Vũ Trọng Khánh – người chấp bút Hiến pháp 1946
Một phút huy hoàng rồi chợt tắt.
Trước khi Đại học Luật Hà Nội ra đời vào năm 1979 dưới trướng của Bộ Tư pháp (với tên gọi ban đầu là Đại học Pháp lý Hà Nội), Hà Nội đã từng có một đại học luật khác trước năm 1945. [1] Trường đại học luật đó trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940 đã đào tạo nên những tên tuổi lừng danh bậc nhất của nền luật học và tư pháp Việt Nam sau này. Một trong số đó là luật sư Vũ Trọng Khánh - vị bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp, đồng thời là tác giả chính của bản Hiến pháp 1946.
Những thông tin trên, rất tiếc, ít khi được nhắc đến trên sách báo chính thống. Ngay cả các trường luật ngày nay có lẽ cũng không nhắc đến họ bao giờ, nếu có, cũng rất hãn hữu.
May thay, cuốn sách “Luật sư Vũ Trọng Khánh - cuộc đời và sự nghiệp" do Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2019 cung cấp rất nhiều tư liệu quý giá về nhân vật lịch sử này. [2]
Cuốn sách này là nỗ lực tiếp theo của con cháu ông, sau cuốn “Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên" do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2015. [3] Ở trang đầu của cuốn sách còn có lời đề từ của ông Vũ Trọng Khải - con út của ông Vũ Trọng Khánh.
Trở lại với Trường Cao đẳng Luật ở Hà Nội như đã kể trên. Ông Vũ Trọng Khánh nhập học năm 1932 và tốt nghiệp năm 1936. Bạn đồng môn của ông khi đó là những người sẽ lưu danh muôn thuở theo rất nhiều cách khác nhau. [4]
Đó là Võ Nguyên Giáp, người sẽ lãnh đạo quân đội cộng sản đi qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương.
Đó là Vũ Đình Hòe - người sau này sẽ trở thành bộ trưởng tư pháp thứ hai của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau Vũ Trọng Khánh.
Đó là Vũ Văn Mẫu, người sau này sẽ vào miền Nam làm trưởng khoa đầu tiên của Đại học Luật Khoa Sài Gòn từ năm 1955, làm đến chức bộ trưởng ngoại giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm và sau cùng là vị Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa tham gia lễ bàn giao chính quyền cho quân Bắc Việt vào ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Còn bản thân Vũ Trọng Khánh, chỉ chín năm sau khi tốt nghiệp trường luật, sẽ đứng trên lễ đài ở quảng trường Ba Đình, cùng với Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, với tư cách là bộ trưởng tư pháp của chính phủ lâm thời.
Cuốn sách sẽ cho người đọc khá nhiều thông tin về giai đoạn có lẽ là sôi nổi nhất và có đóng góp nhiều nhất của ông, đó là giai đoạn 1945-1949, qua chính lời kể của ông, của con cháu ông, và của một số bạn bè của ông, trong đó có cả ông Vũ Đình Hòe.
Điều trớ trêu là người Việt Nam biết đến các tác giả của bản Hiến pháp Mỹ còn rõ hơn các tác giả của các bản Hiến pháp của Việt Nam, dù là Việt Nam cộng sản hay Việt Nam Cộng hòa. Ngày nay, nếu có đi qua phố Vũ Trọng Khánh ở Hà Đông (Hà Nội), chắc cũng hiếm ai biết ông đã chấp bút phần lớn nội dung của Dự thảo Hiến pháp 1946, được Hồ Chí Minh ghi nhận là người “có công đầu". Bản hiến pháp này, cho đến nay, vẫn được cho là bản hiến pháp dân chủ nhất của Việt Nam cộng sản và đã từng được thảo luận rộng rãi trong quá trình ban hành Hiến pháp 2013. [5]
Với vai trò là Bộ trưởng Tư pháp của chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-1946, ông đã đặt nền móng đầu tiên cho nền pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với việc đề xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào hàng loạt sắc lệnh liên quan đến việc giữ các đạo luật thời Pháp, việc hành nghề luật sư, việc tổ chức tòa án, v.v.
Cuốn “Luật sư Vũ Trọng Khánh - Cuộc đời và sự nghiệp" còn đăng lại các bài bút chiến của ông với nhà báo Quang Đạm trên báo Sự Thật (tức là tiền thân của báo Nhân Dân hiện nay) vào năm 1948-1949. Đó là khi nhà báo Quang Đạm viết bài chỉ trích ngành tư pháp đã cản trở các ủy ban hành chính. Ông Vũ Trọng Khánh khi đó là Giám đốc Tư pháp Liên khu X (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái ngày nay), rồi từ năm 1949 thì về Bộ Tư pháp.
Bằng tư duy logic, cách lập luận sắc sảo và lối hành văn chừng mực (có phần khéo léo trong bối cảnh chính trị thời bấy giờ), ông đã bác bỏ đòi hỏi của nhà báo Quang Đạm rằng tư pháp phải phục tùng hành pháp. Ông kiên quyết bảo vệ tính độc lập của các tòa án không những bằng cơ sở triết học pháp lý kinh điển phương Tây mà còn bằng thực tiễn pháp luật và chính trị Việt Nam khi đó. Cuộc bút chiến này xứng đáng được sinh viên luật ngày nay đọc kỹ, bởi những gì Vũ Trọng Khánh viết vẫn còn nguyên tính thời sự và có giá trị luật học sâu sắc, hoàn toàn không dễ mà tìm được trong không gian thảo luận pháp lý đầy kiểm duyệt và tự kiểm duyệt ngày nay.
Sau đó, ông giữ vài vị trí ít quan trọng trong các cơ quan chính phủ khác nhau ở cả trung ương lẫn địa phương, cho đến khi về hưu năm 1977. Một phút huy hoàng của ông có lẽ đã chấm dứt sau cuộc bút chiến kể trên.
Cuốn sách tiểu sử có một tiêu đề khá nhàm chán này sẽ khiến người đọc chùng xuống ở ít nhất ba phần.
Phần thứ nhất chính là phần đầu cuốn sách, với những gì được cho là hồi ký của ông, được đề tháng 7/1994, tức khoảng một năm rưỡi trước khi ông qua đời (1/1996). Gọi là hồi ký, nhưng nó mang dáng dấp của một bản lý lịch tự thuật, với các phần nguồn gốc gia đình, trước Cách mạng tháng Tám làm gì, sau Cách mạng tháng Tám làm gì. Và người đọc sẽ thấy một Vũ Trọng Khánh năm 1994 rất khác so với một Vũ Trọng Khánh của cuộc bút chiến năm 1948-1949. Khác thế nào, xin đọc sách sẽ rõ.
Phần thứ hai khiến người đọc chùng xuống là bài của con trai út của ông, Vũ Trọng Khải, với nhiều tâm sự hé lộ những góc khuất trong cuộc đời ông - về chuyện tại sao ông không được làm bộ trưởng tư pháp sau sáu tháng ngắn ngủi đầu tiên và về cuộc chỉnh huấn ở Việt Bắc năm 1953.
Và phần còn lại, tuy không thực sự rõ ràng, nhưng cũng đáng chú ý: đó là chi tiết chính quyền (không rõ là chính quyền Hải Phòng hay trung ương) yêu cầu gia đình lùi ngày cử hành tang lễ của ông 3-4 ngày. Chi tiết này do bà Vũ Thị Minh Anh, cháu gái của ông kể lại trong cuốn sách.
Ai biết được còn những góc khuất nào trong cuộc đời của vị luật sư, luật gia Vũ Trọng Khánh.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Lê Công Định. (2009, February 4). Sơ lược lịch sử phát triển nền Luật học Việt Nam thời Pháp thuộc và miền Nam Việt Nam trước đây - Tạp chí Tia sáng. Tạp Chí Tia Sáng. https://tiasang.com.vn/dien-dan/so-luoc-lich-su-phat-trien-nen-luat-hoc-viet-nam-thoi-phap-thuoc-va-mien-nam-viet-nam-truoc-day-2646
2. Luật Sư Vũ Trọng Khánh: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp. (2018). Fahasa.com. https://www.fahasa.com/luat-su-vu-trong-khanh-cuoc-doi-va-su-nghiep.html
3. Lời giới thiệu cuốn “Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên" | Văn Việt. (2015). Vanviet.info. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/loi-gioi-thieu-cuon-luat-su-vu-trong-khnh-vi-bo-truong-bo-tu-php-dau-tin
4. Lê Xuân Phán. (2021, September 15). Đi tìm những cử nhân đầu tiên của Đại học Luật Đông Dương - Tạp chí Tia sáng. Tạp Chí Tia Sáng. https://tiasang.com.vn/giao-duc/di-tim-nhung-cu-nhan-dau-tien-cua-dai-hoc-luat-dong-duong-28441
5. Phan Bảo Ân. (2017, September 2). Ba lý do khiến Hiến pháp 1946 vẫn luôn hấp dẫn. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/09/ba-ly-khien-hien-phap-1946-luon-hap-dan