Bộ Công an nhận hơn 9 nghìn tỷ đồng để làm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Mãi vẫn chưa xong

Được cấp ngân sách khủng cho một dự án, Bộ Công an đã làm việc như thế nào?

Bộ Công an nhận hơn 9 nghìn tỷ đồng để làm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Mãi vẫn chưa xong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và các lãnh đạo khác trong buổi lễ khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 25/2/2021. Ảnh: VGP.

Ngày 25/2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ấn nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nói là khai trương, cơ sở dữ liệu này vẫn chưa đâu vào đâu.

Vì sao Bộ Công an lại gấp rút khai trương cơ sở dữ liệu quốc gia khi nó vẫn còn chưa hoàn chỉnh?

Cùng lúc này, công an nhiều tỉnh thành đang làm một việc chưa có tiền lệ là tăng ca đến khuya để cấp thẻ căn cước cho người dân. Công an ở Hà Nội đã tăng ca đến một giờ sáng để cấp thẻ căn cước.

Hơn nữa, Bộ Công an còn áp dụng khuyến mãi giảm 50% phí làm thẻ đến hết tháng 6/2021. Trong một tuyên bố rất quyết đoán, Bộ Công an nói rằng đến trước ngày 1/7/2021 phải cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip cho người dân.

Lịch sử thay đổi chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước chưa bao giờ có tiền lệ gấp rút như vậy.

Công an quận Đống Đa, Hà Nội tăng ca đến khuya để cấp thẻ căn cước cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh/ Lao Động.

Tất cả sự việc này liên quan đến một dự án làm mãi không xong mà vẫn được nhà nước liên tục cấp tiền: dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Năm 2015, Bộ Công an được cấp 3.367 tỷ đồng trong hai năm (2016 – 2017) cho dự án. Số tiền được cấp để Bộ Công an tạo ra một cơ sở dữ liệu dân cư hoàn chỉnh. Khi thời hạn 2017 đến, dự án không kịp hoàn thành.

Tháng 3/2020, cũng vẫn dự án đó, Bộ Công an lại được nhận thêm 3.085 tỷ đồng để thực hiện. Thời hạn hoàn thành cơ sở dữ liệu được dời sang năm 2021.

Có một điều khó hiểu trong quyết định cấp thêm tiền này của chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp tiền vào ngày 11/3/2020, nhưng thời gian Bộ Công an sử dụng số tiền được ghi là từ năm 2018 đến năm 2021.

Chưa dừng lại ở đó, sáu tháng sau, Bộ Công an tiếp tục được nhận thêm 2.696 tỷ đồng cho những công việc liên quan đến quản lý, cấp thẻ căn cước gắn chip cho người dân. Đây là công việc phục vụ cho dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số tiền này chỉ được dùng đến năm 2022.

Như vậy, với chỉ riêng một dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã nhận ít nhất 9.148 tỷ đồng từ chính phủ (tương đương 398 triệu USD, theo tỷ giá 1 USD = 23.000 đồng). Số tiền này gấp 1,5 lần dự toán chi tiêu của Bộ Giáo dục trong năm 2020.

Tiêu nghìn tỷ nhưng không công khai ngân sách

Về mặt minh bạch ngân sách, Bộ Công an gần không công khai dữ liệu về dự toán, chi tiêu ngân sách của mình như các bộ khác.

Hầu hết các trang web của các bộ, ban ngành nhà nước đều có mục công khai ngân sách. Tuy nhiên, trang web của Bộ Công an không có mục này.

Ngân sách của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần phải được công khai theo Thông tư 61/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc tiêu tiền trong dự án này đến nay vẫn còn là bí mật chưa được công khai.

Bộ Công an đã hai lần xin tiền để thực hiện dự án. Liệu bộ có xin thêm lần thứ ba hay không? Câu trả lời sẽ có vào cuối năm nay.

Bộ Công an bao thầu về chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước

Đổi đi đổi lại chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước có lẽ là hoạt động ăn nên làm ra của Bộ Công an. Từ năm 2007, bộ này đã bao thầu 5 lần chuyển đổi chứng minh nhân dân/ căn cước công dân.

Năm 2004, Bộ Công an xin 467 tỷ đồng cho dự án sản xuất 24 triệu giấy chứng minh nhân dân 9 số, loại giấy mỏng màu xanh được ấn hành từ năm 1999.

Người dân Hà Nội đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip. Ảnh: V. Dũng/ Lao Động.

Chỉ ba năm sau, Bộ Công an đã đổi một vài chi tiết trên mẫu giấy chứng minh nhân dân vào năm 2007.

Vào năm 2012, Bộ Công an lại đổi giấy chứng minh nhân dân từ giấy sang thẻ nhựa với 12 chữ số, có ghi tên cha, mẹ. Chiếc thẻ lần này được thêm mã vạch với mục đích lưu trữ thông tin cá nhân khi quét qua máy.

Năm 2013, Bộ Công an tiếp tục sửa mẫu thẻ chứng minh nhân dân. Thẻ lần này vẫn là thẻ chứng minh nhân dân như trước đó chỉ là không ghi tên cha, mẹ.

Năm tiếp theo, Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân vào tháng 11/2014. Bộ Công an lại được hưởng lợi. Người xin đổi sang thẻ căn cước này phải trả đến 50.000 đồng, bắt đầu vào năm 2016.

Năm 2020, Bộ Công an lại thông báo sẽ đổi sang thẻ căn cước có gắn chip. Dự án này được chính phủ cấp tiền liền tay 2.696 tỷ đồng. Người dân xin chuyển sang thẻ mới phải trả 30.000 đồng (khuyến mãi đến hết tháng 6/2021 là 15.000 đồng).

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.