Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Biết phân biệt thật - giả, chính bạn sẽ giúp môi trường thông tin quanh mình trong sạch hơn.
Vụ việc “bác sĩ Khoa rút ống thở” đã gây náo loạn mạng xã hội trong vài ngày qua. [1] Sau khi báo chí và nhiều chuyên gia vào cuộc xác minh, thông tin này được chứng minh là giả mạo. Nhiều người nổi tiếng, bao gồm cả những nhà báo giàu kinh nghiệm cũng đã rơi vào chiếc bẫy tin giả được dàn dựng công phu này. Nó xuất hiện trong bối cảnh lòng tin của người dân vào các thông tin “chính thống” đang giảm sút nghiêm trọng.
Mẩu tin vịt này không phải là duy nhất, không phải là thứ nguy hại nhất, cũng chẳng phải chuyện riêng của Việt Nam. Trên thế giới, nhiều thông tin bịa đặt về nguồn gốc, triệu chứng, cách chữa trị COVID-19 đã hoành hành khắp nơi, thậm chí gây chết người. [2] Sự lúng túng của giới khoa học và các cơ quan chức năng, cùng với sự lo sợ của người dân khắp thế giới trước virus SARS-CoV-2 đã tạo ra môi trường lý tưởng để thông tin sai lệch lên ngôi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi đó là “infodemic” - đại dịch thông tin sai lệch. [3]
Cần phải nói rõ, cơn “infodemic" này là rất nghiêm trọng, và trách nhiệm chống lại nó không phải là của riêng bạn. Tuy vậy, việc nâng cao năng lực thẩm định thông tin cũng cần thiết như việc tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang kỳ này giới thiệu đến bạn ba cuốn cẩm nang hướng dẫn cách tự tập thể dục cho trí óc, giúp bạn trở thành những độc giả khó mà bị lừa.
***
Nhưng trước hết, phải làm rõ xem tin giả là gì.
Bạn có lẽ không xa lạ gì với từ này. Tin giả là dịch ra từ chữ “fake news" trong tiếng Anh. Từ này được dùng đã lâu, và trở nên đặc biệt phổ biến trong thời gian Donald Trump làm tổng thống Mỹ (bạn nhớ không, CNN hay New York Times gì thì ông ấy cũng gọi là “fake news” ngon lành).Giới nghiên cứu về truyền thông không khoái chữ này. Họ cho rằng dùng chữ tin giả coi bộ tiện, nhưng nó lại làm đơn giản hóa quá mức một vấn đề phức tạp. Những lý thuyết đầu tiên về vấn đề này hiện phân loại “tin giả" thành ba nhóm dựa trên hai tiêu chí là sự sai lệch (falseness) và ý đồ gây hại (intent to harm).
Theo đó, thông tin sai lệch được chia thành 3 nhóm: Tin sai (misinformation), tin xuyên tạc (disinformation) và tin nguy hại (malinformation). First Draft News gọi chung ba hiện tượng này là rối loạn thông tin (information disorder). [4] Bạn có thể xem minh họa bên dưới để rõ hơn về cách phân loại này.
Thử ví dụ trong vụ “bác sĩ Khoa”. Nếu như tối hôm 7/8 bạn cũng share (chia sẻ) bài đăng lâm ly đó, nhưng khi bấm share bạn tưởng nó là thật, và chỉ muốn chia sẻ cho mọi người cùng đọc thôi, thì thứ bạn tạo ra là “misinformation”. Bạn không biết, không có ý định gây hại, và chính bạn cũng là nạn nhân. Đối với những người đã biết đó là tin sai, mà cố tình chia sẻ để lừa người khác, thì thứ họ tạo ra là disinformation. Đối với nhóm “bác sĩ Khoa”, những người này cố tình bịa đặt ra một câu chuyện hư cấu với các dấu hiệu lừa đảo tiền từ thiện, thứ họ tạo ra được gọi là “malinformation", với khả năng gây nguy hại ở mức độ cao nhất. [5]
Ý đồ gây hại cũng là tiêu chí quan trọng để truy cứu trách nhiệm trước pháp luật của những người tạo ra tin giả. Bạn có thể vẫn gọi hiện tượng này là tin giả, hoặc vẫn sẽ nghe nhiều người, bao gồm giới báo chí, gọi thế cho tiện, nhưng mong bạn đừng quên hai vòng tròn giao nhau phía trên.
Đã có rất nhiều nỗ lực trên khắp thế giới nhằm phòng chống ảnh hưởng tiêu cực của thông tin sai lệch. Kết quả của các nỗ lực này là những cuốn cẩm nang miễn phí, dễ hiểu, nhiều cuốn được dịch sẵn sang tiếng Việt. Tại sao chúng lại miễn phí? Vì việc bạn biết phân biệt thật - giả không chỉ giúp ích cho bạn mà còn có ích cho cả những người xung quanh. Các tác giả của ba cuốn cẩm nang dưới đây không mong gì hơn nếu như bạn có thể tải các cuốn sách về, đọc, và thực hành theo chúng.
Cuộc hành trình tìm hiểu về tin giả bắt đầu bằng việc nhắc lại với bạn tầm quan trọng của báo chí và những nguồn tin chân thực. Trong một thế giới lý tưởng nơi mọi người có thể đặt lòng tin vào nhau, chúng ta chẳng cần bàn chuyện phân biệt thật - giả làm gì. Nhưng thế giới thông tin cũng phức tạp như thế giới bên ngoài, ngay cả những người mang danh nhà báo cũng có thể nói dối bạn, vô tình hay hữu ý. Cuốn sách này hướng dẫn bạn cách để chất vấn chính những thông tin thường được xem là “chính thống".
Cuốn cẩm nang hơn 100 trang được thiết kế như một khóa học ngắn với bảy học phần:
Cẩm nang “Báo chí, tin giả và tin xuyên tạc” của UNESCO có thể được xem là cẩm nang đầy đủ nhất dành cho những người muốn hiểu về truyền thông, thông tin và trau dồi năng lực kiểm chứng. Bạn có thể tải bản tiếng Việt của cuốn cẩm nang này tại đây. [6]
“Chúng ta đào tạo nhà báo làm gì nếu như độc giả không phân biệt được thế nào là nhà báo giỏi.” (Richard Hornik)
Cùng chia sẻ suy nghĩ đó, hơn 30 giảng viên báo chí và nhà báo trẻ đã cùng tham gia biên soạn một cuốn cẩm nang nhỏ gọn với lời quảng cáo là “giúp bạn tiếp cận thông tin - tin tức trên báo chí dưới con mắt nhà nghề”.
Cuốn cẩm nang này do Khoa Báo chí & Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM chủ trì biên soạn, với sự tư vấn của giáo sư Richard Hornik, người sáng lập mô hình đào tạo độc giả (News Literacy) của Đại học Stony Brook (Mỹ).
Cuốn này có hai điểm cộng. Thứ nhất là nó nhỏ gọn, dung lượng chỉ bằng một nửa cuốn của UNESCO. Thứ hai, các ví dụ được sử dụng trong sách là lấy từ báo chí Việt Nam, nên bạn sẽ cảm thấy thân thuộc hơn nhiều khi đọc. Các ví dụ này dù đã tương đối cũ (từ trước năm 2014), nhưng tính đại diện của chúng là khá cao.
Bạn có thể tải cuốn sách nhỏ này tại đây. [7]
“Trở thành một độc giả thông minh, bạn cũng góp phần làm trong sạch nền báo chí nước nhà, vì các nhà báo rồi đây sẽ phải biết độc giả của họ không hề dễ dãi.”
(Trích Lời nói đầu, Cẩm nang dành cho độc giả thông minh, 2014)
Cuốn cẩm nang thứ ba đặc biệt thích hợp cho những độc giả thích công nghệ và có thời gian tìm tòi điều tra trong những trường hợp cần kiểm chứng nhanh như vụ “bác sĩ Khoa".
Cuốn sách này có tên đầy đủ là “Verification Handbook: An Ultimate Guideline on Digital Age Sourcing for Emergency Coverage” (Tạm dịch “Sổ tay Kiểm chứng: Hướng dẫn kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội khi cần đưa tin khẩn cấp”). Đây là một sản phẩm của European Journalism Centre.
Cuốn sách tập hợp những kinh nghiệm kiểm chứng của các nhà báo kỳ cựu. Trong sách, họ kể lại các tình huống cụ thể mà mình đã trải qua, cách họ kiểm chứng và những hướng dẫn từng bước một để áp dụng cho những trường hợp tương tự. Còn có cả một chương tổng hợp các công cụ hỗ trợ phát hiện giả mạo, dùng cho việc xác minh danh tính, nơi chốn, thời gian, áp dụng cho cả hình ảnh và video.
Vào thời điểm ra đời (2014), cuốn cẩm nang này được đánh giá là mang tính đột phá trong thời đại mới, khi báo chí ngày càng phụ thuộc vào các nguồn tin trên mạng xã hội.
Cuốn sổ tay này đã được dịch sang tám thứ tiếng khác nhau. Bạn có thể tải nó ở đây. [8]
Ngoài việc trở thành một độc giả thông thái với kỹ năng kiểm chứng lợi hại, bạn còn có thể góp sức bằng cách trở thành người đầu tiên dịch những nội dung đáng giá này sang tiếng Việt.
Nếu bạn có nhã ý này, bạn có thể liên lạc với Luật Khoa thông qua email bbt@mail.luatkhoa.org.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. BBC News Tiếng Việt. (2021, August 8). VN: Thực hư chuyện ‘bác sĩ Khoa rút ống thở’ gây chấn động. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58134956
2. KhôI, M. (2020, March 12). Từ vụ 44 người chết vì uống rượu để chống. . . COVID-19: Tin giả còn đáng sợ hơn bệnh thật. Giadinh.Net.Vn. https://giadinh.net.vn/y-te/tu-vu-44-nguoi-chet-vi-uong-ruou-de-chong-covid-19-tin-gia-con-dang-so-hon-benh-that-20200311173101064.htm
3. Infodemic. (2020, December 22). WHO. https://www.who.int/health-topics/infodemic#
4. First Draft News. (2019). Understanding Information Disorder. https://firstdraftnews.org/wp-content/uploads/2019/10/Information_Disorder_Digital_AW.pdf
5. Trần L. (2021, August 9). Nhóm của ‘bác sĩ Khoa’ dựng chuyện lấy tiền người cả tin ra sao? Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/nhom-cua-bac-si-khoa-dung-chuyen-lay-tien-nguoi-ca-tin-ra-sao-post1364218.tpo
6. UNESDOC Digital Library. (2019). Journalism, fake news & disinformation: handbook for journalism education and training (vie). https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000367566
7. News Literacy VN. (2014). Cẩm nang dành cho độc giả thông minh. http://drc.centerfornewsliteracy.org/sites/default/files/resource-files/news_literacy_manual_vn.pdf
8. Verification Handbook: homepage. (2021). Verification Handbook. http://verificationhandbook.com/