Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Để trở thành vĩ đại, các doanh nghiệp sáng tạo cần “độc quyền”. Nhưng không phải theo cách ta hiểu.
Năm 2016, tôi có tham dự một khóa học online về khởi nghiệp (start-up) của Đại học Stanford. Khóa học có một giảng viên là Peter Thiel, tỷ phú USD với tổng tài sản 2,3 tỷ USD. Ông là người nổi tiếng trong việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu.
Vào tháng 8/2004, Thiel đã đầu tư 500.000 USD vào Facebook ở thời kỳ đầu với tư cách một nhà đầu tư thiên thần. Sau khi Facebook tiến hành IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng) vào tháng 5/2012, ông đã thoái vốn nhiều lần khỏi Facebook với tổng số tiền lên tới hai tỷ USD.
Từ 500.000 USD đến hai tỷ USD, tăng 4.000 lần trong chưa đến tám năm, đó là một khoản đầu tư lãi kỷ lục đi vào lịch sử, đưa Peter Thiel trở thành cái tên huyền thoại trong giới đầu tư khởi nghiệp.
Các bài giảng của Thiel trong khóa học trên được một sinh viên tham gia học ghi chép lại, phổ biến trên mạng và sau đó được tập hợp thành cuốn sách nổi tiếng: Zero to One (bản dịch tiếng Việt: Không đến một). Đây là quyển sách mà bất kỳ ai muốn xây dựng một công ty khởi nghiệp, từ không có gì trở thành một doanh nghiệp to lớn và vĩ đại, đều cần phải đọc.
Những ai từng học qua môn kinh tế đều thuộc lòng một nguyên tắc: cạnh tranh là điều tốt, và xã hội phát triển nhờ sự cạnh tranh giữa những cá nhân và doanh nghiệp với nhau.
Peter Thiel đã lật ngược quan điểm trên khi cho rằng: độc quyền là tốt. Ông cho rằng các công ty muốn đi “từ không đến một”, từ một doanh nghiệp khởi đầu chỉ là ý tưởng đến một doanh nghiệp vĩ đại, cần phải trở nên độc quyền.
Ban đầu là việc độc quyền trong một thị trường rất nhỏ, một thị trường không ai để ý đến. Ví dụ như Facebook, công ty này bắt đầu từ một thị trường rất nhỏ là Đại học Harvard. Sau khi trở thành mạng xã hội độc quyền ở Harvard, Facebook mới mở rộng dần sang các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Họ chiếm vị thế độc quyền tại các trường đó. Tiếp theo, Facebook mở rộng sang toàn bộ các trường đại học của Mỹ và cũng trở nên độc quyền. Độc quyền ở các trường đại học Mỹ rồi, Facebook mới vươn ra toàn nước Mỹ và sau đó là toàn thế giới.
Peter Thiel đã sử dụng Google, Facebook, Paypal, Tesla… để dẫn chứng vị thế độc quyền của các công ty này.
Tôi có dịp kiểm chứng điều đó trong nhiều buổi thuyết trình cho sinh viên Việt Nam. Mỗi khi đặt câu hỏi “bạn nào trong lớp học không sử dụng Google và Facebook?”, tôi đều không nhìn thấy cánh tay nào đưa lên. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tìm được một số người không sử dụng Google và Facebook ở Việt Nam. Đó là thế hệ ông bà của tôi, những người không sử dụng Internet và không tiếp xúc với công nghệ.
Cần phải giải thích rõ, rằng khái niệm “độc quyền” mà Peter Thiel nói đến ở đây là chỉ việc tạo ra được một sản phẩm tuyệt vời đến mức rất nhiều người sử dụng, và nhờ đó công ty thu được lợi nhuận rất cao từ việc độc quyền của mình.
Một con số được sử dụng để đo lường mức độ độc quyền đó là biên lợi nhuận gộp (gross margin). Con số này càng cao chứng tỏ công ty càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc bán sản phẩm của mình. Biên lợi nhuận gộp của Google trung bình trong 13 năm vừa qua là 65%, của Facebook trung bình trong 10 năm qua là 82,3%. Với con số biên lợi nhuận gộp cao đến thế, bạn sẽ không ngạc nhiên khi Google và Facebook có rất nhiều tiền để thâu tóm các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Google đã mua Youtube, Facebook thì mua WhatsApp và Instagram. Thâu tóm các đối thủ tiềm năng từ khi còn trong trứng nước là một trong những chiến lược cần thực hiện để một công ty độc quyền bảo vệ vị thế độc quyền của mình.
Câu trả lời tùy vào góc độ nơi bạn đang đứng.
Nếu là một người chuyên tìm kiếm các công ty để đầu tư nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, những doanh nghiệp trên đích thị là các công ty độc quyền mang lại tỷ suất lợi nhuận cao cho bạn trong dài hạn.
Nhưng nếu là lãnh đạo của các công ty đó, hoặc là luật sư đang bào chữa các đơn kiện cáo buộc các công ty trên đang lạm dụng vị thế độc quyền để ngăn cản sự cạnh tranh (như vụ kiện đang diễn ra với Facebook), bạn sẽ tìm mọi cách để phủ nhận vị thế độc quyền đang có.
Bạn sẽ tìm cách chứng minh công ty mình có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, mặc dù trong thâm tâm bạn thừa biết rằng doanh nghiệp của bạn là công ty độc quyền. Đó là mục tiêu bạn đã nhắm đến khi xây dựng một doanh nghiệp đi từ không đến một. Thoát khỏi cạnh tranh và trở nên độc quyền là một chiến lược tốt mà bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn thành công đều phải trải qua.
Để trở nên độc quyền, Peter Thiel nói rằng doanh nghiệp cần phải sáng tạo ra một cái gì đó mà chưa ai từng nghĩ ra. Ông gọi đó là một bí mật. “Bí mật” trong bối cảnh này mang nghĩa “một sự thật quan trọng nhưng rất ít người đồng tình với bạn” (an important truth that very few people agree with you on).
Mọi người đều sử dụng Facebook để tạo trang cá nhân và kết nối với nhau – đó là một bí mật được Mark Zuckerberg khám phá ra và đã biến nó thành hiện thực. Giờ đây ai cũng thừa nhận sự thật đó.
Mọi người đều chạy xe Tesla trên đường phố – đó là một bí mật mà Elon Musk, người sáng lập ra Tesla, đang khám phá. Đã có nhiều người đồng tình với sự thật này của ông.
Mọi người sẽ đi du lịch lên sao Hỏa là một bí mật khác mà hiện tại, rất ít người đồng tình với Elon Musk. Nếu Musk thành công trong việc khám phá bí mật này và biến nó thành sự thật, SpaceX sẽ trở nên độc quyền và trở thành một công ty vĩ đại.
Có vị thế độc quyền đem đến phần thưởng rất lớn cho những ai dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro để khám phá những sự thật còn đang bị che dấu.
Đó là một câu hỏi cần phải được suy nghĩ thấu đáo.
Nếu ngay từ đầu nhà nước ngăn cản các công ty trở nên độc quyền, chúng ta sẽ không khuyến khích được các nhà khởi nghiệp ra sức khám phá các bí mật để tạo nên những doanh nghiệp vĩ đại như Google, Facebook, Microsoft, Amazon, hay trong tương lai sẽ là Tesla, SpaceX…
Nhưng khi đã có vị thế độc quyền, công ty đó sẽ dùng sức mạnh tài chính của mình ngăn cản sự trỗi dậy của các doanh nghiệp nhỏ khác, những người có khả năng đe dọa vị thế thống trị của họ. Ví dụ như Mark Zuckerberg đã nhìn ra được mối đe dọa từ WhatsApp đối với vị thế của Facebook và tìm cách thâu tóm từ sớm. Đó là quyết định sau này cho thấy sự đúng đắn cũng như tầm nhìn xa của Zuckerberg.
Nhà nước cần hạn chế việc các công ty lớn, có vị thế độc quyền thâu tóm các công ty khởi nghiệp mới nổi, từ đó sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp độc quyền trở nên quá lớn, thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước.
Các công ty luôn muốn trở nên độc quyền. Đó là một động lực tốt để xã hội phát triển. Nhà nước cần khuyến khích các công ty trở nên độc quyền, vì như vậy các doanh nghiệp sẽ sáng tạo ra những điều mà chưa ai trong xã hội nghĩ ra.
Tuy nhiên, khi trở nên quá lớn, các công ty độc quyền không còn nhiều khả năng sáng tạo. Họ chỉ tập trung dùng khả năng tài chính dồi dào để đi thâu tóm các doanh nghiệp khởi nghiệp đầy sáng tạo còn nhỏ nhưng đầy tiềm năng tăng trưởng.
Nhà nước cần đóng vai trò bảo vệ các công ty khởi nghiệp nhỏ, tạo điều kiện để các công ty nhỏ đó có khả năng trở thành một công ty độc quyền trong tương lai. Điều này có thể thực hiện bằng cách xây dựng các rào cản khó khăn, hạn chế việc các doanh nghiệp lớn thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Nếu nhà nước không ngăn chặn việc thâu tóm đó để bảo vệ sự sáng tạo, tình trạng cá lớn dư tiền nuốt chửng cá bé yếu thế sẽ diễn ra thường xuyên. Khi đó các doanh nghiệp độc quyền sẽ ngày càng củng cố vị thế thống trị của mình. Đến một lúc nào đó, chính các doanh nghiệp độc quyền quá lớn này sẽ quay trở lại chi phối nhà nước.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.