Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Có sẵn một thư viện bằng tiếng Việt, miễn phí, dành cho bạn, bất kể bạn là ai.
Tôi chỉ được nghe đến các khái niệm về đa dạng tính dục cách đây vài năm, khi đã ngoài hai mươi tuổi.
Theo lý thuyết đa dạng đó, người ta xác định giới tính của mình không chỉ qua giới tính sinh học (sinh ra với cơ thể như thế nào) mà còn dựa vào chuyện họ nghĩ mình thuộc giới nào (bản dạng giới) và thể hiện ra bên ngoài ra sao (thể hiện giới). Giới tính, theo đó, không phải chỉ là một lá bài có hai mặt nam hoặc nữ. Nó là một phổ với nhiều lựa chọn, trong đó nam và nữ là hai cực.
Xu hướng tính dục (cảm thấy hấp dẫn với giới nào) lại là một câu chuyện khác. Dù coi mình thuộc giới nào, một người có khả năng là sẽ yêu người cùng giới (đồng tính – homesexual), yêu người khác giới (dị tính – heterosexual), hoặc chẳng yêu giới nào cả (vô tính – asexual).
Như vậy có nghĩa là, một người sinh ra với cơ thể nữ không có nghĩa rằng họ là con gái và thích đàn ông. Ngược lại, một người sinh ra với cơ thể nam, không có nghĩa rằng họ nghĩ mình là con trai và phải thích phụ nữ. Họ có thể khác. Họ cũng có thể chẳng cần xác định mình thuộc giới nào cả, và chuyện đó chẳng có gì là sai. Đó là quyền của họ.
Nếu soi bằng hệ quy chiếu này, có những người thuộc số đông những người được gọi là hợp giới (cisgender), tức là có bản dạng giới trùng khớp với giới tính sinh học khi sinh ra. Trên đời có những người khác có bản dạng giới không cùng phía với giới tính sinh học của họ. Họ có thể được gọi chung là “transgender”, thường được dịch là chuyển giới. “Trans” là từ gốc Latin, có nghĩa là khác phía.
Những người “không hợp giới” là một nhóm thiểu số, nhưng rất đa dạng và có nhiều cách gọi khác nhau. LGBT là một cách gọi quen thuộc, gồm viết tắt của Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính) và Transgender (chuyển giới). Các chữ viết tắt còn có thể có thêm I – Intersex (liên giới tính), Q – Queer (chỉ chung những người không xác định mình là dị tính), một chữ Q khác là Questioning (đang tìm hiểu). Ngoài ra còn có A – Asexual (vô tính).
Còn có thể có thêm những dạng khác nữa, và để thể hiện sự đa dạng này mà không khiến cho chuỗi ký tự trở nên quá dài, người ta thêm vào dấu +. Vậy là ta có chuỗi LGBT+ thường thấy.
Bạn có thể bắt đầu thấy nhức đầu rồi.
***
Những người dạy cho tôi những điều này là cộng đồng LGBT+. Lý thuyết về đa dạng giới không được dạy ở đâu khác. Không phải trong trường học, nơi các giờ học giáo dục giới tính vẫn hiếm khi nào cởi mở; không phải ở gia đình, nơi mà phụ huynh thuộc thế hệ trước cũng chỉ quen thuộc với lá bài giới tính hai mặt – nữ hoặc nam; càng không phải ở các nhà thờ Công giáo, nơi mà đến tận bây giờ vẫn đồng thuận rằng đồng tính là tội, [1] và không thể được Chúa ban phước.
Phong trào quyền LGBT nổi lên mạnh mẽ trong khoảng vài năm trở lại đây với những tháng Sáu tự hào thường khiến tôi nghĩ rằng quyền của người đồng tính thế là đã ổn. Thậm chí hơi ồn.
Nhưng chỉ cần để ý một chút là sẽ thấy những phản ứng xã hội trên bề mặt tưởng như tôn trọng khác biệt ấy dễ dàng tróc vẩy, để lộ những quan điểm chống đối, phân biệt, xa lánh, kỳ thị. Cộng đồng LGBT vẫn bị cho là khác thường, trái tự nhiên, bệnh hoạn, cần phải chữa trị, hoặc đáng bị đem ra làm trò cười trong một buổi bia hơi.
Những cách nghĩ mới được xác lập chỉ vài chục năm trở lại đây không thể nào vượt qua được những chuẩn mực nhị nguyên bén rễ hàng nghìn năm trong quan niệm của xã hội loài người. Chẳng cần lấy ví dụ ở đâu xa, nếu như bạn vẫn đang nghe ai đó gọi người khác là “bị gay”, tức là tư tưởng kỳ thị vẫn còn hiển hiện.
Mãi đến năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) mới quyết định loại đồng tính ra khỏi danh sách các hội chứng rối loạn thần kinh. [2] Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychology Association) ủng hộ quyết định này vào năm 1975. Mất thêm 15 năm nữa, đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới mới đồng ý làm điều tương tự. [3] Có nghĩa là, sự thật rằng đồng tính thì cũng bình thường như dị tính chỉ mới được giới khoa học công khai khẳng định cách đây hơn 30 năm. Cũng chỉ mới từ đó, họ bắt đầu kêu gọi nhau xóa bỏ những nhãn dán mà chính họ đã dán lên cộng đồng thiểu số này trước đó.
Một người đồng tính sinh ra trước thời điểm 1973, hay 1990 chắc chắn đã phải vượt qua những sự miệt thị oan ức để mà sống tiếp. Một người đồng tính sinh ra vào thời điểm này có thể bớt vất vả đi nhiều, nhưng hành trình lớn lên vẫn sẽ đầy chướng ngại vật. Chẳng phải là rất bất công sao nếu như ai đó phải lớn lên với gánh nặng giành lấy sự chấp nhận của xã hội – thứ mà đáng ra ai cũng phải được hưởng.
Lịch sử của cộng đồng LGBT chỉ mới vừa được viết lại. Và mãi cho đến vài năm trước, nó mới đến được tai những người có đầy đủ điều kiện tiếp cận thông tin như tôi. Điều đó có nghĩa là hành trình còn rất dài.
Nếu như bạn muốn giúp một tay trong việc khiến cho cộng đồng xung quanh mình thân thiện hơn với cộng đồng LGBT, việc đầu tiên có thể làm là hiểu về khái niệm đa dạng giới và tính dục, sau đó giải thích nó cho những người xung quanh, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trước mình. Tin tốt là, có rất nhiều tài liệu có thể giúp bạn làm chuyện đó.
***
Trong hơn 10 năm qua, đã có những người tiên phong giới thiệu những khái niệm này tại Việt Nam. Họ biên soạn, chuyển ngữ, và trình bày chúng dưới nhiều hình thức khác nhau, sao cho có thể tiếp cận đến mọi người. Họ giới thiệu các kiến thức này đến truyền thông, đến trường học, đến các gia đình, với mục tiêu khiến cho xã hội hiểu và tôn trọng thứ quyền căn bản nhất của một người thuộc cộng đồng LGBT+: quyền được làm chính mình.
Tất cả các tài liệu này đều có sẵn và miễn phí tại địa chỉ thuvien.lgbt. Hai điểm cộng rất lớn của những tài liệu này là chúng được thiết kế rất đẹp mắt (bạn có thể sẽ ngạc nhiên đấy!) và được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Dưới đây là một số gợi ý chọn tài liệu cho người mới bắt đầu. Những tài liệu đầu tiên mà bạn cần nằm ở mục Cẩm nang:
Nếu bạn chỉ có 10 phút, hãy đọc ba tờ thông tin ngắn gọn: Hỏi nhanh đáp gọn về đồng tính, song tính, và chuyển giới. Các tài liệu này được thiết kế dưới dạng thẻ thông tin, trả lời trực tiếp và ngắn gọn những câu hỏi thường gặp nhất, những định kiến phổ biến nhất về cộng đồng này. Chẳng hạn, cái gì làm cho người ta đồng tính? Có phải gần đây có nhiều người đồng tính hơn không? Nếu hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới thì có gây ra sự tuyệt chủng cho nhân loại không?
Nếu có thêm 5 phút nữa, hãy đọc một tờ thông tin ngắn tương tự tên là “Hiểu khi nói”, trong đó gợi ý cách dùng từ khi nói về người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tài liệu này giúp bạn phát ngôn như một người hiểu biết, và tránh cho những người khác cảm thấy bị tổn thương.
Nếu có nhiều thời gian hơn một chút, bạn có thể đọc hai tờ thông tin trả lời các câu hỏi chuyên sâu hơn, được dịch từ tài liệu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn nữa, bạn có thể đọc những nghiên cứu làm nền cho các kết luận trong tài liệu này trên trang web của APA. [4]
Nếu như bạn muốn giải thích các khái niệm này với các bạn nhỏ ở độ tuổi thanh thiếu niên, hãy cùng đọc “Ối dzời! Ra là thế”. Cuốn sách ra đời năm 2018, cung cấp các kiến thức cơ bản về đa dạng giới và tính dục với những minh họa nhiều màu sắc sinh động. Cuốn sách còn đúc kết những kinh nghiệm để nhận biết giới tính, cách đối phó khi bị bắt nạt và cách thực hành tôn trọng người LGBT.
Nếu như bạn muốn biến bố mẹ của mình trở thành đồng minh của cộng đồng LGBT, hãy thử giới thiệu với họ cẩm nang “Những đứa con của chúng ta”. Cuốn sách nhỏ này trả lời những băn khoăn của các phụ huynh có con em là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Nếu biết được rằng có một cộng đồng phụ huynh trên khắp cả nước tụ họp lại để giúp nhau vượt qua những bỡ ngỡ khi biết con em mình là người thuộc cộng đồng LGBT+, có thể phụ huynh của bạn sẽ thấy dễ đồng cảm hơn.
Nếu như bạn biết ai đó thuộc cộng đồng LGBT+ mà đang gặp khó khăn để chấp nhận mình, nói về mình, hay hiểu về quyền của mình, chỉ cần giới thiệu cho họ địa chỉ thuvien.lgbt. Họ sẽ tìm ngay được những sự giúp đỡ cần thiết, và hành trình vượt khó của họ sẽ đỡ vất vả hơn đôi chút.
Bạn có thể đọc xong tất cả những thứ này và cảm thấy chúng thật khó hiểu, nếu như bạn thuộc số đông những người hợp giới và dị tính. Không sao cả. Chỉ cần nhớ rằng người khác có 100% quyền để sống với đầy đủ phẩm giá của mình, dù họ khác biệt theo một cách mà bạn không hiểu được. Việc tối thiểu mà bạn có thể làm là để họ yên.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Vatican bars gay union blessing, says God “can’t bless sin.” (2021, March 15). AP NEWS. https://apnews.com/article/vatican-decree-same-sex-unions-cannot-bless-sin-077944750c975313ad253328e4cf7443
2. The New York Times. (1973, December 16). Psychiatrists, in a Shift, Declare Homosexuality No Mental Illness. The New York Times. https://www.nytimes.com/1973/12/16/archives/psychiatrists-in-a-shift-declare-homosexuality-no-mental-illness.html
3. S., M. (2021, June 6). The World Health Organization considers homosexuality as normal behaviour. D+C. https://www.dandc.eu/en/article/world-health-organization-considers-homosexuality-normal-behaviour
4. APA. (2003, May 28). Being Gay Is Just as Healthy as Being Straight. American Psychological Association. https://www.apa.org/research/action/gay