Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
“Chính trị bình dân” của Phạm Đoan Trang có thể hữu ích với mọi người. Kể cả dư luận viên.
Nếu bạn nghĩ rằng cuốn “Chính trị bình dân” chỉ dành cho những người đọc có sẵn tinh thần chống đối nhà nước (mà dân gian hay gọi sai là phản động), bạn nhầm. Trong cuốn sách để đời của mình, tác giả Phạm Đoan Trang cung cấp một cẩm nang chắc chắn là hữu ích cho một an ninh viên/ dư luận viên mới vào nghề, về cách để dập tắt một phong trào xã hội vừa mới chớm.
Dù mục đích là phá hoại hay xây dựng, đầu tiên cần biết phong trào xã hội là gì.
Phong trào xã hội trong tiếng Anh là “social movement”, nghĩa đen là những chuyển động trong lòng xã hội. Nếu chỉ hiểu như vậy thì thiếu mất một yếu tố quan trọng hình thành nên khái niệm phong trào trong khoa học chính trị, đó là tính có tổ chức.
Tác giả Đoan Trang cũng nhấn mạnh điều này trong cuốn sách của cô: phong trào xã hội không phải là những hành động tự phát. Ngược lại, đó là những hành động tập thể (collective action) có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch, nhằm đạt được một mục tiêu chung.
“Các bạn lưu ý: Phong trào xã hội không tự phát.”
Tác giả viết, không khỏi khiến tôi suy đoán rằng cô đã phải giải thích chuyện hiểu lầm này rất nhiều lần rồi.
Trong âm Hán-Việt, phong có nghĩa là gió, còn trào là từ chỉ thủy triều. Từ này dễ khiến ta liên tưởng đến gió mây bất định, và dễ quên rằng thủy triều lên hay xuống, mức độ thế nào, cường độ ra sao, là do biến chuyển thiên văn. Nguyên nhân chủ yếu trong đó là sự thay đổi lực hấp dẫn từ Mặt Trăng. Có thể nói nôm na, thủy triều là một “phong trào” do Mặt Trăng đứng sau chỉ đạo.
Video: Hàng chục nghìn người biểu tình phủ kín công viên Victoria ngày 18/8/2019. Đây là một trong những cuộc tụ họp đông nhất trong lịch sử biểu tình tại Hong Kong.
Phong trào xã hội dễ thấy nhất có lẽ là dưới dạng các cuộc biểu tình. Những người chán ghét biểu tình thường đánh đồng chúng với bạo loạn – một đám đông xô đẩy chen lấn mất trật tự chẳng ra thể thống gì cả.
Không phải vậy, biểu tình, theo đúng nghĩa của nó, là một hoạt động được điều phối, và chỉ là một hình thức thể hiện của phong trào xã hội. Đoan Trang gọi đó là một “tiết mục để hoạt động”, dịch từ chữ “repertoire” của Charles Tilly (1929 – 2008), một trong những nhà xã hội học có ảnh hưởng nhất nửa sau thế kỷ 20. Lý thuyết về phong trào xã hội của ông được trích dẫn dày đặc trong các nghiên cứu khoa học về chủ đề này.
Ông cho rằng có ba yếu tố cấu thành nên một phong trào xã hội. Một là chiến dịch vận động (campaign) kéo dài nhằm đưa yêu sách đến đối tượng cần thay đổi; hai là các tiết mục hoạt động (repertoire) như hội thảo, biểu tình, phát tờ rơi, kêu gọi ký tên, tọa kháng, cầu nguyện v.v…; và ba là sự thể hiện nhất quán trước công chúng để tạo dựng uy tín cho phong trào.
Nếu hiểu theo nghĩa rộng như vậy, Việt Nam không thiếu các phong trào xã hội mà ta có thể kể tên. Để lại kết quả ấn tượng nhất là phong trào vận động cho quyền của người LGBTQI+, nổi lên mạnh mẽ từ khoảng năm 2013 với chiến dịch Tôi đồng ý, góp phần thay đổi Luật Hôn nhân và Gia đình. Tiếp đến là phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015, được giới nghiên cứu và báo chí quốc tế mệnh danh là gương mặt đại diện của phong trào xã hội Việt Nam.
Ở nước ngoài, gây chú ý năm nay có Black Lives Matter, phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen ở Mỹ nổi lên mạnh mẽ sau cái chết của George Floyd. Bạn đọc Việt Nam cũng dành nhiều quan tâm cho các phong trào sinh viên ở châu Á, đơn cử như Hoa hướng dương ở Đài Loan (2014), Cách mạng Ánh nến ở Hàn Quốc (2013), phong trào Dù vàng (2014) và cả một mùa hè phản kháng kéo dài từ năm 2019 đến nay ở Hong Kong. Gần đây nhất còn có phong trào biểu tình của sinh viên Thái Lan, khi mà hàng chục nghìn sinh viên, học sinh xuống đường và đồng loạt giơ ba ngón tay lên trời, lấy cảm hứng từ bộ phim The Hunger Games. Các cuộc biểu tình càng về sau thì lực lượng tham gia càng trẻ, và họ sử dụng càng nhiều các “tiết mục” sáng tạo để truyền tải thông điệp của mình.
Các bạn đừng vội thấy đông người xuống đường thì nghĩ ngay là ô hợp hay tự phát. Đằng sau đó có thể có một hoặc nhiều nhạc trưởng, và họ có thể đang cùng chơi một bản nhạc.
Lưu ý lại: Phong trào xã hội không tự phát. Chính sự không tự phát đó khiến chúng trở nên nguy hiểm trong mắt nhà cầm quyền.
Dựa vào đâu để ta đánh giá sức ảnh hưởng của một phong trào xã hội? Đoan Trang một lần nữa nhắc lại khung lý thuyết của Charles Tilly. Theo đó, một phong trào sẽ có khả năng tạo thay đổi cao hơn nếu như nó thể hiện nhất quán trước công chúng một hình ảnh WUNC. Đó là chữ viết tắt của bốn yếu tố:
W – Worthiness: Sự xứng đáng, chính đáng
U – Unity: Sự đoàn kết
N – Number: Số lượng
C – Commitment: Sự cam kết, tinh thần dấn thân
Tức là, để một phong trào xã hội thành công thì những người làm phong trào phải thể hiện cho công chúng thấy rằng:
W – Họ xứng đáng được ủng hộ về mặt cá nhân, và sự nghiệp đấu tranh của họ là chính đáng. Chẳng ai muốn ủng hộ những người xấu làm những chuyện chẳng đáng gì.
U – Họ đoàn kết và kỷ luật. Chẳng ai thích một phong trào mà trong đó những người lãnh đạo còn kèn cựa, chê bai, nói xấu nhau.
N – Họ đông. Nếu không thu hút được một nhóm người đáng kể tham gia, khó có thể thuyết phục được những người ủng hộ mới.
C – Họ dấn thân và cam kết. Nếu không có những đại diện như vậy, công chúng khó mà tin được rằng phong trào sẽ đi được đến cùng.
Nếu WUNC là một bộ tiêu chí giúp một phong trào thành công thì đó cũng chính là những mục tiêu tấn công khi muốn một phong trào thất bại.
Đoan Trang minh họa cho việc này bằng cách phân tích chính những chiến thuật của lực lượng an ninh và dư luận viên khi đối phó với phong trào dân chủ mà cô là một trong những gương mặt đại diện.
“Không rõ an ninh và các dư luận viên có nghiên cứu lý thuyết của Charles Tilly hay không”, Đoan Trang viết, “nhưng những gì bọn họ viết, lập luận đều nhắm vào phá hủy bốn đặc điểm WUNC của phong trào dân chủ”. Có lẽ không ai đưa ra những ví dụ này tốt hơn Đoan Trang, một trong những cột thu lôi hứng chịu mọi sự thù ghét của chính quyền đối với những phong trào đối lập.
“Đấu tranh dân chủ gì chúng nó, toàn một lũ dân chủ cuội, mượn danh chống cộng để kiếm chút bơ thừa sữa cặn của ngoại bang, cờ vàng lưu vong” – đây là lập luận nhằm thuyết phục rằng những người đấu tranh cho dân chủ là không xứng đáng/ chính đáng (No Worthiness).
“Bọn dân chủ cắn xé nhau như chó với mèo” – không đoàn kết (No Unity).
“Quanh đi quẩn lại lần biểu tình nào cũng có từng ấy gương mặt cũ rích” – không đông đảo, không được lòng dân (No Number).
“Toàn một lũ anh hùng bàn phím, xe công an đến là chạy như vịt, vào đồn là nhận tội hết” – không có đủ cam kết và ý chí dấn thân (No Commitment).
Nếu bạn cũng như tôi, đã từng được nghe những lời công kích tương tự như thế này về phong trào dân chủ hay bất kì một phong trào nào khác, hãy cảnh giác. Đó có thể là những lập luận mang ý đồ phá hoại tính chính danh của một nỗ lực tập thể. Lần tới, nếu bạn lại nghe ai đó nói rằng bọn đi biểu tình là do được phát hai trăm nghìn, hãy nghi ngờ. Người cung cấp thông tin đó có phải đang khiến cho những người tham gia trở nên không xứng đáng (W) và thiếu ý chí dấn thân (C)?
Thử áp dụng khung lý thuyết WUNC để phân tích phong trào gây tranh cãi nhất ở Việt Nam trong năm nay: Đồng Tâm.
Có lẽ bạn đọc của Luật Khoa chưa quên, vụ đụng độ giữa lực lượng công an/ quân đội và người dân xã Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 là một sự kiện tang thương, khiến ít nhất bốn người thiệt mạng, hai người bị kết án tử và hàng chục gia đình lâm vào tình cảnh bi đát.
Đồng Tâm được coi là một phong trào xã hội, vì nó là một hoạt động tập thể có tổ chức, và có mục đích nhằm đòi lại quyền sở hữu khu đất mà họ cho là chính quyền đã lấn chiếm để xây dựng sân bay.
Phong trào này dù nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, nhưng cũng gây ra những nghi ngại lớn không kém. Một trong những nguồn cơn tạo ra sự nghi ngại chính là cách mà nhà nước tuyên truyền về phong trào, đặc biệt là qua chương trình Thời sự 19h phủ sóng toàn quốc trên VTV.
Tôi còn nhớ khi VTV phát phóng sự cho thấy người của nhóm Đồng Thuận hét thật to lời quyết tâm “giết từ 300 đến 500 thằng” (công an), gia đình tôi đang ăn tối. Các nhân vật miệng thì la lớn, tay thì chém vào không trung, mặt thì bị đánh dấu chữ X đỏ to tướng. Bố tôi xem xong lắc đầu, “thế này thì làm sao mà bênh được nữa”. Mẹ tôi cũng gật gù. Kể cả anh tôi. Đó là một đòn hiệu quả nhằm triệt hạ sự chính đáng (W) của phong trào và những người tổ chức phong trào.
Người dân Đồng Tâm chắc chắn mất đi nhiều sự ủng hộ sau khi đoạn clip đó được dẫn tràn ngập trên các trang báo của nhà nước. Họ không có cách nào để tranh biện cho mình trên VTV, họ không có chỗ. Chỗ của họ, nếu có, thì là một clip khác trong một chương trình thời sự khác, trong đó những người bị bắt, với gương mặt có dấu hiệu bị tra tấn, nói rằng họ làm thế là vì bị ông Kình xúi giục, họ hối hận rồi, và mong được khoan hồng. Đó lại là một chiêu bài khác để xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh đoàn kết (Unity) và dấn thân (Commitment) của những người trong nhóm tổ chức. Luận điệu của nhà nước gần như hoàn toàn thắng thế trong phiên tòa sau đó.
Tôi không định dành bài viết này để lật lại những nghi vấn trong các sản phẩm tuyên truyền này, bạn đọc có thể tìm lại các bài viết trước của Luật Khoa. Đồng Tâm được nhắc đến ở đây chỉ là một minh họa cho vô vàn các nỗ lực thay đổi khác, bị giết chết từ trong trứng nước bằng những con virus nghi kỵ được gieo vào lòng dân một cách có tổ chức. Có lẽ ta cũng nên gọi những nỗ lực bôi đen, hay đánh chữ X đỏ vào mặt dân chúng là một “phong trào” của hệ thống tuyên truyền. Không khó để hiểu rằng có người chỉ đạo dàn nhạc đó sau bức màn che.
Với tôi, “Chính trị bình dân” là một cuốn sách đáng giá, theo nghĩa là ngay cả khi tôi tưởng rằng mình đọc xong lâu rồi, mình biết hết cả những khái niệm bình dân đó rồi, thì một lần vô tình mở ra cũng đủ gợi suy tư và cảm hứng để viết được cả một bài dài hơn 2000 chữ mà bạn vừa mới đọc xong (cảm ơn bạn). Bạn cũng có thể làm như vậy.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.