Đảng Cộng sản Việt Nam “dân chủ” hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào?

Sự khác biệt nằm ở vị thế của ban chấp hành trung ương đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam “dân chủ” hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào?

Hầu hết các đảng cộng sản còn đang hoạt động ngày nay đều dựa trên mô hình Đảng Cộng sản Xô Viết, dù ít hay nhiều.

Trước tiên, hệ thống khởi nguồn với quyền lực số đông của đại hội đảng toàn quốc (Party National Congress). Đại hội này sau đó bầu chọn ra một nhóm thiểu số được gọi là ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (Central Committee – gọi tắt là trung ương đảng).

Về mặt lý thuyết, ban chấp hành trung ương sẽ là cơ quan quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng về đường lối cũng như nhân sự trong tổ chức đảng cộng sản. Song, các cơ quan thường trực do cơ quan này bầu ra lại có những đặc quyền nhất định, và hoàn toàn có thể vượt quyền của chính ban chấp hành trung ương, tùy theo thời kỳ.

Những cơ quan này bao gồm bộ chính trị (Political Bureau hay Politburo), ban bí thư (Secretariats) hoặc một cơ quan khá đặc trưng của Đảng Cộng sản Xô Viết là Bộ Dân ủy Nội vụ (Organisational Bureau).

Vậy, liệu có phải cơ cấu quyền lực của bất kỳ đảng cộng sản nào cũng sẽ gần giống nhau? Lịch sử phát triển riêng biệt của từng đảng, như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có ảnh hưởng như thế nào? Bài viết này hy vọng giúp bạn đọc có thêm thông tin về sự khác biệt cơ bản giữa hai đảng phái chính trị “anh em cây khế” này.

Những cuộc đối đầu giữa trung ương đảng và bộ chính trị

Nhiều người thừa nhận như lẽ thường rằng Bộ Chính trị là tâm điểm quyền lực của cả ĐCSVN và ĐCSTQ. Tuy nhiên, điều lệ đảng của hai người anh em này có nhiều khác biệt.

Hai lãnh đạo của hai đảng cộng sản. Ảnh chụp trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Điểm đáng chú ý trước tiên là Trung ương ĐCSTQ được yêu cầu chỉ họp một năm một lần, kể từ khi Đặng Tiểu Bình cải tổ và tái thể chế hóa bộ máy chính trị. Nhiều tác giả Trung Quốc khẳng định rằng việc giới hạn mức độ hội họp của Trung ương ĐCSTQ là có chủ đích, nhằm giới hạn quyền lực của cơ quan này hết mức có thể.

Áp lực dân chủ hóa trong nội bộ đảng này không phải là nhỏ, và cũng không phải mới đây, nhưng vì nhiều lý do, những đề xuất này đều không thành công. Có thể cho rằng, Trung ương ĐCSTQ chỉ có vai trò ở hậu trường, nếu so với nhân vật chính là Bộ Chính trị.

Quy định tại Việt Nam có điểm khác biệt. Theo điều 16 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải họp ít nhất hai lần một năm.

Việc ban chấp hành trung ương họp nhiều hơn một lần dường như không nói lên gì nhiều về cơ cấu quyền lực của hai đảng, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các vấn đề quan trọng đều cần đến quyết định của cơ quan này. Nếu so sánh tổng số lần họp và ra nghị quyết của cơ quan trung ương đảng ở hai quốc gia, đặc biệt tính từ lúc phe Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp gấp đôi cơ quan đồng cấp của nước láng giềng.

Ví dụ, chỉ trong năm 2016, Trung ương ĐCSVN phải tổ chức hội nghị đến bốn lần, với các nội dung quan trọng như xác định lại quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; quy định thi hành Điều lệ Đảng; quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đây đều là những cuộc họp quan trọng giúp cho khối liên minh chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng giành thế thượng phong, mở đầu cho chiến dịch “chống tham nhũng” nổi tiếng của ông trong những năm gần đây.

Một đặc điểm khác cũng được nhiều tác giả quốc tế chú ý khi so sánh hai đảng là số lần các nghị quyết của cơ quan trung ương đảng được viện dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật chính thức.

Theo thống kê của ba tác giả Regina Abrami (Harvard), Edmund Malesky (Chicago) và Yu Zheng (Connecticut), tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành viện dẫn nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Việt Nam khá cao, trung bình lên đến 23%. Trong khi đó, tỷ lệ này thuộc cơ quan đồng cấp ở Trung Quốc chỉ vỏn vẹn ở mức 5,5%.

Con số thống kê này cho thấy tầm ảnh hưởng trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN lên quá trình xây dựng chính sách. Sự chênh lệch đến hơn 17 điểm phần trăm cũng là dấu hiệu cho thấy Trung ương ĐCSVN có vai trò lớn hơn cơ quan đồng cấp Trung Quốc, ít nhất là về mặt cơ sở lập pháp.

Bảng so sánh quyền lực của cơ quan trung ương của ĐCSTQ và ĐCSVN qua hai tiêu chí: số lần họp và tỉ lệ văn bản quy phạm pháp luật có trích dẫn nghị quyết của cơ quan này. Nguồn: Nghiên cứu của Abrami, Malesky và Zheng (2008).

Sự khác biệt về thực quyền của Trung ương ĐCSTQ và ĐCSVN không chỉ dừng lại ở những con số. Trong một số sự kiện chính trị cụ thể, quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN cũng thể hiện rõ ràng hơn.

Chẳng hạn, vào năm 1997, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười quyết định nghỉ hưu trước khi kết thúc nhiệm kỳ, người thay thế ông này là Lê Khả Phiêu được lựa chọn sau một kỳ họp bất thường của toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cách làm này trái ngược hoàn toàn với trường hợp của Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) ở Trung Quốc. Việc tìm người thay thế hai vị này ngồi vào ghế tổng bí thư là chuyện riêng của các cuộc họp kín thuộc Bộ Chính trị ĐCSTQ. Các cuộc họp này còn có mặt nhiều “lão thành cách mạng” đã về hưu, vốn không có vai trò trong việc quyết định thế hệ lãnh đạo kế tiếp, theo điều lệ của đảng này.

Không chỉ vậy, trong năm 2001, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN thậm chí phủ quyết việc để Lê Khả Phiêu tiếp tục nắm chức danh tổng bí thư theo đề nghị của Bộ Chính trị. Thay vào đó, họ bầu Nông Đức Mạnh, lúc đó đang là chủ tịch quốc hội Việt Nam, vào ghế nóng.

Năm 2006, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn viết một lá thư ngỏ cho Bộ Chính trị về việc tôn trọng trí tuệ tập thể và quyết định dân chủ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không biến Bộ Chính trị trở thành “cơ quan cấp trên”.

Về phía Trung Quốc, chưa từng có trường hợp nào mà Trung ương Đảng trực tiếp và thẳng thừng phản đối đề xuất của Bộ Chính trị.

Cho đến nay, không ít người đặt câu hỏi liệu Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN có còn có thực quyền so với Bộ Chính trị không, hay đã tiếp bước theo dấu chân của người anh cả phương Bắc.

Theo người viết, vẫn có lý do để tin rằng sự cạnh tranh mang tính truyền thống giữa 176 ủy viên đại diện cho nhiều phe nhóm và trường phái khác nhau bên trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN còn tồn tại.

Con đường lịch sử của hai chính đảng

Vậy lý do của sự khác biệt giữa ĐCSVN và ĐCSTQ là gì? Nhiều học giả thường nghĩ đến lịch sử phát triển của hai chính đảng.

Đối với Trung Quốc, dù Mao Trạch Đông được xem là lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ trong một thời gian dài, sự cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái trong nội bộ đảng này vẫn luôn diễn ra quyết liệt, cho đến khi Đặng Tiểu Bình lập lại trật tự theo ý muốn của mình.

Trước tiên, các chính sách cải cách chính trị và kinh tế sau những hệ quả nghiêm trọng mà phe Mao để lại được ban hành từ trên xuống, mà cụ thể là từ Bộ Chính trị. Trong thời điểm các cơ quan chính trị cơ sở của Đảng gần như rệu rã và lạc lối trên khắp quốc gia, sự định hướng từ trên xuống khiến cho mọi việc có vẻ dễ dàng và dễ thực hiện hơn. Việc này làm tăng tính chính danh cho một số ít cá nhân quyền lực trong Bộ Chính trị.

Không chỉ vậy, sự kiện Thiên An Môn làm xuất hiện thêm tranh cãi giữa các nhóm “chơi rắn” và “chơi mềm” đối với người biểu tình. Các cuộc tranh cãi càng khiến Đặng Tiểu Bình và nhóm chóp bu mong muốn tập trung quyền lực hơn nữa để hạn chế các cuộc thảo luận số đông của cơ quan Trung ương Đảng – điều mà họ xem là một sự cản trở đối với quá trình ra quyết định nhanh chóng và thực thi chính sách hiệu quả.

Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình năm 1959. Ảnh: Kyodo News/ Associated Press.

Với việc Đặng Tiểu Bình chính thức thành công trong việc lựa chọn tổng bí thư mà không cần đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng (một việc vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng), quyền lực chính trị tại Trung Quốc dần được thu về tay thiểu số.

Từ năm 1989, ba vị trí trong cỗ xe tam mã (troika) trong cơ cấu quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc là tổng bí thư Đảng Cộng sản, chủ tịch nhà nướcchủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc có truyền thống chỉ do một người nắm giữ, lần lượt là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và nay là Tập Cận Bình.

Trước Đại hội Đảng lần thứ 7 vào năm 1991, có thể nói mô hình troika tại Việt Nam không khác mấy với Liên Xô. Tổng bí thư có vị trí trung tâm trong trong ban bệ quyền lực với tầm ảnh hưởng quan trọng tới chính sách và định hướng chính trị, chủ tịch hội đồng bộ trưởng là người đứng đầu nhánh hành pháp với nghĩa vụ thi hành và bảo đảm định hướng của Đảng, và cuối cùng là chủ tịch nước, chức danh thường mang ý nghĩa tượng trưng.

Tuy nhiên, ba chức danh tổng bí thư, thủ tướng chính phủ và chủ tịch nước này có ý nghĩa quyền lực “tam mã” thật sự trong bộ máy chính trị Việt Nam đương đại.

Điều gì đã xảy ra?

Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sau thời kỳ kinh tế vĩ mô, vi mô lẫn đồng thuận xã hội quá tồi tệ, một số lãnh đạo cấp cao trong nội bộ Đảng như Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt mong muốn thúc đẩy nhiều cải cách quan trọng. Một trong những điều đầu tiên họ làm là đa dạng hóa và biến Trung ương Đảng trở thành một tổ chức có thực quyền hơn, trong tương lai sẽ là nền tảng đồng thuận của những cải cách mới mà họ đề xuất.

Thành công đầu tiên là tăng cường số lượng thành viên của cơ quan này. Bắt đầu từ năm 1986, trong Đại hội 6, các lãnh đạo Đảng tại địa phương bắt đầu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, từ đó phô trương một lực lượng đông đảo ủng hộ cải cách kinh tế – chính trị theo định hướng thị trường.

Đến Đại hội 7, Võ Văn Kiệt tiếp tục thành công trong việc thuyết phục nội bộ Đảng cấp tư cách ủy viên chính thức cho các đại diện địa phương, từ đó tăng cường quyền lực đầu phiếu của lãnh đạo địa phương và đẩy tỷ lệ phiếu bầu địa phương lên mức đa số.

Ông Võ Văn Kiệt là người chủ trương tăng quyền cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: TTXVN.

Hiển nhiên, mong muốn của phe cải cách chỉ có thể thực hiện một cách tương đối suôn sẻ sau khi bốn biểu tượng còn lại của Đảng Cộng sản từ thời chống thực dân – đế quốc gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Trường Chinh qua đời. Điều này để lại một khoảng trống quyền lực lớn, tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của phe cải cách.

Theo nhiều nghiên cứu, trước Đại hội 7 của ĐCSVN, có hai phe nhóm trỗi dậy và trở thành thế lực kình địch của nhau.

Đầu tiên là nhóm của các lãnh đạo trung ương cũ, các nhà lý thuyết Marx, vốn tìm được tiếng nói chung dưới ngọn cờ của Tổng bí thư Đỗ Mười.

Nhóm thứ hai, như chúng ta đã nói, là các lãnh đạo kỹ trị, có xu hướng hiện đại hóa và xuất thân từ hoạt động đảng cấp cơ sở, như Võ Văn Kiệt và đồng minh của mình trong miền Nam là Phan Văn Khải.

Đến năm 1990, một nhóm khác cũng mong muốn tham gia vào việc xác định mô hình quyền lực, dẫn đầu là Lê Đức Anh, tổng chỉ huy của lực lượng Việt Nam ở chiến trường Campuchia vừa về nước. Ông muốn tăng cường vai trò của quân đội trong quản trị nhà nước, ủng hộ cải cách kinh tế, nhưng cũng muốn kiểm soát tốc độ của nó.

Trong Đại hội 7, sau khi ba nhóm này thỏa hiệp, truyền thống quyền lực mới của ĐCSVN hình thành. Cả ba phe đều có những quyền lực đặc trưng và được pháp điển hóa trong Hiến pháp 1992 – thành quả quan trọng nhất của sự thỏa hiệp. Đỗ Mười tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư, Võ Văn Kiệt trở thành thủ tướng và Tướng Lê Đức Anh kế nhiệm ghế chủ tịch nước.

***

Lê Khả Phiêu từng kỳ vọng có thể nắm giữ chức danh chủ tịch nước, đồng thời với cương vị tổng bí thư vào năm 1996, tiến đến thống nhất quyền lực nhà nước tương tự như Trung Quốc, song nỗ lực này không thành công. Vì vậy, khi ông Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn cả hai chức danh nói trên, bắt đầu có những lo ngại rằng một mô hình cấu trúc quyền lực kiểu Trung Quốc đang được hình thành tại Việt Nam. Lo ngại đó không phải là không có cơ sở.

Thêm vào đó, cũng ít có căn cứ để so sánh liệu mô hình “tam mã” Việt Nam hay mô hình “độc quyền” Trung Quốc thì tốt hơn. Một số học giả nhận định rằng việc đưa ra quyết định thông qua số đông của một cơ quan lớn như ban chấp hành trung ương đảng sẽ khiến cho các quyết định cuối cùng mang tính thỏa hiệp cao, ít có khả năng bị cực đoan hóa, và từ đó giảm thiểu bất bình đẳng. Số khác lại cho rằng những quyết định thỏa hiệp, thiếu định hướng tại cơ quan trung ương đảng chỉ phục vụ cho các nhà chính trị tư lợi, đặc biệt trong môi trường chính trị độc đảng ở Việt Nam.

Suy cho cùng, dù Đảng Cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc “dân chủ” hơn, cũng không thật sự có “người dân” trong đó.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.