho nghi can hình sự (Miranda v. Arizona (1966)) và bãi bỏ những lệnh cấm đối với hôn nhân liên tộc (Loving v. Virginia (1967)).

Tất nhiên, cũng như mọi tòa án khác, nỗ lực của Warren sẽ vô nghĩa nếu như không có sự ủng hộ của một nhánh quyền lực khác trong chính quyền. Lần này, vai trò của các tổng thống trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng trong việc thi hành các phán quyết của Warren.

Khi Brown được phân xử, mọi đạo luật liên quan đến phân chia tại các tiểu bang xem như vô hiệu. Tuy nhiên, không phải thống đốc bang nào cũng tự nguyện tuân theo. Tòa án Warren không có quân đội để thi hành phán quyết đó và Thống đốc bang Arkansas khi đó là Orval Faubus đã từ chối cho các học sinh da đen nhập học tại một trường thuộc thị trấn Little Rock. Faubus thậm chí đã bố trí lực lượng Vệ binh Quốc gia Arkansas trấn giữ các trường của thị trấn này nhằm ngăn cản chín học sinh da đen nhập học. Kết quả là Tổng thống Eisenhower đã phải can thiệp bằng việc bố trí Sư đoàn Không vận 101, những người anh hùng tại bãi biển Normandy năm 1944, đến Arkansas và hộ tống chín em học sinh vào trường. Sự kiện này được lịch sử Mỹ gọi là Little Rock Nine (Bộ Chín ở Little Rock) và được xem như một tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Eisenhower rằng ông đứng về phe của Warren.

Các học sinh được hộ tống vào trường trong sự kiện được gọi là “Little Rock Nine”, 1957. Ảnh: Getty Images.

Đồng thời với Tòa án Warren, không thể kể đến các phong trào của người dân đòi quyền dân sự và chính trị. Các phán quyết của Warren sẽ vô nghĩa nếu như bản thân chính cộng đồng người da đen không đấu tranh. Rosa Parks từ chối nhường chỗ cho một hành khách da trắng vì cho rằng chế độ “phân chia nhưng bình đẳng” nhìn chung là bất nhân. Và hành động đó dẫn đến phán quyết Browder v. Gayle (1956). Nhà báo Edward R. Murrow của CBS chỉ trích Uỷ ban chống Cộng của Thượng nghị sĩ McCarthy, khiến cho nỗ lực của uỷ ban này nhằm trả thù Tòa án Warren vì đã ra các phán quyết hạn chế những đạo luật vi phạm dân quyền nhân danh chủ nghĩa chống cộng trở nên vô nghĩa. Và đỉnh cao đó là cuộc tuần hành của mục sư Martin Luther King Jr. cùng với sự ủng hộ của Tổng thống Lyndon Johnson giúp cho Đạo luật Dân quyền 1964 được thông qua, chính thức chấm dứt thời kỳ “phân chia nhưng bình đẳng” và đảm bảo quyền của toàn dân Hoa Kỳ không phân biệt sắc tộc trên toàn cõi liên bang.

Vai trò tích cực của Tòa án Warren vẫn tồn tại ngay cả khi ông từ chức vào năm 1969 khi chánh án nối nghiệp là Warren Burger tiếp tục triết lý bằng các vụ án khác trong thập niên 1970, mà nổi tiếng (hoặc tai tiếng?) nhất là vụ án về quyền phá thai Roe v. Wade.

Sự phản kháng của phe bảo thủ và vĩ thanh

Cũng như tất cả các hiện tượng lịch sử luôn tuân theo quy luật của biện chứng, đó là một chính đề sẽ luôn có một phản đề để rồi mọi thứ thỏa hiệp thành một hợp đề. Tòa án Warren là kết quả của một phong trào toàn quốc những năm 1950 – 1970 nhằm định hình quyền dân sự, chính trị cho nước Mỹ. Nói cách khác, vai trò của Warren chính là thúc đẩy cho một hình ảnh nước Mỹ cấp tiến, coi trọng tự do, trái ngược với một Liên Xô đàn áp, vi phạm nhân quyền.

Song, cũng trong nỗ lực đó, Warren đã làm cho các tư tưởng bảo thủ bị thách thức. Phản hồi với sự tích cực cấp tiến của Tòa án Warren, một thế hệ luật gia bảo thủ đã ra đời, kêu gọi tòa án xác lập lại vai trò kiềm chế của mình bằng cách chỉ phân xử dựa trên cách hiểu sơ nguyên của Hiến pháp (originalism). Tiêu biểu cho thời kỳ đầu là Thẩm phán liên bang Robert Bork, về sau là Chánh án Tối cao Pháp viện William Rehnquist và Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia. Phong trào bảo thủ lớn mạnh dẫn đến sự thoái trào từ từ của một Tối cao Pháp viện cấp tiến. Cơ quan này dần trở nên trung dung hơn trong giai đoạn thập niên 1980 – 2010 và dần trở nên bảo thủ hơn với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Trump.

Một lịch sử thăng trầm của Tối cao Pháp viện đã dần đi đến hồi kết. Tòa án của thời kỳ hậu Trump chưa biết sẽ mang hình hài như thế nào, nhưng có một thực tế không thể chối cãi rằng những diễn ngôn ngày nay đang dần chính trị hoá vai trò của Tối cao Pháp viện, cho rằng nếu tòa án này chỉ có thể theo phe bảo thủ hoặc phe cấp tiến. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tòa án bảo thủ hay cấp tiến, mà là tòa án ấy có tích cực hay biết tự kiềm chế. Cả hai phe bảo thủ và cấp tiến ngày nay đã không còn quá mặn mà khi kêu gọi Tối cao Pháp viện phải kiềm chế nữa vì họ biết khi một tòa án có tư tưởng chính trị giống mình, thì tòa án đó càng tích cực thì càng tốt cho chương trình nghị sự của họ. Tuy nhiên, chẳng phải đó sẽ là một bước lùi của nguyên tắc tam quyền phân lập hay sao?

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng câu hỏi mở đó, và hẹn độc giả vào kỳ cuối cùng khi tôi xin được phép đưa ra những suy nghĩ của riêng mình về vai trò của một tòa án bảo vệ hiến pháp đúng nghĩa, với hy vọng nó sẽ đem lại một bài học nào đó cho Việt Nam trong một tương lai dân chủ hoá chắc chắn phải đến.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.