‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Tư duy không nhất thiết là một trận chiến.
“Chúng ta đều biết rằng tư duy của con người đầy khuyết điểm, nhưng lại chẳng biết gì nhiều về cách để sửa chữa.”
Adam Grant, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về tư duy, đã bình luận như vậy khi nói về cuốn “The Scout Mindset” của Julia Galef. [1] Thật vậy, chúng ta đã đi đến một mức độ đồng thuận tương đối cao rằng con người có rất nhiều lỗi tư duy. Nhiều cuốn sách nổi tiếng đã chứng minh điều này, trong đó có “Predictably Irrationality” (Phi lý trí) của Dan Ariely và “Thinking, Fast and Slow” (Tư duy, nhanh và chậm) của Daniel Kahneman - người được trao Giải Nobel Kinh tế năm 2002 (tên đầy đủ là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel).
Việc chỉ ra các lỗi ngụy biện gần như đã trở thành thường thức. [2] Người ta chẳng cần phải nghiên cứu tâm lý mới có thể nói rằng đây là ngụy biện tấn công cá nhân hay kia là thiên kiến xác nhận. Nhưng việc ai cũng nhận ra các lỗi tư duy không tự dưng dẫn đến chuyện chúng ta sẽ phán đoán tốt hơn. Tương tự, ai cũng hiểu rằng không nên ngồi một chỗ suốt ngày, nhưng chỉ chuyện đó thôi không giúp ta tăng cường sức khỏe. Thứ còn thiếu là bản thân việc tập thể dục.
Ở phương diện tâm trí, tập thể dục không chỉ là thu nạp kiến thức, mà còn là tâm thế và kỹ năng. Julia Galef, tác giả của “The Scout Mindset”, cho rằng vế sau quan trọng hơn nhiều.
Năm 2009, Galef bắt đầu hành trình cá nhân nhằm đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao một số người có thể tư duy rất rành mạch trong khi người khác thì không. Mười hai năm sau, cô cho ra đời một cuốn sách để công bố lời giải mình tìm được. Cô gọi đó là “scout mindset” - tư duy kiểu trinh sát.
Galef chỉ ra rằng con người thường có xu hướng lý luận sao cho phù hợp với động cơ của mình (motivated reasoning). Các động cơ ngầm ẩn trong tiềm thức điều hướng cách não bộ vận hành, khiến chúng ta chỉ thấy thứ mà mình muốn thấy, trong khi vẫn cứ tưởng rằng mình đang tư duy hợp lý và khách quan.
Cụ thể, khi cần chứng minh một điều gì đó có thể củng cố niềm tin hiện có, ta sẽ đặt câu hỏi: Tôi có thể tin điều này không? (Can I believe it?)
Mặt khác, khi điều ngược lại xuất hiện, ta sẽ đặt câu hỏi: Tôi có buộc phải tin điều này không? (Must I believe it?)
Chẳng hạn, nếu bạn có sẵn định kiến rằng chính phủ Việt Nam đang quản trị đất nước rất tồi, những lời chỉ trích sẽ khiến bạn tin dễ dàng hơn nhiều so với những lời khen ngợi. Bạn sẽ rất nhanh chóng đặt mình vào thế hoặc là bảo vệ, hoặc là đối đầu.
Lối suy nghĩ này được Galef gọi tên là kiểu tư duy của chiến binh (soldier mindset). Tâm thế này sẽ khiến chúng ta luôn đề phòng trước những bằng chứng có thể làm lung lay niềm tin của bản thân. Nhiệm vụ của một chiến binh, hơn tất cả, là bảo vệ những thành trì sẵn có.
Tác giả có một quan sát rất thú vị rằng trong tiếng Anh, những từ vựng khi nói về tranh luận hay phản biện mang đầy màu sắc chiến đấu. Một ví dụ khá tương tự ở Việt Nam là khi thuyết trình luận văn tốt nghiệp, bạn gọi đó là “bảo vệ” (defend) luận văn, hàm ý rằng hội đồng phản biện là bên tấn công. Sự phổ biến của những cách nói này trong ngôn ngữ hàng ngày khiến chúng ta dễ thấy rằng khi tranh luận, nhiệm vụ là phải thắng, chứ không phải là hiểu thêm về vấn đề.
Cuốn sách giới thiệu và khuyến khích một lối tư duy khác: tư duy theo kiểu trinh sát. Theo đó, trinh sát cũng có động cơ, nhưng nhiệm vụ của họ là vẽ được một tấm bản đồ chiến lược. “Với trinh sát, không có dữ kiện nào là mối đe dọa với niềm tin của bạn. Nếu như bạn nhận ra mình đã sai về điều gì đó, tuyệt - bạn đã cải thiện được tấm bản đồ của mình, và điều này chỉ có thể có ích.” - Galef giải thích.
So sánh hai tâm thế tư duy. Dịch từ sách “The Scout Mindset”.
Julia Galef viết về cách làm sao để nhìn mọi sự việc đúng như bản chất của chúng - một chủ đề mà chúng ta thường tưởng rằng mình đã biết thừa. Nhưng càng đọc, tôi càng nhận ra rằng đó cũng là một niềm tin mỏng manh mà ta không muốn ai chạm đến. Tác giả thực hành đúng những gì mà cuốn sách khuyến khích: buộc người đọc đối mặt với những ảo giác của họ về năng lực tư duy của bản thân.
Cuốn sách dành ra một chương riêng để bàn về danh tính (identity), với quan điểm rằng đó chính là thứ ngăn nhiều người nhìn thẳng vào sự thật. Galef phân tích rằng khi ta định danh mình bằng một cách nào đó, ta sẽ có xu hướng bảo vệ những giá trị đi kèm với chúng và coi nhóm có quan điểm đối nghịch là kẻ địch. Tâm thế này ngăn cản chúng ta hiểu được quan điểm của phía bên kia, và vì vậy, không thể thuyết phục được họ.
Cuộc tranh cãi về việc phá thai có lẽ là minh họa sống động nhất cho chuyện này. Nếu tự xưng là người “pro-life”, bảo vệ sự sống, thì người lựa chọn phá thai sẽ hóa thành kẻ giết người. Còn nếu xưng mình là người “pro-choice”, thì phe phản đối phá thai chỉ có thể là những người không biết tôn trọng tự do cá nhân và cổ hủ hết thuốc chữa. Một bài viết trên Luật Khoa năm 2020 đã chỉ ra rằng trên thực tế, hai phe này đồng tình với nhau nhiều hơn họ nghĩ. [3] “Điều mà tuyệt đại đa số, ở cả hai phe, đều không muốn thấy là việc ‘phá thai không mong muốn’ (unwanted abortion) – người phụ nữ phải lựa chọn việc bỏ thai vì những lý do bất khả kháng.”
Một khi được phủ lên bằng danh tính, cuộc tranh luận trở thành “cuộc tử chiến một mất một còn”.
Galef mời gọi người đọc giữ một danh tính nhỏ và sẵn sàng điều chỉnh khi cần, hay như đúng ngôn ngữ của cô là “hold your identity lightly”. Kể cả đối với những nhà hoạt động xã hội, công việc thường được nhìn như các chiến binh bảo vệ những niềm tin mãnh liệt, cô vẫn chứng minh được rằng tâm thế của một trinh sát sẽ giúp cho công việc vận động hiệu quả hơn. Đây là chương mà tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách.
Julia Galef không phải là một người thuộc giới học thuật (đây là một loại danh tính khác). Cô viết cuốn sách bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản, nơi những khái niệm mới được diễn giải thông qua những câu chuyện hấp dẫn, và thường xuyên được bổ sung các kinh nghiệm của chính cô. Cuốn sách nhờ vậy rất dễ đọc, dễ nhớ, dễ thực hành. Nếu như bạn muốn suy nghĩ rành mạch hơn, tôi tin rằng đây sẽ là một cuốn cẩm nang hữu ích.
Bạn có thể mua quyển “The Scout Mindset” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. The Scout Mindset: Why Some People See Things Clearly and Others Don’t: Galef, Julia: 9780735217553: Amazon.com: Books. (2021). Amazon. https://www.amazon.com/Scout-Mindset-Perils-Defensive-Thinking/dp/0735217556?&linkCode=sl1&tag=luatkhoa-20&linkId=d304bc470f176537b13799e4bb967287&language=en_US&ref_=as_li_ss_tl
2. Y Chan. (2022, February 19). Văn hóa tranh luận và bảy tuyệt kỹ ngụy biện. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/11/van-hoa-tranh-luan-va-bay-tuyet-ky-nguy-bien/
3. Y Chan. (2022b, June 25). Khi phụ nữ bị canh cửa mình. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/10/khi-phu-nu-bi-canh-cua-minh/