5 bộ phim về tù nhân chính trị đáng xem từng phút

Những tác phẩm lay động lòng người từ năm nền điện ảnh ít được nhắc tới.

5 bộ phim về tù nhân chính trị đáng xem từng phút
Ảnh: Luật Khoa.

“Và ở nơi đây, trong cô đơn vô hạn của người lính canh, anh như thể bị giam cầm vì thiếu vắng bóng hình em. Anh có thể cảm thấy tuyến lệ của mình đang run rẩy lên rồi”.

Ruso đọc to câu này qua cánh cửa buồng giam cho một lính canh chép lại. Anh lính đang theo đuổi một cô gái nhưng không biết làm cách nào để chinh phục cô nàng.

Tối hôm sau, Ruso bị trùm đầu rồi dắt ra khỏi buồng giam, nhưng lần này anh không bị tra tấn. Khi Ruso ngồi xuống, người chỉ huy trại giam bước đến bên anh. Anh được yêu cầu viết một bức thư tình nữa. Anh cầm bút và hít lấy mùi của những trang giấy. Đó là năm thứ 5 Ruso bị biệt giam cùng với hai người bạn của mình. Họ ở thật gần nhau nhưng cũng thật xa.

Đó là phân đoạn tôi thích nhất trong bộ phim “A Twelve-Year Night” (tạm dịch: Một đêm dài 12 năm) – bộ phim tiếng Tây Ban Nha phát hành vào năm 2018. Tôi đã xem bộ phim này bốn lần chỉ trong một tuần.

Bản chất của một con người sẽ thể hiện rõ nhất khi bị đẩy vào nghịch cảnh. Trong những bộ phim về tù nhân chính trị, nhân cách của cả người tạo ra nghịch cảnh và người chịu đựng nghịch cảnh sẽ cùng lúc bộc lộ. Chúng sẽ tạo nên một sự lôi cuốn đặc biệt.

Năm tác phẩm điện ảnh về tù nhân chính trị sau đây sẽ đáng giá từng phút xem phim của bạn.


A Twelve-Year Night (2018)

Thời lượng phim: 2 giờ, 2 phút
Bối cảnh: Uruguay những năm 1970
Có trên: Netflix

trailer phim “a twelve year night”

Vào một đêm năm 1973, một chiến dịch bí mật được tổ chức nhằm vào chín thành viên của phong trào cách mạng Tupamaros. Mật lệnh của chiến dịch này rất rõ ràng: “Nếu không thể giết chúng, hãy làm chúng phát điên”.

Từ một phong trào đòi dân chủ, Tupamaros đã trở thành một lực lượng cách mạng vũ trang theo tôn chỉ “cướp của người giàu, chia cho người nghèo”.

Ruso, Nato và Mujica là ba trong chín thành viên của phong trào này. Cả ba bị bắt và chịu biệt giam trong suốt 12 năm trời cho đến khi Uruguay quay lại nền dân chủ sau cuộc bầu cử tự do vào năm 1984.

Sau ngày tự do, một trong ba người này đã trở thành tổng thống của Uruguay, và một người khác trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ phim có thể giúp giải thích vì sao chế độ độc tài lại cực kỳ tàn độc đối với phe đối lập.

“A Twelve-Year Night” truyền đi một thông điệp: những gì ta tận mắt chứng kiến chưa chắc đã là những gì thực sự xảy ra. Khi con người được “cấp phép” để trở nên tàn độc, thì mọi chuyện sẽ vượt xa những gì có thể tưởng tượng được.


The Endless Trench (2019)

Thời lượng phim: 2 tiếng, 27 phút
Bối cảnh: Tây Ban Nha năm 1936 đến 1969
Có trên: Netflix

trailer phim “the endless trench” (chiến hào vô tận)

Khi Higinio vội chạy ra khỏi căn phòng bí mật, anh vô tình làm ngã cây nến đang cháy xuống ga trải giường. Trong lúc này, vợ anh đang bị một quân nhân cưỡng hiếp. Ngoại trừ vợ, không ai biết về sự tồn tại của Higino.

Bộ phim dựa trên những sự kiện có thật ở Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Franco. Higinio là người chỉ trích chính quyền nên anh bị truy lùng gắt gao. Để tránh khả năng bị bắt và chết trong trại giam, anh đã “cách ly xã hội” trong suốt 33 năm.

Higinio không rời khỏi nhà trong suốt 33 năm đó. Anh chỉ ra khỏi căn phòng bí mật một chút vào buổi tối. Ban ngày, anh nhìn vợ và khách khứa đến nhà qua một tấm gương soi treo trên tường.

Trong 33 năm ấy, vợ Higinio sống như một góa phụ. Khi vợ Higinio có thai, chị phải đi lánh ở nơi khác, và trước mặt người ngoài, đứa trẻ không được gọi mẹ.

The Endless Trench lọt vào top 3 bộ phim của Tây Ban Nha trong đề cử giải Oscar năm 2019.


Balzac and the Little Chinese Seamstress (2000)

Thời lượng phim: 1 tiếng, 50 phút
Bối cảnh: Trung Quốc những năm 1970
Có trên: Youtube

Bộ phim “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, đã được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: ThingsAsian.com

Khi nhìn thấy trưởng thôn dắt trâu bước đến chỗ mình, Ma đổi điệu nhạc đang chơi trên chiếc vĩ cầm để ra ám hiệu cho những người ở trong nhà.

Bên trong ngôi nhà, một cuộc nạo thai thầm lặng đang diễn ra. Cô bé thợ may đã lỡ có thai với Lou, một người bạn của Ma. Năm 1971, hai cậu thanh niên bị đưa đến vùng quê này để cải tạo vì là con của những gia đình “phản động”.

Ma và Lou đã cải tạo ở vùng quê này trong ba năm. Họ làm nông, đào mỏ và tường thuật các bộ phim về chủ nghĩa cộng sản chiếu dưới phố cho dân làng nghe. Cứ lúc nào rảnh, Ma và Lou lại thay nhau lén đọc tiểu thuyết ngoại văn cho cô bé thợ may. Đó là niềm vui sống của hai cậu, và là một thế giới mới đối với cô bé thợ may.

Bộ phim là một câu chuyện tình dễ thương, nhẹ nhàng và  cảm động giữa cuộc Cách mạng Văn hóa tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đoàn làm phim đã vật vã để chính quyền cho phép quay bộ phim này ở Trung Quốc, nhưng khi hoàn thành thì nó lại bị cấm công chiếu.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc Dai Sijie (Đới Tư Kiệt). Cuốn tiểu thuyết dựa trên trải nghiệm ba năm cải tạo của chính tác giả ở một làng quê hẻo lánh ở Trung Quốc vào năm ông mới 17 tuổi. Ông Dai cũng chính là đạo diễn của bộ phim chuyển thể này.

Ông cho rằng chính quyền Trung Quốc cấm bộ phim này là vì họ chưa sẵn sàng chấp nhận ý tưởng rằng việc đọc sách ngoại văn có thể thay đổi cuộc đời của một người phụ nữ.

Khi xem bộ phim này, tôi đã nghĩ đến ông ngoại mình, một người bị lưu đày trong trại cải tạo, cũng như hàng nghìn gia đình thành thị khác ở miền Nam đã bị đưa đến các vùng nông thôn hẻo lánh sau năm 1975.


The Year My Parents Went on Vacation (2006)

Thời lượng phim: 1 tiếng, 50 phút
Bối cảnh: Brazil vào năm 1970
Có trên: Youtube

Poster phim “The Year My Parents Went On Vacation” (Năm đó bố mẹ tôi đi nghỉ phép). Nguồn: Buena Vista International.

Một tay cầm quả bóng, một tay xách chiếc vali, Mauro bước lững thững đến căn hộ của ông nội cậu. Chỉ mấy phút trước, khi bố mẹ Mauro vội vã bỏ cậu xuống trước cửa chung cư, ông nội cậu đã qua đời vì lên cơn đột quỵ.

Bố mẹ Mauro là những nhà hoạt động chính trị cánh tả ở Brazil. Khi gửi Mauro đến nhà ông nội, họ nói dối rằng hai người đi nghỉ mát và sẽ quay về đón cậu trước trận đấu đầu tiên của World Cup năm 1970, nhưng thật ra họ phải trốn chạy vì đang bị chính phủ truy lùng. Liệu họ có kịp gặp lại Mauro để cùng xem World Cup như đã hứa?

Đây là một bộ phim rất chân thật. Người xem sẽ thấy như đang đứng trong chính bối cảnh ấy, ngay trước căn hộ của ông nội Mauro, ngay trước cửa hàng mà đám con trai trả tiền để lén nhìn người lớn thử quần áo, ngay trước sân bóng, và ngay trước đời sống sinh hoạt thường nhật của những người Do Thái.


Hunger (2008)

Thời lượng phim: 1 tiếng, 36 phút
Bối cảnh: Bắc Ireland năm 1981
Có trên: Các kênh xem phim phổ biến

TRAILER PHIM “HUNGER” (tù khổ sai)

Ngoài mí mắt, Bobby Sands gần như không cử động được gì nữa. Anh mở mắt lần cuối cùng để nhìn mẹ trước lúc người ta đẩy anh vào nhà xác. Đó là ngày thứ 66 Bobby tuyệt thực.

“Hunger” là bộ phim điện ảnh dựa trên các dữ kiện có thật, bao gồm cả nhân vật Bobby Sands, về các thành viên tổ chức bán quân sự có tên là “Quân đội Cộng hòa Ireland” (IRA). IRA đã thực hiện các cuộc tấn công ở Bắc Ireland và Anh với mục tiêu giành quyền tự trị khỏi Liên Hiệp Anh và thống nhất Ireland.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã kiên quyết rằng tù nhân IRA là tội phạm hình sự chứ không phải là tù nhân chính trị.

Các tù nhân của IRA cũng cứng rắn không kém bà Thatcher. Họ từ chối mặc quần áo tù nhân, không tắm rửa, lấy phân bôi khắp buồng giam… Và đương nhiên, họ bị các sĩ quan đánh đập dã man.

Bobby Sands không tuyệt thực một mình. Có chín thành viên khác của IRA đã thay phiên nhau tuyệt thực đến chết. Cuộc tuyệt thực của Bobby và các bạn của anh đã lay động từ châu Âu đến châu Á.

Sau biến cố đó, những người theo phe công đoàn và chủ nghĩa dân tộc ở Bắc Ireland cũng chuyển dần sang đấu tranh chính trị cực đoan.

Khoảng một tháng sau khi Bobby tuyệt thực, anh được bầu là nghị sĩ ở hạ viện Anh (House of Commons) thay thế cho một nghị sĩ vừa qua đời. Cũng từ bài học này mà về sau nước Anh ra quy định không cho phép tù nhân thụ án nhiều hơn một năm được phép ứng cử.

Bộ phim còn hé lộ những cách thức sáng tạo để tuồn đồ dùng vào trại giam, ví dụ như chế ra một chiếc radio tí hon. Michael Fassbender, diễn viên chính trong phim này đã phải giảm 19 kg để có thể vào vai người tù khổ sai Bobby Sands. Đó được ghi nhận là một trong những trường hợp giảm cân vì vai diễn ấn tượng nhất lịch sử điện ảnh.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.