Thảm sát Bucha: Chúng ta biết gì, và trách nhiệm pháp lý của Putin đến đâu?
Phân tích các thông tin đã có và tìm hiểu những án lệ có liên quan.
Tin tức về cuộc thảm sát của lính Nga đối với người dân tại Bucha, một thị trấn nhỏ nằm cách 25 km về phía Tây Bắc của thủ đô Kyiv, xuất hiện dày đặc trên các trang báo thế giới những ngày qua.
Theo hệ thống pháp luật nhân đạo quốc tế, việc thường dân bị thương, bị chết trong các cuộc giao tranh và các vụ không kích, pháo kích chiến thuật, v.v. thường không ngay lập tức bị xem là tội ác chiến tranh.
Lý do là vì hệ thống pháp luật này còn cân nhắc mục tiêu chiến lược quân sự của quốc gia thực hiện hành vi, xem xét xem họ có tuân thủ “nguyên tắc cân xứng” (proportionality principle) hay “nguyên tắc cần thiết” (necessity principle) hay không.
Có thể hiểu các nguyên tắc này bằng một ví dụ giả tưởng: Nga không kích vào một địa điểm quân sự quan trọng của Ukraine, địa điểm này nằm trong một khu vực có dân cư sinh sống của thành phố. Cuộc không kích tiêu diệt được mục tiêu quân sự, nhưng đồng thời khiến 10 thường dân gần đó thiệt mạng vì các vụ nổ dây chuyền, và cũng vì các loại vũ khí đánh phá hiện đại không bao giờ có độ chính xác 100%.
Trong ví dụ nói trên, thiệt hại nhân mạng của thường dân Ukraine mà quân đội Nga gây ra được xem là “chấp nhận được”, và không vi phạm pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, việc chủ động giết những thường dân không có khả năng tự vệ, trong khu vực do quân đội mình chiếm đóng (occupied territory), trong bối cảnh một cuộc xung đột vũ trang quốc tế (international armed conflict) - đó là một trong những ví dụ kinh điển của sách giáo khoa lịch sử về tội ác chiến tranh.
Chúng ta đã biết gì về vụ việc ở Bucha?
Và trách nhiệm này có thể được quy cho Putin hay không?
Phía Ukraine nói gì?
Sau khi quân đội Nga rút lui và quân đội Ukraine trở lại tiếp quản khu vực phía Bắc thủ đô Kyiv, những mồ chôn tập thể và xác chết của thường dân nằm la liệt khắp mọi ngóc ngách thành phố khiến giới chức Ukraine lẫn các quan sát viên và phóng viên quốc tế đi cùng sững sờ. [1]
Theo cáo buộc chính thức từ phía Ukraine, các xác chết cho thấy nhiều thường dân bị trói tay về phía sau, bị bắn từ cự ly gần và thậm chí là có dấu hiệu bị tra tấn. Đến ngày 4/4, thi thể của 410 thường dân bị giết theo những cách này đã được tìm thấy. Ukraine khẳng định đây là minh chứng rõ ràng nhất cho tội ác chiến tranh mà Nga thực hiện. [2]
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khẳng định chính phủ của ông sẽ xây dựng và tạo ra cơ chế pháp lý đặc biệt (special justice mechanism) để điều tra tất cả những tội ác chiến tranh mà quân đội Nga thực hiện trên đất Ukraine.
Nếu cơ chế này phối hợp được với các định chế quốc tế, vốn theo sát tình hình Ukraine trong thời gian qua, bao gồm Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng như Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), [3] sẽ tạo nên được tính khách quan, tính chính danh và kèm theo đó là áp lực pháp lý quốc tế đúng đắn lên phía Nga.
Phía Nga nói gì?
Cho đến nay, chính quyền Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến thảm sát Bucha.
Phía Nga cho rằng người dân ở Bucha không hề chịu bất kỳ đe dọa bạo lực nào trong giai đoạn quân Nga chiếm đóng khu vực này.
Theo họ, quân đội Nga đã rút khỏi Bucha vào ngày 30/3/2022; các video, hình ảnh minh chứng cho vụ thảm sát chỉ xuất hiện sau đó; những xác chết không có dấu hiệu phân rã. Họ cáo buộc rằng các xác chết thật ra là diễn viên do chính quyền Ukraine thuê. [4]
Bên cạnh đó, nhiều đài truyền hình quốc gia Nga cáo buộc chính quyền Ukraine tự giết người dân của họ để tạo hiệu ứng truyền thông. [5]
Báo chí quốc tế kiểm chứng thế nào?
Sẽ có ý kiến cho rằng các thông tin kiểm chứng của báo chí phương Tây là không khách quan.
Tuy nhiên, phóng viên các hãng thông tấn lớn của phương Tây là những người hiếm hoi dám đưa tin ở chiến trường thực chiến. Những thông tin của họ vì vậy ít nhất có giá trị tham khảo đáng kể.
Trước tiên, có thể nói rằng hầu hết phóng viên chiến trường của các hãng như AP, Guardian hay Al Jazeera đều xác nhận rằng có rất nhiều xác chết của người dân Ukraine nằm khắp Bucha.
Điều này phủ nhận lập luận của Nga cho rằng đây chỉ là những “diễn viên đóng thế”. Chúng ta có thể xem hình ảnh và thông tin chi tiết trên bài viết của Al Jazeera (bạn đọc cần cân nhắc trước khi xem). [6]
Hãng AP, ngoài báo cáo về vụ việc xảy ra tại Bucha, còn dẫn chứng một câu chuyện khác tương tự tại khu vực Motyzhyn, cách Kyiv 50 km về phía Tây.
Theo tường thuật của AP, người dân và nhân chứng tại đây cho biết rằng quân Nga đã bắt giữ và giết hại thị trưởng, chồng của bà và cả con trai của hai người. Xác của các nạn nhân bị vứt vào một hố chôn gần khu vực quân Nga đóng quân trước đó. Phóng viên AP đã tìm được hố và xác nhận sự kiện này. [7]
Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council đã thống kê và nối lại thông tin từ các nguồn truyền thông Nga và tin quân sự chính thức của Nga. Qua đó, họ kết luận là đến ngày 30/3, quân đội Nga vẫn còn được ghi nhận là đang làm chiến dịch “dọn dẹp” tại Bucha chứ chưa hề rút quân như đã khẳng định. [8]
Một số trang tin tức lớn khác như Newsweek cho biết hình ảnh vệ tinh ghi nhận xác chết của các nạn nhân đã xuất hiện từ lâu trước khi quân Nga rút khỏi khu vực này. [9]
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã chính thức lên tiếng về vụ việc, ghi nhận các thông tin báo chí về vụ thảm sát và đề nghị một chương trình điều tra quốc tế ngay lập tức về sự việc này. [10]
Vấn đề “phân cấp trách nhiệm” trong tội ác chiến tranh (war crime)
Khác với nhiều bình luận trên mạng, người viết sẽ không ngay lập tức khẳng định đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh.
Việc xác định cấp lãnh đạo quân sự nào chịu trách nhiệm liên quan đến các tội ác chiến tranh trong một cuộc xung đột vũ trang không đơn giản chỉ là việc khẳng định ai lãnh đạo cao nhất thì người đó chịu trách nhiệm (dù rất có thể chính họ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp).
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện trường hợp Nga đẩy trách nhiệm phạm tội cho những toán lính đánh thuê của nước này (như lực lượng đến từ Syria, Chechnya hay Belarus), và khẳng định quân đội Nga vô can.
Vậy vấn đề trách nhiệm trong tội ác chiến tranh được phân bổ ra sao? Chúng ta cùng đi qua một vài nguyên tắc xác định và phân bổ trách nhiệm thực hiện hành vi tội ác chiến tranh.
Nguyên tắc đầu tiên là bất kỳ hành vi nào do một cơ quan, quân nhân, cán bộ trực thuộc cấu trúc của nhà nước tham chiến thực hiện đều sẽ được xem là hành vi của chính nhà nước đó. Điều này được xác lập trong án lệ Democratic Republic of the Congo v. Uganda của ICJ. [11]
Hiểu một cách đơn giản, hành vi thực hiện tội ác chiến tranh của bất kỳ thành viên quân đội nào của Nga, cho dù có theo lệnh của cấp trên hay không, cấp bậc của họ như thế nào, cũng sẽ được xem là hành vi vi phạm tội ác chiến tranh của toàn bộ nhà nước Nga.
Nguyên tắc thứ hai được xác định qua án lệ Nicaragua v. United States of America (bạn không đọc nhầm, Hoa Kỳ cũng từng bị kiện và thậm chí là vẫn thua như thường, nhưng chúng ta sẽ bàn về nó trong một dịp khác). [12]
Trong án lệ này, để cân nhắc câu hỏi các nhóm quân sự “contras” bên trong Nicaragua có bị xem là lực lượng “trực thuộc” chính phủ Hoa Kỳ hay không, người ta xem xét bài toán lệ thuộc hoàn toàn (total dependence).
Nếu một lực lượng quân sự phi nhà nước (như lính đánh thuê, phiến quân) buộc phải vận hành hoàn toàn dựa vào nguồn lực, mệnh lệnh và cơ cấu quản lý của quân đội một nhà nước khác, mọi hành vi cấu thành tội ác chiến tranh của lực lượng này cũng là hành vi của nhà nước đó.
Như vậy, trong trường hợp các toán lính Chechnya hay Syria vốn được Nga hậu thuẫn, trực tiếp quản lý và vận chuyển đến Ukraine, hành vi vi phạm pháp luật quốc tế nếu có của các nhóm này cũng sẽ là hành vi của nhà nước Nga.
Câu hỏi cuối cùng là, trách nhiệm của các lãnh đạo quân sự và thậm chí là lãnh đạo nhà nước đến đâu?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải tìm hiểu gần như toàn bộ các bản án hình sự quốc tế, bao gồm các bản án của Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Nam Tư (ICTY) và Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Rwanda (ICTR), cũng như là vụ án xét xử cựu lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic tại ICTY. [13] [14] [15]
Người viết tổng hợp ba yếu tố sau từ các bản án trên:
- Tại thời điểm hành vi xảy ra, giới sĩ quan và lãnh đạo quân sự của quốc gia này hoàn toàn kiểm soát lực lượng thực hiện hành vi. Chúng ta hiểu đơn giản là cấu trúc, mô hình và tổ chức quân ngũ của nhóm này vẫn còn vững chắc và mang tính quy phạm ở thời điểm hành vi xảy ra. Từ đó, người ta có quyền giả định rằng các quân nhân sẽ không thể thực hiện những hành vi (vi phạm pháp luật) nếu không có sự cho phép của cấp trên;
- Giới lãnh đạo quân sự biết về hành vi vi phạm pháp luật;
- Giới lãnh đạo quân sự không ngăn cản hoặc không trừng phạt các quân nhân dưới quyền thực hiện hành vi.
***
Tổng hợp các thông tin trên, nếu thật sự thảm sát Bucha cũng như các hành vi tội ác chiến tranh khác xảy ra tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin hoàn toàn có thể bị xem xét trách nhiệm, với vai trò tương đồng như Milosevic đã từng thực hiện trong các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người liên quan đến các cuộc chiến dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong quá trình tan rã của Nam Tư.
Hiển nhiên, các định chế quốc tế có đủ sức để truy tố một lãnh đạo tối cao của một cường quốc như Nga hay không là câu chuyện khác.
Chú thích
1. Zivo, A. (2022, April 5). Adam Zivo: The Bucha massacre shows what’s at stake in Ukraine. National Post. https://nationalpost.com/opinion/adam-zivo-the-bucha-massacre-shows-whats-at-stake-in-ukraine
2. Ukraine accuses Russia of massacre, city strewn with bodies. (2022, April 4). AP NEWS. https://apnews.com/article/russia-ukraine-zelenskyy-kyiv-europe-evacuations-665fd06b92852547d7b27627b99509a6
3. Xem thêm bài viết liên quan của Luật Khoa tại: Trực, B. C. (2022, March 17). Chiến thắng pháp lý đầu tiên của Ukraine trước Nga ở Tòa án Công lý Quốc tế. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/03/chien-thang-phap-ly-dau-tien-cua-ukraine-truoc-nga-o-toa-an-cong-ly-quoc-te/
4. By Reality Check and BBC Monitoring. (2022, April 5). Bucha killings: Satellite image of bodies site contradicts Russian claims. BBC News. https://www.bbc.com/news/60981238
5. Roth, A. (2022, April 5). Kremlin reverts to type in denial of alleged war crimes in Ukraine’s Bucha. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/apr/04/kremlin-reverts-to-type-in-response-to-alleged-war-crimes-in-ukraine
6. Al Jazeera. (2022, April 3). Ukraine: Bodies, destroyed tanks line streets as Russia retreats. Gallery News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/gallery/2022/4/3/photos-ukraine-retreating-russians-leave-trail-of-dead-bodies-near-kyiv
7. Ukraine accuses Russia of massacre, city strewn with bodies. (2022b, April 4). AP NEWS. https://apnews.com/article/russia-ukraine-zelenskyy-kyiv-europe-evacuations-665fd06b92852547d7b27627b99509a6
8. E. (2022c, April 4). Russian War Report: Kremlin claims Bucha massacre was staged by Ukraine. Atlantic Council. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/russian-war-report-kremlin-claims-bucha-massacre-was-staged-by-ukraine/
9. Kuklychev, Y. (2022, April 4). Fact Check: Russia Claims Massacre in Bucha “Staged” by Ukraine. Newsweek. https://www.newsweek.com/fact-check-russia-claims-massacre-bucha-staged-ukraine-1694804
10. Ukraine: Secretary-General calls for probe into Bucha killings. (2022, April 6). UN News. https://news.un.org/en/story/2022/04/1115442
11. Latest developments | Armed Activities on the Territory of the Congo (Democratic Republic of the Congo v. Uganda) | International Court of Justice. (2022). ICJ. https://www.icj-cij.org/en/case/116
12. Judgments | Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America) | International Court of Justice. (2022). ICJ. https://www.icj-cij.org/en/case/70/judgments
13. International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia | United Nations International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia. (2022). ICTY. https://www.icty.org/
14. The ICTR in Brief | United Nations International Criminal Tribunal for Rwanda. (2022). United Nations International Residual Mechanism for Criminal Tribunals. https://unictr.irmct.org/en/tribunal
15. Forum, P. G. P. J.-. (2022). The Trial of Slobodan Milosevic. Global Policy Forum. https://archive.globalpolicy.org/component/content/article/163-general/28696-the-trial-of-slobodan-milosevic.html