‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Phụ nữ đang làm quá nhiều, nhưng lại có quá ít tiếng nói trên chính trường.
Tỷ lệ nữ giới trong các cơ quan lập pháp trên thế giới tính đến ngày 1/1/2021 là khoảng 25,5%. Tỷ lệ này chỉ nhỉnh hơn một chút so với con số 24,9% của năm 2020. Đây là số liệu được công bố trong báo cáo thường niên về chủ đề “Phụ nữ trong Nghị viện” (Women in Parliament) của tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (Inter-Parliamentary Union – IPU).
“Khi xét đến con số 70% nhân viên ở tuyến đầu chống dịch COVID là nữ giới, thì mức độ đại diện này [trong chính quyền] là trái ngược so với thực tế”, ông Martin Chungong, Tổng thư ký của IPU, phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo.
Theo IPU và Liên Hợp Quốc (UN), tuy ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia chính trị và giữ những vị trí cấp cao nhất trong chính phủ, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến trong chính quyền và các cơ quan lập pháp trên toàn cầu.
Cũng theo báo cáo của IPU, so với năm 2020, chỉ có thêm hai quốc gia có tổng thống hay thủ tướng là nữ, tăng tổng số lên 22. Hơn một nửa trong số đó là ở châu Âu.
Trong khi đó, với trường hợp phụ nữ nắm giữ các chức vụ bộ trưởng, số lượng các quốc gia có tỷ lệ này bằng hoặc lớn hơn 50% đã giảm từ 14 xuống còn 13 nước.
Các quốc gia Bắc Âu dẫn đầu về tỷ lệ nữ giới trong quốc hội (44,5%), thứ nhì là khu vực châu Mỹ. Châu Á nằm gần cuối bảng xếp hạng với tỷ lệ 20%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Tại Trung Quốc, phụ nữ chỉ chiếm dưới 25% trong số gần 3.000 thành viên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (cơ quan tương đương với Quốc hội tại nước này).
Việt Nam xếp ở vị trí thứ 72/193 quốc gia về tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội. Các nữ đại biểu chiếm 132 trên tổng số 494 ghế trong Quốc hội hiện tại, tương đương 26,7%. Tỷ lệ này ngang với Israel và Slovenia.
Con số này có vẻ không tệ, tuy nhiên không phản ánh đủ tình hình thực tế. IPU có đưa ra một chỉ số khác là số lượng nữ bộ trưởng. Việt Nam là một trong 12 quốc gia không có nữ bộ trưởng nào.
Các nước cùng ở trong danh sách này là Armenia, Azerbaijan, Brunei, Bắc Triều Tiên, Papua New Guinea, Saint Vincent và Grenadines, Ả Rập Saudi, Thái Lan, Tuvalu, Vanuatu, và Yemen.
Việc phụ nữ nắm giữ các vị trí bộ trưởng trong nội các là một điều trọng yếu, vì đó là cơ quan ra quyết định quan trọng nhất trong bất kỳ chính phủ nào. Đó là nhận định của bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành của UN Women – cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Nếu nhìn cận cảnh hơn vào tình hình chính trị ở Việt Nam, có một con số khác phản ánh thực chất vấn đề hơn cả. Đó là tỷ lệ phụ nữ trong Bộ Chính trị – cơ quan được cho là quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tỷ lệ này hiện nay là 1/18 – tương đương 0,06%. Luật Khoa đã có bài giải thích ý nghĩa của các con số này.
Quay lại với tình hình thế giới, Martin Chungong, Tổng Thư ký của IPU kêu gọi chính phủ các nước sử dụng một số biện pháp để giúp “san bằng sân chơi”, chẳng hạn như đặt ra các hạn ngạch tạm thời. Điều này có thể giúp cải thiện sự tham gia và mức độ đại diện của phụ nữ trong đời sống chính trị.
Một trường hợp thành công trong việc áp dụng các biện pháp này là Nicaragua. Quốc gia ở Trung Mỹ này dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ bộ trưởng (vị trí thứ nhất) và tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội (vị trí thứ tư).
Theo ông Chungong, họ làm được điều đó là nhờ những biện pháp kiên quyết nhằm đảm bảo phụ nữ có chỗ trên mọi nấc thang chính trị. “Khi ý chí chính trị mạnh mẽ được chuyển hóa thành luật pháp, thành chính sách, thành các chiến dịch vận động trong các đảng phái chính trị, sự khác biệt sẽ xảy ra”, ông nói.
Những hình mẫu lãnh đạo nữ cũng có thể giúp thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong chính trị. Kamala Harris, Phó Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ là một hình mẫu có sức ảnh hưởng như vậy.
Ở Jamaica, quê cha của Kamala Harris, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội đã tăng lên ngay sau khi bà Harris đắc cử.
Theo bà Mlambo-Ngcuka, lãnh đạo của UN Women, phụ nữ thường phải đối mặt với bạo lực khi muốn tham gia chính trị. Tình trạng bạo lực đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và gia đình của họ, là trở ngại lớn ngăn cản phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.
Bà cũng kêu gọi các quốc gia xem xét lại yêu cầu về độ tuổi tối thiểu để ứng cử vào các vị trí trong cơ quan lập pháp, nhằm khuyến khích nhiều phụ nữ trẻ tham gia vào chính trường hơn. Hiện nay, mức tuổi tối thiểu được quy định ở nhiều nước là 35.
Thông tin được tổng hợp dựa trên bài viết “Women’s Participation in Politics Growing Slowly Worldwide” được đăng trên VOA vào ngày 10/03/2021.
Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là một tổ chức liên nghị viện toàn cầu có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Mục tiêu của IPU là quảng bá mô hình quản trị dân chủ, đẩy mạnh sự hợp tác của các quốc gia thành viên, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp và khuyến khích sự tham gia của thanh niên vào chính trị.
IPU tổng hợp dữ liệu và đưa ra báo cáo thường niên về sự tham gia của phụ nữ trong chính trị từ năm 2005.