Vài điều cần biết về cơ chế bồi thường sau tiêm chủng

Luật Việt Nam quy định rõ: Nhà nước sẽ bồi thường. Nhưng có nhiều điều bạn cần lưu ý.

Vài điều cần biết về cơ chế bồi thường sau tiêm chủng
Một người cao tuổi được tiêm vaccine tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7/2021. Ảnh: Dân Trí.

Cách đây bốn năm rưỡi, vào tháng 1/2017, Bộ Y tế loan tin về trường hợp đầu tiên trong lịch sử được bồi thường do bị tai biến sau tiêm chủng. [1] Đó là một ca ở Phú Thọ liên quan đến vaccine Quinvaxem.

Cùng năm đó, chính quyền tiến hành bồi thường cho bốn trường hợp khác, với mức bồi thường trên 100 triệu đồng/ca. [2]

Điều đó có nghĩa là mất đến 36 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu thí điểm chương trình tiêm chủng mở rộng vào năm 1981 mới có người được bồi thường do biến chứng sau khi tiêm vaccine. [3]

Nhưng điều lạ không kém là trường hợp bồi thường đầu tiên này chỉ được tiến hành hơn chín năm sau khi có quy định đầu tiên về bồi thường sau tiêm chủng. Thật vậy, lần đầu tiên Việt Nam có quy định bồi thường sau tiêm chủng là ngày 1/7/2008, khi Luật Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm chính thức có hiệu lực, [4] trong đó có ghi:

Điều 30. Trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

[...]

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.

6. Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.”

Lý do của việc chậm trễ này có lẽ nằm ở việc luật có quy định nhưng không có văn bản hướng dẫn thi hành cho đến khi Nghị định 104/2016/NĐ-CP (Nghị định 104) được ban hành ngày 1/7/2016 và có hiệu lực ngay lập tức. [5] Đó là tình trạng phổ biến trong việc ban hành và thi hành pháp luật ở Việt Nam: luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư đôi khi còn phải chờ… công văn.

Nghị định 104 quy định gì?

Nghị định 104 dành hẳn một chương, sáu điều để nói về bồi thường sau tiêm chủng. Ta có thể tóm tắt mấy ý chính như sau.

1. Các trường hợp được nhà nước bồi thường:

  • Tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật. (1)
  • Tử vong. (2)

2. Các khoản bồi thường:

  • Với trường hợp (1): 30 tháng lương cơ sở, chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút (bao gồm cả phần của người chăm sóc).
  • Với trường hợp (2): Chi phí khám chữa bệnh trước khi tử vong, chi phí mai táng (10 tháng lương cơ sở), chi phí bù đắp tinh thần cho thân nhân (100 triệu đồng), thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút (bao gồm cả phần của người chăm sóc).

3. Người bị thiệt hại hoặc thân nhân đòi bồi thường ở đâu?

Sở Y tế của tỉnh, thành nơi xảy ra vụ việc.

Chi tiết về thủ tục, xin đọc các điều 17, 18, 19, 20 của Nghị định 104.

Bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm quy định về tổ chức tiêm chủng, điều tra nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng ở Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. [6]

Nếu xảy ra biến chứng sau khi tiêm vaccine, nhà nước, cụ thể là Sở Y tế các tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên.

Hạn chế của Nghị định 104

Bạn có thấy các khoản bồi thường và mức bồi thường được quy định “cứng” như Nghị định 104 là hợp lý? Nếu bạn không thấy nó hợp lý thì đó không phải là hạn chế duy nhất của nghị định này. Cụ thể như sau:

  • Không có cơ chế bồi thường cho những nạn nhân bị để lại di chứng nhưng không dẫn đến khuyết tật.
  • Không có cơ chế bồi thường tổn thất về tinh thần đối với những nạn nhân gặp biến chứng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật.
  • Nạn nhân chỉ được bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian chữa bệnh. Còn sau đó, nạn nhân không được hưởng thêm khoản bồi thường nào cho dù có mất khả năng lao động đi chăng nữa.
  • Trường hợp nạn nhân có người phụ thuộc (con cái, cha mẹ già chẳng hạn) thì Nghị định 104 cũng không có cơ chế hỗ trợ những người phụ thuộc này.

Vài điều cần lưu ý:

  • Chuyện bồi thường là chuyện giữa người bị thiệt hại và/hoặc thân nhân với nhà nước, chứ không liên quan tới các công ty sản xuất, kinh doanh vaccine. Nhà nước, mà cụ thể là Sở Y tế, có nghĩa vụ đứng ra chi trả tiền bồi thường cho nạn nhân bằng kinh phí từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.

    Nếu sự việc có lỗi của tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh, bảo quản vaccine thì nhà nước sẽ làm việc riêng với các bên này để đòi họ hoàn lại tiền bồi thường cho Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hãng Chubb Limited đã phối hợp để mở một chương trình bồi thường cho những người bị thương tổn nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine COVID-19 được phân phối qua các cơ sở COVAX ở 92 nước (trong đó có Việt Nam). [7] [8] Các nạn nhân có thể gửi đơn trực tiếp cho chương trình này tại website covaxclaims.com từ nay đến hết 30/6/2022.
Chương trình bồi thường của COVAX dựa trên cơ chế không cần chứng minh lỗi (no-fault compensation system). Ảnh: WHO.

Bàn thêm: Có thể dùng cơ chế tố tụng dân sự để đòi bồi thường?

Cơ chế bồi thường theo luật như đã trình bày ở trên có thể được liệt vào nhóm cơ chế bồi thường không cần chứng minh lỗi (no-fault compensation system). [9] Theo đó, nạn nhân chỉ cần yêu cầu nhà nước (cụ thể là các cơ quan hành pháp) xác định xem nguyên nhân gây tai biến có phải do tiêm vaccine hay không, nếu có thì được bồi thường mà không cần phải chứng minh lỗi của các cá nhân, cơ quan tổ chức tiêm vaccine hay đơn vị sản xuất vaccine. Cơ chế này thực ra đang được WHO và nhiều nước áp dụng, mà New Zealand là nước đi đầu.

Nhưng đó không phải, và không nên, là cơ chế đòi bồi thường duy nhất. Cơ chế đòi bồi thường truyền thống ở hầu hết các nước trên thế giới là thông qua tòa án dân sự, nơi yếu tố lỗi sẽ được cân nhắc khi ra phán quyết về bồi thường thiệt hại (fault-based compensation system). Trong hầu hết trường hợp, pháp luật dân sự yêu cầu người khởi kiện phải chứng minh được thiệt hại, hành vi gây thiệt hại, mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, và lỗi.

Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam mặc dù đã bỏ yếu tố lỗi khi đánh giá căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng yếu tố lỗi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phán quyết về việc ai phải trả bồi thường, các khoản bồi thường là gì, và mức bồi thường cụ thể là bao nhiêu. Mối đe dọa bị kiện ra tòa và phải trả những mức bồi thường khổng lồ sẽ là một loại áp lực buộc các cơ quan, cơ sở y tế phải cẩn trọng hơn trong điều trị, khám chữa bệnh.

Theo quan điểm của tác giả, bồi thường thiệt hại sau khi tiêm chủng là một vấn đề dân sự. Theo lẽ thường, nạn nhân chứng minh được thiệt hại tới đâu thì phải được bồi thường tới đó. Nếu ra tòa, nạn nhân và/hoặc thân nhân của nạn nhân có thể nhận được nhận một khoản bồi thường cao hơn so với mức bồi thường tại Nghị định 104. Ngoài những khoản đã nêu ở phần hạn chế ở trên, còn có một số điểm khác được Bộ luật Dân sự quy định tại chương XX, [10] ví dụ:

  • Tiền bồi thường về tinh thần cho thân nhân của nạn nhân tử vong lên tới 100 tháng lương cơ sở, tương đương với 149 triệu đồng (cao gần gấp gấp rưỡi mức 100 triệu đồng trong Nghị định 104).
  • Nạn nhân bị thương tật được bồi thường chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; nếu nạn nhân mất khả năng lao động và cần người chăm sóc thường xuyên thì còn được bồi thường chi phí cho việc chăm sóc này. Nghị định 104 không quy định các khoản bồi thường này.

Ngoài ra, cơ chế tố tụng dân sự còn để ngỏ khả năng cho các bên thương lượng với nhau về các khoản bồi thường, mức bồi thường, chứ không quy định cứng như Nghị định 104.

Bài viết chưa thu thập đủ thông tin để biết liệu tòa án dân sự có thụ lý những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do biến chứng sau tiêm chủng hay không. Tuy nhiên, tác giả không loại trừ khả năng tòa dân sự sẽ từ chối thụ lý đơn kiện đòi bồi thường của các nạn nhân với lý do chính phủ đã có quy định riêng về cơ chế bồi thường.

Và dĩ nhiên, dù tòa có thụ lý vụ án, khả năng một công dân thắng kiện chính quyền cao đến đâu thì lại là một chuyện rất khác. Tới đây, bài toán của các nạn nhân và/hoặc thân nhân không còn thuần túy mang tính pháp lý như bài viết này nữa.


Chú thích


1. Ngọc Dung. (2017, January 15). Tai biến sau tiêm chủng được bồi thường. Báo Người Lao Động. https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tai-bien-sau-tiem-chung-duoc-boi-thuong-20170115222409847.htm

2. Online T. T. (2018, March 23). Lần đầu tiên bồi thường cho ca tai biến nặng sau tiêm chủng. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/lan-dau-tien-boi-thuong-cho-ca-tai-bien-nang-sau-tiem-chung-20180323151156586.htm

3. Lịch sử TCMR | CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG. (n.d.). Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia. Retrieved August 12, 2021, from http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/lich-su-tcmr.html

4. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Van-ban-hop-nhat-45-VBHN-VPQH-2018-Luat-Phong-chong-benh-truyen-nhiem-407239.aspx

5. Nghị định 104/2016/NĐ-CP: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-dinh-104-2016-ND-CP-hoat-dong-tiem-chung-315451.aspx

6. Thông tư 34/2018/TT-BYT: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-34-2018-TT-BYT-huong-dan-Nghi-dinh-104-2016-ND-CP-ve-hoat-dong-tiem-chung-400318.aspx?anchor=chuong_4

7. No-fault compensation programme for COVID-19 vaccines is a world first. (2021, February 22). WHO. https://www.who.int/news/item/22-02-2021-no-fault-compensation-programme-for-covid-19-vaccines-is-a-world-first

8. 92 low- and middle-income economies eligible to get access to COVID-19 vaccines through Gavi COVAX AMC. (2020, November 19). Gavi, the Vaccine Alliance. https://www.gavi.org/news/media-room/92-low-middle-income-economies-eligible-access-covid-19-vaccines-gavi-covax-amc

9. Vincent, C. (2003). Compensation as a duty of care: the case for “no fault.” Quality and Safety in Health Care, 12(4), 240–241. https://doi.org/10.1136/qhc.12.4.240

10. Bộ luật Dân sự: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.