Báo mới: Luật Khoa tháng Mười Một, chuyên đề lịch sử lập hiến Việt Nam

Báo mới: Luật Khoa tháng Mười Một, chuyên đề lịch sử lập hiến Việt Nam

Tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến đối với nhiều người Việt Nam có vẻ như rất xa lạ, đến mức mông lung và phó mặc “để cho đảng và nhà nước lo”.

Thông qua chủ đề “Trăm năm lập hiến” ở số báo tháng Mười Một, ngoài sự nhắc nhở về “món nợ lịch sử” của Hiến pháp 1946, Luật Khoa tạp chí còn mong muốn truyền tải cho bạn đọc những góc nhìn mới mẻ và thiết thực nhất về các vấn đề căn bản liên quan đến hiến pháp.

“Hiến pháp” là khái niệm không hề hoa mỹ, trừu tượng. Dù bản chất nhà nước có độc tài hay dân chủ, thì nó cũng cần một bản hiến pháp nhằm xác định danh tính của cộng đồng chính trị và khái quát hóa cách mà quyền lực nhà nước vận hành. Đặc biệt, các nhà nước độc tài không thể che đậy việc họ luôn vạch ra những ranh giới “tạm chấp nhận được” cho xã hội cũng như nội bộ hệ thống chính trị. Đó là lý do quan trọng giúp họ tồn tại “hợp lý”, ít nhất theo nghĩa hình thức. Hiểu rõ điều này, chúng ta mới có thể tìm ra các phương án khả thi cho quá trình sửa đổi hiến pháp, để tiến gần hơn với tinh thần lập hiến nguyên bản.

Trên thực tế, Việt Nam từng chứng kiến các phong trào vận động lập hiến diễn ra sôi nổi ở trong và ngoài nước đầu thế kỷ 21. Nó tạo nên sức ảnh hưởng nhất định trong việc thức tỉnh ý thức của nhân dân về quyền chính trị và dân sự, đồng thời thách thức mạnh mẽ Điều 4 trong các bản hiến pháp từ sau năm 1980 và thể chế đảng trị.

Tiêu biểu, Phong trào lập hiến 2013 thu hút sự tham gia tích cực của giới chuyên gia, cựu quan chức và xã hội dân sự. Vì không tuân theo sự điều phối hay chi phối của chính quyền, kết quả của tiến trình này rất dễ đoán: các sáng kiến lập hiến bị gạt bỏ bên lề nghị trường. Cuối cùng, “sáng kiến” của nhà nước vẫn “bình đẳng” hơn hết thảy.

Do độc quyền lập hiến và bảo thủ ý thức hệ, các bản hiến pháp Việt Nam, mà gần nhất là Hiến pháp 2013, đã bộc lộ những trục trặc bản chất, tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội, làm tổn thương nhân tâm, khoét sâu thêm các mâu thuẫn không có lối thoát như vấn đề sở hữu đất đai. Hiện thực này sẽ được phản ánh và lý giải cụ thể thông qua hệ thống các bài viết chuyên sâu đăng tải trong số báo tháng Mười Một.

Ngoài ra, để giúp độc giả quan sát toàn diện, đối chiếu khách quan và củng cố niềm tin vào một tương lai xán lạn khi quyền lập hiến thực sự thuộc về nhân dân, Luật Khoa xin giới thiệu thêm các bài viết cùng chủ đề, liên quan đến câu chuyện lập hiến ở Đài Loan, lược sử hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ, điểm tiến bộ trong các bản hiến pháp Việt Nam Cộng hòa và tinh thần lập hiến mang tính thời đại của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.

Luật Khoa hy vọng số báo tháng Mười Một sẽ mở ra một hướng tiếp cận gần gũi và thấu đạt về hiến pháp, để mọi tầng lớp nhân dân đều ý thức được rằng đây là một vấn đề trọng đại nhưng thiết thực.

Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi tới: bbt@mail.luatkhoa.org

Trân trọng cảm ơn,

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.