World Cup, đồng tính và băng tay One Love

Nhân quyền có tính tương đối hay phổ quát?

World Cup, đồng tính và băng tay One Love
Thành phố Doha, Qatar. Ảnh: Emre / Unsplash.

“...nhân quyền là bất khả thương lượng. [...] Không cho chúng tôi đeo băng tay cũng hệt như không cho chúng tôi nói.”

Đội tuyển bóng đá Đức đã tuyên bố như vậy trước việc Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cấm họ đeo băng tay cầu vồng One Love trong các trận đấu ở World Cup 2022 tại quốc gia Hồi giáo Qatar - nơi đặt quan hệ đồng tính ra ngoài vòng pháp luật. [1] Đi xa hơn nữa, các cầu thủ Đức đã bịt miệng khi chụp ảnh kỷ niệm trước trận đấu với Nhật ngày 23/11 để phản đối quyết định của FIFA. Việc họ thua Nhật 1-2, vì vậy, khiến cho một số nhóm cổ động viên bóng đá Việt Nam có thêm cơ hội chỉ trích phương Tây.

Cụ thể, các cổ động viên này cho rằng phương Tây đang cố tình áp đặt giá trị văn hóa của mình (mà ở đây là quyền bình đẳng dành cho cộng đồng LGBT) như thể chúng là giá trị hiển nhiên của toàn nhân loại.

Băng tay One Love là gì? Và tại sao lại là tại Qatar?

Băng tay One Love và phong trào xã hội đi kèm với nó được Liên đoàn Bóng đá Hà Lan khởi xướng vào năm 2020 như là một cách để biểu đạt và phản đối phân biệt đối xử liên quan đến cộng đồng LGBT trong mọi lĩnh vực, không chỉ có bóng đá. [2]

Cũng cần lưu ý thêm là việc đeo băng tay One Love cũng không phải chỉ nhắm vào chính quyền hay văn hóa Qatar.

Đầu năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Hà Lan đã được chín đội bóng khác ở châu Âu ủng hộ, đồng ý rằng họ sẽ cùng nhau đeo băng “One Love” cho tất cả các giải đấu mà đội tuyển của các quốc gia này tham gia, chủ yếu bao gồm hệ thống giải UEFA Nations League và FIFA World Cup. [3]

Tuy nhiên, Qatar cũng có thể được xem là một địa điểm phù hợp về mặt chính trị lẫn xã hội để các đội tuyển này thực hiện chiến dịch One Love.

Đồng tính bị xem là một tội phạm tại Qatar với các hình phạt có thể lên đến bảy năm tù giam. Mặt khác, hậu quả pháp lý của hành vi tình dục đồng tính luyến ái có thể là án tử hình trước tòa án tôn giáo Sharia. Tuy nhiên, cần ghi nhận là quy định án tử chưa từng được thi hành.

Nhìn chung, tình hình về nhân quyền liên quan đến các nhóm đồng tính tại Qatar không quá tồi tệ nhưng cũng không thể nói là khả quan. Vừa mới đây, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cáo buộc chính quyền nước này vẫn còn tiếp tục bắt giữ các cá nhân thuộc những nhóm giới tính không được công nhận. [4]

Trở lại với câu chuyện băng tay One Love, các đội tuyển phương Tây đã nhượng bộ và chính thức từ bỏ việc đeo băng tay này trong các trận đấu còn lại của World Cup 2022. Tuy nhiên, họ rõ ràng cũng không bằng lòng với việc FIFA buộc họ phải nhượng bộ chính quyền Qatar bằng các biện pháp xử phạt trong trận đấu (như phạt thẻ vàng với các cầu thủ đeo băng).

Cách tiếp cận triết học pháp lý

Người viết sẽ hạn chế đưa ra quan điểm riêng của mình trong bài viết này. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội tốt để người viết giới thiệu tới bạn đọc Luật Khoa hai chủ thuyết chủ đạo được sử dụng trong các tranh cãi liên quan đến những vấn đề tương tự: “cultural relativism” (tạm dịch là chủ nghĩa tương đối văn hóa) và “universalism/ universal human rights” (tạm dịch là chủ nghĩa phổ quát về quyền).

Hai tên gọi này có lẽ thể hiện tương đối rõ nội hàm và mục tiêu của chúng.

Chủ nghĩa tương đối văn hóa về quyền con người cho rằng các giá trị quyền con người được ghi nhận trong các văn bản quốc tế như Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 (Universal Declaration of Human Rights - UDHR), hay Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) không phải là những văn bản có thể đọc sao hiểu vậy.

Về tổng quan, chủ nghĩa tương đối văn hóa sẽ không phủ nhận giá trị hay hiệu lực của các văn bản quy phạm quốc tế này. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng những quyền này cần phải được diễn giải trong bối cảnh văn hóa - lịch sử của từng quốc gia. Các giá trị về quyền, do đó, không thể giống nhau ở mọi khu vực địa lý.

Cũng có những góc nhìn mạnh mẽ hơn, đặc biệt là từ các quốc gia Hồi giáo. Đây là nhóm quốc gia tiên phong trong phong trào sử dụng chủ nghĩa tương đối văn hóa như là công cụ lý thuyết để phản đối sự “áp đặt” của hệ thống nhân quyền quốc tế.

Ví dụ, trong quyển “Human Rights in Iran: The Abuse of Cultural Relativism”, tác giả Reza Afshari ghi nhận rằng các học giả theo trường phái tương đối văn hóa ở Iran luôn cho rằng pháp luật nhân quyền quốc tế là các nhóm giá trị thuần phương Tây. [5] Theo đó, việc áp dụng chúng tại một quốc gia sẽ dẫn đến việc buộc phải thay đổi nếp sống, tập tục, và truyền thống của người dân địa phương.

Một số học giả cực đoan cũng cho rằng đây là cách phương Tây can thiệp vào nội bộ các quốc gia đang phát triển và “tẩy não” người dân của các quốc gia đó.

Ngược lại, thuyết quyền phổ quát lập luận rằng các quy định về quyền con người trong những văn bản quốc tế được đại đa số các quốc gia trên thế giới chấp thuận (bao gồm cả các quốc gia đang phát triển). Quan trọng hơn, họ chỉ ra những quyền được ghi nhận này không thể làm thay đổi bản chất của bất kỳ cộng đồng văn hóa nào.

Jack Donnelly - giáo sư Đại học Denver - có thể là một trong những học giả ủng hộ học thuyết này dài lâu nhất và nổi tiếng nhất mà độc giả có thể cần biết. Ông nổi tiếng trong giới học thuật cũng như đại chúng với quyển “Universal Human Rights in Theory and Practice” (tạm dịch: Nhân quyền phổ quát: lý thuyết và thực tiễn).

Trong đó, Donnelly đưa ra những lập luận cũng không kém phần thuyết phục so với nhóm tương đối. Ví dụ, ông đi vào từng nhóm quyền cụ thể và diễn giải yêu cầu của từng quyền để đặt câu hỏi: việc bảo vệ và tôn trọng những quyền này thật sự có thể làm “thoái hóa” một nền văn hóa đúng nghĩa hay sao?

Làm sao có một nền văn hóa nào lại cho rằng quyền sống là một quyền đặc trưng của tư duy phương Tây?

Hay với quyền không bị bắt giữ tùy tiện, tại sao các yếu tố văn hóa lành mạnh và ổn định của một địa phương hay một tôn giáo lại có thể không muốn bảo vệ một quyền thiết thân như thế?

Donnelly từ đó cố gắng chứng minh rằng những nhóm quyền này thật ra không đi ngược lại với bất kỳ giá trị văn hóa nào đang tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Hiểu nhau để tìm cách tiếp cận khác?

Cho đến hiện nay, có thể nhận thấy rằng các nhóm ủng hộ hay không ủng hộ quyền của người đồng tính tại Việt Nam có vẻ vẫn đi theo con đường của hai diễn ngôn nói trên: một là “tương đối”, hai là “phổ quát”.

Tuy nhiên, đã có một số tác giả cố gắng thoát khỏi những khung thảo luận này để đi tìm một con đường khác.

Ví dụ, người viết có thể giới thiệu quyển sách ngắn nhưng tương đối khó đọc có tên “Ethics, Human Rights and Culture (tạm dịch: Đạo đức, Nhân quyền và Văn hóa), của tác giả Trung Quốc Xiaorong Li. [6]

Trong cuốn này, dựa trên việc tham khảo và thảo luận về nhiều lý thuyết, Li giới thiệu một số sáng kiến riêng của mình như việc phân biệt giữa “moral human rights” (nhân quyền đạo đức) và “inherent human rights" (nhân quyền cố hữu).

Nhân quyền đạo đức là nhóm quyền được xây dựng dựa trên cung - cầu văn hóa của riêng xã hội đó, có thể mặc cả, thêm bớt.

Nhân quyền cố hữu lại là nhóm quyền không thể trả giá, không thể bị xâm phạm, vì xâm phạm chúng thì giá trị của toàn bộ hệ thống nhân quyền của quốc gia đó cũng chẳng còn để làm gì.

Lấy một ví dụ gần với trường hợp mà chúng ta đang thảo luận:

Nhân quyền đạo đức sẽ là quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT so với các giới tính khác. Tuy sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng việc không thỏa mãn nhóm quyền đạo đức này cũng không có gì nghiêm trọng hay đáng bị tẩy chay, lên án như cách đội tuyển Đức đã làm.

Nhưng nếu bắt giữ, tra tấn, hay bỏ tù một người chỉ vì họ yêu người đồng tính thì những hành vi này có thể bị xem là xâm phạm nghiêm trọng đến nhóm quyền cố hữu - và là chuyện không thể chấp nhận được. Và điều này càng không thể chấp nhận được nếu một quốc gia mong muốn đăng cai một kỳ World Cup bóng đá để thể hiện sự hòa nhập và quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè quốc tế.

Hiển nhiên, người viết thừa nhận rằng cách tiếp cận này cũng sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi khác nhau, như việc làm thế nào để chia nhóm “nhân quyền cố hữu” và “nhân quyền đạo đức”. Song những thảo luận này mới mẻ hơn là lối lập luận “văn hóa nó thế” hay “nhân quyền nó thế”, chắc chắn sẽ giúp ích cho các thảo luận trong tương lai.

Chú thích

1. ‘Germany Cover Mouths and Wear Rainbows on Kit in World Cup Protest | Germany | The Guardian’ https://www.theguardian.com/football/2022/nov/23/germany-cover-mouths-wear-rainbows-on-kit-in-world-cup-protest-fifa-qatar-onelove accessed 23 November 2022.

2. ‘The “One Love” Armband Is Causing a Stir at the World Cup’ (Time) https://time.com/6235503/one-love-armband-qatar-world-cup accessed 23 November 2022.

3. ‘OneLove Armband at World Cup: What It Means for Captains and How Germany Responded | Sporting News Canada’ https://www.sportingnews.com/ca/soccer/news/one-love-armband-means-world-cup-captains-kane-wear-fifa/g77wsdgynqny2rzpn4xxnqgo accessed 23 November 2022.

4. Human Rights Watch, ‘Qatar: Events of 2021’, World Report 2022 (2022) https://www.hrw.org/world-report/2022/country-chapters/qatar accessed 23 November 2022.

5. Reza Afshari, Human Rights in Iran: The Abuse of Cultural Relativism (University of Pennsylvania Press 2001) http://www.jstor.org/stable/j.ctt3fhkdh accessed 23 November 2022.

6. Ethics, Human Rights and Culturehttps://link.springer.com/book/10.1057/9780230511583 accessed 23 November 2022.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.