Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Dù bạn ở chiến tuyến nào trước năm 1975, và dù bạn có quan điểm như thế nào về tình hình chính trị Việt Nam đương đại, chúng ta khó có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của các nhà thơ cộng sản. Họ đã góp phần hình thành nên một lực lượng cảm tình viên khổng lồ cho đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt giai đoạn đấu tranh quyền lực của họ trên dải đất hình chữ S.
Từ Chế Lan Viên với những “Tiếng hát con tàu” hay “Người đi tìm hình của nước”, cho đến Tố Hữu của “Từ ấy”, hay “Đất nước” qua ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm, sức mạnh tuyên truyền của những bài thơ này là rất rõ ràng. Sức nặng của chúng vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến công chúng ngày nay.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là thơ văn của các ngòi bút tuyên truyền ngày càng đi xuống về chất lượng.
Thơ văn tuyên truyền không chỉ không nổi tiếng, không bán được, không tìm được khán giả riêng cho mình, chúng còn thường xuyên bị biến thành trò cười cho công chúng.
Gần đây, xuất hiện một bài thơ về Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, với vài câu như sau:
“Sáu mươi năm liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
[...]
Theo Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc
Đảng đánh giá, nhà nước tôn vinh, nhân dân ghi nhận”
Bài thơ này đang làm mưa làm gió trên các diễn đàn Việt Nam nhưng hầu hết là phản ứng tiêu cực và sự khinh rẻ từ công chúng.
Điều gì đã xảy ra trong vài thập niên qua?
Vì sao thơ văn cách mạng đương đại mất đi quyền năng đặc biệt ngày xưa của nó?
Đây là một hiện tượng chung của toàn bộ hệ thống văn hóa, hay nó chỉ ảnh hưởng tới thơ văn tuyên truyền của Đảng Cộng sản tại Việt Nam?
Ở một góc nhìn khách quan, chúng ta có thể bắt đầu lý giải sự đi xuống của thơ tuyên truyền - cách mạng Việt Nam chưa hẳn vì chính năng lực nội tại của nó, mà bởi vì đó là xu hướng chung của… toàn thế giới.
Thẳng thắn mà nói, thơ cho đến ngày nay gần như đã mất đi hầu hết lượng người đọc thường xuyên của mình nếu chỉ so sánh với các chỉ số của vài thập niên trước. Đáng tiếc là ở Việt Nam, chúng ta không có số liệu thống kê cụ thể về vấn đề này, nhưng người viết cho rằng chúng ta có thể tham khảo một số dữ liệu tại Hoa Kỳ - thị trường văn hóa đứng đầu thế giới.
Theo đó, nghiên cứu dài hơi “Survey of public participation in the arts” (tạm dịch: Khảo sát về sự tham gia của công chúng trong các loại hình nghệ thuật) cho biết, nhu cầu và thị hiếu tiêu thụ thơ trên thị trường Hoa Kỳ giảm liên tục trong một thập niên nghiên cứu, trở thành loại sản phẩm văn hóa có tốc độ suy thoái nặng nhất trong mọi sản phẩm văn hóa đại chúng. [1]
Cụ thể hơn, vào năm 1992, có đến 17% người Mỹ đã từng đọc ít nhất một tác phẩm thơ trong năm nghiên cứu, nhưng đến năm 2012, con số này chỉ còn 6,7%.
Nếu so sánh tương quan với các hoạt động văn hóa khác, các vị trí đứng đầu thuộc về “xem phim tại rạp”, “đọc một quyển tiểu thuyết” và “tham gia hoạt động nhảy tập thể”. “Đọc thơ” kém phổ biến hơn cả nhạc jazz và… ngồi đan len.
Như đã nói ở trên, nghiên cứu tại Hoa Kỳ chắc chắn không có tính đại diện cho không gian văn hóa Việt Nam. Nhưng cân nhắc tầm ảnh hưởng của văn hóa tiêu dùng Hoa Kỳ trên toàn thế giới (hiểu đơn giản: sách bán được ở Mỹ sẽ bán được trên toàn thế giới), không khó để tưởng tượng ra xu hướng của môi trường này có ảnh hưởng như thế nào đến không gian tiêu thụ nói chung của thơ văn Việt Nam.
Sự suy thoái của thơ ca tuyên truyền - cách mạng Việt Nam, dưới góc độ này, có thể được xem là sự đi xuống chung của toàn bộ thị trường thơ quốc gia.
Với tầm ảnh hưởng của thơ ca đối với đại chúng giảm đi mạnh mẽ, một thứ nữa cũng dần mất đi trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu hóa tại Việt Nam - sự lãng mạn của diễn ngôn “đảng lãnh đạo”.
Thơ ca đã từng là một công cụ hiệu quả để xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa, bởi chính bản thân chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là nguồn cảm hứng lãng mạn về một tương lai mới, một địa đàng mới.
Nói cách khác, thơ ca cách mạng - cộng sản, để duy trì quyền năng của nó, cần tính chiến đấu đậm chất thơ.
Trong chương sách “The Political Culture of a Poet” (tạm dịch: Văn hóa chính trị của một bài thơ) nằm trong cuốn “Mandelstam’s Worlds: Poetry, Politics, and Identity in a Revolutionary Age” của Andrew Kahn, tác giả cho chúng ta thấy vẻ đẹp của thơ ca tuyên truyền cách mạng Xô Viết gắn liền với bạo lực và đức hy sinh. [2]
Từ những tiền nhân cộng sản trẻ quyết chiến ở Đức, với niềm tin sắt đá vào sự hy sinh và cái chết để xây dựng nên địa đàng xã hội chủ nghĩa mới, đến tầng lớp nông dân giương hồng kỳ xây dựng nông thôn Xô Viết; từ những công dân tự do mang trong mình ngọn lửa căm hờn chế độ cũ, cho đến các cuộc cách mạng văn hóa xóa mờ nền tảng giai cấp trong văn hóa; ta thấy bản chất sức mạnh của thơ văn cách mạng dựa vào nội dung chính trị và phong trào chính trị (political content/ political movement) mà một chính đảng cộng sản phát động.
Trong bối cảnh tại Việt Nam, các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa vừa vệ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chống lại thế lực tư bản ngoại bang dòm ngó, v.v. thường là nền tảng cho sự quyến rũ của các bài thơ tuyên truyền.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, nhiều người nhận ra chính xã hội mà họ hằng mơ ước xây dựng cũng có nhiều vấn đề không kém những xã hội cũ. Kể từ Đổi Mới (1986), với bối cảnh “một kẻ thù chung” hoàn toàn biến mất, với câu chuyện miếng cơm manh áo chi phối đời sống thường nhật, với chủ nghĩa tư bản hiện diện khắp các hang cùng ngõ hẻm, thơ văn cách mạng mất đi tính lãng mạn mà nó từng có.
Cũng vì không còn sự lãng mạn của lý tưởng chính trị, những cây bút có năng lực dành thời gian làm những công việc khác trong một nền kinh tế thị trường năng động và dễ kiếm tiền hơn, hoặc ít nhất là không còn sáng tác thơ văn tuyên truyền nữa. Điều này để lại những nhà văn, nhà thơ chất lượng thấp trong vòng kim cô của thi ca cách mạng.
***
Tới đây, xin mượn lời bình của một nhà quan sát, dẫn nhận định khá thú vị của triết gia người Pháp Alain Badiou trên Verso: Ông này nhận định rằng lực lượng thi sĩ nổi tiếng nhất nhì thế giới trong thế kỷ 20 đều là những người cộng sản. [3]
Theo đó, các nhà ngôn ngữ học, các nhà thơ có tài nhìn thấy ở dự án cách mạng vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản điều gì đó rất gần gũi với ước mơ của họ, ước mơ của những bài thơ - với tư cách là sáng tạo ngôn ngữ - trở thành của chung, như thế giới vật chất và thế giới tư tưởng phải trở thành một sản phẩm thống nhất của toàn thể nhân loại như chủ nghĩa cộng sản kỳ vọng. Sự kết nối liên tục với người đọc, với quần chúng thông qua những phong trào văn hóa rộng khắp do các chính đảng cộng sản lãnh đạo tạo cho nhiều nhà thơ cảm xúc hứng khởi về một cuộc đời có ý nghĩa và trọn vẹn.
Tuy nhiên, khi thế giới mộng mơ ấy không còn, việc các nhà thơ có tài rời bỏ không gian văn hóa cách mạng cũng là điều dễ hiểu. Chất lượng của thơ văn tuyên truyền từ đó mà ngày càng xuống cấp.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
1. Christopher Ingraham, “Poetry Is Going Extinct, Government Data Show”. Washington Post (2021, November 25), https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2015/04/24/poetry-is-going-extinct-government-data-show/
2. Kahn, Andrew, “Mandelstam's Worlds: Poetry, Politics, and Identity in a Revolutionary Age”. Oxford Academic (2020, September 17), https://doi.org/10.1093/oso/9780198857938.001.0001
3. “The Age of the Poets: Poetry and Communism”. Versobooks.com (2016, October 6), https://www.versobooks.com/blogs/2871-the-age-of-the-poets-poetry-and-communism