Phật giáo Việt Nam có cấu trúc khác lạ so với các quốc gia. Chỉ trừ một nước.

Quyền tự do hiệp hội tạo nên sự khác biệt.

Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.


Năm 2003, chính quyền Trung Quốc cho phép Hòa thượng Tinh Vân, một nhà sư đã nổi tiếng thế giới sau khi sáng lập một hội đoàn Phật giáo tại Đài Loan, được trở về quê nhà ở thành phố Dương Châu. [1]

Hai năm sau đó, chính quyền Việt Nam cũng cho phép thiền sư Thích Nhất Hạnh, cũng là một nhà sư nổi tiếng thế giới với tăng đoàn Làng Mai, hồi hương sau 30 năm ngăn cấm. [2]

Trùng hợp hơn, một sự kiện trọng đại khác của Phật giáo Việt Nam cũng theo sau Phật giáo Trung Quốc.

Năm 1980, chính quyền Trung Quốc đã tái lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. [3] Trước đó, hiệp hội đã bị giải thể trong Cách mạng Văn hóa tàn khốc. Sau ngày tái lập, Bắc Kinh đã sử dụng hiệp hội như một công cụ để kiểm soát toàn bộ Phật giáo Trung Quốc.

Một năm sau, chính quyền Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhằm loại bỏ một tổ chức đã tồn tại trước đó ở miền Nam là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kể từ đó, GHPGVN trở thành tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam và gắn bó chặt chẽ với chính quyền.

Các sự kiện “sao y bản chính” như vậy đã khiến mô hình tổ chức Phật giáo Việt Nam khá tương đồng với Trung Quốc - quốc gia nổi tiếng là đàn áp tôn giáo. Cách tổ chức này lại rất khác so với các nước có cùng truyền thống Phật giáo Đại thừa như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan.

Hàn Quốc: Thị trường tôn giáo tự do

Hàn Quốc không có một tổ chức Phật giáo độc quyền. Đất nước này có 27 giáo phái Phật giáo (Buddhist orders), [4] mỗi giáo phái có cơ cấu tổ chức riêng, nhân sự riêng và có toàn quyền tự trị. Năm 2018, tổng số tổ chức Phật giáo tại Hàn Quốc là 482. [5]

Hiện nay, có 25 giáo phái Phật giáo ở Hàn Quốc đang là thành viên của Hiệp hội Phật giáo Hàn Quốc. [6] Tuy nhiên, hiệp hội này chỉ có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các hội đoàn Phật giáo. [7]

Nền dân chủ của Hàn Quốc đã thúc đẩy nước này hình thành một thị trường tôn giáo tự do. [8] Cơ chế thị trường đã giúp các tôn giáo phát triển mạnh mẽ.

Dân số Hàn Quốc chỉ bằng một nửa Việt Nam, nhưng số tín đồ Phật giáo vào năm 2015 là khoảng gần 8 triệu người, khoảng 15% dân số. [9] Trong khi đó, số tín đồ Phật giáo tại Việt Nam chỉ còn 4,6 triệu người vào năm 2019, chưa đến 5% tổng dân số, theo điều tra của Tổng cục Thống kê. [10]

Phật giáo Việt Nam cũng có các pháp môn khác nhau (Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông, v.v.), mỗi pháp môn lại chia thành các nhóm riêng rẽ. Một số nhóm từng được công nhận là giáo hội trước năm 1975, ví dụ như Hội Tịnh độ tông Việt Nam. [11] Ngoài ra, còn có các hội Phật giáo khác theo khu vực địa lý. Tuy nhiên, các hội đoàn như thế hiện nay đã biến mất hoặc trở thành các nhóm không chính thức, không được chính quyền công nhận và phải hoạt động dưới trướng của GHPGVN.

Nhật Bản: Đa dạng các hệ phái độc lập

Phật giáo Nhật Bản cũng chia theo pháp môn, mỗi pháp môn lại phân chia thành các hệ phái (denominations). Mỗi hệ phái tự quyết định mô hình tổ chức của mình, như phái Thiền Soto có cơ cấu tổ chức bài bản với cơ quan điều hành trung ương, [12] còn phái Thiền Rinzai thì không có một cơ quan lãnh đạo như vậy mà chia thành 15 nhánh khác nhau. [13]

Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có một hiệp hội Phật giáo có tên là Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản, thành lập năm 1957. Liên đoàn quy tụ hơn 90% các hệ phái và tổ chức Phật giáo trên toàn Nhật Bản, bao gồm 58 hệ phái chính cùng hàng chục hiệp hội, tổ chức Phật giáo khác. Vai trò của liên đoàn là duy trì liên lạc, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các hệ phái, đại diện cho Phật tử trong một số vấn đề công cộng, tham gia vận động cải cách luật về tôn giáo. [14]

Nhật Bản có 124,7 triệu dân, chỉ nhiều hơn Việt Nam khoảng 20%, nhưng có đến 84,8 triệu người Nhật theo đạo Phật (68% dân số), [15] gấp 18 lần số tín đồ Phật giáo Việt Nam năm 2019.

Phật giáo Nhật Bản có khoảng 77.000 ngôi chùa, [16] gấp bốn lần số tự viện hiện nay của GHPGVN (18.544). [17] Chỉ riêng Thiền phái Soto của nước này đã có 15.000 ngôi chùa. [18]

Đài Loan: Tự do hiệp hội đưa Phật giáo phát triển

Trước khi bãi bỏ Thiết quân luật, Đài Loan có mô hình kiểm soát Phật giáo tương tự Việt Nam hiện nay. Chính quyền Quốc dân Đảng chỉ cho phép một tổ chức Phật giáo duy nhất được hoạt động. Đó là Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc (Buddhist Association of the Republic of China - BAROC). Tổ chức này có cơ quan đại diện đến các cấp cơ sở tương tự như các ban trị sự các cấp của GHPGVN. [19]

Dưới thời kỳ độc tài này, chính quyền Đài Loan đã áp dụng quy tắc mà chính quyền Việt Nam đang sử dụng để hạn chế quyền tự do hiệp hội: không công nhận một tổ chức mới có cùng chức năng, lĩnh vực, khu vực địa lý với một tổ chức khác đang hoạt động. [20]

Do đó, BAROC hiển nhiên là tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất giống như GHPGVN hiện nay. Tất cả các ngôi chùa ở Đài Loan khi ấy đều thuộc hiệp hội này.

Dưới sự kiểm soát như vậy, Phật giáo Đài Loan không có cơ hội phát triển. Cho đến thập niên 1970, khi tình hình chính trị thay đổi theo hướng cởi mở hơn, một số tổ chức Phật giáo khác mới bắt đầu được hình thành.

Tuy nhiên, phải đến khi Thiết quân luật được bãi bỏ năm 1987, đặc biệt là sự ra đời của Bộ Luật sửa đổi về Tổ chức các nhóm dân sự (Revised Law on the Organization of Civic Groups) năm 1989, Phật giáo Đài Loan mới thật sự phát triển. Bộ luật này đã cho phép tự do thành lập các đảng phái chính trị. Cũng nhờ đó, các tổ chức dân sự có điều kiện để phát triển nhanh chóng, trong đó có hàng loạt tổ chức Phật giáo cạnh tranh trực tiếp với BAROC. [21]

Các tổ chức Phật giáo mới ra đời trong thời kỳ này đã vượt xa BAROC về mọi mặt, ví dụ như Phật Quang Sơn do Hòa thượng Tinh Vân sáng lập, đặc biệt là Từ Tế Cơ Kim Hội (Hiệp hội Cứu trợ Nhân đạo Phật giáo Từ Tế) do Ni sư Chứng Nghiêm thành lập - đã trở thành tổ chức Phật giáo nổi tiếng với các hoạt động trên khắp thế giới. [22]

Tính đến năm 2019, tổng dân số Đài Loan là 23,6 triệu người, trong đó có khoảng 3,3 triệu tín đồ Phật giáo, chiếm 14%. [23] Phật giáo Đài Loan có nhiều tín đồ nhất trong các tôn giáo. Ở Việt Nam, cũng theo thống kê năm 2019, số tín đồ Phật giáo chỉ còn chiếm khoảng 5% tổng dân số, đứng thứ hai sau Công giáo.

Trung Quốc: Người anh em sinh đôi với Việt Nam

Về mặt tổ chức, Phật giáo Trung Quốc có thể nói là anh em sinh đôi với Việt Nam.

Giống với Việt Nam, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc là tổ chức Phật giáo duy nhất. Hiệp hội đóng cùng lúc hai vai trò. Thứ nhất, hiệp hội như một công cụ mà nhà nước sử dụng để kiểm soát Phật giáo. Thứ hai, hiệp hội sẽ đại diện cho Phật giáo để dàn xếp các thỏa thuận, tranh chấp với nhà nước. [24]

Bên cạnh đó, bộ máy quản lý tôn giáo của chính quyền cũng khá tương đồng với Việt Nam. Trong thập niên 1950, Trung Quốc có Cục các vấn đề tôn giáo (Religious Affairs Bureaus), sau đó đổi tên thành Cơ quan Quản lý nhà nước về các vấn đề tôn giáo (State Administration for Religious Affairs). Chính quyền Trung Quốc có thể yêu cầu các ngôi chùa thành lập một ủy ban để điều hành các hoạt động tôn giáo. Ngoài các nhà sư của ngôi chùa, thành viên của ủy ban này là những cán bộ tôn giáo ở địa phương. Ủy ban sẽ trực tiếp giám sát, đề xuất các hoạt động, quản lý tài chính.

Nghiên cứu công bố năm 2006 của Yoshiko Ashiwa và David L. Wank cho thấy các cán bộ tôn giáo địa phương có thể lợi dụng vai trò của mình trong ủy ban này nhằm trục lợi qua việc ép các nhà sư kinh doanh tâm linh, đưa người nhà vào làm việc đã dẫn đến các xung đột lớn. Tuy nhiên, khi các nhà sư gạo cội lần lượt qua đời, lớp nhà sư mới - những người được sinh ra và giáo dục dưới chế độ Trung Quốc ngày nay - đã thiếu dũng cảm tranh đấu cho quyền tự trị của mình và trở nên thân thiết với chính quyền. [25]

Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tham gia quản lý các vấn đề về tôn giáo. Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cùng hai cơ quan vừa nêu đều có các cơ quan đại diện các cấp ở địa phương. [26] Cơ cấu tổ chức này tương tự như Giáo hội Phật giáo Việt Nam với ban trị sự các cấp, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan trực thuộc ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Tuy nhiên, từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc quản lý các tôn giáo. Cơ quan Quản lý nhà nước về các vấn đề tôn giáo bị giải thể. Thay vào đó, trách nhiệm kiểm soát các tôn giáo được giao về cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất quản lý một cách tập trung hơn. [27]

Hiện nay, các thống kê về số tín đồ tôn giáo tại Trung Quốc không đảm bảo tính chính xác. Chính quyền các địa phương không công bố cụ thể số tín đồ tôn giáo. Chính phủ Mỹ ước tính 18,2% dân số Trung Quốc theo Phật giáo, 5,1% theo đạo  Ki-tô (bao gồm cả Công giáo và Tin Lành), chưa đến 1% theo Đạo Lão, 21,9% theo các tôn giáo dân gian và 52,2% không tôn giáo. [28]

Với mô hình kiểm soát tương tự nhau, Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam đã bị chính trị hóa nặng nề. Chính quyền sử dụng Phật giáo như một công cụ để thực thi chính sách kiểm soát tôn giáo và xã hội. Phật giáo gần như trở thành một tổ chức của chính quyền.

Hậu quả của sự can thiệp thô bạo như vậy đã góp phần khiến Phật giáo hai nước ngày càng mất đi vị thế của mình. Nghiêm trọng hơn, sự độc quyền này còn tạo điều kiện để chính quyền cấu kết với các nhà sư biến chất nhằm thương mại hóa Phật giáo.

Cho đến nay, Việt Nam và Trung Quốc không có một nhà sư nào hoạt động trong nước mà nổi danh được trên thế giới, [29] trong khi các quốc gia cùng truyền thống Phật giáo Đại thừa khác đều có những nhà sư tên tuổi. Việt Nam và Trung Quốc cũng trở nên nổi tiếng với sự bảo kê của chính quyền để duy trì mô hình độc quyền Phật giáo dưới sự kiểm soát của một tổ chức duy nhất.

Tương lai vẫn khó đoán định đối với Phật giáo ở hai quốc gia này.

Tính đến năm 2017, dù vẫn duy trì chính sách độc quyền Phật giáo, chính quyền Trung Quốc đã cho phép tổ chức Phật Quang Sơn của Hòa thượng Tinh Vân mở thư viện và các trung tâm văn hóa bề thế ở bốn thành phố lớn. [30] Tổ chức này đã được chính quyền Trung Quốc đặc cách với điều kiện là không tham gia vào chính trị và không chỉ trích Đảng Cộng sản.

Vào đầu năm 2022, Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại Việt Nam. Năm 2010, sau vụ việc ở chùa Bát Nhã, ông cũng từng phải thốt lên rằng mình không biết chính trị là gì. [31] Đến thời điểm hiện tại, tăng đoàn Làng Mai của ông vẫn chưa được phép hoạt động chính thức hay mở bất kỳ cơ sở nào trong nước.

Chú thích

1. Is a Buddhist Group Changing China? Or Is China Changing It? (2017, June 24). The New York Times. https://www.nytimes.com/2017/06/24/world/asia/china-buddhism-fo-guang-shan.html

2. Tâm, V. (2022, January 22). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/

3. The Politics of a Reviving Buddhist Temple: State, Association, and Religion in Southeast China. (2006). Asian Studies, Vol. 65(No. 2), 346. https://www.jstor.org/stable/25076035?seq=10#metadata_info_tab_contents

4. Don Baker. (2012). Won Buddhism: Is it a New Religion? International Journal for the Study of New Religions. https://www.academia.edu/1220859/Won_Buddhism_Is_it_a_New_Religion

5. Number of religious organizations in South Korea in 2018, by religion. (2021, March 16). Statista. https://www.statista.com/statistics/995999/south-korea-number-religious-organizations-by-religion/

6. Association of Korean Buddhist Orders Publishes Buddhist National Treasures of Korea. (2022, March 11). Buddhist Global. https://www.buddhistdoor.net/news/association-of-korean-buddhist-orders-publishes-buddhist-national-treasures-of-korea/

7. 한국불교종단협의회. (n.d.). Jogye Order of Korean Buddhism. http://www.buddhism.or.kr/m/jongdan/sub4/sub4-3-3.php

8. Don Baker. (2016). The Emergence of a Religious Market in Twentieth-century Korea. E Review of Korean Studies, 19(1). https://www.academia.edu/26306251/The_Religious_Market_In_Korea

9. 2021 Report on International Religious Freedom: South Korea. (2022, June 2). U.S. Department of State. https://www.state.gov/reports/2021-report-on-international-religious-freedom/south-korea/

10. Thanh, T. (2021, February 18). Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2021/02/thong-ke-so-tin-do-phat-giao-nha-nuoc-noi-giam-giao-hoi-hut-hang/

11. Hội Tịnh Độ Tông tại Việt Nam. (n.d.). Chùa Bửu Châu. https://web.archive.org/web/20221106020219/https://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/hoi-tinh-do-tong-tai-viet-nam_51987.html

12. What’s Sotoshu? Denomination. (n.d.). Soto Zen. https://www.sotozen.com/eng/what/denomination/index.html

13. Rinzai. (n.d.). Britannica. https://www.britannica.com/topic/Rinzai

14. Introducing the Japan Buddhist Federation (JBF). (n.d.). BuddhaNet. http://www.buddhanet.net/nippon/nippon_partIV.html

15. 2021 Report on International Religious Freedom: Japan. (2022, June 2). U.S. Department of State. https://www.state.gov/reports/2021-report-on-international-religious-freedom/japan/

16. The COVID-19 Pandemic and Changes to Japan’s Temples and the Japanese View of Life and Death. (2021, June 11). Foreign Press Center Japan Foreign Press Center Japan. https://fpcj.jp/en/assistance-en/briefings_notice-en/p=88044/

17. Tâm, V. (2021, November 22). 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm độc quyền Phật giáo. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2021/11/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-40-nam-doc-quyen-phat-giao/

18. What’s Sotoshu? History. (n.d.). Sotto Zen. https://www.sotozen.com/eng/what/history/index.html

19. André Laliberté. (2009). The Regulation of Religious Affairs in Taiwan: From State Control to Laisser-faire? Journal of Current Chinese Affairs, 38(2). https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/186810260903800203

20. Charles Brewer Jones. (1996). Buddhism in Taiwan: A Historical Survey. Page 335. University of Virginia. https://buddhism.lib.ntu.edu.tw/museum/TAIWAN/md/bit/bit-327.htm

21. Xem [20].

22. Tên tiếng Anh của tổ chức này là Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Association. Xem thêm tại [20]. Trang 341 - 390.

23. 2021 Report on International Religious Freedom: Taiwan. (2022, June). https://www.state.gov/reports/2021-report-on-international-religious-freedom/taiwan/

24. Xem [3].

25. Xem [3].

26. Xem [3].

27. Fears about Chinese influence grow as more powers given to shadowy agency. (2018, March 21). South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2138279/bigger-overseas-liaison-agency-fuels-fears-about

28. China (Includes Tibet, Xinjiang, Hong Kong, and Macau). (2022, June 2). United States Department of State. https://www.state.gov/reports/2021-report-on-international-religious-freedom/china/

29. Lau, M. (2018b, September 22). The decline and fall of Chinese Buddhism: how modern politics and fast money corrupted an ancient religion. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/politics/article/2165088/decline-and-fall-chinese-buddhism-how-modern-politics-and-fast

30. Xem [1].

31. Xem [2].

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.