Ý tưởng: Sau Tết, chớ vứt cây đào đi. Hãy gom lại trồng và biến thành công viên hoa đào.

Tôi không còn thấy mua cành đào về nhà chưng Tết là việc nên làm nữa.

Ý tưởng: Sau Tết, chớ vứt cây đào đi. Hãy gom lại trồng và biến thành công viên hoa đào.
Một cành đào vẫn còn tươi bị vứt bỏ trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh chụp năm 2016. Nguồn: Báo Dân Việt.

Bài viết này được đăng trong số báo Tết năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 31/1/2022. Tải miễn phí tại đây.


Cũng như hầu hết người Việt Nam, tôi thích cái cảm giác đi chợ Tết mua cành hoa đào về nhà cắm. Nó dường như đã là một phần không thể thiếu trong bức tranh Tết của mỗi nhà.

Nhưng gần đây tôi không còn thấy đó là việc nên làm nữa.

Thứ nhất, cắm vài ngày rồi vứt đi vừa lãng phí tiền bạc gia đình, lại gia tăng chi phí thu dọn của xã hội.

Dĩ nhiên, nếu dư dả thì chẳng ai đặt vấn đề lãng phí tiền bạc gia đình ra làm gì. Có điều tôi chắc nhiều nhà cũng như tôi, kiếm vừa đủ sống, có dư dả chút nào thì phải đầu tư vào những thứ thiết thân như học thêm nghiệp vụ, mua sách, hoặc đóng góp chút ít cho các hoạt động từ thiện, giúp những người có khi chẳng có tiền làm một mâm cơm đầy đủ cúng gia tiên.

Còn chuyện chi phí thu dọn thì lớn hơn, mơ hồ hơn chuyện túi tiền riêng của mỗi nhà. Sau Tết, các xe rác ngập cành đào. Chi phí xã hội phải bỏ ra để thu gom và chở “rác Tết” này chắc chắn không nhỏ. Nếu tiết kiệm được một khoản chi phí không đáng có này, xã hội có thể đầu tư vào những việc khác có ích hơn.

Sau Tết, xe rác ngập cành đào. Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường.

Lý do thứ hai khiến tôi không muốn sắm đào ăn Tết nữa là vì tôi không thích cảm giác cắt một cái cành ra khỏi một cái cây nữa. Nhà nào sang hơn mua cả cây về chơi Tết vài hôm rồi vứt đi thì cái cây cũng chết. Tội cái cây.

Có chuyện này là vì từ khi bắt đầu lên rừng ngắm cảnh cách đây vài năm, tôi chợt biết quý cái cây và thấy có một mối liên hệ mạnh hơn nhiều với cây cỏ. Cây làm tôi vui. Mỗi khi quá mệt mỏi với cuộc sống, tôi đến công viên, lên rừng, hoặc ngắm mấy cái cây cạnh nhà. Cây cối có một cách riêng của nó để vỗ về những sóng gió trong lòng người. Ai đủ lãng mạn có khi còn cảm thấy cái cây như hát với mình, trò chuyện với mình.

Ở những nước tôi từng đi qua, cả Đông lẫn Tây, người ta không có phong tục sắm đào chơi Tết. Họ chơi đào theo một cách mà tôi thấy rất thú vị: trồng đào tập trung tại một số địa điểm công cộng.

Chắc người Việt Nam ta không xa lạ gì với những khung cảnh hoa anh đào nở tưng bừng đỏ rực cả một khu vực lớn ở nước ngoài. Người người đi vãn cảnh, các gia đình trải bạt ra ngồi dưới những hàng cây hoa đào ăn uống, các đôi trẻ hân hoan chụp ảnh cưới, trẻ con thì khỏi nói cũng biết chúng vui cỡ nào.

Những địa điểm này, vô hình trung, thu hút rất nhiều khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước, mang lại một khoản doanh thu không nhỏ cho địa phương và các công viên tư nhân. Nhiều nơi quả thực người ta chỉ đến vì hoa đào nở, chứ ở đó chẳng có gì khác. Những người dân địa phương nhờ vậy mà kiếm thêm được thu nhập qua việc bán đồ ăn, bán quà tặng, chụp ảnh cưới, v.v. Cả một nền kinh tế xoay quanh một hàng cây đào.

Khung cảnh một buổi hanami – tiệc ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản. Ảnh: Japan-guide.com.

Vậy ở ta, sau Tết này, chi bằng đừng vứt các cây đào nguyên gốc đi nữa. Hãy cùng với cộng đồng làng xóm tổ chức trồng những cây đào đó ở một khu vực sinh hoạt chung, biến nó thành tài sản chung của cộng đồng.

Chẳng hạn, ở quê tôi, làng nào cũng có sân đình. Giá mang đào ra sân đình trồng thành từng hàng thì tới Tết, cả sân đình sẽ là một công viên hoa đào.

Hoặc ở các khu chung cư lớn thì thường cũng có sân chơi chung, mang hoa đào ra đó trồng thì hết xẩy.

Ở một số địa phương, có thể lựa chọn một con đường nào đó phù hợp để trồng hoa đào, biến con đường đó thành một thắng cảnh mỗi độ xuân về.

Địa phương nào làm khéo, có thể biến khu vực trồng đào của mình thành địa điểm thu hút khách du lịch, như rất nhiều khu du lịch khác ở các nước đã làm được.

Có lẽ cũng nên trồng đào xen kẽ với các cây khác để bốn mùa đều có cây xanh lá, trổ bông. Việc này liên quan đến nông lâm, thổ nhưỡng, tôi không rành, để các bạn có nghề cho ý kiến thì tốt hơn.

Và khi có một vườn đào chung như vậy rồi, tôi hy vọng chúng ta sẽ chơi đào theo một cách mới, từ bỏ dần thói quen chơi đào vài ngày Tết rồi bỏ đi.

Cái mà tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa là việc này giúp gắn kết cộng đồng với nhau hơn, khi mọi người có thể góp tay xây dựng một cái gì đó thật đẹp cho nơi mình đang sống. Đó sẽ là di sản chung, và là thứ mọi người trong cộng đồng đều có thể hướng về. Quê hương, nhờ đó, sẽ mang thêm một lớp nghĩa mới.

Một đất nước có những con người biết tạo ra cái đẹp như vậy sẽ dần dần tạo ra nhiều cái đẹp hơn. Chúng ta không thể biết được những điều tuyệt vời gì sẽ đến với một quốc gia, khi công dân của nó biết trọng cái đẹp chung của cộng đồng.


Bạn cũng có những ý tưởng mới cho dịp Tết? Hãy chia sẻ với Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.