Đoan Trang làm gì trước khi bị bắt?

Bìa cuốn cẩm nang "Tội ác phải bị trừng phạt". Đồ họa: Luật Khoa.
Bìa cuốn cẩm nang “Tội ác phải bị trừng phạt”. Đồ họa: Luật Khoa.

Bạn có nhớ bài viết “Khi tội ác không bị trừng phạt” của Đoan Trang?

Đó là một trong những bài viết đầu tiên của Luật Khoa, được đăng vào tháng mà Luật Khoa ra đời, tháng 11/2014.

Khi đó, nhà báo Phạm Đoan Trang – đồng sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa – đã trăn trở về cách dịch thuật ngữ impunity trong tiếng Anh, và quyết định chọn cách dịch “tội ác không bị trừng phạt”, hay “vấn nạn tội ác không bị trừng phạt”.

Sáu năm sau, Đoan Trang bắt tay vào dịch cuốn cẩm nang “Tội ác phải bị trừng phạt” của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các đạo luật Magnitsky của các quốc gia trên thế giới để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền.

Bản dịch chưa kịp ra mắt thì Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020. Đây có thể nói là tác phẩm sau cùng Đoan Trang thực hiện (gần như) trọn vẹn ngay trước khi bị bắt.

Luật Magnitsky được dùng để trừng phạt các quan chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nhân quyền bằng cách hạn chế/ cấm nhập cảnh và tịch thu tài sản của họ ở quốc gia ban hành. Những chế tài này được cho là hữu hiệu bởi nó đánh vào những lợi ích thiết thân bậc nhất của các cá nhân, tổ chức vi phạm nhân quyền.

Luật Magnitsky được đặt theo tên của luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người bị bắt và bị sát hại trong tù năm 2009 sau khi tố cáo quan chức Nga tham nhũng. Vụ việc này khiến chính quyền Mỹ vào năm 2012 nảy ra sáng kiến trừng phạt quan chức vi phạm nhân quyền bằng các phương pháp kể trên và đặt tên nó là Luật Magnitsky.

Sáng kiến của Mỹ truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Cho đến nay, mới chỉ có Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và một số nước châu Âu là đã thông qua luật Magnitsky. Liên minh Châu Âu (EU) và Australia cũng đang rục rịch ban hành các đạo luật tương tự.

Cuốn cẩm nang “Tội ác phải bị trừng phạt” sẽ hướng dẫn các nạn nhân và các tổ chức xã hội dân sự cách lập hồ sơ Magnitsky, cách điều tra, cách gửi nó đến các cơ quan chức năng ở các nước có luật Magnitsky, cách vận động sau khi nộp hồ sơ, v.v.

Nói chung, cẩm nang này sẽ cho bạn biết những chi tiết kỹ thuật của việc sử dụng luật Magnitsky cho việc kêu oan, với mục tiêu là vận động được các nước có luật Magnitsky cấm những cá nhân vi phạm nhân quyền vào lãnh thổ nước họ và tịch thu tài sản của những cá nhân, tổ chức vi phạm thuộc quyền tài phán của nước đó.

Với người dân ở một quốc gia không có cửa kêu oan như Việt Nam, luật Magnitsky là một phương tiện hữu ích, một phương án khả thi để buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu chế tài.

Bạn đọc có thể tải cẩm nang này tại đây (tiếng Việt).


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.