Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Từ trang nhất nổi tiếng nhất trong lịch sử đến sự bừng tỉnh của nhà báo và giới trí thức
Cách đây 123 năm, một nhà báo người Pháp đã hy sinh sự nghiệp của mình để bảo vệ sự thật. Ông đi vào lịch sử báo chí thế giới như là người xác lập tiêu chuẩn đạo đức cho những người hành nghề này.
Tên ông là Émile Zola, nhà báo, nhà văn nổi tiếng hàng đầu nước Pháp vào thế kỷ 19.
Chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” kỳ này sẽ giới thiệu với bạn đọc câu chuyện của một người làm báo dấn thân cách đây hơn một thế kỷ.
Năm 1898, Cơ quan tình báo Pháp tìm thấy dấu hiệu có người tuồn thông tin mật của quân đội cho Đại sứ quán Đức. Alfred Dreyfus, một sĩ quan quân đội người Pháp gốc Do Thái, bỗng dưng bị kết tội mà không có bằng chứng nào cụ thể. Đó là thời mà tư tưởng bài Do Thái đang lên cao ở châu Âu. Dreyfus bị kết tội gián điệp và đày ra đảo.
Georges Picquart, một điều tra viên, sau khi tìm hiểu lại các bằng chứng đã chỉ ra rằng người phạm tội là một sĩ quan khác tên Ferdinand Walsin Esterhazy. Ông báo cáo chuyện này với cấp trên. Tuy vậy, thông tin này chẳng những không giúp Dreyfus được minh oan, nó còn khiến Picquart gặp rắc rối. Các quan chức phụ trách vụ án ngụy tạo bằng chứng để kết tội Dreyfus trong một phiên xử kín. Gián điệp thực sự được tuyên vô tội, trong khi điều tra viên tìm ra sự thật bị bắt giữ vì vi phạm quy định giữ bí mật nghề nghiệp.
Émile Zola, lúc đó là nhà báo nổi tiếng nhất nước Pháp, không thể chịu được bất công đó. Ông viết một bài 4.000 chữ cáo buộc quân đội và chính quyền Pháp che giấu sự thật. Ông quyết tâm bảo vệ sự vô tội của Dreyfus. Tòa soạn nhật báo L’Aurora khi nhận được bài viết đã quyết định đăng nó trên trang nhất, như một bức thư công khai gửi thẳng đến tổng thống Pháp lúc bấy giờ. Nhan đề của bài viết này là “Tôi tố cáo” (J’accuse!).
“Vụ án Dreyfus đáng hổ thẹn là một vết bùn đen trên danh tiếng của ngài!… Tôi sẽ nói sự thật, vì tôi đã thề rằng sẽ công bố sự thật nếu như các thiết chế có thẩm quyền trong vụ án này không công bố hoàn toàn sự thật. Tôi có trách nhiệm phải nói ra, vì tôi không muốn là một trong những kẻ đồng lõa gây ra tội ác này. Hình ảnh một người vô tội, bị tra tấn dã man vì một tội lỗi mà anh ta không gây ra, sẽ ám ảnh tôi hằng đêm.”
Zola biết rằng ông có thể bị kết tội lăng mạ khi bức thư được công bố. Nhưng ông cố tình làm vậy để đưa vụ việc của Dreyfus ra công luận. Zola quả là đã bị đưa ra tòa sau đó, nhưng ông kịp bỏ trốn sang Anh.
Trong khi đó, bức thư của ông đã khởi đầu một cuộc chiến pháp lý kéo dài đến tận năm 1906. Cuối cùng, sau tám năm, Dreyfus được tuyên vô tội.
Émile Zola không kịp nhìn thấy thành quả của mình. Ông qua đời trước đó bốn năm do bị ngạt khí trong nhà. Có nhiều giả thuyết về cái chết này, nhưng những người ủng hộ ông tin đó là một âm mưu ám sát. Cái chết bí ẩn của Zola đã khiến cho giới trí thức bừng tỉnh, và phong trào đòi công lý cho Dreyfus càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Bức thư của Zola năm 1898 được xem là trang nhất nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí hiện đại. Hành động can đảm lên tiếng để bảo vệ sự thật của ông còn xác lập tiêu chuẩn đạo đức cho các nhà báo và trí thức.
Từ sau Zola, các nhà báo và trí thức được kỳ vọng phải tham gia vào chính trị như là cách thể hiện sự quan tâm đến các giá trị tốt đẹp nói chung.
Cuộc đấu tranh chứng minh Dreyfus vô tội mà Émile Zola khơi mào cũng đã góp phần chuyển biến nước Pháp, vốn vẫn còn tàn dư của chế độ quân chủ và tư tưởng bài Do Thái, trở thành một nước dân chủ, một nền cộng hòa bao dung với những tư tưởng khác biệt hơn.
Câu chuyện này được kể trong một bài tiểu luận thuộc tuyển tập mang tên “Quyền được nói” (The Right to Tell), do tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank) phát hành vào năm 2002. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt và công bố miễn phí trên website của World Bank. Nó là một phần trong nỗ lực của tổ chức này để thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả trong quản trị nhà nước tại Việt Nam.
Sách tập hợp 19 tiểu luận của 19 tác giả khác nhau trên khắp thế giới, thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề: nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, nhà báo. Trong số đó có Joseph Stiglitz, nhà kinh tế được trao giải Nobel; có Gabriel García Márquez, nhà văn đạt giải Nobel, hội viên của một hội nhà báo độc lập ở Colombia.
Tuyển tập còn có nhiều tác giả đại diện của các tổ chức báo chí độc lập, nhỏ, khiêm nhường, từ các quốc gia ít khi được nhắc đến như Zimbabwe, Đảo Síp, Ai Cập… Họ viết để kể lại hành trình gian nan tự do hóa báo chí ở nước mình, và về những tác động tích cực của quá trình này, không chỉ trên phương diện quyền của người dân, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả đất nước.
Tất cả các bài viết, qua nhiều cách thức, dưới nhiều góc nhìn, bằng nhiều luận điểm, cùng truyền đạt một niềm tin giản dị: nếu nhà báo được nói, đất nước sẽ tiến lên. Vì thế, quyền tự do báo chí không nên là một điều xa xỉ.
Bên cạnh đó, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt là những quyền cơ bản của bất kỳ con người nào. Báo chí là công cụ để thể hiện những quyền tự do trên. Vậy nên, tự do báo chí chính là quyền tự do cất lên tiếng nói của mỗi người, không chỉ của riêng nhà báo.
Dù vậy, các tác giả hiểu rằng sự độc lập của truyền thông rất mong manh. Không chỉ có các chính quyền độc tài, các nhóm lợi ích cũng sẽ vì muốn bưng bít thông tin mà tìm cách bó buộc quyền tự do này. Cuốn sách “Quyền được nói” dành ra một phần quan trọng để bàn về những thiết chế tạo thuận lợi cho một nền báo chí độc lập phát triển.
Tôi nhớ về cuốn sách này trong bối cảnh Việt Nam vừa xét xử ba nhà báo chỉ vì họ thi hành quyền được nói của mình.
Tính từ thời điểm bức thư của Émile Zola được đăng vào ngày 13/1/1898, đến giờ đã tròn 123 năm. Người ta vẫn kết án nhà báo vì dám nói lên những sự thật không lọt tai nhà nước.
Giờ cũng đã là gần 20 năm sau khi cuốn sách “Quyền được nói” ra mắt, các ý tưởng trong đó nghe vẫn như một giấc mơ xa.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục dửng dưng, sẽ có thêm nhiều cái chớp mắt kéo dài 20 năm nữa trôi qua; hoặc tệ hơn, những giấc ngủ dài tận 123 năm.
Đọc cuốn sách này có thể là bước đầu tiên để bạn tin vào quyền được nói của mỗi người, và làm gì đó để góp phần bảo vệ cái quyền căn bản của chính mình.