Chính quyền bắt Đoan Trang, chúng tôi cùng cô xuất bản mục Đọc sách

Đều đặn trong suốt một năm qua, Đoan Trang vẫn là nguồn cảm hứng cho các bài viết mỗi tuần.

Chính quyền bắt Đoan Trang, chúng tôi cùng cô xuất bản mục Đọc sách
Một số cuốn sách đã được nhắc đến trong một năm đọc sách cùng Đoan Trang. Đồ họa: Luật Khoa.

Đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7/10/2020, nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt giữ.

Tin tức nhanh chóng được truyền đi. Tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người trong giới hoạt động trong lẫn ngoài nước đều đau buồn, nhưng không ai ngạc nhiên.

Tài khoản Facebook cá nhân của cô gần như ngay lập tức được chuyển giao cho người thân quản lý. [1] Thông điệp của Đoan Trang chuẩn bị từ hơn một năm trước trong các lá thư, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, được truyền đi rộng rãi. [2] Nó xuất hiện trên những tờ báo lớn của nước ngoài. [3] Video phỏng vấn cô cũng được công bố ngay sau đó. [4]

Đoan Trang và những người xung quanh đã chuẩn bị từ rất lâu cho ngày cô phải đi tù.

Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang lại không nằm trong những dự tính ban đầu đó.

Nó là một ý tưởng thuần túy bộc phát khi các thành viên tòa soạn cùng đặt câu hỏi “ngay bây giờ có thể làm được việc gì?”.

Câu trả lời đến một cách rất tự nhiên. Đoan Trang bị bắt vì “tội dám viết”. Họ bắt Đoan Trang với ý định không cho cô viết tiếp, đồng thời cảnh báo những người khác cũng phải ngoan ngoãn ngừng lên tiếng. Vậy thì việc hợp lý nhất phải làm không chỉ là tiếp tục viết, mà còn phải viết những thứ chính quyền sợ hãi và đòi cấm đoán nhất.

Hai tuần sau đó, đúng vào tối thứ Ba, thời điểm cô bị công an bắt đi, mục Đọc sách cùng Đoan Trang ra đời.

Bài viết đầu tiên có tên “Chiếc tivi: Trái tim của những chế độ độc tài”, đăng ngày 20/10/2020, là một chia sẻ về “Chính trị bình dân”, quyển sách nổi tiếng nhất của nhà báo Đoan Trang. [5]

Kể từ đó, đều đặn mỗi tối thứ Ba hàng tuần, một bài điểm sách lại được xuất bản trên Luật Khoa, trong chuyên mục mang tên Đoan Trang, với gương mặt của cô xuất hiện trong hình ảnh minh họa của mỗi bài viết.

Những bài viết ban đầu tập trung giới thiệu các quyển sách của Đoan Trang - “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Căn bản về truyền thông và báo chí” và “Tội ác phải bị trừng phạt”, cuốn cẩm nang công lý nhỏ cô vừa hoàn thành công việc biên dịch mà chưa kịp xuất bản.

Những tác phẩm khai dân trí mà chính quyền dùng làm lý do để kết tội cô, giờ đây càng được lan truyền mạnh mẽ đến công chúng.

“Gia tài xuất bản” của Trang tuy vậy chỉ là một phần nhỏ trong số những gì cô muốn chia sẻ với độc giả. Cô vẫn luôn mong mỏi mọi tầng lớp người Việt Nam, bất luận già trẻ lớn bé, đều có cơ hội tiếp cận với tri thức tự do và văn minh của thế giới.

Các bài viết trong chuyên mục Đọc sách nhanh chóng được mở rộng, giới thiệu những kiến thức có giá trị từ các cuốn sách khác nhau ở trong và ngoài nước.

tien khong mua duoc gi
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang không chỉ giới thiệu sách của Trang, không chỉ giới thiệu “sách cấm”, cũng không đơn thuần là điểm sách. Chúng tôi mong muốn khơi gợi các cuộc thảo luận.

Các tác giả đóng góp cho chuyên mục đã không chỉ làm công việc điểm sách đơn thuần. Mỗi bài viết hàng tuần luôn bám theo một chủ đề thời sự đang thu hút nhiều sự quan tâm, từ đó khơi gợi các cuộc thảo luận cần thiết.

Khi nhiều người tranh luận về ý nghĩa của việc bầu cử tại Việt Nam, các tác giả giới thiệu những quyển sách chia sẻ các kiến thức cơ bản về luật bầu cử trong nước, [6] sách bàn về Quốc hội, [7] thiết chế quyền lực mà theo Hiến pháp được người dân bầu ra, và cả sách về quá trình người Đài Loan dân chủ hóa cuộc bầu cử của nước họ. [8]

Khi đại hội Đảng diễn ra, chuyên mục giới thiệu các quyển sách kinh điển về tuyên truyền chính trị, từ đó giúp bạn đọc hiểu các phương thức mà chính quyền sử dụng để chế tạo ra hình ảnh giả tạo về một chế độ được quần chúng tin yêu. [9]

Vào lúc câu chuyện của một số cá nhân bất ngờ trở nên “nhạy cảm” khi họ huy động được số tiền lớn làm từ thiện, chuyên mục có bài bàn về vai trò cần thiết nhưng từ lâu bị đè nén của xã hội dân sự ở Việt Nam. [10] Khi các tranh cãi về hoạt động từ thiện gần đây tiếp tục được hâm nóng, một quyển sách nổi tiếng thế giới về cách làm từ thiện có hiệu quả được giới thiệu để bạn đọc hình dung cách những nước văn minh giải quyết vấn đề này ra sao. [11]

Hay khi dư luận trong nước đang sục sôi về tình trạng phân phối vaccine COVID-19 bất bình đẳng, một quyển sách bàn về mối quan hệ giữa đồng tiền và đạo đức được giới thiệu để đóng góp một góc nhìn cần thiết vào các cuộc tranh luận. [12] Hoặc lúc dư luận xót xa trước hình ảnh hàng triệu người lao động nghèo phải tháo chạy về quê, câu chuyện về sự vô hình của người nghèo được đưa ra thảo luận qua góc nhìn của những người đã từng day dứt với vấn đề tương tự từ trước đó hơn nửa thế kỷ. [13]

Rồi khi người dân bức xúc cao độ với các phương thức chống dịch vô lý và tình trạng lạm quyền nghiêm trọng của các cán bộ nhà nước, những kiến thức bình dân nhất về chính trị - điểm lại từ quyển sách “Chính trị bình dân” của Đoan Trang - lại trở thành một trong những bài viết được đọc và chia sẻ nhiều nhất của Luật Khoa. [14]

Kể từ bài viết đầu tiên, đến nay đã có 50 bài giới thiệu sách đều đặn ra mắt hàng tuần trên chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang.

Nói cách khác, từ ngày Đoan Trang bị chính quyền bắt giữ, cô đã xuất bản được thêm 50 bài viết, đều đặn mỗi tuần.

Đoan Trang vẫn sẽ tiếp tục “ra bài” như vậy, bất kể việc cô đang bị chính quyền giam cầm trong tù, không cho gặp gỡ bất kỳ người thân nào trong suốt một năm qua.

Cô không trực tiếp viết, nhưng hàng trăm, hàng ngàn bài viết khác có tên cô hoặc nhắc đến cô vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện, không chỉ trên Luật Khoa mà còn trên khắp các tờ báo nước ngoài.

Nó là minh chứng khẳng định nhà nước độc tài Việt Nam đang làm một việc không chỉ phi đạo đức, trái pháp luật mà còn vô nghĩa và phản tác dụng.

Họ càng ra sức bịt miệng một người, tiếng nói của người đó sẽ càng vang xa.

Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang vẫn sẽ tiếp tục ra bài hàng tuần, vẫn sẽ tiếp tục làm cái gai trong mắt những kẻ bắt nạt luôn sợ hãi sự thật.

Và chúng tôi luôn chào đón sự tham gia của các bạn, những người bình dân luôn khao khát sự thật.


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Chú thích

1.  Facebook Phạm Đoan Trang. (2021). https://www.facebook.com/pham.doan.trang

2.  Trịnh Hữu Long. (2020, October 10). Khi “tự do cho Đoan Trang” là không đủ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/10/khi-tu-do-cho-doan-trang-la-khong-du/

3.  Paddock, R. C. (2021, February 1). The Jailed Activist Left a Letter Behind. The Message: Keep Fighting. The New York Times. https://www.nytimes.com/2020/10/14/world/asia/vietnam-pham-doan-trang-arrest.html

4.  Trần Hà Linh. (2020, November 10). Đoan Trang: Nếu tôi có đi tù, mọi hoạt động bên ngoài vẫn phải tiếp tục, thậm chí mạnh hơn. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/11/doan-trang-neu-toi-co-di-tu-moi-hoat-dong-ben-ngoai-van-phai-tiep-tuc-tham-chi-manh-hon/

5.  Y Chan. (2020, December 17). Chiếc tivi: Trái tim của những chế độ độc tài. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/10/chiec-tivi-trai-tim-cua-nhung-che-do-doc-tai/

6.  Y Chan. (2021, March 30). Túm tùm tụp về bầu cử: Bạn luôn có lựa chọn, kể cả khi không được chọn lựa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/tum-tum-tup-ve-bau-cu-ban-luon-co-lua-chon-ke-ca-khi-khong-duoc-chon-lua/

7.  Văn Thương. (2021, May 18). Bầu cử Quốc hội: Ta có quyền hy vọng gì? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/bau-cu-quoc-hoi-ta-co-quyen-hy-vong-gi/

8.  Y Chan. (2021, May 11). Từ độc đảng sang đa đảng: Đài Loan đã dân chủ hóa cuộc bầu cử như thế nào. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/tu-doc-dang-sang-da-dang-dai-loan-da-dan-chu-hoa-cuoc-bau-cu-nhu-the-nao/

9.  Văn Thương. (2021, January 26). Nhân đại hội đảng, nghĩ về cách chính quyền chế tạo lòng tin yêu. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/01/nhan-dai-hoi-dang-nghi-ve-cach-chinh-quyen-che-tao-tin-yeu/

10.  Y Chan. (2020, December 17). Xã hội dân sự không phải chỉ có mì gói và bánh chưng. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/10/xa-hoi-dan-su-khong-phai-chi-co-mi-goi-va-banh-chung/

11.  Nguyên Sa. (2021, September 28). Bạn nên chuyển tiền từ thiện cho ai? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/ban-nen-chuyen-tien-tu-thien-cho-ai/

12.  Nguyên Minh. (2021, July 27). Có tiền mua tiên còn được, huống gì vaccine, đúng không? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/co-tien-mua-tien-con-duoc-huong-gi-vaccine-dung-khong/

13.  Y Chan. (2021, August 17). Khi những người nghèo không còn “vô hình.” Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/khi-nhung-nguoi-ngheo-khong-con-vo-hinh/

14.  Nguyên Sa. (2021, August 31). Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những người bình dân ạ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/chinh-tri-anh-huong-den-tat-ca-chung-ta-nhung-nguoi-binh-dan-a/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.