Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài

“Ngày Đức Thầy vắng mặt” bị cấm cản; giáo xứ An Hòa tiếp tục khiếu nại đòi đất.

Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài
Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các tổ chức Cao Đài tại tỉnh Long An (trái) và tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ. Minh họa: Luật Khoa.

[Bàn tay chính quyền]

Chính quyền làm việc với hàng loạt tổ chức Cao Đài để tổng kết 30 năm thực thi chủ trương kiểm soát của đảng

Trong tháng 3/2022, một đoàn làm việc của chính quyền đã đồng loạt làm việc với các tổ chức Cao Đài ở Đà Nẵng, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang. [1][2][3][4]

Báo chí nhà nước cho biết đây là Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án của Trung ương về “Tổng kết 30 năm thực hiện Thông báo số 34-TB/TW ngày 14/11/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài”.

Thông báo 34-TB/TW nêu rõ ba quan điểm của đảng, nhà nước đối với đạo Cao Đài: [5]

  • Không khuyến khích phát triển các tôn giáo, trong đó có đạo Cao Đài
  • Không cho phép các hệ phái Cao Đài lập bộ máy hành chính nhà nước và không cho thống nhất các hệ phái Cao Đài toàn quốc dưới bất kỳ hình thức nào
  • Ngăn chặn, […] làm thất bại những hoạt động của bọn phản động, ngoài nước lợi dụng đạo Cao Đài để chống phá nhà nước

Người dẫn đầu các đoàn làm việc này đều là các cán bộ cấp cao của nhà nước. Tại tỉnh Tây Ninh, đó là Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; tại tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng;  tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách; tại các tỉnh Long An, Kiên Giang và Tiền Giang là Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc.

Đoàn kiểm tra và chính quyền địa phương tỉnh Kiên Giang làm việc với chức sắc, chức việc của Hội thánh Cao Đài Bạch Y tại xã Mong Thọ, huyện Châu Thành. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nội dung cụ thể của các buổi làm việc không được báo chí tường thuật chi tiết. Ví dụ như đoàn làm việc tại các tỉnh Long An, Kiên Giang và Tiền Giang có nói rằng sẽ hỗ trợ các tín đồ giải quyết các vấn đề của đạo, nhưng không nói cụ thể là những vấn đề gì.

Việc chính quyền vẫn áp dụng nghiêm ngặt Thông báo 34-TB/TW là đi ngược lại với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, trong đó cho phép các tôn giáo được quyền “thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc”.

Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh tại Việt Nam. Sau năm 1975, với quá khứ chống cộng sản, đạo này đã bị chính quyền cấm hoạt động cho đến những năm 1990. Cho đến nay, đạo Cao Đài vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ với chính sách chia để trị, không cho các hội thánh thống nhất hay liên hiệp với nhau.

Số tín đồ đạo Cao Đài đến nay đã sụt giảm trầm trọng, từ 4 triệu tín đồ trước năm 1975 giảm chỉ còn 2,3 triệu tín đồ vào năm 2010 và đến năm 2019 là 556.234 tín đồ - theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ. [6]

Ảnh minh họa: Luật Khoa.

Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tiếp tục bị chính quyền cản trở tưởng niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt

Vào ngày 26/3/2022, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho biết chính quyền tiếp tục cản trở họ cử hành lễ tưởng niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt.

Theo đó, chính quyền đã cho công an dựng hai chốt kiểm soát tại trụ sở của giáo hội tại xã Long An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Giáo hội cho biết hai chốt kiểm soát nhằm ngăn cản tín đồ và các trị sự viên của giáo hội tham dự lễ tưởng niệm. [7]

Tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, giáo hội cho biết tín đồ Huỳnh Hữu Lợi, 19 tuổi, bị công an mời làm việc vào ngày 28/3 vì treo giáo kỳ Phật giáo Hòa Hảo và căng băng-rôn tưởng niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt tại tư gia. Công an đã tịch thu giáo kỳ và băng-rôn. Theo Lợi, một cán bộ đã đe dọa sẽ đánh anh đến chết nếu năm sau còn tổ chức lễ tưởng niệm tại nhà. [8]

Tín đồ Huỳnh Văn Lợi (đứng giữa) tại tư gia. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Ngày Đức Thầy vắng mặt là lễ tưởng niệm hàng năm, ghi nhớ ngày 16/4/1947, khi giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị mất tích sau một cuộc họp với Việt Minh. Đây là một trong ba ngày lễ lớn của tôn giáo này. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo sau khi được chính quyền công nhận vào năm 1999 đã không tổ chức ngày lễ này.

Các tín đồ theo Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hoặc các tín đồ độc lập thường tự tổ chức lễ tưởng niệm tại tư gia trong sự lo lắng bị chính quyền trấn áp.

Đọc thêm: 46 năm cấm tín đồ Hòa Hảo kỷ niệm “Ngày Đức Thầy vắng mặt”: Chính quyền chưa nguôi hận?

Giáo xứ An Hòa đề nghị dừng việc xây dựng trên khu đất đang tranh chấp

Vào cuối tháng 3/2022, Giáo xứ An Hòa tại TP. Đà Nẵng đã gửi đơn lần thứ tư đến các cơ quan chính quyền để yêu cầu dừng việc xây dựng trên khu đất mà giáo xứ đang khiếu nại là thuộc quyền sở hữu của mình. [9]

Bốn công trình đang được thi công trên khu đất mà giáo xứ An Hòa đang khiếu nại, cho rằng thuộc quyền sở hữu của mình. Ảnh: Giáo xứ An Hòa.

Từ tháng 11/2021, một số công trình kiên cố đã bắt đầu được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 15.000 mét vuông này. Sau năm 1975, giáo xứ đồng ý cho nhà nước trưng dụng khu đất làm nơi sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, và tạo điều kiện cho một số giáo dân làm nông nghiệp.

Việc giáo xứ đồng ý cho nhà nước trưng dụng khu đất sau năm 1975 là lý do chính quyền cho rằng giáo xứ không còn quyền sở hữu hay sử dụng khu đất này nữa.

Năm 2019, khu đất đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân để phân lô bán nền đất thổ cư. Việc khiếu nại của giáo xứ trong ba năm qua vẫn không có tiến triển nào đáng kể.

Hai lô đất trống bên trái là khu đất giáo xứ An Hòa đề nghị chính quyền TP. Đà Nẵng trả lại cho giáo xứ. Ảnh: Giáo xứ An Hòa.

Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Theo đó, các cơ quan nhà nước tiếp tục sử dụng nhà đất của các cơ sở tôn giáo, nhưng phải đúng mục đích và hiệu quả, nếu không thì có thể giao cho cơ quan khác hoặc trả lại các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, việc thực thi chỉ thị này tùy thuộc vào sự tự nguyện của chính quyền các địa phương. [10]

Hiện nay, chính quyền Việt Nam vẫn còn nắm giữ nhiều cơ sở thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam từ sau năm 1975. Nhiều khu vực đã bị biến thành tài sản của nhà nước như trường học, trụ sở của các cơ quan chính quyền, hay thậm chí bị quy hoạch thành khách sạn, khu dân cư cao cấp.

[Tôn giáo mới]

Báo đảng: Có 8.000 người H’mong theo đạo Dương Văn Mình ở năm tỉnh miền núi phía Bắc

Một bài viết vào tháng Ba trên Tạp chí Xây dựng Đảng, một cơ quan của Ban Tổ chức Trung ương, cho biết hiện nay có khoảng 8.000 người đang theo đạo Dương Văn Mình ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. [11]

Cũng như nhiều tờ báo nhà nước khác, bài viết của Tạp chí Xây dựng Đảng tiếp tục cáo buộc nặng nề đạo Dương Văn Mình là tà đạo, hoạt động đòi ly khai tự trị, lôi kéo người dân chống chính quyền, tuyên truyền mê tín dị đoan làm hại người H’mong.

Trong khi đó, các tín đồ Dương Văn Mình cho rằng đạo Dương Văn Mình chỉ dạy họ bỏ việc cúng ma, bỏ lễ ma chay truyền thống, cũng không có việc ông Mình ép buộc họ cung cấp tiền bạc.

Ảnh trái: Tín đồ theo đạo Dương Văn Mình xuống Hà Nội cùng Dương Văn Mình vào năm 2014. Nguồn: J.B. Nguyễn Hữu Vinh. Ảnh phải: Công an bao vây tháo bỏ một nhà tang lễ của đạo Dương Văn Mình vào năm 2013. Nguồn: Youtube Thanh Phạm/ BPSOS đã dẫn.

Vào tháng 3/2021, Thiếu tướng quân đội Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội tỉnh hà Giang, đã lên án việc trấn áp của chính quyền đối với đạo Dương Văn Mình. Ông cho rằng tín đồ của đạo này không có ý đồ chống phá chính quyền.

Ông Dương Văn Mình, người sáng lập đạo, đã qua đời vào tháng 12/2021. Những bài báo gần đây trên các tờ báo nhà nước cho thấy quan điểm về đạo này của chính quyền vẫn không có gì thay đổi, và các tín đồ có thể đang đứng trước nguy cơ bị trấn áp nặng nề hơn.

Đọc thêm: Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an?

Báo chí nhà nước: Pháp môn Diệu âm đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành

Báo chí nhà nước cho biết Pháp Môn Diệu Âm, một trong những giáo phái bị chính quyền cấm hoạt động tại Việt Nam, đã phát triển mạng lưới tín đồ ở khắp các tỉnh, thành. [12]

Bài viết cáo buộc giáo phái này “trục lợi về kinh tế; có màu sắc chính trị; chia rẽ tôn giáo, dân tộc”. Tuy nhiên, bài viết không đưa ra được bằng chứng hoặc nhân chứng nào chứng minh cho cáo buộc này.

Người sáng lập giáo phái được biết đến với tên gọi là Trần Tâm. Theo bài báo, chính quyền Việt Nam đã cấm Trần Tâm vào Việt Nam từ năm 1997 và liên tục gia hạn lệnh cấm nhập cảnh cho đến nay.

Do bị cấm hoạt động công khai tại Việt Nam, giáo phái này thu hút tín đồ qua nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các khóa tu tập ở nước ngoài, thực hành tu tập qua mạng Internet, phổ biến sách, video của giáo phái cho các tín đồ trong nước.

Đĩa DVD giảng đạo của Pháp Môn Diệu Âm bị tịch thu tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh vào tháng 2/2020. Ảnh: Biên Phòng.

Năm 2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết có khoảng 85 các “đạo lạ” tại Việt Nam. Vào đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết sẽ sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, bao gồm các đạo lạ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nỗ lực cấm cản các giáo phái hoạt động tại Việt Nam, dù trên thực tế người dân bằng nhiều cách vẫn có thể tham gia các giáo phái mà họ có nhu cầu.

Đọc thêm: Bí ẩn Pháp môn Diệu Âm và các giáo phái mới: Chấp nhận hay ngăn cấm?


Chú thích

1.  Thời báo Tài chính. (2022, March 22). Đà Nẵng: Tôn giáo Cao Đài đồng hành với chính sách phát triển của thành phố. https://web.archive.org/web/20220412085336/https://thoibaotaichinhvietnam.vn/da-nang-ton-giao-cao-dai-dong-hanh-voi-chinh-sach-phat-trien-cua-thanh-pho-102216.html

2.  Đồng Khởi. (2022, March 29). Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 30 năm thực hiện Thông báo số 34/TB-TW làm việc tại tỉnh. https://web.archive.org/web/20220422090307/https://baodongkhoi.vn/doan-kiem-tra-cua-ban-chi-dao-de-an-tong-ket-30-nam-thuc-hien-thong-bao-so-34-tb-tw-lam-viec-tai-tin-29032022-a98490.html

3.  Bộ Công an. (2022a, March 17). Bảo đảm tốt an ninh tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=2&ItemID=31261

4.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, March). Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Long An, Kiên Giang, Tiền Giang. https://web.archive.org/web/20220422090648/http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/truong-ban-ban-ton-giao-chinh-phu-lam-viec-voi-tinh-uy-long-an-kien-giang-tien-giang-postBmZ60emW.html

5.  Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. (1992). Thông báo 34-TB/TW Thông báo ý kiến của Ban bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài. Document Cloud (Luat Khoa Contributed). https://www.documentcloud.org/documents/21702045-thong-bao-so-34-1992-ve-chu-chuong-cong-tac-voi-dao-cao-dai#document/p1/a2098504

6.  Luật Khoa. (2020, November 23). Số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam sụt giảm trầm trọng sau năm 1975. https://www.luatkhoa.org/2020/11/so-tin-do-cac-ton-giao-o-viet-nam-sut-giam-tram-trong-sau-nam-1975/

7.  Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. (2022, March 26). Nhà cầm quyền tỉnh An Giang đã chính thức ngăn chặn Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý tổ chức lễ 25/2 Đức Thầy vắng mặt. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1373921886371936&id=100492827048188

8.  Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. (2022, March 30). Giật băngron, hăm dọa đánh tín đồ PGHH tổ chức lễ Đức Thầy vắng mặt.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1376588529438605&id=100492827048188

9.  Giáo xứ An Hòa. (2022, March 28). Hôm nay 28/3/2022, Giáo xứ An Hòa tiếp tục làm ĐƠN YÊU CẦU (lần thứ 4). . . https://www.facebook.com/photo/?fbid=430893002137745&set=a.124828092744239

10.  Chính phủ. (2008). Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bat-dong-san/Chi-thi-1940-CT-TTg-nha-dat-lien-quan-ton-giao-83510.aspx

11.  Tạp chí Xây dựng Đảng. (2022, March 18). Tà đạo khoác áo tôn giáo. https://web.archive.org/web/20220416024825/http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2022/16595/Ta-dao-khoac-ao-ton-giao.aspx

12.  Dân tộc và Phát triển. (2022, March 31). Nhận diện cái gọi là “Pháp môn Diệu âm.” https://web.archive.org/web/20220414024917/https://baodantoc.vn/nhan-dien-cai-goi-la-phap-mon-dieu-am-1647489636917.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.