Nhật ký ngày hỗn loạn cuối cùng trước giờ phong tỏa

Ngay cả trong hỗn loạn, tôi vẫn được sống trong những điều tốt đẹp của người Sài Gòn.

Nhật ký ngày hỗn loạn cuối cùng trước giờ phong tỏa
Một quân nhân làm thủ tục tại sân bay Nội Bài chiều 21/8, trước giờ vào hỗ trợ TP. HCM chống dịch. Ảnh: Phạm Chiểu/ VNExpress.

Tôi viết những dòng này khi đồng hồ đã bắt đầu điểm sang ngày mới.

Cả xóm chìm vào yên tĩnh, thật trái ngược với sự ồn ào hỗn loạn của cả ngày hôm qua và những ngày trước đó. Có lẽ ai cũng thấm mệt.

Những đứa trẻ ngày thường vẫn tràn trề năng lượng chạy nhảy la hét từ sáng đến đến đêm được “lùa về chuồng” từ sớm với chiêu dọa dẫm mới toanh từ người lớn, “ngày mai là có ông bộ đội cầm súng đứng canh ngoài kia kìa, sợ chưa”.

Tôi không biết là những người lớn đó dọa trẻ con, hay thật sự họ đang tự nói với chính mình.

Cho dù là dọa người hay dọa mình, ý nghĩ đó cũng thật lạ và buồn. Nó ngược hoàn toàn với những bức tranh tươi sáng được phun trào trên VTV hay các tờ báo nhà nước: có quân đội vào rồi, người dân yên tâm nhé!

Giống như nhiều người sống ở Sài Gòn, tôi không thấy được bao nhiêu dấu hiệu của sự an tâm ở xung quanh.

Có lẽ vì tôi không sống ở khu vực mà nhà nào cũng có (ít nhất một cái) tủ lạnh 500-600 lít, chất kín đồ ăn trữ đủ cho cả tháng.

Nơi tôi ở, kích thước tủ lạnh phổ biến là dưới 100 lít, chứa giỏi lắm là đủ thực phẩm cho một gia đình ăn trong tuần. Mà đấy là những nhà may mắn có tủ lạnh, và tủ lạnh không bị hư. Của đáng tội, ai đã dùng qua những chiếc tủ lạnh nhỏ rẻ tiền thì đều biết chúng đỏng đảnh khó tánh thế nào. Hơn ba tháng rồi, nhà nào không có tủ lạnh hoặc tủ lạnh hư thì đích thị phải rớt vào cảnh chạy ăn từng bữa.

Vài ngày qua, kể từ khi có thông tin bị bác bỏ rồi xác nhận và lại bị bác bỏ về chuyện phong tỏa mà không phải là phong tỏa nhưng vẫn phong tỏa, ngay cả những người chạy ăn từng bữa cũng phải gồng mình lên tìm cách tích trữ đồ ăn cho những ngày vô định sắp tới.

Người dân tranh thủ mua sắm vào sáng 22/8, ngày cuối trước lệnh phong tỏa. Ảnh: Ngọc Phượng/ Tuổi Trẻ.

Hình ảnh hàng ngàn người tụ tập chen lấn ở các siêu thị, nhà thuốc để tranh mua thực phẩm, thuốc men dự trữ được lan truyền trên các tờ báo và khắp mạng xã hội với không ít lời phê phán chế giễu “cái bọn thiếu ý thức” - vừa tụ tập làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, vừa ngu si nghe theo lời đồn mà chạy loạn cả lên. Chẳng phải chính quyền đã khẳng định sẽ cho quân đội đưa đồ ăn đến tận nhà còn gì!

Thật lãng phí nước bọt nếu phải giải thích cho những ai cố tình nhắm mắt không hiểu tình cảnh của người dân Sài Gòn suốt hơn ba tháng qua.

Lòng tin của họ đối với chính quyền cũng héo như bó rau muống mà mỗi nhà trong khu phố của tôi nhận được cách đây hai tuần. Cho đến thời điểm trên, đó là phần hỗ trợ duy nhất từ nhà nước trong suốt thời gian giãn cách/ phong tỏa.

Mãi tận vài hôm trước, cuối cùng khu vực tôi ở mới nhận được phần trợ giúp thiết thực đầu tiên là các bao gạo 5 kg. Không cần hỏi xem đó là đồ của ai, chỉ cần nghe mọi người ới nhau “ra nhận đồ lẹ lên kìa để người ta chụp hình quay phim” là có thể đoan chắc đấy là người của chính quyền.

Chiều hôm qua, ngày cuối cùng trước khi phong tỏa (lần thứ bao nhiêu nhỉ), một xe chở chừng trăm ký rau củ đổ hàng xuống trước hẻm. Lái xe, một người sống gần đó, đi khắp nhà gõ cửa “ai ăn rau củ gì ra tự lấy về nè”. Nghe kể là đồ từ thiện anh đi xin được ở đâu đó. Mọi người gọi nhau ra. Không ai kiểm soát, chẳng ai đòi chụp hình quay phim, mỗi nhà tự lấy đồ về cho mình. Một số người chậm chân không ra kịp thì được các nhà kia san bớt phần của họ.

Cuối ngày, mọi người vẫn hỏi han nhau đã có đủ đồ ăn thuốc men chưa, và chia sẻ lại những phần còn dư dả cho những nhà có người lớn tuổi hoặc nhiều trẻ em.

Vậy đó, người dân vẫn luôn tự giúp nhau, như trước nay vẫn vậy, đâu cần ông quan nào gợi ý “lấy sức dân chăm lo cho dân”.

Điểm khác biệt tất nhiên nằm ở chữ “lấy”. Lấy của dân chăm cho dân khác rất xa để yên cho dân tự chăm lo cho nhau.

***

Hình ảnh người dân tranh nhau mua hàng ở các siêu thị vào cuối tuần qua thật ra chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một bức bích họa muôn màu vạn trạng của người Sài Gòn.

Những người có thể ra ngoài để tranh đồ tính ra vẫn còn may mắn. Hàng triệu người khác nhiều tháng nay sống không khác gì bị cầm tù khi khu vực của họ bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi các hàng rào kẽm gai đóng chết một chỗ, còn những trạm gác duy nhất thì lăm le tìm cớ xử phạt thay vì giải quyết các nhu cầu thiết yếu của dân.

Để giúp nhau, người dân ở những khu vực cùng họp lại, chia sẻ những thứ mình có cho những người cần.

Ngày cuối cùng trên các nhóm Facebook của các phường, quận tràn ngập những tiếng gọi nhau. Người bán lẫn người mua đều ít tính toán thiệt hơn. Chỗ thì hạ giá hơn cả những ngày trước đó, mà vốn dĩ đã thấp hơn rất nhiều giá của các siêu thị bình ổn. Nơi thì người mua vừa vui vẻ trả tiền trước, vừa sẵn lòng thông cảm khi biết các chuyến xe vận chuyển đến người bán đều bị chặn lại.

Lại nhớ từ hơn tháng trước, khi chính sách phong tỏa được thắt chặt, nhóm bạn bè chúng tôi lật đật hỏi thăm nhau xem có ổn không, cần giúp gì không. Câu trả lời nhận được nhiều nhất là “mình ổn, nhưng có nhiều người cần giúp quá, bạn xem có thể giúp gì được họ không”.

Bỏ đi một vài trường hợp manh mún lẻ tẻ, bức tranh lớn của người Việt Nam rõ ràng vẫn tràn đầy lòng tin và yêu thương, ngay cả trong khủng hoảng.

Thật đáng tiếc, hiện thực đó dường như chỉ tồn tại giữa dân với dân. Còn giữa dân và chính quyền, lòng tin đã là thứ xa xỉ, huống hồ gì nói đến chuyện yêu thương.

Nghĩ về cách dân trân trọng nhau, rồi lại nhìn cách cán bộ nhà nước, từ cấp quan lớn cho tới công an dân phòng, hành xử với dân, thật khó tưởng tượng họ sống cùng một thế giới.

Cùng là người Việt Nam, cùng sống trên mảnh đất này, mà cứ như hai nhóm người này tồn tại ở hai thực tại khác biệt.

Tôi lại nhớ đến những dòng mở đầu bất hủ của Charles Dickens trong “A tale of two cities”.

Đó là thời đại tốt đẹp nhất, đó là thời đại tồi tệ nhất

Đó là năm tháng của khôn ngoan, đó là năm tháng của ngu dốt

Đó là thời đại của lòng tin, đó là thời đại của nghi kỵ

Đó là mùa của ánh sáng, đó là mùa của tối tăm

Đó là mùa xuân của hy vọng, đó là mùa đông của tuyệt vọng

Chúng ta có tất cả mọi thứ, chúng ta chẳng có thứ gì

Chúng ta đều bước thẳng lên thiên đàng, chúng ta đều chúi xuống phía ngược lại

Sống giữa những con người lương thiện, mỗi lần quan sát họ, tôi đều có cảm giác mình đang ở trong thời đại đẹp đẽ nhất.

Chỉ hy vọng những người đang ở trong thực tại khác, những kẻ cầm chức, cầm quyền, và đặc biệt là những ai đang cầm súng, cũng tìm được cảm giác tương tự trong thế giới của họ.


Bài viết thể hiện trải nghiệm cá nhân của tác giả, một người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh. Bạn cũng có thể chia sẻ trải nghiệm của mình với Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.