Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Động lực để viết, trong một môi trường đầy hiểm nguy như Việt Nam, nằm ở bên trong mỗi người.
Tôi viết di chúc đầu tiên cách đây gần 10 năm.
Thời điểm đó tôi chưa gặp bạo bệnh nan y gì, hoặc có thể có nhưng chưa phát hiện. Tôi viết vì thói quen thường xuyên suy nghĩ về cái chết, và vì nhiều người xung quanh không muốn nói gì về nó. Họ luôn phản ứng theo kiểu cứ nhắc tới “chết” thì nhẹ sẽ gặp ngay chuyện xúi quẩy, nặng là lăn ra chết ngay lúc ấy.
Như một định mệnh, thứ gì càng nhiều người phản đối, thậm chí cấm đoán, tôi lại càng suy nghĩ nhiều, và viết nhiều về nó.
Nhưng tôi viết không phải vì họ. Tôi viết cho chính mình. Vì tôi cần suy nghĩ. Viết lách cũng giống như giặt quần áo. Từng sợi nghĩ được kéo ra, vo lại, vặn xoắn, trộn lẫn, chà xát, quăng quật, và phơi mình trước ánh sáng mặt trời. Nó giúp các đống bùi nhùi gọn gàng hơn, và thỉnh thoảng, sạch sẽ thơm tho hơn.
Viết, và đọc, là quá trình suy nghĩ chậm. Rất chậm. Mỗi ký tự thực chất là một nét vẽ. Mỗi từ là một hình vẽ. Mỗi đoạn văn là một phác họa. Mỗi bài viết là một bức tranh lớn hoàn chỉnh ghép từ vô số các bức họa nhỏ. Đọc, và viết, vì vậy là hành động ngắm rất kỹ những bức tranh mất rất nhiều thời gian để vẽ nên.
Công cụ đọc/ viết của ngôn ngữ, bằng cách đó, giúp nhân loại văn minh hơn. Dĩ nhiên không phải tất cả – giống như không phải ai giặt đồ cũng sạch, hay thậm chí, không phải ai cũng nghĩ mình cần giặt đồ.
***
Viết cho chính mình, và viết để suy nghĩ, nên tuyệt đại đa số những gì tôi viết đều là về những thứ bản thân chưa biết.
Ở Luật Khoa, rất may mắn, tôi được làm đúng việc đó. Tuyệt đại đa số những đề tài được giao xưa nay đều là những thứ tôi không biết gì, hoặc biết rất ít về nó. Với mỗi đề tài, một cánh cửa mới toanh lại được mở ra. Đằng sau mỗi cánh cửa là hàng chục, hàng trăm, thỉnh thoảng là hàng ngàn trang tài liệu cùng các kho tàng tri thức vô tận để nhảy múa và bơi lặn trong đó.
Mỗi đề tài, mỗi bài viết, là một thế giới mới. Có những thế giới phải mất bảy ngày, hoặc lâu hơn rất nhiều, để được tạo ra.
Thế nên thỉnh thoảng tôi không khỏi “thán phục” những người chỉ cần đọc lướt qua tựa đề của một bài viết nào đó là có thể nhảy xổ vào phơi phán – phơi hiểu biết của mình ra để phán xét thiên hạ, hoặc cho thiên hạ phán xét. Cũng có những người đọc rất kỹ, nhưng để phơi phóng – phơi sẵn hiểu biết của mình và tìm chỗ để phóng dao triệt hạ.
Tôi không có vấn đề gì với những phơi nhân phơi phới đó. Họ tồn tại, và tôi tồn tại. Tôi không chịu trách nhiệm giặt đồ giúp họ. Tôi chỉ có thể giặt đồ cho mình. Nhưng có một điều họ không biết, hoặc biết nhưng không bao giờ hiểu được: họ càng phun, càng phọt, càng phán, càng phóng, những người như tôi càng không bao giờ dừng lại.
Luật Khoa là một nơi đặc biệt, khi vừa là cái gai phải nhổ bỏ trong mắt chính quyền độc tài, vừa là kẻ thù trong mắt không ít người máu me với đủ thứ chủ thuyết, mặn nồng với đủ loại thần tượng.
Nhưng thực chất nó chỉ đặc biệt trong môi trường xã hội hiện tại của Việt Nam. Mọi tờ báo độc lập ở khắp nơi trên thế giới đều phải đối mặt với tình cảnh tương tự: không chịu “mặc đồng phục” của bất kỳ phe nào thì sẽ được chụp đủ thứ mũ khác nhau lên đầu và chịu búa rìu từ mọi phía.
Đó là cái giá phải trả của những người dám tự may, tự mặc và tự giặt đồ cho mình.
Điều đáng mừng là Luật Khoa không phải nơi duy nhất có những người Việt như vậy. Không ít những tờ báo, trang tin độc lập cho người Việt, vốn xưa nay chỉ bị chính quyền xem là “phản động”, sau sự kiện bầu cử ở Mỹ vừa qua cũng bị nhiều người xem là “phản đồ” chỉ vì đăng tải sự thật trái với ý muốn của họ.
Ở bất kỳ xã hội nào, chỉ cần luôn tồn tại những người lựa chọn sự thật trần trụi để hiểu biết, thay vì chọn thứ sự thật đon đả để tự sướng, xã hội đó luôn luôn có hy vọng.
Làm báo độc lập ở Việt Nam xưa nay vẫn luôn là một nghề nguy hiểm. Trong chế độ độc tài, không có chỗ cho những tiếng nói độc lập. Trong một xã hội cáu bẳn như hiện tại, cũng không nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ những ý kiến không cùng phe với mình.
Không nhiều không có nghĩa là không có. Tôi được biết Luật Khoa vẫn thường xuyên nhận được những lời nhắn gửi động viên từ các độc giả. Đặc biệt có những bạn đọc đóng góp tài chính ủng hộ cho tờ báo với dòng nhắn nhủ “em chỉ có ngần này”, “em không có nhiều” hay “hy vọng đóng góp nhỏ nhoi”… Những bạn đọc đó có lẽ không hình dung được “đóng góp nhỏ nhoi” của mình có sức nặng nghìn cân như thế nào với những người làm báo.
Một người bạn gần đây đã đặt câu hỏi, rằng tôi có tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho người Việt Nam không.
Những độc giả như vậy, và những người luôn lựa chọn sự thật trần trụi như trên, là lý do để tôi có thể tin vào một tương lai khác. Những người Việt Nam như họ xứng đáng với một tương lai tốt đẹp đó.
***
Sự tồn tại của những người đồng hành luôn tiếp thêm sức mạnh lẫn hơi ấm cho những người viết.
Nhưng động lực để tiếp tục viết, trong một môi trường đầy hiểm nguy như Việt Nam, vẫn phải nằm ở bên trong mỗi người.
Với cá nhân tôi, viết là để suy nghĩ. Tôi vẫn thường xuyên suy nghĩ và viết về cái chết, không phải vì tôi muốn chết – dù rằng tôi biết chắc mình sẽ chết, một lúc nào đó, bằng cách này hay cách khác. Tôi suy nghĩ về cái chết, mỗi ngày. Và cùng lúc, tôi cũng nghĩ về sự sống, mỗi ngày. Cuối một ngày, phát hiện mình chưa chết, và bắt đầu một ngày, nhận ra mình vẫn còn sống, với tôi, là một chuyện đặc biệt.
Tetsuya Miyamoto, người sáng tạo ra trò chơi giải đố nổi tiếng Kenken (gần tương tự như Sudoku), đã từng muốn tìm đến cái chết khi ở tuổi thiếu niên. Sau đó, ông viết lại trải nghiệm của mình trong một quyển sách có tựa đề “Irreplaceable Me” (Tạm dịch “Tôi: một vũ trụ không thể thay thế”).
Trong sách, Miyamoto chia sẻ, khi nghĩ về vũ trụ vô cùng và bất tận, ông không khỏi tự hỏi rốt cuộc sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì trên đời. Ông sống hay chết, vũ trụ cũng chẳng bị ảnh hưởng gì cả. Khi ông chết đi, vũ trụ sẽ thế nào? Miyamoto sau đó tìm ra câu trả lời.
Nếu chỉ xem bản thân là một người giống như hàng tỷ người trên thế giới này, đích thực cảm giác tồn tại không có gì đặc biệt. Nhưng nếu nghĩ về mình như một vũ trụ riêng biệt không thể thay thế, và khi bạn chết đi, vũ trụ mang tên bạn cũng sẽ biến mất, điều đó không khiến bạn cảm thấy mình đặc biệt hơn rất nhiều đó sao?
Khi đã nhận ra mình là một vũ trụ – độc nhất và không thể thay thế – trong cái thế giới rộng lớn bao la này, điều tiếp theo không phải là lấy hết can đảm để tạo ra một phiên bản vũ trụ đẹp nhất có thể sao?
Tôi chưa biết vì sao mình chưa chết, hay khi nào mình sẽ chết. Nhưng chừng nào vũ trụ của tôi còn ở đây, chừng đó tôi vẫn sẽ tiếp tục viết.
***
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.