Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 1

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 1
Trung Quốc phủ bóng lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: China Daily/ANN

Vào tháng 9/2020, Sophie Richardson, giám đốc phụ trách mảng Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), đã công bố báo cáo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu.

Báo cáo mô tả cách thức chính quyền Bắc Kinh đã lợi dụng các thiết chế quốc tế để áp đặt quan điểm của mình, tìm cách thay đổi toàn bộ luật chơi, gạt đi trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền không chỉ của họ mà còn của các chính phủ có thành tích bất hảo khác.

Những hậu quả nêu ra là lời cảnh báo để mọi quốc gia, đặc biệt là những thể chế dân chủ, cũng như các cộng đồng và tổ chức trên khắp thế giới, cần tỉnh táo và đoàn kết nhằm bảo vệ hệ thống nhân quyền quốc tế.

Luật Khoa dịch lại nguyên văn báo cáo này và đăng trong ba kỳ để bạn đọc tham khảo.

***

Nội dung chính của báo cáo

Việc chính phủ Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế mang lại lợi ích cho hệ thống nhân quyền toàn cầu? Đánh giá kỹ lưỡng những tương tác của nước này với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, quá trình theo đuổi sự phát triển bỏ mặc quyền con người, và các mối đe dọa đối với tự do ngôn luận trên toàn thế giới cho thấy, trên thực tế, câu trả lời là ngược lại.

Tại Liên Hợp Quốc, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng viết lại các quy tắc và thao túng những quy trình hiện hành – không chỉ để bản thân nước này, mà còn tạo điều kiện các quốc gia khác, thoát khỏi sự giám sát về các hành vi vi phạm nhân quyền của mình. Trung Quốc đã có thể tham khảo các quy chuẩn mới về việc tôn trọng nhân quyền trong phát triển, dùng nó làm chỉ dấu hướng dẫn cho những dự án như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB) và các ngân hàng phát triển quốc gia khác, nhưng họ đã không làm vậy.

Chính quyền Trung Quốc giờ đây xuất khẩu mô hình kiểm soát trong nước của mình ra khắp các cộng đồng ở nước ngoài, từ giới học thuật cho đến những cộng đồng dân cư hải ngoại và các doanh nghiệp toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 1/2017. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse

Báo cáo này trình bày chi tiết cách thức mà Trung Quốc sử dụng để nhào nặn các chuẩn mực và thông lệ trên toàn cầu, đồng thời cũng chỉ ra bước đi mà các chính phủ và tổ chức trên thế giới có thể thực hiện để đảo ngược các xu hướng trên, bao gồm việc hình thành các liên minh đa phương hợp tác lâu dài nhằm làm đối trọng với sự ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Các tổ chức học thuật không chỉ nên theo đuổi một chính sách minh bạch về các tương tác với các đối tượng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính quyền Trung Quốc, họ cũng cần cấp thiết ưu tiên bảo vệ quyền tự do học thuật của các sinh viên và học giả, gồm cả những người đến từ Trung Quốc lẫn những ai đang sống tại đó. Các công ty có các nghĩa vụ về nhân quyền và nên từ chối các yêu cầu kiểm duyệt.

Điều quan trọng không kém cần ghi nhớ: các chiến lược đánh lùi mối đe dọa từ chính phủ Trung Quốc đối với nhân quyền không nên gây hậu quả tiêu cực cho người dân trên khắp Trung Quốc, hoặc người gốc Hoa trên khắp thế giới; và việc đảm bảo các tiến bộ nhân quyền bên trong nước này cũng nên được ưu tiên.

Báo cáo này chỉ ra, việc các quốc gia và những thiết chế thất bại trong việc thực hiện các chiến lược ngăn chặn Trung Quốc đã cho phép chính quyền nước này tiếp tục làm xói mòn hệ thống nhân quyền phổ quát hiện có, và ngày càng xem thường các biện pháp trừng phạt.

Giới thiệu

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tham gia chủ động hơn vào các tổ chức của Liên Hợp Quốc cũng như các thế chế đa phương khác, bao gồm cả hệ thống nhân quyền toàn cầu. Nước này đã phê chuẩn một số hiệp ước nhân quyền cốt lõi của Liên Hợp Quốc, [1] đóng vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HRC), và đồng thời biệt phái các nhà ngoại giao Trung Quốc vào các vị trí trong hệ thống nhân quyền của tổ chức này. Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến ​​có thể ảnh hưởng đến quyền con người, như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với khẩu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế. Họ đã trở thành một nhân tố quan trọng toàn cầu trong các nền tảng truyền thông xã hội và học thuật.

Việc Trung Quốc, một trong những quốc gia quan trọng nhất trên thế giới, chủ động tham gia vào các vấn đề từ kinh tế đến thông tin trên trường quốc tế, nếu được củng cố bởi một cam kết nghiêm túc (mặc dù khó có thể xảy ra) giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của nước này về việc bảo vệ nhân quyền, có thể đã tạo ra sự thay đổi to lớn và tích cực. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. [2] Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc không chỉ tìm cách vô hiệu hóa sự giám sát của các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc đối với nước này, mà còn muốn làm điều tương tự đối với những vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các chính phủ khác. [3]

Bắc Kinh ngày càng theo đuổi một chính sách phát triển mặc kệ nhân quyền trên toàn thế giới (rights-free development), đồng thời cố gắng lợi dụng khai thác các kẽ hở trong những thể chế tự do của các nền dân chủ để áp đặt thế giới quan của họ và bịt miệng những tiếng nói chỉ trích nước này.

Chúng ta cần phải nhớ lại vì sao hệ thống nhân quyền quốc tế được sinh ra và tồn tại cho đến nay. Những ai được sống trong các thể chế dân chủ, được hưởng quyền tham gia chính trị, hưởng sự bảo vệ từ một nền tư pháp độc lập, được tiếp cận truyền thông tự do và các thiết chế dân chủ khác, lại càng phải nhớ lại vai trò tối quan trọng của hệ thống nhân quyền quốc tế. Nó được sinh ra là vì các nước thường lờ đi nghĩa vụ bảo vệ và có các hành vi xâm phạm quyền con người, đặc biệt là ở những quốc gia thiếu một hệ thống xử lý và giải trình trách nhiệm. Do đó, người dân phải khiếu kiện lên các tổ chức quốc tế vốn không bị chính phủ nước sở tại kiểm soát trực tiếp.

Bắc Kinh không còn chỉ bằng lòng trong việc từ chối trách nhiệm giải trình với người dân trong lãnh thổ Trung Quốc. Giờ đây, chính phủ nước này đang tìm cách tăng cường khả năng tương tự của các quốc gia khác ngay trong những tổ chức quốc tế được thiết kế để mang lại công lý trên thế giới, thứ mà người dân bên trong lãnh địa các quốc gia trên không thể đạt được. [4]

Trong giới học thuật và hệ thống báo chí, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ tìm cách ngăn chặn khả năng nghiên cứu hoặc đưa tin từ bên trong Trung Quốc, mà còn tại các trường đại học và tòa soạn trên khắp thế giới. Họ trừng phạt những học giả nghiên cứu hoặc viết về các chủ đề nhạy cảm. Lựa chọn phát triển mặc kệ nhân quyền mà nhà nước Trung Quốc tiến hành giờ đây trở thành công cụ chính sách đối ngoại được họ triển khai trên khắp thế giới.

Một người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát trấn áp trong các sự kiện phản kháng diễn ra vào tháng 6/2019. Ảnh: Kin Cheung/ AP.

Việc Bắc Kinh chống lại việc tuân thủ các yêu cầu đảm bảo sức khỏe công và thiết chế toàn cầu trong cuộc khủng hoảng COVID-19, [5] cũng như cách họ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế đối với vấn đề Hong Kong, [6] không nên được coi là những sự kiện bất thường. Đây là những ví dụ rõ ràng và đáng lo ngại về những hậu quả mà người dân trên toàn thế giới phải đối mặt, về một chính quyền Trung Quốc không chỉ ngày càng coi thường các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, mà còn tìm cách viết lại các quy tắc tác động đến việc thực thi nhân quyền trên khắp thế giới. Chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng việc thực thi nhân quyền ở các nước khác có thể đe dọa trực tiếp đến quyền lực của Đảng cộng sản, cho dù là qua các chỉ trích hay áp lực buộc Bắc Kinh phải có trách nhiệm trong các cam kết nhân quyền đã được thiết lập.

Trung Quốc và hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc

Vào tháng 6/2020, các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council – HRC) đã thông qua nghị quyết do Trung Quốc đề xuất về “hợp tác cùng có lợi” với 23 phiếu thuận, 16 phiếu chống, và 8 phiếu trắng. [7] Cuộc bỏ phiếu này đánh dấu nỗ lực kéo dài hai năm và làm lộ rõ các mục tiêu, cũng như chiến thuật của Bắc Kinh trong việc làm xói mòn các chuẩn mực thông qua các quy trình và quy tắc ngôn ngữ đã được thiết lập trước. Điều này đã tác động tiêu cực đến việc quy trách nhiệm đối với những vụ việc vi phạm nhân quyền.

Nỗ lực này trở nên rõ ràng vào năm 2018 khi chính phủ Trung Quốc đề xuất nghị quyết “đôi bên cùng có lợi” (win-win resolution), [8] nhằm thay thế ý tưởng buộc các chính quyền phải chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm nhân quyền. Nghị quyết đề xuất biện pháp thay thế trừng phạt bằng một cam kết “đối thoại” (dialogue), và bỏ qua vai trò của các tổ chức dân sự độc lập trong những phiên tố tụng của HRC. Khi được giới thiệu lần đầu tiên, một số quốc gia thành viên đã bày tỏ quan ngại về nội dung của nghị quyết này. Bắc Kinh sau đó thực hiện một số thay đổi cải tiến nhỏ trong nội dung nghị quyết. Cho rằng nghị quyết này sẽ không gây ra hậu quả thực tế nào vào thời điểm đó, các quốc gia đã thông qua nó với 28 phiếu thuận và một phiếu chống. Hoa Kỳ là thành viên duy nhất bỏ phiếu chống.

Nghị quyết mà Trung Quốc đề xuất vào tháng 6/2020 tìm cách chuyển đổi luật nhân quyền quốc tế thành vấn đề trong quan hệ giữa các nước, bỏ qua trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người, coi các quyền cơ bản của con người là đối tượng để thương lượng và thỏa hiệp, và không cho xã hội dân sự một vai trò có ý nghĩa nào.

Trước đó, vào tháng 3/2018, Trung Quốc đã đưa ra nghị quyết có nội dung sử dụng Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền, với hy vọng ủy ban này sẽ đưa ra nghiên cứu ủng hộ việc thông qua nghị quyết. Nhiều phái đoàn bày tỏ quan ngại, nhưng vẫn miễn cưỡng bỏ phiếu trắng để chờ kết quả nghiên cứu từ Ủy ban Tư vấn.

Ý đồ của Trung Quốc nhanh chóng trở nên rõ ràng: Họ đệ trình [9] lên Ủy ban Tư vấn văn bản tôn vinh nghị quyết của mình là “xây dựng một kiểu mẫu mới trong quan hệ quốc tế”. [10] Bản đệ trình cho rằng, vấn đề nhân quyền được sử dụng để “can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước khác, và “làm nhiễm độc môi trường quản trị nhân quyền trên toàn cầu”.

Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Trung Quốc đã thường xuyên phản đối những nỗ lực tại Hội đồng Nhân quyền nhằm yêu cầu các quốc gia chịu trách nhiệm cho các vi phạm nghiêm trọng về quyền con người, và bản đệ trình của nước này lại dùng ngôn từ theo kiểu “cái gọi là nhân quyền phổ quát” (so-called universal human rights). Điều đáng khích lệ là đã có 16 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết tai hại này vào tháng 6/2020, so với chỉ một phiếu chống vào năm 2018. Điều này báo hiệu mối lo ngại ngày càng gia tăng trên toàn cầu đối với cách tiếp cận mạnh tay và hung hăng của Trung Quốc về vấn đề “hợp tác”.

Tuy nhiên, việc nghị quyết trên được thông qua đã phản ánh mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra lên hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Vào năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) đã cung cấp tư liệu chứng minh việc Trung Quốc thao túng các quy trình điều tra của Liên Hợp Quốc, quấy rối và đe dọa không chỉ những nhà hoạt đồng nhân quyền từ nước này mà còn cả các chuyên gia và nhân viên nhân quyền của tổ chức HRW, đồng thời những nỗ lực thành công của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự tham gia của các tổ chức dân sự độc lập – bao gồm cả những tổ chức không hề hoạt động ở Trung Quốc. [11]

Vào năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review – UPR) lần thứ ba – là một quá trình nhằm đánh giá hồ sơ nhân quyền của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Mặc dù, hoặc có lẽ là bởi vì kể từ phiên kiểm điểm trước, chính quyền Trung Quốc mở một cuộc tấn công khác thường vi phạm các quyền con người, nên giờ đây các nhà ngoại giao nước này không chỉ dừng lại ở một số mánh khóe cũ. Những mánh này bao gồm cung cấp thông tin sai lệch trắng trợn tại phiên kiểm điểm, làm ngập bục phát ngôn với danh sách dài những quốc gia thân cận hữu hảo với mình, cũng như các tổ chức xã hội dân sự điều hành bởi chính phủ, đồng thời thúc ép chính phủ các nước khác nói tốt về Trung Quốc.

Lần này, Trung Quốc đồng thời gây áp lực buộc các quan chức Liên Hợp Quốc loại bỏ báo cáo của một nhóm khảo sát quốc gia ra khỏi tài liệu của UPR (trớ trêu thay, đó là một báo cáo tích cực về hồ sơ nhân quyền của chính phủ Trung Quốc), [12] gây sức ép lên các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organization of Islamic Cooperation), buộc họ phát biểu tích cực về cách nước này đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đồng thời cảnh báo các chính phủ khác không tham dự một hội thảo về chủ đề Tân Cương.

Người Hồi giáo tại Tân Cương bị giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung. Ảnh: 新疆司法行政

Cho đến nay, Trung Quốc đã bỏ ngoài tai và ngăn chặn những lời kêu gọi của cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc và một số quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HRC) cho một cuộc điều tra độc lập về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, khu vực tự trị ở Trung Quốc, nơi ước tính có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo Turk (Turkic Muslims) đang bị giam giữ tùy tiện. [13] Thông thường, với những vi phạm ở mức độ này, các thủ tục đòi hỏi và truy trách nhiệm trên thực tế đã được tiến hành từ lâu. Nhưng sức mạnh của Trung Quốc lớn đến mức trong ba năm sau cuộc khủng hoảng Tân Cương, vấn đề này vẫn chưa có bao nhiêu tiến triển.

Vào tháng 7/2019, chính phủ của hơn 20 quốc gia – mặc dù không muốn xuất hiện công khai trên bục diễn đàn – đã gửi một lá thư cho chủ tịch Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy một cuộc điều tra đối với Trung Quốc. [14] Trung Quốc đã đáp trả bằng một bức thư có chữ ký của 37 quốc gia phản đối, chủ yếu là các nước đang phát triển với hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Vào tháng 11, một nhóm cũng bao gồm các quốc gia trên đã đưa ra một tuyên bố tương tự tại Ủy ban thứ ba của Liên Hợp Quốc; [15] lần này Trung Quốc đã đáp trả bằng bức thư với chữ ký của 54 quốc gia. [16]

Bắc Kinh cũng muốn đảm bảo rằng các cuộc thảo luận về nhân quyền trên phạm vi rộng hơn chỉ diễn ra thông qua các cơ quan nhân quyền ở Geneva, chứ không phải các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an. Trung Quốc cho rằng chỉ HRC mới có thẩm quyền thẩm tra nước này – đây cũng là một cách thuận tiện để cố gắng hạn chế các cuộc thảo luận đối với những vi phạm nghiêm trọng nhất. Vào tháng 3/2018, Trung Quốc phản đối một thông cáo ngắn của Cao ủy Nhân quyền Hội đồng Bảo an lúc đó là Zeid Ra’ad al Hussein về vấn đề Syria; [17] và vào tháng 2/2020, nước này đã chặn một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an về thảm trạng của người dân tộc Rohingya ở Myanmar. [18]

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc, thường được gọi là “báo cáo viên đặc biệt” (special rapporteurs), có vai trò quan trọng đối với các đánh giá và trách nhiệm giải trình của các quốc gia thành viên tổ chức này về các vấn đề nhân quyền. Một trong những công vụ phổ biến của họ là đến khảo sát các nước, nhưng Trung Quốc đã từ chối sắp xếp các chuyến khảo sát của nhiều báo cáo viên đặc biệt – bao gồm cả những báo cáo viên có nhiệm vụ điều tra các trường hợp bắt giữ tùy tiện, hành quyết hoặc giới hạn tự do ngôn luận. [19]

Thay vào đó, Trung Quốc lại cho phép các chuyên gia điều tra về những vấn đề mà nước này cho rằng mình sẽ xử lý tốt, như quyền tiếp cận lương thực vào năm 2012; cho phép một nhóm công tác điều tra về vấn đề phân biệt đối xử với phụ nữ vào năm 2014; và một chuyên gia độc lập điều tra về tác động của nợ nước ngoài vào năm 2016. [20] Năm 2016, Trung Quốc cho phép chuyến thăm của Philip Alston, khi đó là báo cáo viên đặc biệt về vấn đề nghèo đói và nhân quyền; Alston sau đó đã phải đã kết thúc sớm chuyến khảo sát của mình, khi chính quyền theo dõi ông và đe dọa những người mà ông nói chuyện. [21] Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc chỉ cho phép một chuyên gia độc lập đến điều tra về quyền của người cao tuổi vào cuối năm 2019.

Trung Quốc cũng tiếp tục ngăn chặn sự hiện diện của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại nước này. Trong khi ở Trung Quốc có hơn 20 cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc, các cơ quan này hiếm khi thực thi vai trò của mình trong việc thúc đẩy quyền con người.

Vào cuối tháng 6/2020, 50 báo cáo viên đặc biệt hiện và từng làm việc tại Liên Hợp Quốc – nhóm chuyên gia độc lập có ảnh hưởng nhất trong hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc – đã đưa ra một bản cáo trạng đáng lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi có hành động gấp rút. [22] Các chuyên gia này tố cáo chính phủ Trung Quốc “trấn áp tập thể” đối với các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng; đàn áp biểu tình và bao che cho hành vi lạm dụng vũ lực của cảnh sát ở Hong Kong; kiểm duyệt và trả thù các nhà báo, nhân viên y tế và những cá nhân tìm cách lên tiếng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát; đồng thời đàn áp những nhà đấu tranh nhân quyền trên khắp Trung Quốc. Các chuyên gia cũng kêu gọi triệu tập một phiên họp đặc biệt về Trung Quốc và bổ nhiệm một chuyên gia phụ trách riêng về nước này, đồng thời yêu cầu các cơ quan và chính phủ Liên Hợp Quốc thúc ép Trung Quốc đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cao ủy nhân quyền, và Hội đồng Nhân quyền sẽ trả lời như thế nào trước kiến nghị này.

Bất chấp một hồ sơ nhân quyền tồi tệ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ được bầu lại vào Hội đồng Nhân quyền vào tháng 10/2020 [người dịch: thực tế đã diễn ra đúng vậy]. Vào thời điểm hiện tại, không có một tập hợp đủ mạnh các quốc gia quan ngại sẵn sàng cam kết làm đối trọng với Trung Quốc trong cả hai vấn đề trên. Vì thế, người dân trên khắp Trung Quốc cũng như những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ hệ thống nhân quyền quốc tế để yêu cầu các chính phủ vi phạm phải bồi thường và có trách nhiệm giải trình, tất cả đều đang phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng.

***

Tham khảo

[1] “UN Treaty Body Database: China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner.

[2] Kenneth Roth, “China’s global threat to human rights,” (Washington, DC: Human Rights Watch, 2020).

[3] “The Costs of International Advocacy: China’s Interference in United Nations Human Rights Mechanisms,” (New York: Human Rights Watch, September 5, 2017); Ted Piccone, “China’s long game on human rights at the United Nations,” (Washington, DC: The Brookings Institution, September 2018).

[4] Ted Piccone, “China’s long game on human rights at the United Nations.”

[5] Sarah Zheng, “Why is China resisting an independent inquiry into how the pandemic started?,” South China Morning Post, May 16, 2020.

[6] “Hong Kong: Beijing threatens draconian security law,” Human Rights Watch, May 2, 2020.

[7] “States should oppose China’s disingenuous resolution on ‘mutually beneficial cooperation,’” Human Rights Watch, June 16, 2020.

[8] John Fisher, “China’s ‘win-win’ resolution is anything but,” Human Rights Watch, March 5, 2018.

[9] “The role of technical assistance and capacity-building in fostering mutually beneficial cooperation in promoting and protecting human rights,” United Nations Human Rights Council.

[10] Andrea Worden, “China’s win-win at the UN Human Rights Council: Just not for human rights,” Sinopsis, May 28, 2020.

[11] “UN: China blocks activists, harasses experts,” Human Rights Watch, September 5, 2017.

[12] “UN: China responds to rights review with threats,” Human Rights Watch, April 1, 2019.

[13] “UN: Rights body needs to step up on Xinjiang abuses,” Human Rights Watch, March 12, 2020.

[14] “UN: Unprecedented joint call for China to end Xinjiang abuses,” Human Rights Watch, July 10, 2019.

[15] Sophie Richardson, “Unprecedented UN critique of China’s Xinjiang policies,” Human Rights Watch, November 14, 2019.

[16] Louis Charbonneau, “China’s great misinformation wall crumbles on Xinjiang,” Human Rights Watch, November 20, 2019.

[17] “Procedural vote blocks holding of Security Council meeting on human rights situation in Syria, briefing by High Commissioner,” United Nations, March 19, 2018.

[18] “UN fails to take action on order against Myanmar on Rohingya,” Al Jazeera, February 4, 2020.

[19] “View country visits of special procedures of the Human Rights Council since 1998: China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner; “Thematic Mandates,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner.

[20] “Human rights by country: China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner.

[21] “Report of the Special Rapporteur on extreme poverty and human rights on his mission to China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner; Philip Alston, “End-of-mission statement on China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner, August 23, 2016.

[22] “UN experts call for decisive measures to protect fundamental freedoms in China,” United Nations Human Rights Office of the High Commissioner, June 26, 2020.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.